[Review] Tròn một vòng yêu thương - Càng lớn chúng ta càng hiểu về tình yêu của cha mẹ

Bởi vì đọc cuốn sách này tôi càng thấu hiểu thêm tấm lòng mẹ cha. Review được viết bởi bạn Tuấn Hiệp - VEU.

Hà Nôi, một ngày cuối xuân.

Tôi viết những dòng này khi đang ngồi trên chuyến xe buýt hồi hương về căn nhà tôi đã lớn lên thuở nhỏ, từng hình ảnh về thầy u lần lượt xuất hiện trước mắt tôi. Tôi lại nhớ về cuốn sách ấy – cuốn sách đã khiến con người vô cảm của tôi trở nên biết yêu thương. Hoàng hôn ngày hè năm đó, ngày sinh nhật hai mươi tuổi của tôi, một cô bé trong câu lạc bộ guitar mà tôi sinh hoạt đã tặng tôi cuốn sách mang tựa đề: “Tròn một vòng yêu thương” của tác giả Đỗ Xuân Thảo. (Người mà sau này tôi tìm hiểu và biết được đó là cha của cậu bạn Đỗ Nhật Nam – giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội).

Nguồn: Pinterest

Mỗi trang sách đều ngập tràn tình yêu thương, mộc mạc, nhưng cũng đầy sự tinh tế, nồng ấm. Đó là những mẩu chuyện nhỏ đời sống hàng ngày trong gia đình. Những kỷ niệm, ký ức từ ngày bé thơ của thầy Thảo. Từng câu, từng chữ chứa chan suy nghĩ, tình cảm dịu dàng của một người cha dành cho Nam, của một người chồng dành cho vợ và của một người con dành cho ba mẹ. Song hành cùng thầy, tôi dần được trở lại những góc xa xưa trong tâm trí mà từ lâu tôi đã quên lãng hoặc cứ thế để trôi tuột qua mà không ngó ngàng tới. Thực sự tôi giận mình biết bao khi đã không cảm nhận được những điều ấy.

Câu chuyện tôi nhớ nhất là về những lời “nói dối” dễ thương của bậc cha mẹ. Thầy kể rằng: “Nhà mình ngày xưa nghèo, lại đông con, bữa ăn không được gọi là bữa cơm mà là bữa ngô, bữa sắn. Hiếm lắm mới có hôm được nồi cơm trắng thì khi nồi còn bốc hơi đã nghe tiếng vét đáy nồi quèn quẹt. Thi thoảng trên mâm cơm mới có đĩa tóp mỡ nhưng mỗi miếng tóp lại cõng thêm thật nhiều hạt muối. Những thứ mà anh em mình coi là “xa xỉ” ấy, mỗi lần mời bố ăn, bố đều từ chối: “Các con ăn đi! Thứ này bố không biết ăn!” Trước con mắt háo hức khát thèm của đàn con đang tuổi ăn tuổi lớn, bố cứ lắc đầu, xua tay, quay mặt nhất định không ăn. Thế rồi, đĩa tóp mỡ hết vèotrong sự thèm thuồng tiếc nuối của đàn con. Ngây thơ, mình luôn tự hỏi: “Sao ngon thế mà bố chẳng ăn nhỉ?”[1]”.

Nguồn: Pinterest

Tôi chạnh lòng nhớ lại mỗi lần nhà tôi có cá. Mẹ luôn là người gắp miếng đầu cá. Mẹ bảo là mẹ thích ăn đầu cá. Tôi đã tưởng thật và luôn để dành cho mẹ. Tôi thật ngu ngốc làm sao.

Thầy kể tiếp: “Mình đi học xa nhà từ tấm bé. Niềm vui lớn nhất của những năm tháng xa nhà ấy là mỗi lần nhìn thấy bố thoăn thoắt gùi gạo sau lưng lên thăm con. Những lúc ấy, tim mình như đập nhanh hơn và nước mắt thì lưng tròng. Mình những muốn ôm choàng lấy bố nhưng lại ngại với lũ bạn cùng phòng. Bố thì hào hển, mồ hôi đầm đìa, mặt đỏ rựng lên trong nắng. Bố khẽ cầm tay mình và dịu dàng: “Con cứ ăn cho no để học cho giỏi. Ở nhà, đợt này được mùa nên nhiều thóc lắm.” Chao ôi! Được mùa! Ngày ấy, từ “được mùa” xứng đáng được coi là cụm từ tuyệt mỹ nhất trong vốn từ vựng của trẻ con nhà nông. Cái mong ngóng trời xa đất gần, cái phụ thuộc vào ruộng nâu trâu đằm, cái ngóng chờ mỏi mòn khắc khoải của người nông dân nếu được đền bù bằng “được mùa” thì không thể có gì vui hơn được nữa. Bố nói “được mùa” rồi, thế là mình yên tâm thóc sẽ đầy bồ, yên tâm mẹ cha không phải tất tả đi vay nợ làng trên xóm dưới. “Bố ơi, được mùa thật chứ bố?” “Thật mà, thật mà, con yên tâm.”

Rồi bố lại bươn bải ra về, lưng áo đẫm mồ hôi. Bố hòa vào vệt nắng cuối trời để lại mình bần thần bên song cửa, khi chiều lan buông trong yêu thương mênh mang.”[1] Bố tôi cũng vậy. Tôi nhớ mãi cái ngày bố tôi, giữa trưa hè Hà Nội nắng như thiêu như đốt. Bố tôi lặn lội từ quê đi ra tận Đinh Lễ mua cho tôi quyển sách tham khảo. Bóng lưng bố mướt mả mồ hôi chỉ với hi vọng sau này con sẽ được ăn no mặc ấm. Rồi những ngày mưa, sợ con bị ướt lặn lội mang ô tới tận trường cho con.

Từng câu chuyện một, chuyện đời thầy, chuyện đời tôi, lần lượtt hiện lên trước mắt làm tim tôi nhói đau như thế.

Chẳng biết từ khi nào, má tôi đã ướt. Tôi hối hận những ngày tháng đã qua, tự trách bản thân mình đã vô tâm như thế nào rồi lại cảm thấy thật may mắn vì vẫn còn thời gian để tôi thay đổi, để có thể ... “Tròn một vòng yêu thương".

#Tròn một vòng yêu thương

#review sách