Nhân viên thế này, sếp không tăng lương...hơi phí!
Bạn chỉ cần là một nhân viên "bình thường" thôi!
Nếu bạn từng phải thốt lên: “Công việc được giao quá nhiều, không thể làm xuể”, “Càng ngày càng chán công việc đang làm” hay là “Làm việc quần quật cả năm trời mà mãi sếp không tăng lương” thì nhất định nên đọc cuốn bí kíp này một lần.
Tại sao lại là “nhân viên bình thường?”
Cuốn bí kíp mà tôi đang nhắc đến ở đây chính là “Được việc - Bí kíp làm nhân viên bình thường” của tác giả Dương Trọng Tấn – một chuyên gia về quản trị và giáo dục, một trong những người tôi ngưỡng mộ.
Với nhiều độc giả, 2 chữ “bình thường” trong tên sách chính là điều khiến họ tò mò về nội dung cũng như là động lực để đọc cuốn sách này. Thường thì người ta sẽ thường nói về bí kíp để trở nên đặc biệt, để trở thành ai đó “nổi bật” và thành công tại nơi làm việc. Nhưng ở đây, tác giả đã cho ta một góc nhìn mới về khái niệm “nhân viên bình thường” , khiến độc giả tự hỏi “liệu mình có đang là một nhân viên bình thường hay không?”.
Từ cuốn sách, ta có thể hiểu rằng, một nhân viên bình thường, nếu chỉ định nghĩa rằng mỗi ngày làm việc đủ 8 tiếng, đi làm đúng giờ, nghỉ đúng giờ thì vẫn chưa đủ.
Một nhân viên "bình thường” là người đạt một mức năng suất làm việc nhất định, đem lại hiệu quả công việc tốt. Bên cạnh đó, ngoài những vấn đề công việc, nhân viên bình thường cũng tự phát triển bản thân bằng cách trau dồi các kiến thức, các kỹ năng làm việc thiết yếu, và có sự cầu tiến nhất định trong công việc.
Và cuốn sách này, đúng như cái tên, là một cuốn sách với đầy đủ những phương pháp thiết yếu nhất để một người nâng cao năng suất và hiệu quả làm việc, trở thành “nhân viên bình thường” đúng nghĩa.
“Năng suất không phải là tất cả, nhưng về lâu dài thì nó hầu như là tất cả”
8 chương của cuốn sách được viết theo từng cấp độ, khởi đầu từ cấp độ một nhân viên tập sự cho tới cấp độ một nhân viên “bình thường”.
Chương 1: Thái độ, nhiệt huyết, năng lực và hơn thế nữa
Tác giả đề cập đến thái độ, tính nhiệt huyết để đạt được năng suất tối ưu. Ở phần này tác giả chỉ rõ được gốc rễ vấn đề nằm ở Mindset của mỗi người. Và điều quyết định sự thành công của 2 người nằm ở chính thái độ. Nó được đánh giá qua công thức: P = (K + S)^A
Trong đó: P(performance) là thành quả đạt được, K(knowledge) là tri thức, S(Skill) là kỹ năng, A(Attitude) chính là thái độ. Và từ đó, ta có thể thấy thái độ rất quan trọng trong công việc.
Chương 2: Bắt đầu và kết thúc đúng cách
Trong chương này, tác giả đề cập tới Personal Kanban – một phương pháp quản lí công việc linh hoạt đơn giản và Getting Things Done – một phương pháp quản lí công việc nổi tiếng thế giới do David Allen đề xuất.
Chương 3: Hăng hái làm việc
Chương này tác giả chủ yếu đề cập đến động lực làm việc mở đầu với mô hình con nhím hay khái niệm Ikigai của người Nhật.
Chương 4: Tương tác chất lượng
Tác giả đề cập phương pháp giao tiếp hiệu quả trong công việc, sử dụng bộ khung Ho-Ren-So – Một kỹ thuật nổi tiếng của người Nhật, viết tắt của ba thành tố: Hokoku (báo cáo), Renraku (liên lạc giao tiếp), Soudan (hỏi ý kiến, tham vấn).
Chương 5: Họp hành và cùng nhau làm việc
Tác giả đề cập đến các vấn đề trong họp hành, cách đi họp sao cho đúng.
Chương 6: Tổ chức thông tin và tri thức
Tác giả nếu lên cách lưu trữ thông tin khoa học.
Chương 7: Thời gian, năng lượng và những ưu tiên
Tác giả chia sẻ phương pháp Pomodoro – Gia tăng sự tập trung, quản lý thời gian hiệu quả và thuần thục đa nhiệm.
Chương 8: Học tập và cải tiến liên tục
Theo tác giả, mỗi người cần phải học tập liên tục, học để cải tiến năng suất làm việc, học để hiểu hơn về xung quanh, hay đơn giản học để tiếp thu cái mới bắt kịp với tốc độ phát triển của xã hội.
8 chương của cuốn sách là sự tổng hợp của nhiều khái niệm, kiến thức,... để giúp một người nhân viên có thể cải thiện năng suất làm việc của mình. Và để có thể vận dụng hết những kiến thức đó, mỗi người sẽ phải luyện tập và đúc rút ra những kinh nghiệm riêng phù hợp với bản thân.
Với mình đây là 1 cuốn sách rất hay. Nhưng có thể sẽ khá khó đọc nếu như các bạn chưa biết đến các khái niệm về Personal Kanban, OKRs, Scrum, SMART, 5WSH, 5Whys, Pomodoro, Ho-ren-so ... vì các bạn phải mất khá nhiều thời gian để tìm hiểu về các khái niệm đó, đúng hơn là các phương pháp tăng năng suất, tập trung trong công việc… Về cơ bản, cuốn sách không phải là lý thuyết suông, mà nó là sự trải nghiệm và đúc kết trong thực tế của tác giả.
- Thu Hoài (EUV2) -
Đây là một cuốn sách mình rất thích về chủ đề phát triển bản thân, bên cạnh cuốn sách "Tôi tự học" của tác giả Nguyễn Duy Cần. Cuốn sách cung cấp những lời khuyên được hệ thống hóa để giúp cho bạn trở thành người "được việc", như cách quản lý thời gian, cách duy trì động lực trong công việc, tương tác chất lượng, họp hành, tổ chức thông tin và tri thức, cách lựa chọn và ưu tiên, cách học tập và cải tiến liên tục. Các thông tin có thể không quá mới với mình vì mình cũng đang hàng ngày thực hành một số lời khuyên của tác giả như dùng Personal kaban, Trello, Ho-ren-so..., nhưng khi đọc sách lại được chiêm nghiệm những gì mình đã trải qua trong quá trình làm việc.
Một cuốn sách cần đọc và nên đọc đối với những người đang đi làm hoặc sắp đi làm, nhất là với các bạn trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc.
- Nhận xét từ độc giả Minh Phạm trên trang Good Reads -
Link mượn sách: https://book.sun-asterisk.vn/books/duoc-viec-399#