[Review] Dám bị ghét: Cậu bất hạnh là bởi tự mình chọn lấy bất hạnh
Đó chỉ là một trong vô vàn câu nói giữa nhà triết gia và chàng thanh niên trẻ trong tác phẩm Dám bị ghét của bộ đôi tác giả Kishimi Ichiro và Koga Fumitake. Điều đó giúp bạn Nguyễn Thị Thanh Hằng - Sun* Đà Nẵng tin rằng, mọi thứ trên đời đều do mình chọn lựa, chứ không ai có thể làm cho bạn hạnh phúc hay bất hạnh.
Dám bị ghét là một trong những cuốn sách self help yêu thích của tôi. Bởi nó giúp tôi có thêm can đảm để hạnh phúc, thậm chí can đảm để bị ghét bỏ và có thêm niềm tin để sống cuộc đời mình mong muốn.
Xuyên suốt tác phẩm là cuộc đối thoại giữa chàng thanh niên và triết gia. Mọi câu chuyện được Kishimi Ichiro và Koga Fumitake đưa ra đều dựa vào những tư tưởng của nhà tâm lý học Alfred Adler – người được mệnh danh là một trong “ba người khổng lồ của tâm lý học hiện đại”. Adler luôn cho rằng, “cuộc đời ta là do ta lựa chọn”, và gọi đó là “tâm lý học của lòng can đảm” hay “thuyết mục đích”.
Cuộc sách bắt đầu bằng cuộc gặp gỡ mang tính tranh luận giữa chàng thanh niên và nhà triết học. Anh thanh niên tỏ ra không phục với phát biểu ‘Thế giới vô cùng đơn giản và con người có thể hạnh phúc ngay lúc này”. Trong con mắt và suy nghĩ của anh, “thế giới chỉ như một cõi hỗn mang đầy mâu thuẫn, không hề có hạnh phúc”.
Điều này tôi thấy thật giống thế hệ của mình, những người trẻ luôn khát khao đi tìm hạnh phúc ngoài kia, nhưng thực tế, chưa bao giờ biết hạnh phúc thật sự đến từ đâu. Chúng tôi hoang mang, bất toàn và bi quan trước thời cuộc. Bởi thế, nhìn đâu cũng thấy bất hạnh.
Trái với sự thái độ bốc đồng và có phần thô lỗ của anh thanh niên chính là sự từ tốn và nhẫn nại của nhà triết gia.
Đối diện với lý do, con người không thể hạnh phúc là bởi, có những người sinh ra trong gia đình hiền lành, khá giả, có những người sinh ra trong gia đình bố mẹ độc ác, nghèo khổ. Dưới con mắt của cậu, thế giới này vốn dĩ chẳng công bằng, sự phân biệt chủng tộc, quốc tịch, dân tộc, vẫn là vấn đề khó mà giải quyết được. Tập trung vào vấn đề “mình được trao cho cái gì” là điều hiển nhiên thôi! Và tất cả những gì nhà triết học nói chỉ toàn là học thuyết trên bàn giấy, hoàn toàn bỏ qua thế giới hiện thực!
Đáp lại những lời lẽ có phần thô lỗ ấy, nhà triết học cho rằng, điều chúng ta cần không phải thay đổi mà là đổi mới. Bởi thế, trong giây phút này, cậu bất hạnh là bởi cậu tự mình chọn lấy “bất hạnh”, chứ không phải cậu sinh ra đã có số bất hạnh: "Đó không phải là do cậu sinh ra trong hoàn cảnh bất hạnh hay rơi vào tình cảnh bất hạnh, mà là vì cậu đã cho rằng đối với bản thân mình “bất hạnh” là một dạng “thiện”.
Những câu nói của nhà triết gia khiến những người đọc như tôi bắt đầu có thêm cái nhìn khách quan hơn về cuộc sống, nhìn cuộc đời với ánh mắt bao dung hơn và giản đơn hơn trong cách nhìn nhận, cảm nhận.
Đúng vậy! Bấy lâu nay chúng ta đã quá tập trung vào thứ mình đang có hay nói như tác giả là thứ “chúng ta được trao” và không ngừng so sánh với người khác, thấy thất vọng khi thua kém rồi sinh ra lòng đố kỵ, tự ti.
Chúng ta khao khát được thành công, được người khác ngưỡng mộ nhưng lại không chấp nhận việc đi lên từ thứ mình đang có và luôn mơ mộng về thứ khác. Đến khi thất bại, chúng ta lại đổ lỗi cho hoàn cảnh, cho sự xuất phát điểm không bằng ai. Mình tin chắc câu “đối với bản thân mình “bất hạnh” là một dạng “thiện” chính là sự lấp liếm và biện minh cho sự lười thay đổi, không dám thử nghiệm cái mới. Bởi nhà triết gia đã nói “thiện” ở đây vì nó có lợi cho bản thân mình, ngăn chúng ta khỏi sự thật tàn nhẫn “mình thất bại vì mình vô dụng”.
Suy cho cùng, nếu muốn hạnh phúc, cái chúng ta cần không phải là tài giỏi, giàu có… mà là lòng can đảm, sống một cách nghiêm túc, hết mình ‘ngay vào lúc này’.
Hi vọng qua một đoạn cảm nhận nhỏ của mình về tác phẩm này sẽ giúp mọi người tìm ra cho mình được một quyển sách tâm đắc và phù hợp với bản thân. Nhất là những người trẻ đang đứng trước nhiều lựa chọn cũng như cần một động lực để thay đổi chính mình.