Khoa học đã chứng minh, người đạt được thành công là nhờ có mục tiêu

Nhưng một con số không vui của một Group Leader tại Sun* cho biết, chỉ 20% nhân sự trong section của anh có mục tiêu công việc. Số còn lại xác định “đi làm vì đam mê”, nhưng không ai biết chính xác đam mê của mình là gì.

Không phải ngẫu nhiên, từ một quán café, Starbuck trở thành chuỗi café nổi tiếng toàn cầu. Thực tế, mọi cách décor cho đến lên thực đơn… đều nhằm mục tiêu tăng doanh số.

Ví dụ, thực đơn đồ uống luôn là phiên bản giới hạn, chỉ bán trong một thời gian nhất định. Điều này ứng dụng nguyên lý FOMO – nỗi sợ bị bỏ lỡ, khiến khách hàng dễ bị kích thích và đi uống nhiều hơn. Hay các cửa hàng ở vị trí đẹp thường có ghế ngồi cứng và không thoải mái. Không phải vì Starbuck nghèo mà họ đang khéo léo “đuổi khách” để có không gian đón thêm nhiều lượt khách khác. Hay không gian sáng nhất ở cửa hàng là quầy thanh toán tiền và kệ sản phẩm.

Các nghiên cứu tâm lý cho thấy, sự sáng sủa khiến người ta sẵn sàng chi nhiều tiền hơn. Mọi logic về décor hay thực đơn hóa ra không đơn giản như vẻ bề ngoài. Tương tự, không phải ngẫu nhiên trong CV hay các buổi phỏng vấn công việc truyền thống, ứng viên thường được hỏi “Mục tiêu công việc của bạn trong 3-5 năm tới là gì?’.

Hay như ở Sun*, mỗi năm có tới 4 kỳ Goal Meeting, trong khi ở nhiều công ty khác, con số này chỉ là 1 năm 1 lần hoặc vài năm một lần. Nếu câu hỏi trong kỳ phỏng vấn giúp cá nhân xác định mục tiêu trong công việc thì 4 kỳ Goal Meeting mỗi năm lại xác định kế hoạch ngắn hạn cho từng giai đoạn, nhằm thực hiện mục tiêu dài hạn.

Nếu các member xuất hiện tâm lý chán nản, muốn bỏ cuộc trước mục tiêu hay đi chệch hướng, họ sẽ được Manager hoặc Group Leader nhắc nhở hoặc định hướng lại. Nghiên cứu về sự khác biệt giữa người có mục tiêu và người không có mục tiêu được thực hiện tại Anh thông qua một cuộc thi chạy cho thấy: Những người có mục tiêu sẽ thấy vạch đích gần hơn 30% so với những người vừa chạy vừa nhìn xung quanh, không biết vạch đích ở đâu.

Nghiên cứu này cũng chỉ ra, khi có mục tiêu, người chạy chỉ chăm chú nhìn về vạch đích, dễ dàng bỏ qua mọi cám dỗ, có động lực để vượt mọi khó khăn. Các nhà lãnh đạo hay chuyên gia nhân sự hàng đầu nói rằng, mục tiêu là thứ động lực quan trọng nhất bởi ngoài nó ra, tất cả những thứ động lực khác chỉ giúp bạn trong một chốc lát chứ không thể giúp bạn đi tới cùng. Những người sống và làm việc không có mục tiêu thường dễ chán nản, hay than vãn và sẵn sàng từ bỏ khi gặp khó khăn.

Trong khi đó, người sống có mục tiêu luôn tỏa ra năng lượng tích cực, không dễ bị phân tâm. Quan trọng hơn, khi đã đặt ra mục tiêu, họ trở nên nghiêm khắc với bản thân nhiều hơn để thực hiện điều đó. Mục tiêu là đích đến, là động lực để mỗi người chạm đến thành công và giúp họ chịu đựng gần như bất kể chuyện gì.

Đáng nói, theo tiết lộ của một Group Leader tại Sun*, chỉ có khoảng 20% nhân sự tại section của anh xác định được mục tiêu trong công việc. Số còn lại khá mơ hồ, họ không tìm thấy động lực đi làm mỗi ngày, mình phấn đấu vì điều gì? Điều đó khiến mỗi ngày đi làm của họ, chỉ là một ngày chấm công.

Nhưng đạt mục tiêu thế nào cho đúng. Anh Bùi Xuân Trung – Section Manager Unit 3 cho rằng, mục tiêu là phải được định lượng, phải cân đo đong đếm được. Khoa học đã chứng minh rằng, 92% mọi người không đạt được mục tiêu đề ra.

Nguyên nhân là bởi họ đã không áp dụng triệt để nguyên tắc SMART. Đó là Specific (Cụ thể), Measurable (Đo được), Achievable (Khả thi), Relevant (Thực tế) và Time-bound (Ràng buộc thời gian) sẽ giúp mỗi người có một mục tiêu tốt hơn và chính xác hơn.

Tương lai không dành cho những kẻ mù mờ. Nếu ngay cả vạch đích ta còn chẳng biết nó ở đâu thì dẫu có có chạy tứ phương tám hướng ta vẫn mãi chỉ là kẻ lạc đường. Vì vậy, hãy lấy giấy bút ra và gạch đầu dòng về mục tiêu của chính mình…