Sự thật: Dân IT tiêu tiền như thế nào?

Ai cũng nghĩ dân IT lương cao, tiêu tiền không phải nghĩ. Sự thật thì sao? Làm ra tiền với họ không hề dễ, chi tiêu tiền cũng phải khoa học và logic mới được!

Sự thật là...dân IT kiếm tiền tốt nhưng cực kì cẩn trọng trong chi tiêu đấy! Để được mức lương mong muốn họ phải bỏ ra rất nhiều công sức và chất xám, thì việc "hưởng thụ" thành quả cũng cần phải khoa học và thông minh.

Tại Sun* không thiếu những Sunners là "bậc thầy" trong việc quản lý chi tiêu, họ thậm chí còn dành nhiều thời gian để tìm hiểu những quy tắc "tiêu tiền" bổ ích và biến tấu, sử dụng nó như một phương pháp quản lý thu nhập chất lượng. Hãy cùng Sun* News tìm hiểu về cách quản lý tài chính của họ để học hỏi thêm nhiều thứ hay ho và không còn gặp rắc rối với các khoản chi tiêu bất hợp lý nữa nhé!

Văn Phát (CEV13) - Ứng dụng Money Lover tiện lợi vô cùng!

Là một chàng trai trẻ, Phát luôn xem việc chi tiêu khoa học là chi tiêu một cách chủ động và không để bản thân bị phụ thuộc vào thói quen mua sắm theo cảm xúc. Phát luôn chia nhỏ các khoản chi tiêu và đặt hạn mức chi tiêu cho từng khoản nhỏ đó trong 1 khoảng thời gian nhất định (thường thì 1 tháng). Việc sắp xếp cụ thể như thế nào thì tùy thuộc vào thu nhập của mỗi người, giàu thì nhiều khoản, chưa giàu thì cắt bớt khoản. Các khoản nhỏ chẳng hạn như: Mua sắm, tiết kiệm, chi phí gia đình, đầu tư, tiệc tùng ăn chơi...

Phát cho rằng việc 'set' hạn mức chi tiêu cho các khoản nhỏ dựa trên mức độ cần thiết và ưu tiên là phù hợp nhất. Nếu dư giả 1 chút thì sẽ chừa ra 1 khoản tiền gọi là "idle capital" để có thể giúp cho cuộc sống không quá ràng buộc vào các quy tắc cứng nhắc, hoặc dùng nó đầu tư nho nhỏ mang tính chất học hỏi hay thử nghiệm, trải nghiệm cũng rất hay. Nói tóm lại, không quy định cụ thể số tiền này nên dùng như thế nào cả, tự mỗi người lựa chọn cách dùng thích hợp là được.

Phát cho rằng: "Quản lý chi tiêu cũng giống như thời gian biểu vậy, cố gắng nghiêm túc chấp hành 'rule' do mình đặt ra thì luôn luôn tự chủ được tài chính, kể cả những lúc nguy cấp vẫn có thể xử lý kịp thời (hoặc gánh 1 phần nào đó nếu tình huống cần chi tiêu số tiền lớn quá mức cho phép)."

Đặc biệt, để quản lý chi tiêu một cách khoa học nhất, Phát thường dùng ứng dụng Money Lover trên điện thoại. Nói về Money Lover, đây là một ứng dụng thông minh và dễ dàng sử dụng. Nó cho phép chúng ta quản lý và phân loại các khoản thu nhập và chi tiêu, tạo lập và theo dõi các kế hoạch tài chính trong tương lai.

Phát chia sẻ: "Hiện tại, mình chỉ dùng phiên bản Money Lover free, bản này chỉ có thể tạo 2 Wallets, 1 cái là ví tiền tracking tiền vào, tiền ra của tài khoản ngân hàng, và 1 cái là tracking tiền vào, tiền ra của cả 2 (tiền mặt/ngân hàng). Nếu 3 ví thì khỏe, mình lại chia thêm được 1 ví nữa! Còn về thiết lập hạn mức cho từng mục chi tiêu, hiện tại còn khá basic khi mình note lại trên Evernote và check với báo cáo của Money Lover mỗi tuần, hoặc mỗi lần mình chi tiêu với 1 số tiền lớn lớn 1 chút so với bình thường."

Đối với Phát, việc quản lý chi tiêu phải tùy thuộc vào mong muốn cá nhân của mỗi người nhưng với riêng Phát, đây là một công thức phù hợp và hiệu quả với bản thân mình.

Tiến Quân (CEV03) - Quy tắc 6 chiếc lọ

Hiểu rõ việc biết cách quản lý tài chính cá nhân, chi tiêu hợp lý sẽ giúp mình trở nên tự chủ hơn nên đối với cá nhân Quân, việc quản lý chi tiêu rất quan trọng. "Chi tiêu hợp lí là chi tiêu tiết kiệm, các phí chi ra để phục vụ mục đích của bản thân nhưng nằm trong trong khả năng tài chính của mình. Không chi tiêu vượt quá thu nhập hay số tiền có cho một mục đích nào đó." - Quân cho biết.

Cách quản lý chi tiêu của Quân khá đơn giản, sẽ tương tự với quy tắc: "6 chiếc lọ", tùy thuộc vào mức thu nhập mà phân bổ tài chính ra 6 cái lọ với tỷ lệ và mục đích riêng biệt. 

Lọ 1 - Quỹ Tự do tài chính (10% thu nhập): đây là nguồn quỹ dự phòng cho tương lai, dùng cho các dự định riêng của bản thân.  

Lọ 2 - Quỹ Tiêu dùng dài hạn (10% thu nhập): nguồn quỹ này sẽ giúp chúng ta trong các tình huống phát sinh như sức khỏe, bệnh tật...  

Lọ 3 - Quỹ Giáo dục (10% thu nhập): chúng ta có thể dùng quỹ này để nâng cao kiến thức, phát triển năng lực, tạo dựng các mối quan hệ công việc... 

Lọ 4 - Quỹ Hưởng thụ (10% thu nhập): nguồn quỹ để hưởng thụ cho bản thân, vui chơi giải trí... 

Lọ 5 - Quỹ Chia sẻ/Cho đi (5% thu nhập): quỹ này chúng ta có thể dùng để giúp đỡ người thân, bạn bè những lúc khó khăn hoặc hỗ trợ phần nào cho những mảnh đời bất hạnh. 

Lọ 6 - Quỹ Tiêu dùng thiết yếu (55% thu nhập): đây là nguồn quỹ chính để chi tiêu cho cuộc sống hằng ngày hay các nhu cầu thiết yếu khác như ăn uống, sinh hoạt, chi tiêu quần áo, trang phục…  

Nhìn về góc độ Project, nó giống như chúng ta estimate cho các function list nhỏ của 1 screen nào đó vậy! Với thu nhập hàng tháng, Quân sẽ chia thành các nhiều khoản chi tiêu khác nhau. Chia càng nhỏ thì việc quản lí chi tiêu sẽ càng hợp lí hơn. 

Trong trường hợp của Quân, Quân chia thành 4 khoản mà Quân nghĩ phù hợp với mình: 
1. Khoản tiết kiệm lâu dài (mua xe, mua nhà, cưới vợ) 

2. Khoản chi tiêu cần thiết (giao lưu quan hệ, ăn uống, xăng xe) 

3. Khoản đầu tư cho cuộc sống (mua điện thoại, đồng hồ, shopping) 

4. Khoản học tập. 

Hán Huy (CEV14) - Nỗ lực cân bằng tài chính trong thu và chi

"Theo mình, việc chi tiêu hợp lý và khoa học sẽ giúp cho chúng ta cân bằng tài chính trong thu và chi, chỉ nên chi những khoản cần thiết và tiết kiệm một khoản tiền dự phòng cho gia đình. Từ đó, mình sẽ có thể thực hiện những kế hoạch trong tương lai. Mình phải biết được rằng hàng tháng mình sẽ thu vào bao nhiêu, sau đó định ra mức chi là bao nhiêu. Tránh tình trạng chi tiêu quá mức cần thiết." - Huy nhấn mạnh. 

Để thực hiện được điều này, Huy đề ra cho bản thân một kế hoạch quản lý chi tiêu rất chi tiết. Cụ thể sẽ gồm 3 nội dung chính: 

a. Lập danh sách các khoản chi cố định trong hàng tháng 

Hãy tạo thói quen cho việc lập kế hoạch chi tiêu trong gia đình bằng việc ghi chép lại các hạng mục chi tiêu lớn cố định trong hàng tháng. Việc này sẽ giúp chúng ta biết rằng hàng tháng mình sẽ "mất" đi khoản cố định là bao nhiêu. Chẳng hạn các hạng mục cố định mà không thể "trốn tránh" được như các khoản vay, chi tiêu sinh hoạt gia đình ... 

b. Lập danh sách các khoản chi mong muốn 

Sau các khoản chi cố định, hãy lập ra các danh sách khoản chi mong muốn của bản thân. Các khoản chi này có thể sẽ vượt qua mức chi tiêu cho phép trong 1 tháng, chẳng hạn như bạn muốn sắm một Macbook Pro M1, iPhone 13 Pro Max hay các thiết bị dụng cụ gia đình như máy lạnh, tủ lạnh ... 

c. Cân đối ngân sách 

Sau khi có các khoản chi tiêu trên, Huy sẽ phân loại các hạng mục và chuyển đổi các khoản chi tiêu ở "mục b" thành tỷ lệ phần trăm. Thông qua đó, Huy sẽ xem mục nào có thể đáp ứng được nhanh và bù đắp lại khoản thu thì sẽ tiến hành trước, như vậy có thể nhanh chóng cân đối lại hạng mục chi tiêu. 

Ngoài ra thì nếu có thể chi ra thêm thì nên trích ra 2 mục nữa, đó là mục chi phí dự phòng (như sửa chữa nhà cửa, bệnh tật ... ) bởi đây là những hạng mục chi tiêu không thể dự đoán trước được và mục chi phí đầu tư, dư thì đầu tư, không dư thì thôi, tuỳ vào từng tháng mà chi phí này có hoặc không có.

Tâm Nguyễn (CEV13) - Sắp lấy vợ thì phải khác

Trước đây, khi còn tư tưởng độc thân, Tâm còn chưa quá quan trọng việc quản lý chi tiêu nhưng hiện tại sắp bước vào ngưỡng cửa hôn nhân nên Tâm đã bắt đầu khắt khe hơn trong việc quản lý tài chính. Đối với Tâm, chi tiêu hợp lý là một chi tiêu đã có tính toán cho dự định tương lai của bản thân mình.

Ví dụ, chúng ta có những kế hoạch cụ thể như: trong x năm sau lấy vợ, trong y năm xây nhà, trong z năm đầu tư vào đâu đó.... Và với thu nhập hiện tại của mình, để thực hiện được những chuyện trên thì từ bây giờ mình nên chi tiêu ra sao để đạt được nó.

Cũng không phải là một cách tính chi tiêu kỹ lưỡng nhất nên bản thân Tâm cũng sử dụng riêng cho mình một cách quản lý chi tiêu phù hợp và tuân thủ nó hằng tháng. Tâm sẽ chia chi tiêu thành 3 khoản chính:

- Chi phí tháng nào cũng phải trả: khoản này bao gồm tiền nhà, tiền ăn, tiền xăng xe.... dù muốn hay không thì mỗi tháng cũng phải tốn một khoảng kha khá cho nó. 

- Chi phí optional: khoản này dùng để chơi bời, trả sữa, party thì nên gói gọn trong khoảng khoảng nào đó, đừng quá lên là được! 

- Chi phí cần hạn chế: dù là một người rất thích đồ công nghệ, hay mua này mua kia cho bản thân nhưng giờ sắp lập gia đình rồi, phải có một khoản để vun vén cho gia đình, chăm sóc con cái nên những khoản không nằm trong 2 mục chi phí trên thì Tâm sẽ hạn chế hết mức có thể.  

Cách quản lý chi tiêu của Tâm sẽ có chút tương đồng với quy tắc 50/20/30. Với quy tắc này, chúng ta sẽ chia nhỏ thu nhập của mình thành 3 danh mục chính với tỷ lệ phần trăm như sau:

- 50% thu nhập cho các yếu tố cần thiết như đi lại, ăn ở, hóa đơn tiện ích 

- 20% thu nhập cho mục tiêu tài chính như trả nợ, tiết kiệm, dự phòng... 

- 30% thu nhập cho chi tiêu cá nhân như du lịch, giải trí, mua sắm 

Sunners có thể linh hoạt thay đổi tỷ lệ phần trăm dựa vào những ưu tài chính của bản thân nhé!

Trên đây là một số mẹo hữu ích đến từ các "Thánh" quản lý chi tiêu nhà Sun*, biết đâu những cách này có thể giúp được Sunner quản lý chi tiêu hiệu quả hơn thì sao nhỉ. Cứ xem xét và nếu thấy phù hợp, hãy áp dụng các mẹo này và tiết kiệm được nhiều tiền hơn cho tương lai nhé anh chị em!