“Hoàng Tử Bé” - Vì sao vẫn là tượng đài văn học lẫy lừng sau hơn 75 năm xuất bản

Đã gần tám thập kỷ trôi qua kể từ lứa độc giả đầu tiên bị “Hoàng tử bé” của Antoine De Saint-Exupéry chinh phục. Người ta đánh giá “Hoàng tử bé” không chỉ xứng danh kiệt tác văn học thiếu nhi bởi góc nhìn vượt thời đại cùng đột phá trong xây dựng tình tiết và nhân vật, mà còn bởi hàng tầng triết lý được lồng ghép tinh tế ẩn dưới một câu chuyện “trẻ con”.

Trong thời kỳ lưu vong tại Mỹ khi nước Pháp bị chiếm đóng, thiếu tá Antoine De Saint-Exupéry đã nảy ra ý tưởng viết một cuốn tiểu thuyết ngắn dành cho thiếu nhi, nhưng thấm đẫm trong đó những triết lý và chiêm nghiệm từ chất liệu cuộc sống của chính mình. Và thế là, với sự trợ giúp của bánh kẹp trứng trộn, gin, tonic, cô ca và thuốc lá cùng nhiều ngày đêm miệt mài viết và tự tay vẽ minh họa, tác phẩm “Hoàng Tử Bé” đã ra đời. Có lẽ, hệt như lời đề tặng ở đầu sách dành cho bạn mình, đối tượng độc giả mà “Hoàng Tử Bé” hướng tới không chỉ là trẻ em, mà quan trọng hơn cả, chính là “những đứa trẻ” bên trong mỗi người lớn chúng ta.

Bằng văn chương dung dị nhưng bay bổng, dịu dàng và đầy chất thơ, “Hoàng Tử Bé” của Antoine De Saint-Exupéry dệt nên trước mắt độc giả một thế giới mộng mơ tuyệt đẹp được đan cài hoàn hảo giữa thực và ảo, giữa những ngây thơ, ngờ nghệch của trẻ con, và những khô khan, phi lý của người lớn. Ở nơi đó, ta được ông kể về cuộc gặp mặt màu nhiệm giữa hai nhân vật chính là anh phi công (có thể coi là chính bản thân tác giả) cùng Hoàng tử bé - một cậu nhóc đến từ tiểu cầu nhỏ xíu mang tên B612 ngoài vũ trụ xa tít tắp. 

Nguồn: reviewsach.net

Qua cuộc gặp gỡ này, độc giả được chiêu đãi một chuyến hành trình ly kỳ của Hoàng tử bé từ hành tinh quê nhà, băng qua bao vì tinh tú, gặp biết bao người kỳ lạ trước khi đặt chân đến Trái Đất. Cùng với nhau, cả hai đã học được nhiều bài học quý giá và thấm thía được ẩn dụ qua những tình tiết ngụ ngôn tinh tế và xúc động. 

Hãy trân trọng đứa trẻ trong ta

Bằng hình ảnh ẩn dụ “con voi trong bụng con rắn” (mà người lớn nào cũng chỉ nhìn ra hình cái mũ!!), Antoine De Saint-Exupéry đã dí dỏm phác thảo nên dáng vẻ chán nản của nhân vật chính với những người lớn khô khan, thiếu óc sáng tạo khi mới chỉ là một cậu bé. Như lẽ thường tình, ai trong chúng ta cũng mải miết theo đuổi hành trình trưởng thành, để rồi đánh rơi trên đường đi biết bao phẩm chất đáng quý, thậm chí là cả ước mơ khi còn là con trẻ. Chúng ta dần trở nên khô khan, mệt mỏi và hoài nghi dưới cái vỏ bọc nghiêm túc, chỉn chu của người lớn. Thế giới trong mắt chúng ta cũng dần mất đi nhiệm màu, tất cả chỉ còn lại những gam xám xịt, những dòng chữ, con số khô khan. Chúng ta thu mình lại, chẳng còn mơ mộng, chẳng còn giữ lại chút háo hức hay tò mò với thế giới diệu kỳ ngoài kia, cũng chẳng còn nhiệt huyết giải đáp những câu hỏi mà khi còn thơ bé đã từng có biết bao ý nghĩa .

"Những người lớn, chẳng bao giờ tự họ hiểu được cái gì cả, và thật là mệt cho trẻ con lúc nào cũng phải giải thích cho họ. "

Hoàng tử bé thì không như thế. Em dũng cảm bỏ lại sau lưng tinh cầu quê hương, lên đường tìm câu trả lời cho những câu hỏi mà em đau đáu, và luôn giữ niềm hiếu kỳ vô tận với thế gian. Đứng trước sự chân thành của em, những muộn phiền, âu lo của “hội người lớn” đột nhiên trở nên thật nhỏ bé. Bởi những thứ ấy rồi sẽ chỉ quẩn quanh, nhàm chán và lặp lại. Còn những đứa trẻ, chúng sẽ sống hồn nhiên, thú vị và vô tư mãi mãi. 

Câu chuyện của “Hoàng Tử Bé” là món quà đẹp đẽ nhất gửi tặng tất cả những đứa trẻ con trong mỗi người, gợi cho chúng ta nhớ lại phép màu giữa thế giới ngày càng mất đi màu nhiệm. Những thứ mà đứa trẻ con nào cũng hiểu, nhưng người lớn lại chẳng tỏ tường.

Đừng nhìn bằng mắt, hãy dùng trái tim

“Đây là điều bí mật của tớ. Nó đơn giản thôi: người ta chỉ nhìn thấy thật rõ ràng bằng trái tim. Cái cốt yếu thì con mắt chẳng thấy được đâu.”

Nếu đến tận giờ tôi, bạn, hoặc tất cả chúng ta còn đang loay hoay chẳng biết cách phân định và trân trọng các mối quan hệ, thì tôi xin mạnh dạn mà đoán một lý do, ấy là chúng ta chưa được lắng nghe lời khuyên từ một chú cáo. Chú ta nhẹ nhàng giảng giải cho Hoàng tử bé, cho anh phi công, và cho cả chính độc giả bài học giản đơn nhất về tình bạn, tình yêu, về những điều thực sự quan trọng. Về lý do mà khi ta đã “thuần hóa nhau”, bông hồng của Hoàng tử bé sẽ là bông hồng đẹp đẽ nhất, đặc biệt nhất giữa hàng trăm vạn đóa hồng. Và khi ta thương yêu ai thật lòng, kể cả khi người ấy đang ở tít tắp trên một vì sao xa, ta cũng sẽ yêu luôn cả ngân hà lấp lánh bởi người ấy là một phần của chúng. 

“Chính vì nàng mà tay tôi đã tưới, chính vì nàng mà tôi đã che chắn bằng tấm bình phong, cũng vì nàng mà tôi bắt từng con sâu, vì nàng mà tôi đã ngồi nghe than thở, tán hươu tán vượn, và đôi khi cả im lặng nữa, bởi vì nàng là đoá hồng của tôi.”

Qua câu chuyện ngụ ngôn về những đóa hồng, “Hoàng Tử Bé” khai mở những triết lý nhẹ nhàng mà thấm thía về bản chất của không chỉ tình bạn, tình yêu, mà nói rộng ra là hết thảy mọi sự trên đời. Cái nhìn bằng mắt dễ dàng cho ta những hình dung, định kiến ban đầu, nhưng chỉ khi cảm nhận bằng xúc cảm từ trái tim, ta mới nhận ra được ý nghĩa của những điều tưởng chừng chẳng đặc biệt đến thế. 

Chỉ bằng vài câu thoại, cuốn sách đã tài tình buộc ta phải soi xét lại bản thân, phải nghiền ngẫm, ưu tư về sự đời. Qua việc phù phép cho những con chữ, Antoine De Saint-Exupéry còn khiến ta không thể dứt mắt hay tâm trí khỏi những câu văn man mác buồn, nhưng cũng đẹp và dịu dàng đến ngẩn ngơ:

"Và cậu hãy nhìn kia! Cậu thấy không, ở kia, những đồng lúa mì ấy? Tớ không ăn bánh mì. Lúa mì đối với tớ là vô dụng. Các cánh đồng lúa mì đối với tớ chẳng có gì khêu gợi. Cái đó buồn lắm. Nhưng cậu có mái tóc màu vàng kim. Thế thì sẽ rất tuyệt một khi cậu cảm hóa tớ! Lúa mì, vốn màu vàng kim, sẽ gợi cho tớ kỷ niệm về cậu. Và tớ sẽ yêu tiếng gió reo trong lúa mì…"

“Ví dụ nhé, nếu cậu đến vào lúc bốn giờ chiều, thì từ ba giờ tớ đã bắt đầu thấy vui sướng. Thì giờ càng trôi đi, tớ càng cảm thấy vui sướng hơn. Tới lúc bốn giờ, tớ đã bồn chồn và lo lắng rồi: tớ sẽ hiểu được cái giá của hạnh phúc!”

Đằng sau mỗi câu chuyện trong “Hoàng Tử Bé”, độc giả nhận được những bài học triết lý nhân sinh được đặt dưới lăng kính đa sắc màu để mỗi lần đọc lại chúng ta có thể chiêm nghiệm dưới một góc nhìn khác lần đọc trước. Có lẽ vì giá trị tăng dần theo thời gian này, “Hoàng Tử Bé” đã thành công chinh phục trái tim của hàng trăm, hàng triệu độc giả khắp mọi lứa tuổi trên toàn thế giới, trở thành một trong những cuốn sách được đọc và dịch ra nhiều ngôn ngữ nhất mọi thời đại.

Có thể nhiều năm về sau, chúng ta chẳng còn nhớ rõ từng chi tiết, từng chuyến phiêu lưu, từng câu nói của “Hoàng Tử Bé”, của người phi công hay con cáo nhỏ. Nhưng chắc chắn ta vẫn mường tượng ra cậu nhóc với mái tóc vàng lấp lánh đang ngắm mặt trời mọc trên tiểu tinh cầu nhỏ xíu, bên cạnh cậu là đóa hồng xinh đẹp nhất thế gian. Và đâu đó giữa bức tranh tuyệt đẹp đó, là một cái vỗ vai ấm áp mà chân tình, gợi cho ta nhớ rằng thế giới vốn mộng mơ đến thế, việc của ta chỉ là đừng quên mất mà thôi.

#review sách

#Sách

#Sách hay