Ngọc Cường (EUV3): "Khi muốn làm BrSE, cả Sun* xúm vào giúp tôi!"

Với anh Ngọc Cường, công việc của một BrSE dường như chẳng có chỗ cho sự nhàm chán. 6 năm trong nghề, mỗi ngày đi làm với anh đều là một thử thách để học hỏi, rèn luyện, hoàn thiện bản thân hơn.

Chặng đường nào trải bước trên hoa hồng....

Anh Ngọc Cường là một trong những BrSE kỳ cựu ở Sun* với gần 6 năm gắn bó. Sau khi trở về từ Nhật, anh lựa chọn Sun* (khi ấy là Framgia) là nơi bắt đầu sự nghiệp của mình với vị trí Kỹ sư cầu nối (BrSE) - một công việc mà anh chưa từng tưởng tượng ra nó sẽ như thế nào.

“Lúc ấy, điều mình tự tin nhất là kỹ thuật. Còn tiếng Nhật dù có N2 nhưng chưa sử dụng thành thạo. Các kỹ năng như quản lý dự án, phân tích nghiệp vụ, làm việc thương thảo với khách hàng, trò chuyện động viên anh em… đều ở vạch xuất phát.” - Anh Ngọc Cường nhớ lại.

Sau 2 tháng được anh Bá Trọng mentor, anh Cường bắt đầu tự đứng dự án một mình. Nhớ lại những ngày đầu làm dự án Kitty mà anh Cường thấy “sống mũi vẫn còn cay cay”.

“Hồi ấy dù chuẩn bị kỹ thế nào đi nữa tôi vẫn bị anh Ngọc Tuấn vặn cho lên bờ xuống ruộng. Đơn giản vì estimate thời gian chưa chính xác, chưa biết cập nhật tiến độ dự án thế nào cho phù hợp.” - Anh Cường kể lại.

Khi ấy anh tự đặt mục tiêu, lỗi nào bị nhắc nhở thì nhất định không được lặp lại ở lần sau. Mỗi cuộc họp, anh ghi tỉ mỉ lại các nhắc nhở, chuẩn bị thật kỹ cho các cuộc họp tới. Task nào đã đặt deadline thì dù có ở công ty tới 8-9h tối cũng phải làm cho xong, không để ảnh hưởng đến các task của ngày hôm sau.

Làm rồi mới gặp những việc mà anh không hề nghĩ tới là nó sẽ xảy ra. Ví dụ như khi chưa có process rõ ràng, mỗi người hiểu một ý, dẫn đến việc có task thì mấy người làm, có task bỏ không chưa ai pick. Rồi có đôi khi, cùng một spec, khách hàng và team dự án lại estimate deadline khác nhau hoàn toàn. Những lúc như vậy, anh lại ngồi kiểm tra xem nguyên nhân ở đâu và phương án để giải quyết như thế nào. Cứ như vậy, ngày này qua ngày khác, những kiến thức và kinh nghiệm quý báu anh Cường tích luỹ được ngày một tăng lên, trở thành kho tài sản đồ sộ để anh có thể tiếp tục đứng vững trên con đường BrSE ngày hôm nay.

Ở vai trò BrSE, bên cạnh kỹ thuật & các kỹ năng liên quan đến quản lý dự án, phân tích nghiệm vụ, kỹ năng giao tiếp thì tiếng Nhật là kỹ năng không thể thiếu cho bất kỳ ai muốn theo con đường này. Ở thời điểm bắt đầu, dù có N2 nhưng anh Cường cũng phải thừa nhận “không sử dụng được gì nhiều, nghe nói đều bập bõm”. 

Tuy nhiên không hề có suy nghĩ từ bỏ, anh vẫn cố gắng tìm ra các bí quyết để có thể cải thiện khả năng tiếng Nhật của mình. Và điều mà anh tìm ra được khi ấy là xác định những mẫu câu muốn sử dụng thành thạo, đặt vào tình huống của dự án, chuẩn bị thật kỹ những trường hợp có thể xảy ra và sử dụng liên tục khi họp thực tế với khách hàng.

“Khi mình có chủ đích sử dụng và giao tiếp tiếng Nhật thường xuyên, kỹ năng nghe nói cũng tăng dần. Dần dần mình cũng tự tin hơn, thậm chí có những lúc ‘bon’ mồm, chém gió thêm với khách hàng cho đỡ căng thẳng. Người Nhật cũng rất nhiệt tình, họ sẵn sàng chỉ ra lỗi sai để mình sửa.” - Anh Cường bật mí. 

Cứ thế, các kỹ năng đều tốt hơn mỗi ngày. “Ngày một ngày hai bạn có thể không thấy nhưng 6 tháng, 1 năm nhìn lại sẽ thấy mình trưởng thành hơn.” - Anh Cường nói thêm. 

“Dường như cả Sun* xúm vào giúp tôi!"

Đó là điều mà anh Ngọc Cường nói về hành trình trở thành BrSE của mình. 

Không kể đến những nỗ lực của bản thân, anh luôn biết ơn sự giúp đỡ của mọi người. Đó là khách hàng Nhật - những người khó tính và cầu toàn, luôn sẵn sàng chỉ cho anh từng lỗi sai khi viết và nói tiếng Nhật. Đó là anh Ngọc Tuấn - người đã luôn ở bên cạnh mỗi khi đi họp với khách hàng và động viên “chú cứ nói đi, có anh ở đây, phần nào không nói được anh sẽ giúp”. Đó là anh Vũ Xuân Dũng, anh Nguyễn Đăng Huy, dù bận trăm công nghìn việc vẫn cùng anh quản lý dự án trong những ngày đầu ‘loạng choạng’... Và rất nhiều anh em khác đã giúp đỡ anh từ những ngày đầu anh chập chững vào nghề.

‘Có những việc nếu mình biết thì làm nhanh lắm, nhưng không biết thì phải mò mẫm rất lâu. Và tôi đã nhận được sự giúp đỡ từ những người giỏi và có kinh nghiệm để rút ngắn khoảng thời gian ấy’ – Anh Cường chia sẻ.

Sự hỗ trợ của đồng nghiệp giúp anh Ngọc Cường đã không còn sợ sai, sợ lỗi và tự đặt ra cho mình những mục tiêu, cố gắng để hoàn thành nó.

Khi tôi hỏi, "Anh có khi nào hối hận đôi chút vì đã lựa chọn con đường này không", anh Cường quả quyết: “Không”. Bởi vì "con đường nào chẳng có chông gai", điều quan trọng hơn cả là biết mục tiêu của mình là gì và mình sẽ đi đến đâu. 

Là người khép kín và khá ít nói, nhưng với câu chuyện của mình, anh Ngọc Cường rất sẵn sàng chia sẻ những bí quyết và những tháng ngày gian nan trong quá khứ. Bởi anh tin tưởng rằng câu chuyện của anh sẽ trở thành nguồn cảm hứng cho bất kỳ ai muốn trở thành BrSE.

Và chúng tôi cũng tin là như vậy.

#BrSE

#Lê Ngọc Cường