Lương về, có nên nộp hết tiền cho vợ?
Trong cuộc sống hôn nhân, làm thế nào để duy trì hạnh phúc gia đình dựa trên sự ràng buộc về tiền bạc. Nhân dịp lương về, hãy cùng Sunner ngồi lại và đàm đạo về chủ đề "Có nên đưa hết lương cho vợ không?" nhé!
Dạo một vòng nhà Sun*, sẽ có 3 luồng ý kiến về vấn đề "Có nên đưa lương cho vợ giữ không?". Cụ thể gồm 3 “phe”: phe "giao tiền cho vợ", phe "giữ tiền cho mình" và phe "tư duy kiểu mới". Hãy cùng Sun* News lắng nghe quan điểm của các Sunner dưới đây về chủ đề “không mới nhưng luôn hot” này nhé!
Phe "giao tiền cho vợ"
Nếu người vợ có suy nghĩ “giam tiền” của chồng thì mình không đồng ý đưa lương cho vợ giữ. Hãy để bản thân người chồng "dâng hiến" cùng niềm vui và sự an tâm chị em nhé!
Nói thế thôi chứ ở nhà, vợ mình là người quản lý tài chính vì bà xã làm nghề kế toán nên không "trượt" đi đâu được. Với lại đa phần anh em làm IT rất "gà mờ" trong chi tiêu, tài chính nên cứ đưa vợ lương để vợ chi tiêu và đầu tư nếu cô ấy thực sự quyết tâm.
Ánh Dương - CEV06
Theo mình, phụ nữ sẽ đóng vai trò quản lý chi tiêu trong gia đình nên việc giữ tiền lương của chồng là điều tất nhiên và vợ có thể giữ từ 50 đến 70% lương tùy theo tình hình thu chi của chồng.
Chính vì thế, sau này khi lập gia đình, mình cũng mong mình sẽ là người quản lý thu chi và giữ tiền lương của chồng. Mình sẽ tạo quỹ riêng cho 2 vợ chồng để cả 2 cùng biết được khoản tiết kiệm đang có. Tuy nhiên, khi muốn chi khoản lớn nào đó thì vợ chồng cùng bàn bạc, nhưng người đưa ra quyết định cuối cùng sẽ là mình! (Cười).
Bình Dương - CEV11
Mình nghĩ nên đưa tiền lương cho vợ giữ vì vợ là "két sắt" của gia đình mà, thiếu thì xin vợ tiền cũng không sao. Hiện tại, ở gia đình mình, người quản lý chi tiêu là vợ, vì vợ mình làm nghề kế toán nên việc kiểm soát tài chính sẽ tốt hơn mình. Nhưng để chi tiêu hợp lý thì 2 vợ chồng cũng sẽ phải thống nhất về các khoản chi cố định và khoản chi phát sinh để không bị động.
Mình sẽ chia tiền lương thành 10 phần, đưa vợ 8 phần, giữ lại 2 phần để chi tiêu cá nhân và dự phòng các khoản phát sinh đột biến hoặc tự nhiên đến như hỏng hóc xe cộ,...
Duy Anh - IFU
Nếu cả vợ chồng đồng ý và tin tưởng lẫn nhau, việc chuyển toàn bộ tiền lương cho vợ có thể là một cách để tạo ra sự tín nhiệm và sự công bằng trong quan hệ vợ chồng. Điều quan trọng là việc này không gây áp lực, không ảnh hưởng tiêu cực đến tình cảm và sự cân nhắc tài chính trong gia đình.
Hiện tại, bà xã mình đang là người nắm giữ trọng trách quản lý tài chính của gia đình, vợ chồng mình đặt sự tin tưởng lẫn nhau. Vợ mình thì có trí nhớ tốt và tính toán cũng nhanh hơn mình. Và thú thật thì việc cầm tiền để chi tiêu thực sự không phải đơn giản, bạn phải cân nhắc nhiều thứ và với một người không thích những con số đau đầu lắm thì vợ mình cũng đang gánh vác một trách nhiệm lớn thay mình.
Dưới đây là một số bí quyết về việc quản lý chi tiêu gia đình mà mình áp dụng:
- Quy định rõ ràng các khoản thu nhập và chi tiêu, đảm bảo sự cân đối giữa tiền vào và tiền ra.
- Thảo luận và đưa ra quyết định chung với vợ về các vấn đề tài chính quan trọng, như mua sắm hay đầu tư cho công việc hay bản thân
- Cố gắng tiết kiệm: Vợ chồng mình thống nhất là luôn cố gắng trích ra tối thiểu 10% thu nhập để tiết kiệm, phòng lúc khẩn cấp hoặc thời gian khó khăn, điều này giúp đảm bảo rằng, gia đình có khả năng đối phó với bất ngờ và giảm thiểu rủi ro tài chính.
- Kiểm soát nợ tín dụng và trả nợ đúng hạn: Điều này giúp duy trì sự ổn định và tránh những áp lực tài chính không cần thiết trong gia đình.
- Để tiết kiệm thì mình cũng thường có sở thích là săn tìm những món đồ cũ có giá trị hoặc DIY (tự làm, tự sửa chữa) những món đồ của gia đình và thanh lý ngay những món đồ mà cảm thấy không cần thiết sử dụng nữa.
Hoàng Hiệp - R&D
Theo mình tiền lương của chồng thì phụ nữ nên giữ vì những lý do sau:
- Đa số chi tiêu trong gia đình thì phụ nữ (vợ) là người xử lý, nên muốn xử lý được phải có lương của chồng.
- Việc giữ lương chồng cũng là một trong các cách để giữ hạnh phúc gia đình. Theo như đánh giá (không có kiểm chứng) của mình thì 99% chị em phụ nữ sẽ thích làm điều này.
- Chị em phụ nữ thì sẽ giữ được tiền tốt hơn các anh em.
Với gia đình mình thì hiện tại, vợ đang là người nắm giữ trọng trách “kế toán” giữ tài chính. Mình rất an tâm khi giao tiền lương cho vợ!
Sunner giấu tên
Phe "chồng giữ tiền"
Theo mình thì còn tùy văn hóa mỗi gia đình chứ không có quy chuẩn chung nào về việc vợ phải là người giữ tiền lương của chồng. Như ở gia đình mình, vợ chồng đã giao kèo chồng sẽ là người giữ tiền và quản lý việc chi tiêu của cả nhà nên cứ có lương là mình sẽ ngay lập tức chuyển hết cho chồng giữ và quản lý. Mình chỉ giữ 1 chút tiền trong tài khoản để chi tiêu lặt vặt hàng ngày thôi. Khi nào cần chi một khoản lớn hơn thì mình sẽ "ới" để chồng "ting ting" cho. Tất nhiên phải là một khoản chi tiêu mà cả 2 vợ chồng đều thấy hợp lý.
Nhà mình thực hiện văn hóa này từ khi lấy nhau. Do chồng mình là người rất thích làm về tài chính, tiền bạc, còn mình thì rất ngại suy nghĩ về tiền, ngại cầm tiền nên hai đứa đã thỏa thuận việc này một cách rất dễ dàng và vui vẻ.
Tuy nói là đưa hết tiền cho chồng giữ nhưng mình vẫn cần ghi lại toàn bộ chi tiêu để cuối tháng thống kê xem tháng vừa rồi cả nhà đã chi tiêu như thế nào, có cần cải thiện gì hay không. Mình hay sử dụng ứng dụng điện thoại "Money Lover" để ghi chép mỗi ngày. Ứng dụng này dễ sử dụng, giao diện và trải nghiệm đều tốt.
Kiều Trang - CCV
Phe "tư duy kiểu mới"
Với mình thì ai giữ mà chẳng được, nhưng đã là vợ chồng thì cả 2 đều phải biết tình hình tài chính của gia đình. Nghĩa là không chỉ người giữ tiền mà cả 2 đều phải biết thu/chi của gia đình, tránh việc không quan tâm rồi đến lúc cần tiền thì hỏi “tiền đâu hết rồi, tiêu gì mà lắm thế!” một cách vô trách nhiệm.
Dù chưa lập gia đình nhưng sau này, mình vẫn nghĩ ai giữ tiền cũng được, nhưng việc quản lý tài chính thì cả 2 nên cùng làm. Đơn giản vì cái gì là của chung thì phải có trách nhiệm lẫn nghĩa vụ như nhau. Tuy nhiên, khi quản lý chi tiêu thì nên liệt kê minh bạch tài chính, lên kế hoạch chi tiêu các khoản lớn nhỏ thật chi tiết nhưng không chi li tính toán. Nếu cả 2 vợ chồng đều đồng thuận về các khoản đó thì không nên can thiệp sâu.
Đức Công - CEV11
Theo quan điểm của mình, vợ hay chồng nắm giữ tài chính trong gia đình không phải là điều quan trọng. Quan trọng là vợ chồng nên thống nhất ai là người quản lý tài chính sẽ tốt hơn. Nên là, vợ có nên giữ tiền lương của chồng không thì còn tùy vào tính chất của mỗi gia đình, phân chia trách nhiệm như thế nào cho hợp lý là được.
Gia đình mình hiện tại không phân chia trọng trách "kế toán" vì theo mình, nó vô tình gây áp lực cho vợ hoặc chồng khi phải tính toán, theo dõi các khoản thu chi, làm kế toán khổ lắm!
Cách thức quản lý chi tiêu của nhà mình là: 2 vợ chồng cùng liệt kê những khoản phí cố định hàng tháng, ai PIC cái nào (thường chồng sẽ PIC phần nhiều hơn cho vợ, như vậy gia đình mới yên ổn được) (Cười). Ví dụ như tiền học phí cho con, tiền sinh hoạt phí, tiền tiết kiệm.... ai PIC khoản nào thì lo khoản đó, còn dư lại (chẳng bao nhiêu nữa) thì muốn tiêu sao tiêu, đừng thâm tiền rồi về xin vợ là được.
Ý Nhi - CCV
Với mình thì vấn đề này sẽ phụ thuộc vào từng gia đình, cũng như sự thống nhất của từng cặp vợ chồng. Thông thường thì phụ nữ sẽ có khả năng quản lý tài chính và kiểm soát chi tiêu tốt hơn nên việc phụ nữ giữ tiền lương của chồng là một điều rất thường gặp ở Việt Nam. Tuy nhiên, với xu hướng của các gia đình hiện đại bây giờ, khi mà phụ nữ cũng phải lao ra ngoài kiếm tiền và đảm đương nhiều công việc như đàn ông, thì việc giữ tiền và kiểm soát dòng tiền này có thể nên được điều chỉnh, vừa đỡ áp lực cho chị em, vừa đỡ tạo ra những vấn đề phiền phức trong quá trình sử dụng tài chính của gia đình.
Với gia đình mình thì hiện tại vợ mình đang là "kế toán", tuy nhiên sẽ không phải là giữ toàn bộ lương của mình mà chỉ là phần dùng chung cho các công việc trong nhà. Như vậy thì cả vợ lẫn mình đều có thể chủ động chi tiêu cho các nhu cầu cá nhân, cũng như hỗ trợ 2 bên gia đình nếu cần thiết. Các đầu việc chung thì sẽ dùng quỹ chung này để sử dụng, nếu sau này cần thống kê cho mục đích tiết kiệm hoặc mua các tài sản lớn thì cũng sẽ dễ dàng hơn, đỡ bị nhập nhằng.
Tất nhiên, trong cuộc sống hôn nhân thì điều quan trọng nhất là luôn phải tìm được tiếng nói chung, trao đổi và lắng nghe nhau trong những vấn đề quan trọng, tài chính là một vấn đề nhạy cảm nên 2 vợ chồng mình luôn trao đổi với nhau trước khi đưa ra 1 quyết định gì đó lớn.
Vợ chồng mình thường đặt mục tiêu cho việc chi tiêu trong tháng, sau đó theo dõi và điều chỉnh cho phù hợp với tình hình. Từ đó có thể rút kinh nghiệm cho các tháng sau, cũng là cái nền tảng để sau này có thể tiết kiệm cho các mục đích lớn hơn. Mình nghĩ quản lý chi tiêu trong gia đình có 2 chìa khoá lớn: thứ nhất là tính đồng thuận từ 2 vợ chồng, thứ 2 là phải duy trì được sự ổn định cho mục đích tài chính của mình - tránh việc đặt ra mục tiêu cho vui nhưng sau đó chi tiêu vô tội vạ và lại cảm thấy hối hận khi nhìn lại sau đó, nó sẽ thành một cái vòng lặp vô tận không có lối ra.
Chí Nhật - CEV12
Sẽ không bao giờ có câu trả lời tiêu chuẩn cho câu hỏi “Có nên đưa lương cho vợ giữ?” vì đơn giản, một cuộc hôn nhân hạnh phúc không phụ thuộc vào việc ai quản lý tiền bạc, mà phụ thuộc vào việc họ có đồng lòng hay không. Dù ai là người nắm giữ tài chính thì suy cho cùng, chúng ta đều hướng đến mục tiêu làm làm cho gia đình hạnh phúc, hòa thuận và cuộc sống tốt hơn, đúng không Sunners?