Sunner và bí quyết đối mặt với cuộc khủng hoảng 1/4 cuộc đời
Câu chuyện về đại bàng tự đập vỡ mỏ và gỡ bỏ móng vuốt để sống lâu hơn, là giả. Nhưng tinh thần của câu chuyện lại khá đúng đối với những người muốn vượt qua khủng hoảng tuổi 30.
Trước khi đi vào hành trình gỡ rối tuổi 30, chúng ta hãy xem lại câu chuyện nổi tiếng về loài đại bàng nhé!
Những năm đầu khi Internet vừa phát triển, có một câu chuyện trôi nổi trên mạng rằng con đại bàng nào muốn sống quá tuổi 30 thì phải tìm một đỉnh núi hoang vắng, tự nhổ bỏ những bộ phận đã cũ nát như mỏ, lông vũ, móng vuốt. Sau đó các bộ phận này sẽ mọc ra hoàn toàn mới và mạnh mẽ như xưa giúp con đại bàng sống lâu hơn.
Thông tin này đã được đại học Minnesota xác thực là sai. Loài đại bàng tự mài móng vuốt và mỏ trong suốt cuộc đời để giữ chúng luôn sắc bén. Và cũng như các loài chim khác, đại bàng không tự nhổ lông vũ của chúng.
Tuy vậy, ở tuổi 30, dường như loài người cũng có những khó khăn giống chú đại bàng trong câu chuyện kia, và quả thật chúng ta cũng cần có những biện pháp mạnh để vượt qua những khủng hoảng tâm lý dễ gặp phải ở độ tuổi này.
Vậy tại sao chúng ta dễ gặp phải khủng hoảng ở tuổi 30? Chúng ta cần những gì để có thể “tái sinh huy hoàng” ? Bài viết này sẽ chia sẻ góc nhìn của tôi, một nam giới ở tuổi 33, có nhiều bạn bè cùng độ tuổi, và hy vọng nó giúp được cho bạn.
Thế nào là khủng hoảng tuổi 30?
Bước sang lứa tuổi 30, phần lớn chúng ta đã bắt đầu nhận lãnh những trách nhiệm mới so với tuổi 20: Có người trở thành cha mẹ, có người thăng chức điều hành chứ không còn nhận lệnh và cũng có người đã đạt được những thành tựu lớn trong xã hội ..v.v.
Nhưng không chỉ sự nghiệp thay đổi, mà bên trong cơ thể chúng ta cũng có những đổi thay: Những thú vui cũ trở nên nhạt nhẽo, sức khỏe suy giảm hẳn so với tuổi 20, những trách nhiệm đè nặng đôi khi làm ta cảm thấy bế tắc.
Và khi đó là khủng hoảng tuổi 30 hay phổ biến hơn là Quarter Life Crisis Và theo đại học Bradley của Mỹ định nghĩa thì:
"Tương tự như cuộc khủng hoảng tuổi trung niên được công nhận rộng rãi hơn, cuộc khủng hoảng ¼ cuộc đời là giai đoạn bất định và hoài nghi thường xảy ra khi mọi người cảm thấy bị mắc kẹt, không có cảm hứng và vỡ mộng trong độ tuổi từ giữa 20 đến đầu 30."
Với mỗi người khác nhau, khủng hoảng sẽ tạo nên hiệu ứng khác nhau. Vậy nên trong bài viết này tôi sẽ liệt kê những tình huống và biện pháp mà tôi quan sát được và giải pháp cho những trường hợp đó nhé.
Giải pháp chung: Có sức khỏe là có tất cả
Đôi khi, những khủng hoảng tinh thần lại xuất phát từ việc chúng ta quên chăm sóc những nhu cầu cơ bản nhất của cơ thể.
Trước khi đi vào những ca mà tôi quan sát được, tôi muốn nêu lên một giải pháp chung cho tất cả các bạn đang gặp khủng hoảng tuổi 30.
Bạn có bao giờ để ý rằng mình mau mệt hơn, dễ ốm và lâu lành hơn tuổi 20 không? Và nếu bạn có con, có phải bạn sẽ thấy mình dễ rơi vào trạng thái ù lì, mệt mỏi sau khi phải vừa làm việc vừa chăm chúng nó không? Hay đơn giản, bạn thấy mình mau say hơn khi bị các đàn em GenZ cụng ly trong những buổi team building?
Nếu bạn chưa thấy khác biệt so với tuổi 20 thì xin chúc mừng, tôi cá là bạn có một sức khỏe tốt hơn mặt bằng chung và một chế độ luyện tập, sinh hoạt rất khoa học.
Còn nếu bạn thấy mình đang có một hoặc nhiều dấu hiệu trên thì cũng đừng quá lo lắng bởi đó là lẽ thường ở đời: sau khi hết tuổi phát triển, cơ thể sẽ dần suy giảm chức năng và tốc độ suy giảm phù thuộc vào lối sinh hoạt của bạn. Và chính vì sức khỏe kém đi, mà kéo theo hiệu ứng là nhiệt huyết giảm, ít xông xáo, hay lo lắng cũng tăng lên.
Cho nên, trước khi bắt tay vào bất kì biện pháp nào để chinh phục khủng hoảng tuổi 30, chúng ta cần củng cố sinh hoạt của mình trước đã!
Cụ thể là:
Sinh hoạt điều độ: ăn đúng giờ, vừa đủ no. Ngủ đủ giấc (tốt nhất là ngủ trước 12g đêm). Các chất kích thích như trà, cafe, thuốc lá, bia rượu v.v. nên giảm tối thiểu để tránh hại thần kinh.
Tập thể dục: Bạn cũng nên lưu ý là đã qua thời chúng ta tập thể dục tùy ý thích nhờ vào sức khỏe. Giờ đây, cơ thể bạn có thể bị chấn thương, đau nhức nếu tập không đúng cách. Tốt nhất nên có sự tư vấn của các huấn luyện viên chuyên nghiệp để có chế độ tập luyện vừa đủ, tránh kiệt sức, chấn thương không đáng có.
Lưu ý đến những triệu chứng bất thường: Là dân văn phòng, cột sống, cổ, vai gáy của chúng ta chịu nhiều áp lực hơn chúng ta tưởng. Hệ thống tiêu hóa cũng dễ gặp vấn đề với các bệnh như đau dạ dày v.v. Hãy đi khám khi cơ thể bạn có những biểu hiện bất thường thay vì lướt qua như tuổi 20 bạn nhé.
Để chốt lại phần này tôi xin dùng 1 lời khuyên rất hay trên Internet:
Nếu bạn thấy cả thế giới ghét bạn thì bạn nên đi ngủ. Còn nếu bạn thấy ghét cả thế giới thì bạn nên đi ăn.
Đôi khi, những khủng hoảng tinh thần lại xuất phát từ việc chúng ta quên chăm sóc những nhu cầu cơ bản nhất của thân thể. Vậy nên hãy chú ý giữ gìn sức khỏe bạn nhé!
Sau đây là những giải pháp và định hướng cho một số trường hợp với những khủng hoảng đặc trưng.
Trường hợp số 1: Khủng hoảng do thiếu định hướng sự nghiệp
Hãy quay ngược thời gian lại một chút. Bạn 18 tuổi đi thi đại học và gia đình bảo “Thi ngành gì đang hot và dễ kiếm việc nha con!”.
Thế là dù thích ngành A bạn đi học ngành B. Sau bốn năm bạn ra trường và làm ngành C vì ngành B đã… hết hot còn ngành A thì lại không có kiến thức chuyên môn.
Việc làm trái ngành hoặc làm trong một ngành mà mình không có tiềm năng sẽ dẫn đến kết quả là bạn sẽ trở thành một người được việc chứ khó phát triển thêm. Nặng hơn nữa, bạn sẽ tích tụ tâm lý tiêu cực khi phải làm những điều chán nản suốt 10 năm, 20 năm.
Cộng thêm với việc sức khỏe, nhiệt huyết ngày càng giảm, bạn sẽ thấy thật khó mà chịu đựng công việc thêm nữa. Đây cũng là lúc bi kịch xảy ra:
Bi kịch kiểu mới: Những bạn trẻ sau nhiều năm cày cuốc làm thuê, quyết định startup bằng tiền tiết kiệm để rồi thất bại và lại bẽ bàng quay về với đời làm thuê.
Bi kịch kiểu cũ: Chấp nhận mọi thứ như thế và sống cuộc đời “chết ở tuổi 25 và được đem đi chôn ở tuổi 70”.
Nhưng là một Sunner bạn hoàn toàn không phải chịu bi kịch nào cả. Bạn chỉ cần lăn xả hơn trước khi thực sự Get Risky thôi.
Ý tưởng ở đây là bạn hãy tham gia những khóa học về Startup của Sun*, học thêm những kỹ năng mà bạn nghĩ có thể sẽ cần khi startup thông qua hệ thống chia sẻ kiến thức của Sun*. Sau khi vững lý thuyết và muốn thực hành, hãy tham gia vào những startup trong ngành bạn yêu thích với hình thức hợp tác bán thời gian. Bạn sẽ được mở rộng tầm mắt và thấy những điều bất cập mà trước đây bạn chưa bao giờ thấy và có thể đưa ra lựa chọn hợp lý hơn.
Chia sẻ từ kinh nghiệm cá nhân: Là một người yêu thích việc bình luận về phim, tôi từng cộng tác với nhiều startup review phim khác nhau. Và sau 5 năm làm cái nghề tay trái này, tôi nhận ra rằng công việc mình yêu thích chẳng giúp được gì cho nền điện ảnh Việt khi vẫn còn những tác phẩm rác, coi thường người xem. Thậm chí là còn những nhà làm phim sẵn sàng vứt bỏ giá trị văn hóa dân tộc để rồi làm ra những tác phẩm dở.
Những start up review phim thành công nhất cuối cùng chỉ còn 2 đường để kiếm ăn: làm kênh bán vé hoặc nhận tiền để khen phim bất chấp hay dở.
Có nghĩa là, nếu tôi đi theo con đường làm truyền thông cho điện ảnh, tôi sẽ phải nói dối hoặc thậm chí ngậm miệng để đủ tiền sống. Và điều đó xem ra cũng là một gánh nặng tinh thần gây ra khủng hoảng khác.
Thế nên tôi vẫn ở Sun*, cống hiến hết mình cho ngành IT và dành thời gian rảnh để bình phim theo đúng cách mình muốn. Và tôi cảm thấy hài lòng với lựa chọn có tính cân bằng này hơn.
Trường hợp số 2: Đột phá thành tựu của chính mình
Trái ngược với trường hợp số 1, trường hợp số 2 là những người đã làm đúng việc mình muốn làm, cần làm. Những người này đạt được thành tựu rất toàn diện: vừa có thu nhập cao, vừa có tiếng nói, quyền lực trong tổ chức.
Nếu so sánh, thì trường hợp số 1 là những người còn đang loay hoay dưới chân núi trong khi trường hợp số 2 là những người đã gần như chạm đến đỉnh núi.
Và cách để giúp cho trường hợp số 2 nằm trong câu chuyện sau:
“Năm 2018, ngôi sao bóng đá Patrice Evra chia sẻ về việc Ronaldo là một “cỗ máy” như thế nào. Theo Evra .hồi còn trẻ và đá cho Manchester United, Ronaldo từng chơi bóng bàn và thua người đồng đội Rio Ferdinand. Thế là Ronaldo đặt mua một chiếc bàn cho riêng mình, lao vào luyện tập và 2 tuần sau anh đánh bại Rio trước mặt mọi người.”
Trong suốt gần 20 năm sự nghiệp của mình với vô số thành tích, Ronaldo luôn là cầu thủ top đầu của bộ môn bóng đá. Anh ta chẳng việc gì phải tập chơi bóng bàn để phân thắng thua trong một trận đấu giao hữu với đồng đội Rio cả. Nhưng anh vẫn tập bóng bàn để rồi không chỉ thắng Rio, mà còn tạo nên một sự nghiệp lẫy lừng cho riêng mình.
Thế nên nếu bạn muốn đột phá thành tựu của mình, thì hãy học một điều hoàn toàn mới mẻ so với chuyên môn cũ của mình. Giải thích chi tiết hơn một chút thì khi bạn bắt đầu học một bộ môn mới, bạn sẽ có những thay đổi sau:
Từ trạng thái “vô đối” của chuyên môn cũ, bạn trở thành trạng thái “bị thử thách” tại bộ môn mới. Và việc cố gắng vượt qua những thử thách mới đó sẽ tiếp thêm nhiên liệu cho ngọn lửa nhiệt huyết trong bạn.
Những kiến thức từ bộ môn mới sẽ phát huy tác dụng phục vụ cho công việc của bạn. Ví dụ khi bạn làm DEV nhưng học về Business Analytics, Marketing thì bạn sẽ có thể đưa ra các đề xuất cải thiện sản phẩm theo hướng Business thay vì thuần túy là cải thiện về mặt kỹ thuật như trước kia.
Tổng kết: Không dễ để vượt qua khủng hoảng
Có thể thấy, dù bạn là trường hợp nào đi nữa, thì việc vượt qua khủng hoảng không hề dễ dàng khi nó đòi hỏi các sức mạnh thể xác lẫn tinh thần. Bạn sẽ phải chịu một gánh nặng gấp 2 thậm chí gấp 3 hiện tại để mở ra một con đường mới, khai thông bế tắc cho mình.
Thế nên tôi chỉ xin chúc bạn đủ mạnh mẽ và may mắn để mở ra con đường này. À, cũng đừng quên rằng Sun* luôn ở bên bạn với hệ thống giáo dục dành cho Sunner, cũng như những leader biết cách lắng nghe và tư vấn luôn mở lòng với bạn nhé.
Cuối bài viết, xin được dành lời cảm ơn đến anh Nguyễn Thanh Tùng D đã đồng hành cùng tác giả trong việc lên ý tưởng, duy trì nỗ lực hoàn thành bài viết này.
Chúc mọi người một năm 2023 đại thắng!