[Review] Vì sao 'Tôi tự học' đang được rất nhiều Sunners tìm đọc?
Tôi tự học là cuốn sách của tác giả Nguyễn Duy Cần (tự Thu Giang) do anh Danh Duệ - EUV3 giới thiệu và đã nhận được sự yêu thích của nhiều Sunners. Thậm chí, anh Duy Sơn - EUV1 đã phải thốt lên rằng 'Cuốn sách hay nhất, và cũng khoai nhất về chủ đề tự học mình từng đọc'.
Tôi tự học được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1961. Tính đến thời điểm này, trải qua hàng chục năm, nó vẫn còn nguyên ý nghĩa. Vốn là người chưa từng đọc sách tiếng Việt, nhưng khi nghe anh Danh Duệ review cực kỳ có tâm tại Lê La quán, anh Duy Sơn đã quyết định tìm đọc cho được.
Và đúng như anh dự đoán: 'Cuốn sách khó nuốt như ăn khoai lang không uống nước vậy. Đọc nhanh là nghẹn'. "Nhưng chân thành mà nói, đó là một món ăn ngon. Cực nhiều hương vị và dưỡng chất. Cuốn sách đề cập tới kiến thức rất rộng, sâu sắc đấy, nhưng để hiểu được phải có cả lô kiến thức chuyên sâu khác về tâm lý học, tư duy nhanh, chậm...vv. Nên dám chắc với mọi người, đây là một cuốn sách khiến chúng ta muốn tận hưởng theo phong cách của những con bò, ý là thích đọc đi đọc lại, và phải đọc đi đọc lại để hiểu sâu sắc hơn, để ngộ ra những cái mới".
Được viết vào những năm 60, nên chẳng thể tránh khỏi có một vài tư tưởng hơi khắt khe, ví dụ về cách lựa sách và đọc sách, hay quan điểm về vai trò của người vợ đối với sự nghiệp tu tập của chồng. Nhưng với bản thân anh Sơn, cuốn sách không chỉ chứa đựng những lời khuyên, mà còn là lời cảnh tỉnh giúp mình nhận ra ý nghĩa thực sự của việc học, học như thế nào cho đúng, thế nào là người biết ít, người biết nhiều, cách đọc sách và tiếp thu thông tin, đối nhân xử thế thế nào cho đúng.... đối với sự học nên có thái độ ra sao...vv

Giới thiệu về cuốn sách này, anh Danh Duệ dùng nhiều mỹ từ 'Một cuốn sách, một tác phẩm chắc chắn sẽ gây hứng thú đối với bất cứ ai ham học hỏi, rèn giũa bản thân; phù hợp với tất cả những người đã, đang, hoặc bắt đầu có ý định xây dựng cho mình những kĩ năng mới; trang bị cho bản thân một sự hiểu biết nhất định, tìm kiếm một cơ sở văn hóa vững chắc ngoài những kiến thức học được từ trường lớp, từ hệ thống giáo dục nơi sản sinh ra rất nhiều những con người an phận, thụ động, sống theo sự sắp đặt sẵn của người khác, ngại thay đổi, không thể thoát khỏi những lề lối, những định kiến của xã hội; một hệ thống không chú trọng đến việc trang bị cho người học cách thức tự học, tự nghiên cứu để trở thành những con người sống độc lập, tự chủ'.
Tác giả mở đầu cuốn sách bằng việc đặt ra hàng loạt những câu hỏi về việc xây dựng hình tượng con người có học thức, và có học thức để làm gì? Tại sao lại cần mưu cầu trang bị cho bản thân một cơ sở học thức như thế? Một số phương pháp học tập đúng đắn và hiệu quả, được coi là kim chỉ nam cho việc tự học; Cách áp dụng, mở rộng những vấn đề trong cuộc sống.
Đi qua mỗi phần, người đọc sẽ được thấy nhiều hình ảnh, câu chuyện minh họa thú vị nhằm diễn giải hoặc chứng minh cho những luận điểm được đưa ra. Các bạn cũng sẽ có cơ hội thấy được những định nghĩa, khái niệm cô đọng, súc tích; những góc nhìn, quan điểm tinh tế, thú vị.
Ví dụ như: Thế nào là thiên tài? Cái học theo chiều rộng - Cái học theo chiều sâu. Làm thế nào để rèn luyện: Óc nhân quả, Óc tế nhị, Óc thán thưởng; làm thế nào để tránh việc Tản mác tinh thần, xây dựng cho mình một Đời sống đơn giản,….

Những nội dụng mà anh Danh Duệ cảm thấy thú vị nhất trong cuốn sách này:
1. Định nghĩa về thiên tài: Thiên tài là một sự nhẫn nại bền bỉ và lâu dài. Muốn thành những bậc tài hoa, điều đầu tiên phải có lý tưởng, đủ tin tưởng và lòng kiên nhẫn để thực hiện lý tưởng đó; điều thứ hai là phải làm việc cho có trật tự, có phương pháp, nhẫn nại và lặng lẽ, không bồn chồn, không vội vã.
2. Cái học theo chiều rộng – Cái học theo chiều sâu:
Hệ thống giáo dục hiện tại của chúng ta đang chỉ chú trọng vào việc đào tạo theo chiều sâu (Ở đây ám chỉ đi theo một hướng, còn sâu tới đâu là điều chúng ta không bàn tới). Từ bậc phổ thông chúng ta đã được đào tạo học tủ, học lệch để đáp ứng việc kiểm tra, thi cử, rồi lên các bậc học cao hơn (cao đẳng, đại học, cao học) chúng ta càng ngày càng sống trong cái tháp ngà của chuyên môn hơn nữa. Không thể phủ nhận rằng cái học chuyên môn, theo chiều sâu giúp cho công việc ta làm hàng ngày trở nên tinh tiến, mau lẹ, chính xác, tạo ra nhiều lợi ích, giá trị cho xã hội. Nhưng để đi xa hơn, buộc chúng ta cũng phải nhìn nhận lại.
Mọi sự, mọi vật ở đời không tồn tại một mình mà có liên quan rất mật thiết với nhau. Sự việc xảy ra trước mắt ta hôm nay là kết quả của của một dọc nguyên nhân khác nhau, vô hình có, hữu hình có. Thế nên để giải thích được nó có rất nhiều điều mà ta không biết, hoặc có biết cũng chỉ là một vài nguyên nhân thiển cận nhãn tiền mà thôi. Chính vì vậy, để tránh thiên kiến trong khi phê bình, nhận xét buộc chúng ta phải trang bị cho bản thân một cái học đủ rộng để có thể nhìn nhận, đánh giá sự vật, sự việc bằng cái nhìn đa chiều, không thiên kiến.
Trước sự việc xảy ra, người biết ít thường nhìn nhận nó một chiều, với nhiều cảm tính cá nhân, biết ít hoặc không rõ nên vô tình tự thêm thắt những thứ khác nữa để làm cho sự nhớ, suy diễn cá nhân được đầy đủ. Đó là cách nhận nhầm cái bóng đen là kẻ trộm, sợi dây thừng là con rắn.
Người rơi vào trường hợp này rất dễ phán xét sự việc và hành vi của những người xung quanh, sống ích kỉ vì chẳng bao giờ chịu đặt mình vào vị trí của người khác. Từ đó luôn cho rằng mình đúng, cư xử một cách hẹp hòi.

Người ta biết rằng còn rất nhiều điều trong thế giới này mà họ không biết. Trái ngược hẳn lại với người biết ít. Họ không biết rằng, ngoài cái chuyên môn của mình ra, còn rất nhiều thứ mà mình biết là mình không biết, thậm chí còn rất rất nhiều thứ mà bản thân không biết là mình không biết. Họ hiểu rằng, ngoài mặt trời trên miệng giếng kia, còn nhiều mặt trời khác to hơn, rộng hơn, và rực rỡ hơn nữa. Vì vậy, họ thận trọng, khiêm tốn; trước bất cứ sự vật, sự việc nào cũng luôn đặt cho bản thân mình một sự xem xét thận trọng, không vội vàng phán xét.
Nếu các bạn cảm thấy khó hiểu, và mệt mỏi với những lý thuyết trừu tượng bên trên, thì một phần khác mà mình coi là có ý nghĩa và áp dụng được nhiều chính là những phương pháp rèn luyện để có được một sự tập trung tinh thần, một cơ sở văn hóa vững chắc. Đọc qua những phần này, chắc hẳn không ít người (trong đó đã có mình) sẽ nhận được những lời khuyên, lời nhắc nhở, hoặc cũng có thể là nhận được những cái tát cảnh tỉnh thẳng mặt cho những thứ mà chúng ta đã và đang làm cho đến thời điểm hiện tại.
Óc nhân quả:
Có rất nhiều nguyên lý, nguyên tắc, quy luật chi phối cuộc sống mà nếu không đưa ra một định nghĩa, một đánh giá chi tiết về mức độ ảnh hưởng, người ta không thể nào đặt vào nó một sự nhìn nhận đủ lớn và đúng mực.
Ví dụ như: Nguyên lý sự thật, nguyên tắc đáp trả,… và một trong số đó chính là quy luật nhân quả được nhắc tới trong cuốn sách này.
Ta luôn nghĩ rằng ta hiền lành, ta tốt bụng, ta đạo đức nhưng sự thật không phải vậy.
Ta cứ nghĩ ta cấp tiến, thời thượng, đẳng cấp, hổ báo,… nhưng thực sự không phải vậy.
Ta cứ nghĩ ta biết nhiều thứ, nắm bắt được nhiều tin tức, kiểm soát được nhiều quy luật,… nhưng sự thật không phải như vậy.
Ta cứ nghĩ ta đọc nhiều sách nhưng thực sự không phải như vậy.
Ta cứ nghĩ ....... nhưng sự thật không phải như vậy.

Óc thán thưởng:
Không chỉ đối với việc tự học mà còn đối với bất cứ sự vật, sự việc gì để được tinh tế hơn, dù chỉ là một chút ít cũng cần đến rất rất nhiều sự nỗ lực. Mức độ tinh tế càng cao, càng đòi hỏi nhiều sự nỗ lực; và chỉ thêm một chút xíu tinh tế thôi sẽ phải đánh đổi bằng rất nhiều giá trị. (Tiền bạc, nỗ lực, tư duy, sáng tạo).
Một trong những nỗ lực để hướng tới sự tinh tế đó là phải không ngừng quan sát, quan sát một cách tích cực, chủ động. Ta đánh mất thứ gì đó (Tiền tài, sự nghiệp, tình cảm, mối quan hệ,…) đôi khi chỉ đơn giản vì ta không để tâm tới nó, nghĩ nó là điều quá đỗi bình thường. Do đó ngoài việc chú tâm quan sát thì trong lúc quan sát ta không thể quên một trong những yêu cầu chính yếu là phải có óc thán thưởng.
Thực tế thì, dù làm việc to như code mobile app, website, Blockchain, AI, ML, thiết kế, comtor, tester, QA hay làm việc nhỏ, đơn giản như xếp hàng, rửa tay,…. Nếu mỗi chúng ta đều cần biết chịu khó quan sát và quan sát với một tâm hồn biết thán thưởng thì nhất định chúng ta sẽ có một gia đình, một công ty, một đoàn thể, thậm chí một xã hội hết sức văn minh, tinh tế và thú vị.
Biết ngạc nhiên, biết nhìn đời bằng một cặp mắt mới lạ giúp Newton tìm ra cái lực vũ trụ hấp dẫn trong khi nhìn quả bôm rụng. Denis Papin tìm ra sức mạnh của hơi nước cũng chỉ vì biết nhìn với cặp mắt ngạc nhiên bình nước sôi… mà ai ai cũng thấy thường ngày.