Đối mặt với tâm lý từ bỏ, cứ mệt mỏi là muốn về quê "nuôi cá, trồng rau"
Bạn có thể về quê bất cứ lúc nào, nhưng có thể rũ bỏ mệt mỏi hay không thì chưa chắc! Bởi "nuôi cá, trồng rau" cũng đâu có dễ, chưa nói đến chuyện sống một cuộc đời an yên.
Tôi cũng đã từng ước...
"Và đừng để đời chỉ là những chuỗi ngày được chấm công
Miệng cười như nắng hạ, nhưng trong lòng thì chớm đông
Nếu mà mệt quá, giữa thành phố sống chồng lên nhau
Cùng lắm thì mình về quê, mình nuôi cá và trồng thêm rau."
Vâng, Đen Vâu đã hát vậy và không nằm ngoài dự đoán của tôi, bài hát này chưa bao giờ bị lãng quên. Đôi khi văn phòng mình vẫn bật sau giờ ngủ trưa, xung quanh anh em vẫn gật gù. Câu hát này thậm chí còn trở thành mấy lời bông đùa thường xuyên của anh em mỗi lúc phải OT về muộn. Cứ hễ mệt mỏi là lại muốn vứt hết, "cùng lắm thì mình về quê, mình nuôi cá và trồng thêm rau”.
Tôi thì ít khi nghe nhạc của Đen, nhưng bài hát này hay câu hát này trở nên “viral” tới vậy có lẽ là bởi nó đánh trúng cái tâm lý chung của nhiều người, nhất là những người trẻ tầm tuổi tôi đây. Họ ước ao, thậm chí là xui nhau bỏ thành phố về “quê” trồng rau, nuôi gà, mong sống đời an yên gần gũi thiên nhiên, tránh xa xô bồ bon chen, khói bụi ngột ngạt,...
Tôi cũng đã từng nghĩ như thế, vào cái ngày đầu tiên đặt chân tới Đà Lạt, thả lưng trên chiếc nệm ấm êm của một homestay nhỏ bằng gỗ, ở trên cao của một ngọn đồi.
Ở đây, ngày ngày tôi đều có thể đón bình minh trong sương hoặc biển mây tuyệt đẹp mà chẳng cần cất công dậy sớm chạy xe hàng chục cây từ trung tâm thành phố, mà có khi còn chẳng đón được bình minh. Mỗi ngày của tôi lúc đó đều lững thững bắt đầu trong cái se lạnh trong lành của Đà Lạt, chạy xe thăm thú vòng vòng thành phố và kết thúc khi thành phố phía xa chìm vào bóng tối, chỉ còn lại thung lũng hoa lúc ấy đã lên đèn.
Homestay của tôi còn có vườn, trồng đủ các loại rau quả để có thể phục vụ khách ở đó, nên tôi đề nghị được tham gia trải nghiệm “làm nông” cùng anh chị chủ mỗi ngày. Tôi cũng giúp anh chị chăm đàn gà dưới sự chỉ dẫn, tưởng là dễ nhưng chẳng dễ tý nào. Thích nhất là những lúc cùng anh chị chạy xe qua ngọn đồi bên cạnh để đến nơi canh tác dâu của gia đình họ, cùng họ thu hoạch dâu tây lúc sáng sớm, được thưởng thức những quả dâu chín mọng, còn ướt sương đêm ngay tại vườn. Tôi cũng nhớ có những ngày tôi ngồi lì ở Kong, viết lách dài ngoằng, tranh thủ chờ “một người” (mà hẳn ông nào nghe rap cũng biết). Đó là những ngày thật tuyệt vời sau khi tôi nghỉ việc ở nơi cũ, nên thật đúng với hoàn cảnh bỏ phố về “quê”, trồng rau, nuôi gà.
Lúc đó tôi còn nghĩ hay là thu xếp tìm một công việc rồi bỏ luôn lên đây ở nhỉ? Viết lách cũng được, chụp ảnh cũng tàm tạm, xin đại vào một studio ảnh cưới làm cái nghề bán chữ, bán ảnh kiếm cơm, lương vừa đủ sống, và sẽ chẳng có dòng code khó, hay những deadline dồn dập nào làm phiền tôi nữa. Cực chẳng đã, cùng lắm tôi đem sức dài vai rộng của tuổi đôi mươi này xin vào trang trại nào đó, làm một anh nông dân thực thụ, biết đâu sau này lại làm ông chủ một trang trại áp dụng công nghệ tiên tiến? Rõ khổ, chẳng hiểu sao không dùng chút tài lẻ kiếm một đời an yên mà cứ đâm đầu vào cái khó để phải mệt mỏi mỗi ngày?
Thế nhưng, thực tế là ngày cứ thế trôi, cũng khá chậm, cũng bình yên, cũng chẳng còn chút muộn phiền,... chỉ có tài khoản là cứ thế đi lùi mà thôi! Sẽ chẳng dễ dàng có được cuộc sống nhàn hạ, ngày ngày “chill” với thiên nhiên cây cỏ như trong vlog của Lý Tử Thất đâu. Hoặc cứ cho là tôi có thể code thuê, cầm máy ảnh kiếm cơm đi chăng nữa, thì tôi cũng sẽ vẫn phải “cày cuốc” đêm ngày cùng những những bộ ảnh của mình thôi, làm gì có những chiều lang thang săn hoàng hôn yên bình bên bờ Tuyền Lâm như mọi người vẫn nghĩ.
Vậy nên, khi bạn chỉ muốn bỏ tất cả để về quê, sống một đời không xô bồ thì gượm lại, hãy nhìn vào thực tế đã nào?!
Bạn sẽ làm gì nếu như bỏ thành phố về quê?
Nỗi lo cơm áo gạo tiền có bỏ bạn mà đi không?
Nếu làm nông, bạn đã chuẩn bị gì? Đất? Kiến thức? Tiền vốn?
Nếu bạn đã lập gia đình, họ sẽ theo bạn về quê chứ?
Nếu cha mẹ không ở quê, chưa có nhà, bạn sẽ ở đâu?
Nói tóm lại, “bỏ thành phố, bỏ việc văn phòng về quê không phải là một phương án chạy trốn lao động mà là để lao động theo một cách khác”.
Tôi rất tâm đắc câu nói này khi đọc được một bài viết của bạn trẻ tên Thạch.
Tin tôi đi, bạn vẫn cần tiền, thậm chí rất nhiều tiền để sống và “trụ” ở quê. Bạn cũng cần có một nền tảng kinh tế vững chắc trước khi sẵn sàng khăn gói về quê đấy, vì bạn chắc chắn sẽ không thể kiếm ngay một số tiền bằng với lương trước đây qua việc làm nông hay kinh doanh gì đó trong một tháng được. Những công việc bạn có thể làm ở một vùng quê, hay cứ cho là một thành phố cũng lớn như Đà Lạt, thường sẽ ngốn của bạn nhiều thời gian hơn để tạo ra cùng một giá trị so với công việc văn phòng bạn đang có ở thành phố.
Bạn cũng cần có kiến thức nếu muốn "làm nông". Không phải cứ gieo hạt là hạt sẽ nảy mầm, ra hoa kết quả mọng để bạn ăn hoặc đem bán lấy tiền đổi gạo. Mọi kĩ năng, kiến thức khi bắt tay vào bất cứ lĩnh vực mới nào đều cần thời gian để trau dồi, thực hành. Rất nhiều người phải trải qua những vụ mùa không thành công để đón được trái ngọt đầu tiên, chưa nói đến hiệu suất về kinh tế. Bạn phải ước tính được thời gian để học và cho ra hiệu quả từ việc mình làm.
Nếu muốn sống ở quê như vậy thật, bạn chắc chắn cần sức khỏe và sự dẻo dai, cả thể chất lẫn tinh thần để làm việc chăm chỉ và không gục ngã trước những vất vả mới, áp lực mới, đôi khi chỉ đến từ một chiếc lá bị sâu, một con gà bị ốm.
Bạn còn cần rất nhiều sự kiên định để không cảm thấy nhàm chán khi quanh năm suốt tháng chỉ làm bạn với cây cối, vườn tược, chẳng có một thú vui thật sự hiện đại nào xuất hiện trong cuộc sống của bạn ngoài chiếc smartphone cả!
Bạn có thực sự thích cuộc sống “gần gũi với thiên nhiên” hay không? Hay chỉ đơn giản là vì quá chán ghét cảnh phải check-in đúng giờ, nộp task đúng hẹn, muốn từ chối những cuộc họp dài miên man, không muốn nhìn thêm những dòng code khô khan chán ngắt…? Liệu bạn có thật sự yêu thiên nhiên, yêu lối sống nông thôn đến mức muốn bỏ tất cả những gì mình đang có để về quê tạo lập cuộc sống khác hay không?
Thật ra, ai cũng hiểu, cuộc sống của những người trẻ thành công với nông thôn mà bạn thấy trên mạng có thể không vui, thư thả như bạn thấy. Chỉ nói đơn giản, để có một chiếc video hay, viral, được nhiều người xem, các bạn đó cũng bỏ công sức và đầu tư rất nhiều thời gian, thậm chí tiền bạc. Bởi vậy, họ cũng chịu áp lực của số view, nếu không đủ số view cần thiết, số tiền video kiếm được có thể không bù được tiền đã đầu tư. Độ nổi tiếng và mức tương tác cũng ảnh hưởng trực tiếp đến mức cát-xê mà họ nhận được nếu muốn kiếm tiền từ việc nhận quảng cáo.
Vậy nên, thay vì cứ động một tý là đòi bỏ thành phố, bỏ việc về quê trồng rau, nuôi gà, sống một đời mộng mơ, chúng ta nên tạo cho mình những niềm vui mới ở trong chính cuộc sống hiện tại.
Nếu thấy áp lực quá, ngừng tay một chút nghe một bản nhạc, xem một vlog thư giãn. Nếu thấy mệt mỏi đến mức không thể đến công ty, hãy thu xếp công việc ổn thỏa rồi xách balo đi đâu đó trong vài ngày nghỉ phép, lấy lại niềm đam mê, vực dậy tâm trạng của mình.
Còn nếu muốn giống những người thành công ở nông thôn, bạn cần có kiến thức, bản lĩnh, lòng dũng cảm và một phần kinh tế để tự lên kế hoạch và thực hiện nó như một dự án lớn nhất đời mình, giống như khởi nghiệp vậy. Hãy chuẩn bị những yếu tố cần và đủ trước khi bắt đầu.
Còn nếu không, hãy tìm sự an yên trong chính những gì mình đang có nhé! Có thể bạn chưa tìm ra cách thôi. Nó luôn ở trong mỗi chúng ta.