Cùng Sunner trở về tuổi thơ với Giải đấu "Gunbound" lần đầu tiên tổ chức
Từ ngày 18/09, Giải đấu game Gunbound "độc nhất vô nhị" tại Sun* đã chính thức công bố khởi tranh. Đây là giải đấu được chờ đợi nhất của Chi nhánh Đà Nẵng không chỉ bởi tính chất "hoài niệm" của Gunbound và quy tụ nhiều hảo thủ với những pha nổ súng "đi vào lòng người", mà còn nằm ở sự dẫn dắt chuyên nghiệp của đội ngũ Ban Văn hóa CEV11.
Giải game Gunbound của CEV11 được chia thành 2 giai đoạn: Round Robin và Main Event. Round Robin là vòng loại được chia đều thành 5 round, mỗi round là 2 cặp đấu và kéo dài trong 5 ngày. Các đội sẽ đấu vòng tròn với nhau để tính điểm, thắng sẽ được 3 điểm, hòa sẽ được 1, thua thì còn "mỗi cái nịt". Trong số 5 team thi đấu (team No.1, team Không Sợ Chó, team Dân Chơi, team Gà và team Mèo Con Sưởi Nắng) thì 4 team có điểm cao nhất sẽ bước vào vòng tiếp theo.
Sau khi đã chọn ra được 4 team xuất sắc nhất ở vòng loại thì các team sẽ bước vào giai đoạn Main Event, tiến hành bốc thăm để chọn cặp đấu. Đội thắng của mỗi cặp sẽ đi vào trận Chung Kết tranh chức vô địch, còn 2 đội thua sẽ đấu với nhau để tranh vị trí thứ 3.
Về yêu cầu hay quy định cụ thể ở trong các game đấu không quá phức tạp bởi các team đều có cho mình những thành viên mới tập bắn hay thậm chí là mới chỉ bắn 1 game duy nhất trước khi tham gia giải.
Ở vòng loại, để giảm thiểu độ phức tạp nhất có thể, Ban tổ chức (BTC) giải đã cố định các Map và xe có lối chơi đơn giản, gió 0 và không cộng chỉ số từ Items để có sự công bằng. Các game thủ không được mang theo skin và item support. BTC sẽ đưa ra 1 bộ xe trong mỗi trận đấu, đội trưởng mỗi Team sẽ thảo luận và đưa ra sự lựa chọn xe cho từng thành viên trong đội của mình (unique validation).
Càng đi vào vòng trong thì các players cũng đã quen dần nên gió sẽ tăng lên max 12, sau đó là 26, cũng như xe và map đều random. Nhờ vậy mà ở vòng Main Event, các cổ động viên, BTC, hay thậm chí players đều "cười không nhặt được mồm" với những pha bắn rất tấu hài đến từ các đội tuyển. Cảm giác cứ như những người anh em ngày xưa hay ra quán Internet bắn chung với nhau lấy niềm vui chứ không đặt nặng tính ganh đua nhiều.
Để tăng tinh thần cho đội cổ động viên khi xem các trận đấu, cũng như đẩy mạnh sức hấp dẫn cho giải đấu, Ban Văn hóa (BVH) đã thành lập nhà cái CEV11 để liên tục lên các kèo đấu cho các cổ động viên và người hâm mộ có thể đặt cược với tối đa là 10.000 VNĐ. Ở trận Chung Kết thì sẽ có tiền cược là 200.000 VNĐ do BVH tài trợ cũng như cộng với tổng tiền mà những người chơi đã mua vé cược.
Ở giải lần này thì các đội tuyển đều tạo ra sự đột biến trong suốt quá trình thi đấu. Ví dụ như đội được đánh giá cao nhất thì lại bị loại sớm nhất, còn đội không được đánh giá cao thì lại đặt chân vào vòng trong hay thậm chí là "ẵm" luôn cả chức vô địch. Ở vòng loại thì đa số là các trận đấu chào hỏi, thăm dò đội hình và thực lực từ các đội nên ban đầu vẫn còn rất nhẹ nhàng, từ round thứ 3 trở đi thì các đội cũng tự tin hơn và bắt đầu tăng tốc trên hành trình giành điểm để đi vào vòng trong.
Kết thúc vòng loại thì team "Không Sợ Chó", dẫn đầu là Sunner Xuân Đạt đã xuất sắc giành được vị trí đầu bảng. Đáng buồn thay, team được đánh giá là ứng cử viên cho chức vô địch, cũng như chọn cho mình 1 cái tên "rất là vô địch" - No.1 của UM Thanh Phong đã phải dừng chân ở vòng loại sau Round 5, cũng chính vì bại dưới tay của team "Không Sợ Chó".
Bước vào vòng Main Event, những tưởng team "Không Sợ Chó" sẽ áp đảo các đội khác với số điểm của mình ở vòng loại nhưng kết quả lại bị "gạt giò" bởi team Dân Chơi được mệnh danh là "Ông hoàng chiến thuật" của giải, dẫn đến phải xuống tranh giải 3-4 với đội Gà.
Sàn đấu của trận Chung Kết đã gọi tên 2 đội là Dân Chơi và Mèo Con Sưởi Nắng. Mặc dù không được đánh giá cao như đội còn lại nhưng những chú Mèo Con lại có màn thể hiện tốt hơn ở trận Chung Kết và chiến thắng với kết quả chóng vánh 3 - 1 trước sự ngỡ ngàng của các cổ động viên và người hâm mộ. Niềm vui của đội cũng chưa dừng lại ở đó khi 2 thành viên của team Mèo Con Sưởi Nắng cũng ẵm thêm giải cược từ BTC về cho đội mình. Quả là "người 4 hộp sữa, người không hộp nào".
"Game thủ" Quý Nguyễn nói về cảm xúc khi team mình chiến thắng giải đấu: "Cảm ơn BVH CEV11 vì đã giúp mình được trải nghiệm lại 1 chút thời trẻ trâu khi chơi Gunbound trước đây. Nhờ có các hoạt động sôi nổi như thế này mà không khí làm việc online mùa dịch không hề nhàm chán và cũng từ đó, mình gắn kết hơn các member trong CEV 11.
Có thể thấy dễ dàng là team mình trong toàn mùa giải là đội yếu nhất nhưng giành được vô địch. Nhưng theo cá nhân mình thấy điều này là do team mình có 1 chiến thuật tốt và các thành viên đều nỗ lực trong việc tập luyện để có thành tích tốt hơn. Khi người ngoài thấy đội mình luôn bắt trượt hay là bắn vào đồng đội mình như những pha tấu hài, nhưng thật ra là do chúng mình cố tình tạo 1 vài cái hố dễ dàng đục rơi đội bạn hoặc cản phá chiến thuật đội bạn tốt hơn thôi. Mỗi phát bắn trong "tim" mình bắn ra đều là có lý do cả!"
CEV11 hoạt động văn hóa theo mô hình chia nhỏ cả Unit ra thành 5 team để phục vụ mục đích hoạt động văn hóa và mỗi team sẽ có quỹ điểm riêng của mình, số điểm này sẽ được cộng nhiều ít, tùy vào thứ hạng trong các event hay trò chơi của mỗi team. Ở giải Gunbound lần này thì ngoài giải thưởng là hiện kim thì BTC cũng bổ sung thêm vào cơ cấu giải thưởng như sau:
- 1st Place: 200.000VNĐ + 4 điểm văn hóa.
- 2nd Place: 3 điểm văn hóa.
- 3rd Place: 2 điểm văn hóa.
- 2 đội đồng hạng 4: 1 điểm cho mỗi đội.
Ngoài giải đấu game Gunbound, trong thời gian qua, CEV11 đã diễn ra thêm nhiều hoạt động nổi bật khác, có thể kể đến như: cuộc thi thiết kế logo và slogan, mini game tương tác ở một khung giờ ngẫu nhiên vào mỗi thứ 2,4,6 hàng tuần, game Kahoot, các buổi seminar thú vị, Monthly Meeting sôi động diễn ra hàng tháng.... Điều đặc biệt là các hoạt động của CEV11 đều nhận được sự hưởng ứng đông đảo với hơn 90% Sunner CEV11 tham gia, độ gắn kết giữa các thành viên tăng dần qua từng chương trình.
Chia sẻ về mục tiêu giai đoạn tới, đại diện Ban Văn hóa CEV11 - Bạn Hoàng Trung cho biết: "BVH vẫn ưu tiên việc tìm kiếm ý tưởng mới để tổ chức thêm các event hay game để gắn kết và tạo sự hứng khởi cho các thành viên trong CEV trước. Hiện tại, quy mô CEV11 khá đông nên việc gắn kết cũng không hề dễ dàng, chưa kể việc remote do dịch cũng là một vấn đề nan giải. BVH đã và đang nỗ lực để tạo ra một CEV11 đặc biệt, có 1-0-2, các thành viên trong CEV sẽ thân thiết như anh em gia đình."
Nếu bạn là tín đồ của những tựa game online theo dạng bắn súng tọa độ như Gunbound thì không nên bỏ qua giải đấu này của CEV11 nhé! Tin chắc rằng, với "kho tàng ý tưởng" đầy thú vị của BVH thì CEV11 sẽ tiếp tục cho ra mắt những hoạt động ấn tượng hơn nữa!
Gunbound có mặt sớm nhất ở Việt Nam vào khoảng đầu những năm 2000. Trò chơi nhanh chóng được cộng đồng game thủ yêu mến và có cái nhìn vô cùng tích cực nhờ vào đồ họa cực kỳ cute cùng với đó là lối chơi đơn giản nhưng đầy cuốn hút. Nếu ai chưa biết thì Gunbound cũng chính là tiền bối của một tựa game khá đình đám ở Việt Nam những năm sau đó mà mọi người thường biết đến với cái tên Gunny. Cách chơi của game cũng rất dễ để tiếp cận. Về cơ bản thì chỉ cần 5 nút, lên, xuống, tới, lui và space là đã có thể làm quen với game và bắn được. Đương nhiên ngoài ra cũng còn nhiều chi tiết nâng cao hơn như gió sẽ ảnh hưởng tới đường đi của đạn, những hiệu ứng môi trường, hay thậm chí là những công thức tính góc, tính lực cho từng loại xe khác nhau. Những điều trên đã kết hợp lại và tạo ra tựa game có thể coi là một phần tuổi thơ đẹp đẽ nhất của những game thủ thế hệ 8x, đầu 9x tại Việt Nam. |