[Sách hay] Mindset - Tâm lý học thành công: Khi trí thông minh bẩm sinh có thể "giúp" bạn thất bại nhanh hơn!

Nếu bạn vẫn luôn tin rằng chỉ những ai may mắn sở hữu trí thông minh bẩm sinh mới có thể thành công thì nhất định bạn phải đọc cuốn sách này.

Có thể bạn chưa biết, “Mindset: Tâm lý học thành công” của Tiến sĩ tâm lý học Carol S. Dweck (ĐH Stanford) là một trong sáu quyển sách được tỷ phú Bill Gates review và khuyên đọc vào năm 2015. Không chỉ vậy, cuốn sách này cũng được Satya Nadella - vị CEO tài ba của Microsoft – xem như một "hồi chuông đánh thức gã khổng lồ đang ngủ say" bên trong con người ông. Và đây cũng chính là cuốn sách mà anh Hoàng N.Trung (Section Manager - VEU) đã “highly recommend” trong buổi Morning Speech về “Growth Mindset” ngày 28/4, bởi theo anh đây là “một cuốn sách cho ta hiểu rõ về mindset và vì sao mindset lại quan trọng đối với sự thành công của mỗi người”. Giờ cùng review về cuốn sách này nhé!

Nếu bớt ước mơ, con người sẽ chỉ hài lòng với phần ít ỏi mà mình có

Đây không phải một trích dẫn trong cuốn sách chúng ta đang nhắc đến, mà là lời phát biểu trong một lễ tốt nghiệp của Debbie Millman - là một nhà văn, nhà thiết kế, nhà giáo dục, nghệ sĩ, nhà tư vấn thương hiệu và là người dẫn chương trình podcast Design Matters nổi tiếng. Bà cũng “thúc giục” các sinh viên rằng: 

“Hãy làm điều mình thích, đừng dừng lại cho đến khi đạt được nó. Hãy làm việc chăm chỉ hết mức có thể, hãy dám khát khao những điều vĩ đại hơn chính mình…”

Một lời khuyên nghe có vẻ giáo điều và quen thuộc, nhưng về mặt tâm lý, nó đang thực sự phản ánh cách mà tâm lý học hiện đại nhận diện hệ thống niềm tin về khả năng của con người, các chất xúc tác để thúc đẩy hành vi cũng như dự đoán thành công. Và để hiểu rõ hơn điều này, bạn nên thử đọc cuốn sách “Mindset: Tâm lý học thành công” (Mindset: The New Psychology of Success) của Carol Dweck. Cuốn sách sẽ cho bạn cái nhìn sâu sắc về sức mạnh của tư duy, và thấy được chỉ một thay đổi nhỏ trong tư duy cũng có thể đem lại những ảnh hưởng to lớn đến mọi mặt của cuộc sống.

Nguồn: Internet

Tư duy hình thành nên tính cách

Cuốn sách chỉ ra có hai kiểu tư duy chủ yếu mà con người có thể sở hữu: tư duy bảo thủ và tư duy tiến bộ. 

  • Tư duy bảo thủ tin rằng các phẩm chất (sự thông minh, tài năng) là điều không thể thay đổi. Thành công là sự công nhận những trí thông minh được thừa hưởng, là sự đánh giá khả năng vốn có của bản thân với chuẩn mực đã được định sẵn. Chính vì vậy, để thành công, bạn phải nỗ lực hạn chế rủi ro một cách tối đa, không nên đặt mình vào những thử thách mình cho rằng mình không có khả năng làm được. Khi thất bại, những người này sẽ luôn đổ lỗi.
  • Tư duy tiến bộ tin rằng bạn có thể nỗ lực để phát triển các phẩm chất cơ bản của mình thông qua cần cù và kinh nghiệm. Người có tư duy tiến bộ sẽ  không ngừng tìm kiếm thử thách và và thất bại là một phần thiết yếu của quá trình trưởng thành và rèn giũa kỹ năng. Tư duy tiến bộ có thể tạo động lực để con người không ngừng nỗ lực học tập thay vì chỉ đơn thuần tìm kiếm sự chấp nhận với những gì mình có.

Và theo tác giả, chính những kiểu tư duy như trên sẽ hình thành nên tính cách của bản thân - một phần quan trọng trong hành trình tiến tới thành công của mỗi người.

Nguồn: Internet

Tính cách mang lại thành công

Với hai loại tư duy này, sẽ mang đến những kết quả khác nhau trong các khía cạnh của cuộc sống.

1. Trong tư duy lãnh đạo: 

Đối với lãnh đạo có tư duy tiến bộ, họ là những con người không ngừng đặt câu hỏi và có khả năng đối mặt với các câu trả lời hóc búa nhất, họ không ngại thử thách, cũng không sợ thất bại. Những tổ chức có họ sẽ luôn cố gắng hướng đến sự đổi mới để thích nghi với hiện tại, không ngừng nỗ lực để phát triển đi lên cho dù sẽ gặp rủi ro, khó khăn.

Trong khi đó, các lãnh đạo có tư duy bảo thủ lại chỉ quan tâm đến sự xuất sắc của bản thân, tìm cách loại bỏ những cấp dưới mong muốn đóng góp cho công ty, đổ lỗi, bạo biện, trù dập người khác, xem thường khả năng của đối thủ và không chấp nhận thách thức, đổi mới để thích nghi. Tư duy này đem lại khá nhiều thiệt thòi, thậm chí là thất bại cho công ty vì đi chậm với thời đại, không thể giữ chân những cá nhân xuất sắc với tư duy đổi mới, sáng tạo. 

2. Trong mối quan hệ cá nhân: 

Người có tư duy tiến bộ cho rằng tất cả những yếu tố trong một mối quan hệ đều có thể phát triển. Người với tư duy tiến bộ có thể chấp nhận những khiếm khuyết của người yêu mà không đổ lỗi, họ sẽ khích lệ người còn lại hoàn thiện bản thân, sửa đổi những thiếu sót, giúp đỡ người đó trở thành con người mơ ước của họ. Sự thành thật và tôn trọng lẫn nhau, cùng nhau nỗ lực chính là điều giúp họ duy trì mối quan hệ tốt đẹp cho dù phải trải qua nhiều khó khăn.

Trong khi đó, người có tư duy bảo thủ nghĩ tất cả mọi chuyện đều không thể thay đổi nên họ không cần cố gắng, không vun đắp, không lắng nghe, không tôn trọng những khác biệt,...dẫn đến sự tan vỡ mối quan hệ. Những người này luôn áp đặt suy nghĩ của họ lên người còn lại vì nghĩ rằng họ luôn đúng. 

Như vậy, một mối quan hệ thành công có thể được duy trì và phát triển lâu dài nhờ tư duy tiến bộ.

3. Trong tư duy giáo dục: 

Tư duy của giáo viên, phụ huynh có sức ảnh hưởng lớn trong sự phát triển của học sinh, con cái. Khi khen ngợi sự nỗ lực, chăm chỉ, cố gắng, các kỹ năng và thành tích là kết quả của sự nỗ lực, chăm chỉ, học sinh và con cái sẽ hình thành thói quen tích cực, không ngừng phát triển bản thân bằng nỗ lực, chăm chỉ. 

Trong khi đó, nếu gia đình và nhà trường có tư duy bảo thủ, luôn tuyên dương kết quả là do trí thông minh, trẻ em sẽ luôn tin rằng chúng thành công vì trí tuệ sẵn có, không cố gắng học hỏi, không trau dồi và rèn luyện chăm chỉ. 

Kết quả có thể là đích đến nhưng nếu biết tán dương quá trình để đạt được kết quả đó, chúng ta có thể khích lệ sự phát triển của "growth mindset", giúp chúng ta không ngừng nỗ lực để tiến bộ.

(H. N. Trung  - Section Manager - VEU)

Nguồn: Internet

Vậy bạn sẽ được gì sau khi đọc?

Trước khi đọc lời kết trong bài đánh giá này, bạn hãy thử tự tìm đáp án cho những câu hỏi dưới đây nhé! Việc trả lời những câu hỏi này sẽ giúp bạn biết được giá trị rất đặc biệt mà cuốn sách đem lại cho bản thân.

1. Với những người dạy và học: Cách để nuôi dưỡng Growth mindset giúp người học trở thành 1 người học tập suốt đời là gì? 
(Tốc độ mỗi người có thể khác nhau nhưng khả năng là vô hạn như nhau)

2. Với những người quản lý, lãnh đạo: Làm thế nào để tạo môi trường cho bản thân và các thành viên của mình nuôi dưỡng Growth mindset? 

3. Với những nhân viên: Làm thế nào để nuôi dưỡng Growth mindset, từ đó giúp chúng ta cảm thấy hạnh phúc hơn trong công việc và hòa hợp, cảm thông hơn với đồng nghiệp của mình?

Lời kết

Cuốn sách "Mindset - Tâm lý học thành công" của Carol S.Dweck giúp chúng ta hiểu rằng:

  • Tài năng chắc chắn không phải yếu tố duy nhất tạo nên thành công.
  • Động lực phát triển bản thân, phương pháp đúng đắn và tinh thần chiến đấu không mệt mỏi chính là những yếu tố cốt lõi để tạo dựng thành công.
  • Thành công là cả một quá trình kiên nhẫn rèn luyện, phát huy, không phân biệt điểm xuất phát của bạn.

Cuốn sách đã đem đến cho chúng ta niềm tin vào sự nỗ lực, cố gắng để thành công. Trong tháng 5 - tháng của Get risky tại Sun*, chắc chắn đây chính là cuốn sách bạn nên đọc để rút ra những bài học quý giá cho riêng mình. Sau khi đọc, đừng quên quay lại bài viết này và bình luận cảm nhận của mình nhé.

Ngoài ra, các bạn cũng có thể xem thêm series Ted Talk của tác giả Carol S.Dweck như anh Trung đã gợi ý để hiểu thêm về tư tưởng thể hiện trong Mindset - Tâm lý học thành công nhé. 

#toàn Sun* đọc sách