Duy Văn (EUV1): Từ ý tưởng “cưa đổ” vợ đến những sáng kiến thú vị dành cho tổ chức
Anh Văn là một nhân vật đặc biệt. Một người truyền cảm hứng tuyệt vời cho những ai có ý định làm những điều điên rồ và khao khát thành công bằng sự sáng tạo.
“Trước khi đặt tay gõ xuống những dòng này, tôi thực sự bối rối về việc, nếu tôi hứng thú với nhân vật của mình quá, tôi có thể viết ra những gì. Làm sao để truyền tải được hết sự thú vị của nhân vật? Làm sao để mọi người được truyền cảm hứng giống như tôi? Và rồi tôi quyết định, mình sẽ không viết thêm gì cả. Tôi chọn hình thức bài phỏng vấn, để giữ lại nguyên vẹn những gì chân thực nhất về nhân vật.” - Lời tác giả.
Nhân vật của tôi là anh Duy Văn (sinh năm 1990), là BrSE của EUV1. Tôi nhận đề tài khi anh Văn vừa được trao giải thưởng Best Idea of month (Tháng 3) trong hệ thống Awesome Idea Box tại Sun*.
Không có dịp được ngồi nói chuyện và phỏng vấn trực tiếp anh Văn, tôi chọn hình thức phỏng vấn online. Và dưới đây là cuộc trò chuyện của chúng tôi.
Chào anh Văn, anh giới thiệu về bản thân mình một chút nhé?
Tôi là Duy Văn, BrSE của EUV1. Tôi là một người bình thường, bị mắc kẹt giữa lý tưởng và hiện thực của bản thân. Hiện tại, ngoài công việc ra, tôi là một ông bố bỉm sữa với năng lực có hạn, đang vất vả lo cho vợ con và vật lộn với những sân si trong lòng mình. (cười)
Việc anh có ý tưởng trong công việc thể hiện qua giải thưởng Awesome Idea Box, vậy trong cuộc sống anh có hay thực hiện những ý tưởng táo bạo, vượt giới hạn không?
Cũng có 1 chút. Trong số đó ý tưởng tâm đắc nhất chính là ý tưởng chinh phục tình yêu của người mình thích mà vẫn giữ được những giá trị cốt lõi chứ không cố trở thành một ai khác.
Trước khi gặp vợ tôi, tôi đã từng theo đuổi, hẹn hò với một vài người. Nhưng tất cả đều chẳng đi đến đâu vì đơn giản tôi không phải là mẫu người mà những cô gái ấy hướng tới. Dĩ nhiên là có những điểm không tốt khiến cho mối quan hệ không thành công như ngoại hình xấu, thu nhập thấp, nói chuyện về chủ đề họ không thích v.v. Sau khi cải thiện dần những vấn đề đó mà vẫn thất bại, đã có lúc tôi nghĩ đến việc sắm vai một người nào đó không phải mình để được yêu. Nhưng quả thực lừa dối chính mình là điều mà tôi không thể làm được.
Thế nên tôi nhẫn nhịn tiếp tục hoàn thiện bản thân và khi gặp được vợ tôi, một người cảm thụ được những điều tốt đẹp của tôi, tôi đã nghĩ ra một chiến lược theo đuổi mới hoàn toàn đó là chuyển việc ra Hà Nội để tiện chăm sóc cô ấy. Ngoài ra, tôi cũng cho cô ấy thấy điểm awesome nhất của mình là có những người bạn awesome. Cụ thể là vào ngày 14/02 năm cô ấy 27 tuổi, tôi đã nhờ 26 người bạn gửi 26 món quà cùng lúc với món quà của tôi kèm thông điệp: "Anh sẽ không bỏ lỡ ngày Valentine nào của em nữa."
Các bạn tôi đều là người có đời sống tinh thần phong phú nên 26 món quà của họ cũng vô cùng thú vị và đầy tình cảm. Một chị bác sĩ tặng cô ấy cuốn "Chuyện con mèo dạy hải âu bay" vì biết biệt danh của cô ấy là Mèo còn biệt danh của tôi là Hải Âu. Hay một người bạn là dân sành ăn tặng cô ấy một chai vang thật ngon để chúng tôi cùng ăn tối Valentine.
"Hãy cho tôi biết bạn của anh là ai, và tôi sẽ cho anh biết anh là người thế nào" - Có lẽ chính bởi điều này mà cô ấy đã đồng ý trao cho tôi tình yêu vô giá của mình chăng?
Và hiện tại dù cuộc sống có vất vả, nhưng tôi nghĩ rằng nếu được chọn lại, có lẽ tôi vẫn chọn vợ tôi. Vì cô ấy nhìn thấy được con người thật của tôi với đủ tiềm năng, ưu khuyết điểm mà vẫn chọn yêu tôi (cười).
Được biết hiện tại anh chị đã có hai cháu sinh đôi 1 tuổi, công việc dự án bận rộn, vậy thì thời gian đâu để anh đưa ra ý tưởng mới cho công ty?
Việc tư duy và liên tục nghĩ ra ý tưởng là một thói quen từ bé của tôi. Còn việc nghĩ ra ý tưởng cho công ty đến từ quá trình làm việc nhiều năm trong các doanh nghiệp IT Nhật Bản. Ở các doanh nghiệp khác nhau tôi đều thấy có một thực tại đáng lo ngại: bản thân người nhân viên sau 1 thời gian quen việc với công ty thì có dấu hiệu chững lại. Họ không biết nên phát triển theo hướng nào và nên góp ý để công ty đi theo hướng nào.
Sự trì trệ đến từ bản thân nhân viên lẫn Ban lãnh đạo sẽ khiến công ty khó phát triển hay ứng biến trước thời cuộc (như dịch Corona hiện nay chẳng hạn). Chính vì thế, tôi luôn dành tâm sức để đưa ra ý tưởng cải tiến cho công ty.
Tôi cũng thấy may mắn khi cách nghĩ của mình hợp với môi trường ở Sun*. Vì Sun* đã cho tôi cơ hội để đóng góp những ý kiến, ý tưởng của mình.
Anh có thể nói rõ hơn về sự hợp lý này không?
Để tôi kể bạn nghe chuyện này…
Tôi từng làm ở một công ty IT khác của Nhật. Người quản lý ở đó là một người thích ngồi không ăn lương. Thế nên khi tôi nêu ý tưởng cải tiến cách quản lý, người đó đã bác bỏ ý kiến nhằm tránh “rước phiền vào thân”. Kết quả là công ty đó liên tục thua lỗ do chất lượng sản phẩm đi xuống, rồi họ phá sản. Tất nhiên, sự việc đến từ nhiều yếu tố, chứ không chỉ nằm ở góc độ quản lý. Nhưng bài học rút ra từ công ty đó chính là: “Một doanh nghiệp chỉ có thể mạnh lên khi ý thức được tầm quan trọng của sự cải tiến.”
Awesome idea box và hàng loạt hoạt động xây dựng văn hóa, cải tiến nghiệp vụ của Sun* chính là minh chứng cho tinh thần “cải tiến hay là chết”. Và chính tinh thần ấy của Sun* đã cho tôi cảm giác "cá gặp nước" để tận tình phát huy khả năng của mình.
Anh không sợ người ta cho rằng anh rảnh việc, gàn dở à?
Về cơ bản là tôi không sợ người khác đánh giá về mình như thế nào. Nhưng quan trọng hơn cả, tôi cho rằng nếu muốn thay đổi mà không có dũng khí để chịu búa rìu dư luận thì nghĩa là bạn chưa đủ quyết tâm.
Dẫu vậy, chẳng lẽ anh chưa từng cảm thấy hoài nghi hay nản lòng khi rơi vào tình trạng bí ý tưởng?
Như đã nói ở trên, điều tuyệt vời nhất trong đời tôi là những người bạn quen từ thuở thanh niên. Trong số đó có một người bạn, người thầy của tôi, anh Nguyễn Đỗ Thuyên. Anh Thuyên là một kĩ sư tốt nghiệp khóa Kĩ sư chất lượng cao Việt Pháp và có 2 bằng Thạc sĩ: MBA (ngành quản trị kinh doanh) và Fulbright (ngành chinh sách công). Trong thời gian học hai bằng thạc sĩ, anh cũng viết báo, tham gia làm diễn giả các talkshow về lịch sử, xã hội học.
Người bạn xuất thân nghèo khó ấy đã dạy tôi một bài học vô cùng đắt giá: Muốn sáng tạo và đột phá, chỉ có không ngừng tư duy và nỗ lực.
Thế nên khi cảm thấy bí ý tưởng hay gặp chướng ngại, điều đầu tiên tôi nghĩ đến là phải nỗ lực hơn nữa để có thể tìm ra ý tưởng tốt hơn, thoát khỏi sự khó khăn mà mình đang gặp.
Vậy ý tưởng mới dành cho công ty có phải cũng là kết tinh của một quá trình nỗ lực không ngừng? Và ý tưởng đó xuất phát từ đâu?
Ý tưởng của tôi quả thực đến từ việc suy ngẫm không ngừng về thực trạng của các doanh nghiệp. Và khi liên tưởng giữa công việc của chính mình với công việc của cha tôi, tôi đã tìm ra ý tưởng đó để áp dụng vào công ty.
Cha tôi là giám sát thi công cho một công ty xây lắp điện. Công việc của ông là phụ trách vật tư được vận chuyển đến đúng nơi và rồi đảm bảo việc thi công không có tai nạn đáng tiếc nào xảy ra.
Năm 18 tuổi, cha tôi dẫn tôi đến một công trường mà ông đang giám sát thi công tại Quảng Ngãi. Lần đầu tiên trong cuộc đời, tôi mặc quần áo công nhân và lao động chân tay cùng anh em công nhân, nói chuyện với các chuyên gia điện đến từ Châu Âu. Sau khoảng 1 tuần ở đó, tôi thực sự hiểu và khâm phục cha mình.
Có thể nói, tôi cảm thấy gắn kết với cha tôi vì tôi hiểu được công ty của ông đã cố gắng chăm sóc gia đình tôi thế nào. Tôi cảm thấy tự hào về cha, về công việc và cả công ty của cha.
Từ cảm xúc dành cho cha và gia đình nhỏ của mình, tôi đã đặt câu hỏi: Tại sao không cho con cái của Sunner được chứng kiến sự vĩ đại của cha mẹ chúng?
Chẳng hạn như, con của một BrSE sẽ hãnh diện thế nào khi thấy anh ta điều hành một cuộc họp bằng hai, thậm chí là ba thứ tiếng? Con của một programmer sẽ thấy cha mình “ngầu lòi” không khác gì hacker khi chỉ bằng vài dòng lệnh, một trang web/ một ứng dụng đã hiện ra trên màn hình. Hoặc con của một QA leader sẽ thấy cha/mẹ mình là nhân vật có khả năng khiến cả team dev “không rét mà run” khi chỉ ra một list bug siêu to khổng lồ v.v.
Người Việt Nam có truyền thống tôn trọng gia đình. Nếu Sun* có thể trở thành một phần trong gia đình mỗi nhân viên của mình, thì việc giữ chân Sunner sẽ dễ dàng hơn một chút.
Và nếu mơ mộng xa hơn nữa, tôi còn thấy được những khuôn mặt thơ ngây thốt lên rằng “Sau này con muốn vào Sun* nối nghiệp ba/mẹ vì ở Sun* rất vui!”.
Đó là lý do vì sao ý tưởng “Ngày làm việc cùng nhau” của tôi ra đời.
Có vẻ như quá trình tư duy của anh thường hướng đến vấn đề tầm xa. Vậy trong công việc hiện tại, anh tư duy như thế nào để có thể hoàn thành tốt công việc của mình?
Trong lĩnh vực BrSE của mình, tôi luôn quan niệm “Công việc của BrSE là giúp cho business của khách hàng thành công”.
Có nghĩa là đôi khi bạn phải góp ý cho khách hàng và thậm chí quyết định thay họ để đạt hiệu quả tốt nhất cho business của chính họ. Để làm được điều đó, BrSE phải nhìn và suy nghĩ vượt xa khỏi những thông tin mà khách hàng cung cấp.
Tư duy vượt giới hạn sẽ giúp khách hàng và chính chúng ta giảm bớt effort, cũng là một cách giúp cho business của cả hai thành công.
Ngoài những ý tưởng cho tương lai xa, anh cũng thường đưa ra những ý tưởng có thể áp dụng ngay vào dự án trước mắt chứ? Có ý tưởng nào trong công việc gần đây của anh được thực hiện thành công không?
Ý tưởng gần đây nhất được team áp dụng là việc sử dụng chức năng vẽ đồ thị của Googe Spreadsheet để test hệ thống Matatabi1 và Matatabi2.
Vì hai hệ thống này là phân tích tài chính bằng biểu đồ, nên tôi đã tự nghiên cứu cách vẽ biểu đồ trên Google Spreadsheet sao cho giống với biểu đồ được tạo ra từ hệ thống. Qua đó, team QA của dự án Matatabi có thêm 1 tiêu chí để test.
Tôi nghĩ là nếu tôi không đề xuất cách test này thì team cũng nghĩ ra thôi, nhưng lúc đó team QA của Matatabi vẫn còn đang vất vả trong việc xây dựng bảng dữ liệu mẫu dùng để test, nên tôi đã đề xuất cách làm này nhằm giúp team giảm thiểu thời gian xây dựng testcase. May quá, cách làm của tôi có giá trị và đã được team QA tiếp thu, sử dụng cho hai dự án Matatabi1 và Matatabi2.
Có khi nào ý tưởng của anh thất bại chưa?
Nhiều chứ!
Ví dụ như ý tưởng về việc đi học đại học ở Nagoya, Nhật Bản. Giai đoạn tôi học đại học là năm 2011, kinh tế Nhật Bản vừa chạm đáy sau khủng hoảng 2008 lại hứng thêm động đất Tohoku. Điều đó dẫn đến việc khan hiếm các part time job và làm cho cuộc sống sinh viên nước ngoài vô cùng chật vật. Đáng lẽ tôi nên về Việt Nam và bắt đầu đi làm thay vì học tiếp. Nhưng do lúc đó tôi là một kẻ khá điên cuồng nên không những không về Việt Nam, tôi còn chuyển nhà từ thành phố Shizuoka sang thành phố Nagoya. Tháng 4 năm 2011, tôi nhập học trong trường đại học Chukyo, đại học tư thục lớn nhất tỉnh Aichi lúc bấy giờ.
Và dĩ nhiên là tôi ngã sấp mặt khi mà tình hình kinh tế khó khăn khiến cả những cụ già 70,80 tuổi cũng phải đi xin việc thì chỗ đâu ra cho một thằng sinh viên nước ngoài? Đã có 6 tháng ròng rã tôi thức dậy lúc 8g sáng, ăn một lát bánh mì không mỏng dính rồi đi học, làm việc đến 2g sáng hôm sau. Khi đó, tôi mới được ăn cơm ở quán thịt nướng tôi làm việc. Có những ngày tôi đói hoa mắt và bủn rủn tay chân đến mức tôi đã định ăn những chiếc burger bị vứt trong thùng rác của tiệm McDonald's chỉ vì chúng quá hạn sử dụng vài phút. (May mà tôi chưa làm thế).
Cảm giác của tôi lúc đó là tất cả những cảm xúc tiêu cực mà một con người có thể nghĩ đến. Nhưng gia đình tôi đã giữ cho tôi sống tiếp. Và như người ta nói "What can't kill you make you stronger", những ngày đó khiến tôi hiểu ra nhiều điều và trở nên dũng cảm hơn. Sau này khi quyết định một điều gì, tôi sẽ nghiêm túc nhìn nhận ưu/khuyết điểm của quyết định đó rồi mới thực hiện, thay vì nghe theo cảm xúc nhất thời.
Theo anh, làm thế nào để hạn chế sự thất bại trong các ý tưởng của mình?
Một người bạn của tôi từng nói “Ý tưởng chỉ là rác, còn vàng là khả năng hiện thực hóa ý tưởng”.
Áp dụng phương châm đó, nên tôi luôn cố đưa ra càng nhiều ý tưởng càng tốt. Những ý tưởng nào có tính khả thi và nhận được feedback tích cực thì sẽ được triển khai để áp dụng. Còn ý tưởng nào bị từ chối thì tôi sẽ lưu lại và suy nghĩ thêm về nó khi thích hợp.
Nhờ lối tư duy này, mà tôi không bị nhụt chí khi ý tưởng đưa ra bị từ chối. Thậm chí, sự từ chối những ý tưởng đó càng kích thích khả năng tư duy của tôi để đưa ra ý tưởng mới hoặc hoàn thiện ý tưởng bị từ chối kia theo hướng tốt hơn. Bên cạnh việc giữ vững tinh thần, tôi cũng hỏi thêm về lý do từ chối. Và nếu lý do đó đủ thuyết phục thì tôi sẽ bỏ ý tưởng đó đi và hỏi ngược lại xem người đối thoại với mình có ý tưởng nào khác không. Nói chung, cách xử lý của tôi là tôn trọng phản hồi, sử dụng sự giao lưu ý tưởng để tìm ra hướng đi tốt nhất thay vì đề cao cái Tôi để rồi gây ra khó chịu cho tất cả.
Và nếu phải thực hiện một ý tưởng có tính rủi ro cao, tôi sẽ làm sao để hạn chế rủi ro xuống mức thấp nhất và chuẩn bị các phương án nếu ý tưởng đó thất bại.
Tóm lại, tôi tin rằng nên hạn chế tối đa ảnh hưởng của cảm xúc đến quá trình thực hiện một ý tưởng nào đó.
Có điều gì anh hối tiếc trong công việc và cuộc sống không?
Có lẽ năng lực không theo kịp nhận thức là điều đáng tiếc nhất với tôi. Ví dụ như tôi biết là mình phải cẩn thận hơn, tỉ mỉ hơn trong cả công việc lẫn cuộc sống nhưng do bản tính cẩu thả trời sinh mà tôi vẫn chưa sửa hoàn toàn được, gây khó khăn cho người khác.
Bên cạnh đó, tính cách có phần hơi cuồng của tôi dù đã giảm bớt sau nhiều năm tôi luyện nhưng nó vẫn ở đó. Hiện tại tôi đã hướng sự "cuồng" của mình vào những việc có ích. Nhưng đôi khi tôi vẫn không kiểm soát được nó, khiến cho cơn giận bùng nổ và gây tổn thương cho những người yêu quí tôi.
Nếu không làm BrSE, anh sẽ là ai?
Tôi luôn khâm phục những người có khả năng giáo huấn người khác như anh Thuyên hay Fukuzawa Yukichi (nhà giáo dục Nhật Bản). Thế nên nếu tôi không làm BrSE có lẽ tôi sẽ làm một giáo viên tiếng Nhật, sau đó mở trường. Trường của tôi dạy tiếng Nhật nhưng kèm theo đó là những hoat động hướng nghiệp và tư vấn. Qua đó, tôi có thể giúp học sinh định hướng cuộc đời của mình cũng như sử dụng kiến thức vào mục đích tốt.
Cảm ơn anh Văn về cuộc trò chuyện thú vị này! Chúc anh và gia đình thật nhiều điều tốt đẹp trong cuộc sống.