Người Sun* chia sẻ: Đàn ông kết hôn sớm là sai lầm?

Nếu như bạn đang ở độ tuổi "cập kê" thì những câu hỏi như "Có người yêu chưa?", "Bao giờ cho ăn cỗ?"...xuất hiện khá thường xuyên trong những lần gặp gỡ người thân bạn bè. Đồng ý kết hôn là một chuyện trọng đại, nhưng kết hôn vào thời điểm nào lại là một vấn đề được rất nhiều người quan tâm. Bài viết dưới đây được chia sẻ từ quan điểm cá nhân của một nam Sunner. Hãy cùng đọc và suy ngẫm nhé!

Kết hôn sớm và những điều bất lợi

Tôi không phải là người quá bi quan khi cho rằng "hôn nhân là nấm mồ chôn tình yêu" nhưng cũng không cường điệu hoá nó một cách thái quá. Cuộc sống luôn tồn tại những mảng màu sáng và tối đối lập nhau. Hôn nhân cũng như vậy. Chúng ta sẽ thử phân tích xem chúng ta có thể mất gì nếu như bước chân vào hôn nhân quá sớm nhé!

Mất tự do: Thực tế càng ngày càng cho thấy rằng độ tuổi kết hôn đang có xu hướng tăng lên ở cả nữ giới và nam giới. Họ lựa chọn dành thời gian tuổi trẻ để đi đây đi đó, học hỏi thêm kiến thức, phát triển cho sự nghiệp thay vì kết hôn. Có một điều không thể nào phủ nhận rằng hôn nhân sẽ làm cho bạn mất đi sự tự do. Nếu bạn nghĩ đơn giản rằng chỉ là ở chung thêm với một người thôi mà, cũng chẳng có vấn đề gì lắm đâu. Thậm chí có nhiều bạn còn ngây thơ nghĩ rằng, lấy nhau xong sẽ được vi vu đi đây đi đó cùng nhau, cùng được làm những việc mà hai vợ chồng thích. Nếu bạn đang nghĩ như vậy thì hãy chấm dứt suy nghĩ đó đi. Nó có thể đúng với các cặp đôi yêu nhau nhưng hôn nhân thì lại khác. 

Bước vào hôn nhân với một người cũng là bạn đã chấp nhận coi cả thế giới của người đó là của tôi, từ cha mẹ, họ hàng, bạn bè, các mối quan hệ xã hội. Những sự ràng buộc đó đặt lên đôi vai của bạn những bổn phận, những trách nhiệm mà bạn bắt buộc phải làm tròn. Nó chiếm hầu hết thời gian của bạn. Nếu như hôn nhân là một dấu mốc để hai bạn vun đắp hạnh phúc thì cái giá mà nó phải trả đó chính là sự tự do cá nhân. 

Áp lực con cái: Tôi biết có nhiều cặp đôi vì "bác sĩ bảo cưới" nên mới tiến đến hôn nhân chứ họ thực sự chưa sẵn sàng. Họ tự nhiên trở thành những ông bố, bà mẹ bất đắc dĩ mà chưa hề chuẩn bị cho mình những kinh nghiệm chăm sóc con cái. Tất cả những gì họ biết đôi khi là những mớ sách vở, lý thuyết suông của những kẻ dành cả tuổi thanh xuân trên ghế nhà trường, vừa đến độ tuổi để trải nghiệm cuộc đời thì lại bước vào hôn nhân. Hay có những cặp đôi lấy nhau về xong muốn tận hưởng cuộc sống vợ chồng son một vài năm nhưng sau đó lại tá hoả ra khi phát hiện mình bị "tịt ngòi" - đáng sợ hơn vấn đề vô sinh lại càng phổ biến hơn trong cái xã hội độc hại từ môi trường, thực phẩm, lối sống này. 

Con cái thực sự là một áp lực, ngay cả đối với những các bạn có con một cách chủ động thì cũng chẳng phải là chuyện dễ dàng gì. Sinh một đứa con là phải chấp nhận khoác lên vai những vất vả, những ngày tháng tù túng ngập đầu trong bỉm sữa hay thức đêm chăm con. Những nỗi lo cơm áo gạo tiền khi chúng lớn lên. Những sự so sánh, khen chê của người thân bạn bè. Tất cả những thứ đó khác quá nhiều so với cuộc sống độc thân.

Áp lực về tài chính: Cũng chẳng có gì phải phân tích nhiều về vấn đề này cả vì nó đã quá rõ ràng. Có những người huyễn hoặc bản thân rằng "Tiền không mua được hạnh phúc, có nhiều tiền chắc gì đã hạnh phúc". Điều đó tôi không biết, vì tôi cũng chưa có quá nhiều tiền, nhưng tôi biết chắc rằng không có tiền thì cuộc sống hôn nhân của bạn chắc chắn là không hạnh phúc. Vậy nên nếu hai bạn còn đang gặp phải vấn đề về tài chính, về công việc thì tốt nhất đừng nên nghĩ đến chuyện kết hôn. Vì nó thực sự sẽ chỉ làm cho cuộc hôn nhân ngày càng trở nên tệ hại mà thôi.

Thiếu sự lựa chọn: Ai đến bước vào hôn nhân cũng đều mong muốn có thể đi cùng nhau đến hết cuộc đời. Tuy nhiên không phải lúc nào bạn cũng lựa chọn đúng người. Có những người sau một thời gian chung sống mới nhận ra rằng họ thực sự không phù hợp. Mà theo xác suất thì khi bạn kết hôn càng sớm thì tỉ lệ chọn nhầm này càng cao. Tôi đã chứng kiến rất nhiều cuộc hôn nhân kiểu "trẻ con" của các cô cậu mới học xong cấp 3, lấy nhau về được vài ba hôm đã ly hôn. Điều đó cũng chẳng phải là chuyện hiếm. Tôi không nói là tất cả những người kết hôn sớm đều như thế nhưng biết đâu người phù hợp với bạn còn đang đợi ở phía trước chứ chưa phải ở lứa tuổi khi mới chập chững vào đời thì sao. 

Kết hôn sớm và những điều lợi

Sự trưởng thành: Đây cũng là lý do mà hầu hết các cụ hồi xưa muốn con cái kết hôn sớm. Đơn giản đó là để yên bề gia thất, để trưởng thành và suy nghĩ chín chắn hơn. Cổ nhân có câu "tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ". Kết hôn sớm cũng khiến cho bạn trở thành một con người sống có trách nhiệm, biết hi sinh và suy nghĩ chín chắn nhiều hơn. Nhưng hãy nhớ rằng trước khi "tề gia" thì hãy tập "tu thân" cho đủ tốt đã nhé. 

Sự giúp đỡ: Khi kết hôn thì đồng nghĩa với việc bạn đã có thêm rất nhiều mối quan hệ từ bố mẹ, anh chị em, họ hàng. Họ chính là những người sẽ giúp đỡ cho các bạn mỗi lúc các bạn gặp khó khăn cả về mặt tinh thần cũng như vật chất. Điều này thực sự rất quan trọng trong hôn nhân. Nếu các bạn có một điểm tựa vững chắc thì con đường của các bạn đi cũng dễ dàng hơn rất nhiều. 

Chúng ta sẽ không phải mất thời gian cho những việc vô bổ: Nếu như trước đây bạn tận dụng thời gian rảnh rỗi khi còn độc thân để chơi bời, tán tỉnh người này người kia mà rồi nhận ra nó chẳng đi đến đâu cả thì những điều đó sẽ được chấm dứt khi bạn kết hôn. Bạn sẽ chỉ cho phép mình hướng tâm về một người mà mình đã lựa chọn mà thôi. 

Chung quy thì, kết hôn sớm hay muộn thì cũng đều có những lợi, hại riêng của nó. Hôn nhân là quyết định quan trọng và không một ai có thể quyết định thay bạn trừ chính bản thân bạn. Hãy suy nghĩ và cân nhắc thật kỹ lưỡng. Hơn tất cả, kết hôn sớm hay muộn cũng chưa quan trọng bằng việc kết hôn đúng người. Vì nếu bạn lựa chọn sai người để đồng hành thì dù đến sớm hay đến muộn thì cuộc hôn nhân của bạn cũng sẽ có nguy cơ đổ vỡ mà thôi. 

#kết hôn