Cùng Sunner vượt qua hội chứng “sợ đi làm” sau nghỉ lễ

Nghỉ lễ thì ai cũng thích, nhưng cảm giác phải “tạm biệt” những ngày nghỉ tuyệt vời để quay trở lại với công việc thì quả thật là một trở ngại tâm lý mà không ít người phải than trời.

Hội chứng “Buồn bã hậu nghỉ lễ” (tên tiếng Anh: “Post-vacation blues / Post-holiday blues”) là một loại cảm giác chán nản, mệt mỏi mà chúng ta có thể gặp khi phải quay trở lại với guồng quay thường nhật của cuộc sống sau một kỳ nghỉ dài ngày. Thường thì kỳ nghỉ càng dài, với các hoạt động càng thú vị sẽ càng khiến chúng ta dễ bị rơi vào trạng thái này hơn. “Buồn bã hậu nghỉ lễ” tuy không quá nghiêm trọng, nhưng cũng có thể khiến chúng ta cảm thấy mệt mỏi, chán ăn, buồn bã, mất tập trung trong một thời gian. Theo một bài báo được đăng tải trên tờ The Mirror của Anh, có đến 57% du khách người Anh cho biết đã từng trải qua hội chứng tâm lý này.

Vì là hội chứng thường gặp, nên chúng ta cũng dễ dàng tìm được những hướng dẫn đơn giản để vượt qua trạng thái tâm lý tiêu cực này. Một số phương pháp phổ biến phải kể đến như:

  • Cho bản thân quãng thời gian nghỉ ngơi, làm việc nhẹ nhàng để làm “bước đệm” trước khi chính thức “comeback” với công việc
  • Cố gắng duy trì “tinh thần ngày lễ” bằng cách tận hưởng những sở thích thường nhật, hào hứng tạo ra những trải nghiệm mới dù là nhỏ nhất như thử một tiệm cà phê chưa từng đặt chân đến, xem một bộ phim mới ra rạp, đặt lịch ngóng chờ một TV series sắp ra mắt trên Netflix vv..
  • Điều chỉnh chế độ sinh hoạt lành mạnh, tập thể dục thể thao
  • Thực hành lòng biết ơn với những trải nghiệm mà kỳ nghỉ vừa qua đã mang lại, để lấy đó làm động lực tiếp tục lao động, học tập để hướng đến những trải nghiệm tuyệt vời như thế trong tương lai.

Còn bây giờ, hãy cùng Sun* News hỏi thêm ý kiến của một số Sunner về trải nghiệm “Nỗi buồn hậu nghỉ lễ” và cách các bạn ấy vượt qua hội chứng này nhé!

Với những kỳ nghỉ ngắn ngày (từ 2-3 ngày) mình sẽ không có cảm giác bị hụt hẫng, vì khi về nhà mình vẫn phải làm việc phụ bố mẹ, hoặc làm việc nhà nên cũng không bị rảnh chân rảnh tay quá. Nhưng với những kỳ nghỉ dài ngày, đi du lịch nghỉ dưỡng thì mình cũng dễ bị hụt hẫng, lệch nhịp nhiều hơn do ăn chơi nhảy múa và nằm ngủ quá nhiều (Cười). 

Kinh nghiệm để vượt qua cảm giác này của cá nhân mình là không để cơ thể và não bộ "bị" nghỉ ngơi quá lâu. Ví dụ như sau chuyến du lịch dài ngày mình sẽ dành ra vài tiếng buổi tối trước khi ngủ để xem lại các công việc hôm sau phải làm để có sự chuẩn bị trước về tinh thần, sẵn sàng nhập cuộc lại với guồng quay công việc.

 

Duy Anh (IFU)

Mình đã từng mắc hội Buồn bã hậu nghỉ lễ rồi, thậm chí là thường xuyên luôn :( Sau mỗi kỳ nghỉ hoặc chuyến du lịch dài ngày mình đều cảm thấy có chút hụt hẫng, nuối tiếc, dù đã về nhà nhưng tâm hồn vẫn đang lơ lửng trong kỳ nghỉ. Mình sẽ thường mất khoảng 1 tuần để bắt kịp lại với nhịp độ thường ngày. 

Khi rơi vào trạng thái này, mình nghĩ chúng ta cần phải đối mặt với thực tại và tự sốc lại tinh thần, bởi guồng quay cuộc sống vẫn diễn ra mà. Mình có xu hướng đối mặt với thực tế đó để không bị "ngủ quên" trong kỳ nghỉ. Sau n lần trải qua hội chứng này, bản thân mình đã đúc rút được một số lesson learned để nhanh chóng vượt qua hơn: -

  • Chủ động cho cuộc sống trước và sau kỳ nghỉ: Lên kế hoạch, sắp xếp mọi công việc cho trước và sau kỳ nghỉ, tránh việc khi quay trở lại với thường ngày bị shock và dễ chán nản bởi công việc bị dồn dập
  • Ghi lại mọi điều trong chuyến đi: hãy chụp ảnh, quay phim thật nhiều nhé! Dù chuyến đi đã qua lâu mấy đi nữa, mỗi khi xem lại mình đều cảm thấy rất vui và hạnh phúc vì bản thân đã có những hành trình thật đẹp như vậy. Khi trở về với thường ngày, thi thoảng mình vẫn xem lại những bức ảnh, clip ghi lại những khoảnh khắc trong chuyến đi trước đó để giúp tâm hồn thư giãn hơn và bớt "nhớ nhung" những kỳ nghỉ hơn.
  • Luôn hướng về phía trước: Mình sẽ còn có những kỳ nghỉ, chuyến đi tiếp theo nữa. Có thể coi đó là một trong những mục tiêu hướng đến để nhanh chóng sốc lại tinh thần, quay trở lại guồng công việc. Làm việc chăm chỉ và chúng ta sẽ sớm được tận hưởng những chuyến đi tiếp theo thôi.

 Khánh Linh (L&D - HRV Unit)

Vì tính hay lo xa nên thậm chí chưa hết kì nghỉ mình đã có suy nghĩ: ôi sắp hết lễ rồi sao, sắp phải quay lại làm việc rồi sao. Đôi khi bản thân sẽ mất thời gian và cả sức lực để "vật vã" trở lại guồng cũ, rời xa những thoải mái của việc nghỉ ngơi nhàn nhã. Nhưng chỉ đã từng mà thôi, sau những lần như thế mình phải tìm cách hạn chế, khắc phục ngay từ những bước đầu tiên khi lên kế hoạch cho việc nghỉ ngơi. 

Theo kinh nghiệm của cá nhân mình thì chúng ta cần lên kế hoạch, có thời gian kết thúc nghỉ ngơi cụ thể chứ đừng cố chơi, cố níu kéo tới phút chót. Ví dụ như đặt lịch bay/tàu xe về lại Hà Nội không quá muộn (vào cuối giờ chiều/tối khuya), làm tâm trạng thêm mệt mỏi vì chờ đợi, tắc đường chả hạn. Chúng ta cũng nên tranh thủ ngày làm việc cuối cùng trước khi nghỉ lễ, list lại các công việc và thời gian hoàn thành cụ thể ngay sau lễ, 5S lại bàn làm việc/tủ đồ cá nhân trước khi nghỉ, vì chẳng ai lại muốn vừa nghỉ lễ xong, quay lại công ty đã phải lau dọn bàn, vứt rác sau kì nghỉ dài. 

Trong thời gian nghỉ lễ, hãy cứ vui chơi thoải mái, không nghĩ ngợi gì về công việc và các bộn bề khác, nhưng đừng để thời gian cuốn phăng bạn đi, hãy luôn nhắc nhở mình hôm nay là thứ mấy, ngày mấy ít nhất 1 lần trong ngày. Đừng đếm thời gian bằng "ngày thứ mấy của kì nghỉ lễ" hay "còn mùng là còn Tết". Buổi tối cuối cùng của kì nghỉ lễ, hãy vui chơi nhẹ nhàng, "triệu hồi" thân-tâm-ý trở lại với cuộc sống thường nhật, và ngủ sớm để đồng hồ sinh học trở lại đúng nếp, chuẩn bị cho hành trình tiếp theo, với suy nghĩ có đi làm thì mới tích lũy thêm tài chính, chuẩn bị tận hưởng cho kì nghỉ tới được thoải mái hơn nhé.

Thanh Hoa (FCOV)

Mình không phải một work-aholic (kể cuồng công việc) nên khi phải tạm biệt kỳ nghỉ lễ hay chuyến du lịch tới một nơi mà mình yêu thích để quay trở lại công việc, mình có xu hướng hụt hẫng và chán nản. Tuy nhiên, vì mình nhận thức được trách nhiệm của bản thân với công việc lẫn kiếm tiền nên cảm giác đó sẽ không kéo dài lâu, chỉ tầm 1-2 ngày sau mình đã có thể hoàn toàn quay lại guồng công việc rồi. Cảm giác mà mình gặp nhiều nhất khi dính phải hội chứng này là hụt hẫng và tiếc nuối. Hụt hẫng và tiếc nuối khi kỳ nghỉ hoặc chuyến du lịch trôi qua quá nhanh, chóng vánh,chưa đủ để mình cảm nhận. Hai cảm giác này sẽ kéo theo một cơ thể uể oải và rệu rã, chưa thể bắt nhịp được luôn với guồng công việc. Giống kiểu đang đánh đàn lúc cao hứng thì bị đứt dây, tụt mút phập 1 phát (Cười)

Mặc dù nghỉ những bản tính mình vẫn hay theo dõi group làm việc, chỉ đơn thuần là theo dõi xem mọi người làm gì thôi, nên khi quay trở lại guồng công việc, mình không rơi vào tình trạng lạ lẫm hay đứt quãng với những việc mình đang làm ở công ty. Mình cũng thường đi làm sớm để gặp những người đồng nghiệp thân thiết, tươi cười buôn chuyện với họ, kể cho họ nghe về chuyến đi thay vì ngủ nướng trên giường và suy nghĩ xem mình có nên đi làm không. Ngoài ra, có 1 cách mà mình thấy hiệu quả nữa, đó là tiếp tục lên plan cho những chuyến đi tiếp theo, để lấy cảm hứng xách balo lên và đi tiếp.

Diệu Linh (CCV)

Khi dính phải hội chứng này, trong lòng mình thường dâng lên một nỗi buồn man mác, thẫn thờ, chán nản không biết làm gì, đi ra đi vào. Vì biết bản thân có xu hướng đó nên mình hay lên kế hoạch nghỉ "dôi" ra 1 ngày trước khi bắt đầu quay lại với nhịp cũ. Trong ngày hôm đó mình sẽ thong thả làm li cà phê, đôi ba ván game, giải trí nhẹ nhàng, và cuối cùng là lướt nhẹ qua 1 lượt các công việc để ngày hôm sau đi làm không bị ngợp.

Anh Quân (CEV10)

Hy vọng rằng sau bài viết này, các Sunner đã "bỏ túi" được một số "bí kíp" hữu ích để vượt qua cảm giác "chán đi làm" hậu nghỉ lễ. Hãy cùng nhau nhanh chóng gạt bỏ những mối ưu phiền, hăng say làm việc để những kỳ nghỉ tiếp theo sẽ còn ý nghĩa và đáng mong chờ hơn nữa Sunner nhé!