Điều gì khiến Christopher Nolan - cha đẻ của trilogy Batman bom tấn trở thành tượng đài bất diệt của điện ảnh thế giới?

Chưa từng qua bất kỳ trường lớp đào tạo đạo diễn chuyên nghiệp nào, nhưng điều gì đã tạo nên một Christopher Nolan vĩ đại với 20 năm làm phim, 10 tác phẩm kinh điển, 3 bộ phim thuộc top vĩ đại nhất lịch sử và tổng cộng 34 đề cử giải Oscar? Hãy cùng nhau tìm hiểu về vị đạo diễn tài ba này và cách ông đang dùng nghệ thuật để vẽ nên ánh sáng không chỉ cho điện ảnh mà còn cho toàn nhân loại nhé!

Trong một năm mà làng điện ảnh thế giới tan hoang vì Covid-19, thì vẫn còn một bộ phim được hứa hẹn trở thành bom tấn duy nhất trong năm nay: Tenet. Điều làm nên sức hấp dẫn cho Tenet chính là ở đạo diễn của phim: Christopher Nolan. Hoàn toàn không ngoa chút nào khi nói vị đạo diễn người Anh này chính là một trong những đạo diễn xuất sắc nhất 20 năm đầu thế kỉ 21 và đang trên con đường trở thành một trong những đạo diễn xuất sắc nhất thời đại. 

1. Những câu chuyện đặc trưng đầy cá tính

Không phải ngẫu nhiên mà chỉ với bộ phim thứ hai Memento (sản xuất năm 2000), Chris Nolan đã được đề cử Oscar cho Kịch bản gốc xuất sắc nhất. Câu chuyện về người đàn ông mất trí nhớ cục bộ được kể bằng hai timeline khác nhau, khiến bộ phim trở thành một câu đố hack não dành cho người xem.

Và Nolan bắt đầu tìm được chỗ đứng trong lòng khán giả  yêu điện ảnh với việc chuyển thể nhân vật truyện tranh Batman lừng lẫy. Trước khi ông thực hiện điều này, đã có rất người thành công như Tim Burton với phiên bản "Batman" (1989) đạt Oscar cho Thiết kế xuất sắc nhất nhưng cũng có kẻ thất bại như Joel Schumacher với "Batman and Robin". Thế nhưng, Nolan đã thực sự khẳng định tài năng của mình khi phát hành bộ ba phim Batman lần lượt vào năm 2005 - 2008 -2012, thu về hơn 1 tỷ đôla giữa lúc dòng phim siêu anh hùng đang ở trạng thái èo uột, bế tắc, và không được khán giả chú ý nhiều. 

Đồng thời, ông còn khiến cho cái tên của The Dark Knight xuất hiện trên thảm đỏ Oscar (giải Nam phụ xuất sắc dành cho Heath Ledger trong vai Joker) và xếp hạng 4 trong top 100 phim hay nhất mọi thời đại của IMDB!

Loạt ba phim Batman của Nolan: Batman Begins (2005), The Dark Knight (2008) và The Dark Knight Rises (2012) (Nguồn ảnh: GenK)

Vậy điều gì đã khiến cho loạt phim Batman của Nolan đạt được thành công vang dội thế này? 

Đó chính là một cốt truyện vô cùng khác biệt và nguyên bản. Không còn tập trung khai thác cảnh cháy nổ hay chuyện tình cảm với các mỹ nhân nóng bỏng, loạt ba phim Batman của Nolan là một câu chuyện hoàn chỉnh về sự vươn lên của hi vọng, sự đối đầu giữa Trật tự và Hỗn loạn. Nhân vật Batman không còn là một "Đấng vô đối" (từ mà fan hay dùng để ví von sự mạnh mẽ quá mức của Batmman), mà chỉ đơn giản là một con người với đủ mọi ưu, khuyết điểm đang nỗ lực hoàn thành giấc mơ của mình. Hành trình của nhân vật Batman được xây dựng vô cùng chặt chẽ và thuyết phục, khiến người xem đồng cảm với những khổ đau, mất mát mà Batman và cả những nhân vật khác trong phim trải qua, khiến họ thích thú và cảm động, muốn xem lại thật nhiều lần những khung hình đầy mê hoặc ấy.

Sau thành công của loạt ba phim về Batman, Nolan tiếp tục chứng tỏ mình là người đàn ông của những câu chuyện đặc sắc: ông cho khán giả du hành trong thế giới của những giấc mơ (Inception), hay bay thẳng vào vũ trụ bao la (Interstellar). Giữa một Hollywood đang ngày một bão hòa vì siêu anh hùng, những bộ phim của Nolan cứ thế mà xuất hiện, hớp hồn người xem bằng những câu chuyện không đụng hàng, khiến cho người xem dù thích hay không cũng không thể quên được chúng.

Sau thành công của loạt ba phim về Batman, Nolan tiếp tục chứng tỏ mình là người đàn ông của những câu chuyện đặc sắc

2. Cách kể chuyện vô cùng "điên rồ" và hấp dẫn

Như tôi đã nói ở trên, bộ phim thứ 2 của Nolan - Memento đã được đề cử "Kịch bản gốc xuất sắc" ở Oscar. Nhưng với kịch bản ấy, nếu rơi vào tay những đạo diễn non kém, thì có lẽ chúng ta đã có một thảm họa điện ảnh. 

Vậy Nolan đã làm thế nào để biến một kịch bản hay thành một bộ phim xuất sắc?

2.1. Kịch bản hack não

Ông đã thăng hoa cho kịch bản ấy thành một hành trình hack não không hồi kết đối với khán giả! Thật vậy, câu chuyện của Memento được chia làm hai phần: phần phim có màu là nơi mà các tình tiết được diễn biến như bình thường; Trong khi đó, phần phim trắng đen lại là những tình tiết từ hiện tại ngược về quá khứ. Thế là người xem không chỉ phải căng não để nhớ các tình tiết, mà còn phải tự sắp xếp chúng lại để tạo nên câu chuyện hoàn chỉnh!

Trong phim của Nolan, thời gian bị vặn xoắn, kéo giãn và xoay vòng theo những cách "khó đỡ" nhất. 

Mỗi một lần xem phim của ông là một lần thử thách khả năng ghi nhớ, suy luận logic, xâu chuỗi sự kiện và tổng hợp thông tin. Chính những thử thách mà chỉ có Nolan mới có thể tạo ra, đã khiến ông trở thành một tượng đài bất biến trong lòng người hâm mộ sau suốt ngần ấy năm. Với họ, ông vừa là người kể chuyện, vừa là người khai sáng cho trí tuệ của họ và sưởi ấm trái tim họ bằng những thông điệp ẩn sâu bên trong từng câu chuyện phim.

2.2. Thông điệp ẩn giấu đầy nhân văn

Nhắc đến những tình tiết và những thông điệp ẩn giấu, chắc không ít người vẫn còn nhớ đến câu chuyện con xoay trong Inception. Cuối phim Inception, con quay do nhân vật Cobb (Leonardo Dicapiro) tiếp tục quay, khiến người xem phải tự hỏi: "Liệu Cobb (Leonardo Dicapiro) đã về lại thực tại chưa hay vẫn đang lang thang trong limbo?". 

Cộng đồng hâm mộ phim chia thành hai phe rõ ràng: một bên cho rằng Cobb vẫn còn ở trong mơ còn một bên lại cho rằng Cobb đã trở về thực tại. Khi được hỏi về tình tiết này, Nolan đã nói: 

"Cách mà cái kết của phim diễn ra, trong đó nhân vật Cobb bỏ đi cùng các con, cho thấy anh ta đã ở trong thực tại có tính chủ quan của mình. Anh ta không còn quan tâm nữa, và điều đó tạo thành một tuyên bố: Có lẽ, tất cả các mức độ của thực tại đều có thật!".

"Theo truyền thống, những bài phát biểu dành cho sinh viên thường là một ai đó nói về việc "theo đuổi giấc mơ". Nhưng tôi không muốn nói điều đó với các bạn vì tôi không tin vào điều đó. Tôi muốn các bạn theo đuổi thực tại của các bạn".

"Tôi cảm thấy rằng theo thời gian, chúng ta dần xem thực tại như là một phiên bản kém sang (từ gốc: poor cousin) của những giấc mơ. Tôi muốn cho các bạn thấy rằng những giấc mơ, những thực tại ảo, những điều trừu tượng mà chúng ta thích thú bao bọc xung quanh mình, chỉ là những tập hợp con của thực tại."

Câu chuyện con xoay trong Inception (Nguồn ảnh: Internet)

Như vậy, thông qua tình tiết con quay không được ngã ngũ, Nolan đã truyền đi thông điệp: 

Thực tại là một ngôi nhà xây nên bởi trí tuệ và được lựa chọn bởi trái tim. Việc của người hâm mộ là tiếp tục giữ niềm tin vào cái kết mà họ muốn, đồng thời thay đổi thực tại của chính mình một cách dũng cảm như Cobb đã làm trong Inception.

2.3. Hiệu ứng đỉnh cao

Những thông điệp đầy nhân văn ẩn sau những cốt truyện hấp dẫn. Nhưng tuyệt vời hơn cả, chính là cốt truyện ấy lại được tô vẽ bằng âm thanh, hình ảnh thuộc loại đỉnh cao. Giới hâm mộ phim hẳn không còn lạ gì độ "điên" của Nolan khi ông luôn đòi hỏi cao nhất tính chân thực của những hiệu ứng hình ảnh, âm thanh trong phim của mình. 

Trong The Dark Knight, ông đã mua lại một tòa nhà bỏ hoang và cho nổ tòa nhà đó để phục vụ cảnh Joker cho nổ bệnh viện Gotham. Hay trong Tenet sắp ra mắt, Nolan mua lại một chiếc máy bay BOEING 747 cũ để thu âm cho cảnh quay trong máy bay. Và dĩ nhiên, cảnh máy bay phát nổ chính là cảnh thật, không hề có sự can thiệp của CGI. 

cảnh máy bay phát nổ chính là cảnh thật, không hề có sự can thiệp của CGI. (Nguồn ảnh: Internet)

Có câu "ý tưởng lớn gặp nhau", Nolan đã rất may mắn khi có một người đồng hành tài ba trong việc sử dụng nhạc phim: Hans Zimmer. Soundtrack của những bộ phim như The Dark Knight, Inception, Insterstellar đã cho phép người xem nhập tâm 100% vào thế giới trong phim. 

Chẳng hạn như trong phim Interstellar, có một cảnh phim mà trong đó nhóm thám hiểm hạ cánh lên một hành tinh đầy nước, do tác động của lỗ đen vũ trụ, mà nước trên hành tinh ấy cuộn trào thành những con sóng thần, đe dọa tính mạng của đoàn thám hiểm. Để đẩy nhịp phim lên đến đỉnh cao căng thẳng, Hans Zimmer đã thêm tiếng tích tóc của đồng hồ vào nhạc phim, tạo nên một sự hối thúc vô hình cho đoàn thám hiểm lẫn khán giả. Những tiếng tích tóc ấy không chỉ tạo nên cảm giác căng thẳng, mà còn hàm chứa một ý nghĩa riêng: mỗi một tiếng tích tóc là một ngày trôi qua trên Trái Đất!

Nolan ở phim trường và chụp chung với Hans Zimmer (Nguồn ảnh: Internet)

3. Những giá trị nhân văn tích cực

Trong bộ phim Inception, nhân vật Cooper đã nói về những ý tưởng, những suy nghĩ như sau:

Thứ nhất, một khi một ý tưởng đã bám lấy bộ não thì sẽ không thể nào xóa bỏ hoàn toàn được. Và một ý tưởng đã hình thành trọn vẹn, hoàn toàn thấu hiểu, sẽ gắn liền trong tâm trí của ta.

Thứ hai, Nolan hiểu rõ sức lây lan của những ý tưởng. Và may thay ông chọn những thông điệp tích cực để "cài cắm" vào tâm trí người xem. Điều đó không chỉ giúp họ có thể nhẹ lòng bước ra khỏi rạp, mà còn giúp họ vững tin hơn trong những thời khắc đen tối. Khi họ tuyệt vọng, họ sẽ nhớ đến Inception của Nolan với câu chuyện về lòng dũng cảm theo đuổi thực tại. Hay những người đang cô đơn và trống vắng trong tình cảm có thể du hành đến những vì sao cùng đoàn thám hiểm của Interstellar, để rồi khẳng định lại sự tồn tại của tình yêu: 

Chỉ có hai thứ truyền được xuyên qua không- thời gian, đó là trọng lực và tình yêu.

Nguồn ảnh: Zing.vn

Lời kết

Có lẽ vì tất cả những lý do trên, người hâm mộ đã và vẫn đang ngóng chờ Tenet ra rạp từng ngày. Bởi lẽ trong một năm đầy tai ương, họ đang rất cần được tiếp thêm ánh sáng từ những thông điệp tích cực ẩn trong tác phẩm của vị đạo diễn tài ba này.

Và họ có lẽ sẽ phải cảm ơn Nolan, vì ông ta đã thắp lên ngọn lửa nhỏ nhưng chiếu sáng mãnh liệt trong lòng họ, kể cả vào những giờ khắc đen tối nhất.

Phan Duy Van

Chạn Vương 9x


32 Bài đăng

#Phim hay cuối tuần

#Christopher Nolan