[Review] Nghệ thuật 'đếch' quan tâm của một developer có giấc mơ sản xuất âm nhạc
Đây là câu chuyện của bạn Trọng Hiếu - EUV2 dưới góc nhìn của cuốn sách 'Nghệ thuật tinh tế của việc đếch quan tâm'. Nếu bạn đang tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi 'Mình sống để làm gì?', thì rất có thể, nó hữu ích với bạn.
Vào một ngày rất thường xuyên xuất hiện trong khoảng 2 năm gần đây, ngày mà mình bế tắc trong việc đi tìm câu hỏi: Hạnh phúc thực sự là gì? Mình sống để làm gì? Dù đã hay chưa tìm ra, liệu bạn có chắc chắn câu trả lời đó chính xác với cuộc sống hiện tại của bạn?
Ngay lúc đó, Youtube của mình hiện lên các vlog nói về Tỉnh Thức, Hạnh Phúc và Sự Thật của anh Johnny Trí Nguyễn. Bên cạnh các video nói trên, chính là phần quảng cáo của Tiki về cuốn sách với một tựa đề rất hút mắt "Nghệ thuật tinh tế của việc "đếch" quan tâm" (The subtle art of not giving a f*ck). Việc browser lưu lại cookie về cuốn sách này nhắc nhở mình nhớ lại rằng bản thân đã nhiều lần định mua cuốn sách này để đọc. Không thời điểm nào phù hợp hơn thời điểm ấy, cuối cùng mình đã quyết định đặt mua để tìm hiểu về những điều hay ho từ nó.
Thật trùng hợp , chuỗi video nói trên và cuốn sách này đều có liên quan đến một số nguyên tắc về thiền định, đạo Phật và cốt lõi của hạnh phúc. Đặc biệt, làm việc tại Sun* cũng khá lâu, mình nhận thấy "Nghệ thuật tinh tế của việc 'đếch' quan tâm" có ít nhiều điều thú vị liên quan đến 3 core values Get Risky, Stay Focused và Be Optimistic. Ở phần review dưới đây, mình sẽ chia sẻ sự liên quan của cuốn sách này đối với 3 giá trị cốt lõi nói trên từ góc nhìn của một developer trẻ tuổi như mình nhé!
Get Risky
Trong cuốn sách, tác giả Mark Manson đề cập đến một nguyên tắc cốt lõi để có thể hạnh phúc , đó là việc giải quyết các vấn đề.
Sự chấp nhận những trải nghiệm tích cực, là một trải nghiệm tiêu cực. Ngược lại, sự chấp nhận những trải nghiệm tiêu cực chính là một trải nghiệm tích cực.
Bởi vì cuộc sống của chúng ta chính là một chuỗi các vấn đề. Bạn nghĩ rằng bây giờ bạn nghèo thì nghèo là vấn đề. Bạn nghĩ rằng, bạn chỉ cần trúng xổ số 100 tỷ , thì bạn sẽ hạnh phúc, sẽ không còn vấn đề gì cả. Nhưng khi bạn có được 100 tỷ nhờ việc trúng xổ số, hàng tá vấn đề mới sẽ từ đó mà đẻ ra:
- Làm sao để bạn đến nhận giải thưởng mà không gặp nguy hiểm?
- Làm sao để người ta không lên kế hoạch cướp tiền của bạn ?
- Rồi trong số họ hàng, anh chị em, bạn bè, .... có những người trước đây chẳng quan tâm đến bạn nhưng bây giờ lại sân si đến bên cạnh bạn khi đánh hơi thấy mùi tiền, làm sao để bạn không bị phân tâm bởi họ?
Tóm lại, bạn cần có một tầm vóc xứng đáng với số tiền mà bạn được hưởng để xử lý các vấn đề liên quan đến nó. Để giải thích cho lập luận đó, cuốn sách này dạy tôi rằng:
Hạnh phúc nằm ở việc giải quyết các vấn đề
Có một điểm trùng hợp trong "Nghệ thuật tinh tế của việc đếch quan tâm" và những câu nói trong vlog của Johnny Trí Nguyễn, đó là khái niệm về hạnh phúc và sự hưng phấn. Khi con người gặp một vấn đề, họ thường có 2 xu hướng lựa chọn: giải quyết hoặc trốn tránh vấn đề. Ở đây, việc giải quyết vấn đề chính là lựa chọn hạnh phúc. Còn khi trốn tránh vấn đề, họ có thể sẽ đi tìm một sự hưng phấn tạm thời từ các chất kích thích khác như rượu, ma túy, một bộ phim hài hay đắm chìm với video game,... Giải quyết vấn đề chính là sự chấp nhận một trải nghiệm tiêu cực. Bia rượu hay nguy hiểm hơn là ma túy, ....chính là sự chấp nhận một trải nghiệm tích cực. Sự hưng phấn sẽ nhanh chóng biến mất khi chúng ta đối mặt với thực tại. Nó tiêu tốn thời gian của chúng ta và có thể khiến cho vấn đề trở lên tồi tệ hơn bao giờ hết. Ở chiều ngược lại , hạnh phúc sẽ tiếp diễn khi chúng ta liên tục giải quyết các vấn đề.
Hạnh phúc nó luôn nằm ngay bên trong chúng ta. Chúng ta chỉ đang đặt điều kiện để nó tuôn ra. Không cần tìm hạnh phúc ở bất kỳ đâu cả
- Johnny Trí Nguyễn
Đó là lý do vì sao Sunners chúng ta nên Get Risky. Vì thử thách chính là hạnh phúc. Chúng ta cần nhiều trải nghiệm hơn để khám phá hạnh phúc bên trong bản thân mình, đặc biệt là khi còn trẻ. Giống như Mark Manson nói trong cuốn sách này:
Chìa khóa của hạnh phúc không nằm ở câu hỏi: Bạn muốn gì? Mà nó nằm ở câu hỏi: "Bạn chấp nhận nỗi đau nào ?"
Bản thân mình từng nghĩ mình không thể làm âm nhạc. Mình từng nghĩ để sản xuất 1 bài hát, sẽ phải mất thời gian học nhạc lý, phải có tiền đề vào Nhạc viện Quốc gia, phải có tiền mua đàn, trống, máy tính, kèm một gương mặt đẹp để người ta có thể nhìn vào khi mình hát. Cho đến khi mình bắt tay làm thử những bài hát đầu tiên, mình nhận ra là tất cả những khó khăn nói trên chỉ nằm trong sự tưởng tượng của bản thân. Sau một quãng thời gian khoảng 1,5 năm, hiện tại, mình đã bắt đầu có những ca khúc tự sáng tác đầu tiên. Ở thời điểm hiện tại, mình không còn nghĩ về việc liệu sau này mình có nổi tiếng hay không, có nhiều hit hay không, có kiếm được nhiều tiền hay không nữa. Một năm rưỡi vừa rồi khiến mình nhận ra rằng, mình chỉ đơn thuần yêu nỗi khổ của quá trình sản xuất âm nhạc. Nếu bạn bảo mình xấu trai, giọng mình yếu, mình chưa được học bài bản về âm nhạc? Đó không phải là điều mình cần quan tâm quá nhiều lúc này!
Nếu bạn biết anh Vinh Khuất, có nhiều người nói anh ấy ăn mặc xấu, xấu trai. Anh ấy chỉ đơn giản bảo rằng:
Mình là người làm âm nhạc, không phải là diễn viên. Mọi người yêu thích tác phẩm của mình, thế là đủ .
Đúng vậy, anh Vinh Khuất cũng không quan tâm. Anh ấy chỉ quan tâm một cách tinh tế nhất đến âm nhạc của mình. Đó cũng là điều mà cuốn sách của Mark Manson đã nói.
Mấu chốt không phải là thờ ơ với mọi thứ. Mà chỉ quan tâm đến những vấn đề bản thân cần giải quyết thôi .
Stay Focused và Be Optimistic
Vì cuộc sống của chúng ta sẽ không bao giờ hoàn hảo, nó chỉ mãi mãi tiệm cận sự hoàn hảo thôi. Hay nói cách khác, cuộc sống không bao giờ tốt lên, nó chỉ bớt tệ đi thôi. Nên hãy lạc quan lên và tập trung vào những điều bạn muốn làm. Cuốn sách này cũng đã nói với mình như vậy:
Cuối cùng thì một ngày đẹp giời nào đấy bạn sẽ tạm biệt cõi đời này. Tất cả những người bạn quen biết, sớm hay muộn rồi cũng đều sẽ sang thế giới bên kia. Trong quãng thời gian ngắn ngủi từ nay cho tới lúc bạn qua đời, nếu cứ tiếp tục chạy loanh quanh hết mối bận tâm này đến mối bận tâm khác, thì rốt cuộc tâm trí bạn sẽ rối như một mớ bòng bong và cuối cùng là mọi thứ sẽ chẳng đi đến đâu cả.
Mình đã từng có nhiều người bạn. Đúng hơn là những người mà mình coi họ là bạn, ở phía ngược lại thì mình không biết. Mình đã từng tập trung rất nhiều thời gian để mua đồ ăn cho họ, làm bài tập cùng họ, có mặt bất cứ khi nào họ cần mình và muốn tâm sự cùng mình... Cho đến một ngày, mình nhận ra rằng, có những người chẳng bao giờ để ý trả lời tin nhắn của mình với sự quan tâm của họ. Những lần họ chủ động hỏi thăm mình là cần nhờ vả. Mình nhận ra rằng, mình đã quá tập trung vào những mối quan hệ chất lượng thấp. Khi ở độ tuổi 16 - 22 tuổi, mình cứ nghĩ có càng nhiều bạn thì càng tốt. Nhưng bước sang ngưỡng tuổi 24, mình cảm thấy cắt bớt những mối quan hệ đi mới là điều cần thiết cho bản thân lúc này.
Tiền thì người có nhiều, người có ít, nhưng thời gian thì ai cũng chỉ có 24h một ngày. Chúng ta nên tập trung vào những điều đem lại giá trị cho chúng ta cũng như quan tâm tới những thứ thật sự cần thiết và quan trọng với mình.
Quay lại câu hỏi "Hạnh phúc thực sự là gì? Mình sống để làm gì?", mình nghĩ mỗi người sẽ có những câu trả lời hay hướng trả lời riêng bởi chúng ta có quyền lựa chọn!
Và bạn có tin không? Nghệ thuật tinh tế của việc "đếch" quan tâm mà cuốn sách này đề cập tới chính là chìa khóa vàng cho những vấn đề mà bạn đang gặp phải ngay lúc này. Nó sẽ giúp mọi thứ trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Trên tất cả, bằng việc dọn dẹp sạch sẽ những mối bận tâm tới việc bạn cảm thấy tồi tệ ra sao hay những ảnh hưởng tạp nham bên ngoài, cảm xúc của bạn sẽ giống như được rắc lên đầy thứ “bột tiên đếch-quan-tâm” đầy ma thuật. Bạn sẽ dừng chán ghét bản thân mình chỉ bởi vì những cảm xúc tiêu cực!