#KPTDM: Tình yêu đơn giản như một cái bánh bao chay!
Các bạn có bao giờ đặt ra những câu hỏi như này không: Tại sao lại chỉ được kết hôn một vợ một chồng? Chiến lược sống theo cặp như vậy là do con đực không đủ khả năng để cạnh tranh hay do con cái không đủ khả năng? Hiện tại vấn đề này vẫn chưa rõ ràng, nhưng khoa học tồn tại một quan điểm tương đối thống nhất: "Tình yêu đôi lứa là một phần của tình mẫu tử."
Thật vậy, nếu như việc kết đôi chỉ xuất hiện ở một số loài, tình mẫu tử lại cho thấy có mức độ phủ rộng hơn cả. Bên cạnh đó, cảm giác gắn kết, sự hy sinh, niềm vui khó tả… hay hàng loạt thứ xúc cảm khác ở tình yêu đều có thể tìm thấy trong các mối quan hệ mẹ con - ngay cả với những loài không hề tồn tại các cặp đôi sống chung. Và điều này được ủng hộ bởi các bằng chứng của khoa học thần kinh.
Chẳng hạn, những bộ phận não bộ đóng vai trò quan trọng trong định hình tình yêu đã tồn tại từ rất lâu trước khi xuất hiện những loài sống theo cặp đôi, trước hết chúng được dùng để đảm bảo cho tình mẫu tử. Cảm giác sợ xa cách, xu hướng gắn bó vô điều kiện... là ví dụ. Ở khía cạnh khác, tình yêu thực chất cũng là phương tiện của tình mẫu tử. Hàng loạt cơ chế phấn khích nhờ vào dopamine trong thời gian đầu tiếp xúc, việc “tắt” phần não bộ chịu trách nhiệm tư duy logic, tiêu cực và phán xét trong giai đoạn mới yêu, tăng tiết oxytocin như một phần thưởng, hạn chế tiết ra hoocmon bình tĩnh serotonin… được nhà khoa học thần kinh Thomas Lewis tóm gọn lại rằng: “Tất cả những gì tiến hóa muốn khi tạo ra cơ chế yêu đương là để các cặp đôi liên tục quấn quýt lấy nhau và… mang thai”.
Vì sau một thời gian nhất định, quả thực sự gắn kết vẫn còn nhưng hàng loạt cơ chế đảm bảo cho sự cuồng nhiệt dần biến mất. Sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ của tiến hóa, các cặp đôi được giữ lại với nhau thông qua cơ chế của tình mẫu tử “universal” như đã nhắc đến ở trên: Sợ xa cách và có xu hướng muốn ở cạnh nhau.
Như vậy bạn sẽ thấy rằng những thứ như "yêu từ cái nhìn đầu tiên" hay "tình yêu sét đánh" rất có thể chỉ là một cơn động tình nhè nhẹ thôi. Và từ “yêu” mà chúng ta hay dùng có lẽ chỉ là “thích” hay là “bị thu hút”. Và ở thời của các cụ, lấy nhau theo kiểu cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy thì vẫn có thể yêu nhau được như thường.
Dĩ nhiên, ngoài những cảm xúc mãnh liệt về mặt sinh học, chúng ta còn bị ảnh hưởng bởi các yếu tố xã hội. Sự lãng mạn kì vọng trong tình yêu là một trong số đó. Mà chúng ta sẽ bàn ở bài sau.
Tổng hợp và tóm tắt từ Monster Box*
#Khôngphảitựdưngmà (#KPTDM) là một series tìm kiếm lời giải đáp cho bất cứ thắc mắc nào của bạn trong cuộc sống. Bạn cũng có thể gửi bài cho Sun* News TẠI ĐÂY |