Đừng nói mục tiêu của tôi không tham vọng, có thể bạn chưa hiểu rõ chúng mà thôi!

Giữa lúc cả công ty đang hừng hực khí thế “setup” mục tiêu cho năm mới, chắc hẳn ai cũng ít nhất một lần nghe đến câu “Liệu mục tiêu như vậy có tham vọng không?”. Vậy thế nào là mục tiêu tham vọng và không tham vọng?

Hãy nhìn vào hình dưới đây, bạn thấy cái ly đầy một nửa hay vơi một nửa? 

Nguồn ảnh: Internet

Đây là một bài kiểm tra nhỏ để phát hiện thái độ của một người đối với một sự việc, từ đó suy ra xem họ là người lạc quan hay bi quan, và cách họ nhìn nhận cuộc sống. Và từ đó, chúng ta sẽ biết được quan điểm của mỗi người về mục tiêu, tức là bạn sẽ theo đuổi mục tiêu cầu tiến (promotion focus) mang tính tham vọng hay mục tiêu phòng thủ (prevention focus) mang tính ổn định.

Tất nhiên, ở thời điểm được hỏi, mỗi người sẽ lựa chọn cho mình cách nhìn lạc quan hay bi quan, theo đó mỗi người sẽ tập trung theo đuổi một trong hai loại mục tiêu trên. Tuy nhiên, trong suốt cuộc đời, tôi cho rằng, biết đâu sẽ có những lúc bạn thay đổi quan điểm của mình, và theo đuổi điều ngược lại. Chính vì vậy, đừng vội phán xét mục tiêu của ai đó là thiếu tham vọng, là thụt lùi, nếu như bạn không thực sự hiểu về người đó và lý do đằng sau việc đặt mục tiêu như vậy. 

Hãy để tôi nói rõ hơn!

Mục tiêu cầu tiến

Người có mục tiêu cầu tiến sẽ tập trung vào kết quả, thành tích mà họ đạt được. Họ luôn tìm kiếm các cơ hội, hành động nhanh, quyết đoán để đạt được điều mình mong muốn. Những mục tiêu của họ thường ở mức cao hơn so với khả năng hiện tại, trở thành động lực để họ cố gắng vượt qua giới hạn của bản thân, suy nghĩ sáng tạo hơn trong mọi tình huống. Việc đạt được mục tiêu này chắc chắn khiến bạn phải “hú” lên sung sướng rằng, “Whoo-hoo! Tôi đã làm được” và có thể trong lúc đó bạn cũng đang nhảy chân sáo đầy vui vẻ.

Một người theo đuổi mục tiêu cầu tiến là người:

- Có tinh thần lạc quan, sẵn sàng chấp nhận sự thay đổi mới, cơ hội mới
- Theo đuổi quan điểm “thay đổi hay là chết”, thường xuyên đưa ra những ý tưởng mới và luôn cân nhắc những lựa chọn thay thế thay vì cách làm cũ.
- Tự tạo ra động lực hoặc tìm thấy động lực ở phần thưởng và sự khen ngợi, công nhận xứng đáng.
- Sẵn sàng chấp nhận thất bại để trưởng thành, và làm tốt hơn.

Để mà nói, có vẻ như đây là kiểu người mà các công ty đều thích bởi họ luôn cố gắng vươn lên, đạt được những kết quả tốt hơn nữa. Những điều này vô hình chung cũng sẽ đóng góp vào sự phát triển của tổ chức. Hơn nữa, những người luôn thúc đẩy bản thân tiến lên sẽ luôn tạo cảm hứng, truyền động lực một cách vô tình hay hữu ý cho đồng đội xung quanh khiến bầu không khí của tổ chức sẽ luôn hừng hực khí thế, sự lạc quan.

Chẳng hạn như trong quý trước, người chị bên cạnh tôi có đặt mục tiêu giảm 15 cân trong 3 tháng để cải thiện sức khỏe và vóc dáng, mặc dù với chị việc đi tập và ăn uống kiêng khem rất khó khăn do phải chăm sóc con nhỏ. Thế nhưng, chị ấy đã làm được, bắt đầu từ việc giảm ăn mỗi ngày, cứ đến giờ sẽ đứng lên đi lại xung quanh văn phòng, ngày nghỉ ở nhà sẽ tranh thủ vừa tập luyện theo video vừa trông con. Thậm chí, vào những ngày cuối tuần với tiết thu đẹp nhất của Hà Nội, chúng tôi - những người trẻ yêu sự ngủ nướng - đã thức dậy sớm để tham gia buổi chạy cùng chị. Mặc dù chúng tôi không giảm được chút cân nào, nhưng ý thức vận động và bớt đặt đồ ăn vặt cũng được hình thành. Kết quả là team chúng tôi cuối cùng đã có một đời sống văn phòng lành mạnh hơn hẳn. 

Kết quả là team chúng tôi cuối cùng đã có một đời sống văn phòng lành mạnh hơn hẳn. Ảnh: Internet

Mục tiêu phòng thủ 

Trái ngược với người có mục tiêu cầu tiến, người có mục tiêu phòng thủ sẽ luôn muốn ngăn chặn những kết quả tiêu cực, những tình huống không mấy tốt đẹp. Mục tiêu phòng thủ sẽ hướng đến việc bảo toàn kết quả đã có, hoàn thành trách nhiệm một cách tốt nhất, hoàn chỉnh nhất. Hoàn thành một mục tiêu phòng ngừa khiến bạn muốn nói, “Phù! Tôi đã né một viên đạn ở đó! ” và thở phào nhẹ nhõm.

Một người theo đuổi mục tiêu phòng thủ là người:

- Luôn cảnh giác và không thích mạo hiểm, nhưng họ thường làm việc chậm rãi và tỉ mỉ hơn.
- Phân tích kỹ lưỡng tình hình để đề ra giải pháp an toàn thay vì sáng tạo. 
- Khi đặt mục tiêu thường cân nhắc đến khả năng hiện tại, biết chắc sẽ thực hiện được thì mới thực hiện.
- Lấy động lực từ sự phê bình, góp ý, phản ánh từ những người xung quanh.

Chẳng hạn như  bản thân tôi, tôi sẽ đặt mục tiêu tổ chức một seminar chia sẻ khóa học Agile cho team của mình. Rõ ràng, khóa học này tôi đã học rồi, và đọc cũng như thực hành đủ nhiều về Agile để có thể chia sẻ kiến thức đó cho bất cứ ai. Tôi biết chắc chắn mình sẽ làm được, nhưng vẫn đặt mục tiêu để có thể xếp việc tổ chức seminar thành ưu tiên, và phải thực hiện trong quý tới. 

Hay như bạn biết mình đẹp trai, có sức hút và đặt mục tiêu “tháng tới có người yêu” chẳng hạn, bạn có thể hoàn toàn đạt được điều đó với nhiều lý do khác. Vậy nên, đó là một mục tiêu phòng thủ (Nguồn ảnh: kkojika)

Vậy thì đến đây, tôi đã nói rõ về hai loại mục tiêu mà tôi thường có hoặc thường gặp trong cuộc sống, là cách phân loại mục tiêu tôi đã đọc được tác giả Kathy Gottberg. Nhưng điều tôi thực sự muốn nói, đó chính là: 

Đừng nói mục tiêu của tôi không tham vọng, có thể bạn chưa hiểu rõ chúng mà thôi!

Có rất nhiều người nghĩ rằng mục tiêu phòng thủ là không tham vọng, và không nên đặt mục tiêu như vậy bởi bản thân sẽ chẳng cần cố gắng để đạt được. Việc đặt mục tiêu “thế nào là tham vọng” vẫn luôn là một câu hỏi được bỏ lửng bởi chỉ có chính người đặt mục tiêu mới có thể đánh giá được điều đó.

Cùng là một mục tiêu đó, nhưng ở thời điểm khác nhau, mức độ tham vọng của nó đã thay đổi. Chẳng hạn như mục tiêu “tháng tới có người yêu” ở trên kia của anh bạn đẹp trai và nhiều sức hút có thể trở nên đầy tham vọng nếu như bỗng nhiên anh chuyển tới một công ty toàn là người cùng giới, và bận đến mức chẳng có thời gian hẹn hò, tìm hiểu bất cứ ai. Vậy là, dù có đẹp trai, duyên dáng cỡ mấy đi chăng nữa thì anh bạn của chúng ta vẫn sẽ phải cố gắng nhiều thì mới hoàn thành mục tiêu này.

Hơn thế nữa, mục tiêu phòng thủ có thể ít tham vọng nhưng không có nghĩa là không thể tạo động lực. Động lực hoàn toàn có thể đến từ việc người đó phải tìm mọi cách để bảo toàn kết quả mong muốn của mình. Như đã nói, thời điểm khác, mọi thứ đều khác nên việc bảo toàn kết quả của quý trước ở thời điểm quý sau hoàn toàn có thể là tham vọng. 

Và đặc biệt, chúng ta không thể chê bai mục tiêu của người khác bởi ngay chính mục tiêu cầu tiến với nhiều điểm tích cực cũng không thiếu những hạn chế. Những người đặt mục tiêu cầu tiến, thường quá tham vọng vào kết quả sẽ đạt được, nên không tránh khỏi “bệnh thành tích”. Mặc dù họ sẵn sàng đối mặt với sai lầm, thất bại khi không ngần ngại thử điều mới nhưng nếu không chuẩn bị phương án dự phòng, thì hậu quả sẽ khó lường trước. Và khi không đạt được mục tiêu, họ thường sẽ rơi vào trạng thái “hy vọng nhiều, thất vọng nhiều”, và thời gian để phục hồi thường lâu hơn.

Ảnh: Kenh14

Vậy nên, việc xác định được dạng mục tiêu của mình sẽ giúp bạn nắm được điểm mạnh, đồng thời nhận biết và bù đắp lại điểm yếu. Bên cạnh đó, khi bạn hiểu về mục tiêu của người khác, bạn cũng sẽ có cái nhìn khách quan hơn về họ. Thay vì nói với họ rằng mục tiêu của bạn chẳng có tý nào tham vọng, chẳng tạo được động lực, thì hãy góp ý mang tính xây dựng, rằng bạn hoàn toàn có thể làm được hơn thế, và phân tích cách nhìn của bạn về những điều kiện xung quanh, lý do khiến bạn nghĩ như vậy.

Với tôi, chẳng có mục tiêu nào là không tham vọng. Nếu đã đặt ra một mục tiêu, nhất là mục tiêu liên kết với mục tiêu của công ty, chắc chắn người đó sẽ nỗ lực hoàn thành. Và việc hoàn thành mục tiêu của cá nhân cũng sẽ góp phần vào thành công chung của tổ chức. Như vậy, cho dù là mục tiêu cầu tiến hay phòng thủ, chúng đều tạo ra những giá trị riêng cho tổ chức và cá nhân đó. Tôn trọng cùng phát triển mới là điều cần thiết trong thời đại ngày nay!

#Góc nhìn

#mục tiêu