Sunners nói về FOMO (sợ bỏ lỡ) - Hội chứng tâm lý xã hội không của riêng ai!

"Khi hiểu mình, biết mình theo đuổi giá trị nào chúng ta sẽ có thể quyết định đâu là điều mình cần cố gắng, đâu là điều mình sẽ chỉ chiêm ngưỡng" - Huyền Chi.

FOMO là gì?

Xuất hiện lần đầu tiên trong một bài nghiên cứu năm 1996 của chiến lược gia tiếp thị, tiến sĩ Dan Herman, FOMO là từ viết tắt của cụm từ Tiếng Anh "Fear Of Missing Out", dịch ra Tiếng Việt có nghĩa là sợ bỏ lỡ một điều gì đó. FOMO một thuật ngữ phổ biến hiện nay, được sử dụng để mô tả sự lo lắng khi bỏ lỡ cơ hội. Nói rộng ra, FOMO là một hiệu ứng tâm lý của những người sợ bỏ lỡ cơ hội khi đứng ngoài trào lưu của đám đông. 

Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã được tiến hành để chứng thực sự tồn tại của hội chứng tâm lý FOMO, và hầu hết các nghiên cứu đều chỉ rõ, FOMO tạo ra cho con người những cảm giác lo lắng, bồn chồn, rằng mọi người xung quanh có thể đang có trải nghiệm về sự hạnh phúc, vui vẻ hoặc hoàn toàn thú vị hơn bản thân

Trong kỷ nguyên số như hiện tại, hội chứng này càng dễ bắt gặp khi nhiều người có xu hướng chạy theo đám đông để mua một món đồ hời nào đó, người dân đổ xô mua khẩu trang vì tâm lý sợ hết hàng, người chơi hệ chứng khoán sẽ lao vào một mã cổ phiếu nào đó vì sợ không mua bây giờ thì sẽ không còn khi nào giá được tốt để mua nữa,....

Theo viện tâm lý học Việt - Pháp cho biết về lý do một người phải trải qua FOMO, từ xa xưa, con người luôn quan tâm đến vị trí, địa vị xã hội của mình. Nhưng với sự ra đời của phương tiện truyền thông xã hội, FOMO đã trở thành một vấn đề lớn hơn, nhức nhối hơn, đặc biệt là đối với những người trẻ tuổi, những người sử dụng nhiều mạng xã hội, thường xuyên kiểm tra các trạng thái và bài đăng của bạn bè hay có cơ hội tiếp xúc nhiều đến các thông tin khác nhau trên mạng Internet.

Trên thực tế, khi các bạn trẻ sống cuộc sống của mình thông qua một “bộ lọc ảo”, họ dễ mắc FOMO hơn. Và với số lượng các bạn trẻ online gần như liên tục ngày càng gia tăng như hiện nay, không có gì ngạc nhiên khi FOMO đang đạt tỷ lệ ngang với dịch bệnh. 

* Cuộc khảo sát Quốc gia về Căng thẳng và Sức khỏe ở Úc cho thấy 60% thanh thiếu niên cho biết họ cảm thấy lo lắng khi biết bạn bè vui vẻ mà không có họ. Và 51% cho biết họ cảm thấy lo lắng nếu không biết bạn mình đang làm gì. Chính vì vậy,  FOMO sẽ khiến chúng ta thấy được lúc nào chúng ta sẽ chạy theo đám đông!

Trong giới đầu tư, FOMO cũng là một thuật ngữ "đáng gờm" và được rất nhiều người quan tâm, vì đa số ai cũng đã từng một lần FOMO trong đời. Bởi tính cạnh tranh khốc liệt của mình, các thị trường tài chính như chứng khoán,...luôn khiến cho nhà đầu tư cảm thấy mình thua kém những nhà đầu tư khác xung quanh. Càng so sánh bản thân với người khác, họ càng cảm thấy lo lắng, bồn chồn rằng họ đang đứng ngoài cuộc chơi và trở thành người “tối cổ”. Tất nhiên khi đã vướng vào FOMO, họ lao vào đầu tư một cách điên cuồng theo số đông, tuy nhiên kết quả thu về lắm khi chỉ là thua lỗ và thất bại. Đây là điều hoàn toàn dễ hiểu vì khi cảm xúc chi phối toàn bộ hành động, họ chẳng còn đủ tỉnh táo để ứng biến trước những thay đổi đột ngột của thị trường.

Mặc dù khá mơ hồ nhưng FOMO có thể gây ra những ảnh hưởng dễ dàng quan sát được. Nếu chú ý kỹ chúng ta có thể khẳng định rằng, FOMO chính là một hội chứng tâm lý không của riêng ai, và có thể bắt gặp mọi lúc mọi nơi. 

Hãy cùng lắng nghe một số ý kiến của Sunners khi bàn về FOMO nhé!

Mình có tham gia thị trường chứng khoán nên có biết về thuật ngữ này, nó là gọi là Fear Of Missing Out, tức là sợ bị lỡ mất cơ hội hoặc sợ bị bỏ lại. Sau đó, mình tìm hiểu sâu hơn về thuật ngữ này thì thấy đây là hội chứng tâm lý rất nhiều người gặp phải. Thậm chí là cả những người tự tin nhất đôi khi cũng sẽ có lúc FOMO. 

Bản thân mình cũng đã từng gặp phải nó trong cuộc sống hàng ngày, điển hình là trong việc đầu tư chứng khoán này. Có những lúc mình thấy một mã cổ phiếu rất tiềm năng, sợ rằng không mua được thì sẽ mất cơ hội nên mình đã lao vào mua khi nó đang lên cao. Lúc đó, mình ôm hy vọng mã này sẽ còn tăng cao nữa, gấp đôi gấp ba lợi nhuận. Nhưng thực tế, khi mua xong nó rớt giá thảm hại, lúc đó mình mới nhận ra là mình đã quá FOMO.

Theo trải nghiệm của bản thân, mình thấy rằng khi mình nhận diện được hội chứng này thì hãy cố gắng dừng lại một chút để suy nghĩ thật kỹ vấn đề trước khi đưa ra quyết định. Có lần lướt FB, mình thấy bạn bè check in đi du lịch khắp nơi thích quá, mình cảm thấy ghen tị với họ. Lúc đó, mình ngay lập tức tắt FB đi, không xem nữa và nghĩ đến những việc mình cần làm trong thời gian tới. Vậy là dần dần mình không còn nghĩ đến cảm giác ghen tị đó nữa mà tập trung hơn vào cuộc sống của mình hơn ^^

Ngọc Mai - CCV

Nếu nói về đầu tư thì thuật ngữ này rất nổi tiếng. Trong bối cảnh dịch bệnh như bây giờ, mình thấy số lượng người online MXH lúc rảnh rỗi khá là nhiều, FOMO nếu theo hướng lùa gà thì con mồi khá là dễ bị lừa, cả tin nếu không có tính kiên định, tìm hiểu thị trường và cách quản lý vốn hiệu quả thì ảnh hưởng rất xấu đến cuộc sống. Đặc biệt là nạn buft bẩn từ những người nổi tiếng. Cái gì mà cứ đụng tới túi tiền của chúng ta thì đều ảnh hưởng xấu đến chất lượng cuộc sống cũng như công việc không thể đạt được mức cao nhất. 

Hội chứng FOMO hiện tại thì khá phổ biến, đặc biệt là những người mới bắt đầu học đầu tư, thiếu kinh nghiệm thì rất dễ mắc sai lầm và trở thành "gà" lúc nào không hay. Để vượt qua hoặc muốn tìm hiểu thì mọi người cần nắm rõ những quy tắc sau: Kiên định, tìm hiểu rõ về thị trường, cắt lỗ đúng lúc, quản lý tài chính hiệu quả, xác định được hướng đầu tư!

Như Chính - CEV11

Mình nghĩ con người sẽ khó tránh khỏi FOMO, mình liên hệ FOMO với Peer Pressure (áp lực đồng trang lứa) - áp lực thành công bằng hoặc hơn những người cùng tuổi. Có thời gian khi nhìn thấy bạn bè mình khoe những bước tiến trong công việc và cuộc sống mình cũng cảm thấy mình cần đạt được điều giống vậy. Đôi lúc mình thấy FOMO cũng tạo động lực, là lực đẩy để mình phải cố gắng hơn nữa, nhưng nếu không thực sự hiểu mình muốn gì thì rất dễ chạy theo số đông mà không sống cuộc sống của chính mình và dù có đạt được như những người khác thì cũng không thấy hạnh phúc hay thấy “đã”.

Một điểm tiêu cực mà mình nghĩ FOMO mang lại là cảm giác lo lắng, không trân trọng những gì mình đang có và không hiểu được chính mình. Việc chạy theo những thứ người khác có nhưng chưa chắc là thứ mình cần sẽ khiến chúng ta nhanh chóng kiệt sức, chẳng biết mình làm vì điều gì.

Để tránh FOMO, mình nghĩ cách tốt nhất là không ngừng cố gắng hiểu về bản thân. Khi hiểu mình, biết mình theo đuổi giá trị nào chúng ta sẽ có thể quyết định đâu là điều mình cần cố gắng, đâu là điều mình sẽ chỉ chiêm ngưỡng và chúc mừng cho những người khác.

Huyền Chi - L&D

Trong cuộc sống hằng ngày lẫn trong công việc thì đôi lúc mình cũng bị FOMO. Đối với cuộc sống hằng ngày, mình sợ bị cập nhật chậm các thông tin trên mạng xã hội, có thể là các thông tin đó không mang lại lợi ích gì nhưng việc biết đến chúng quá muộn sẽ gây ra 1 chút cảm giác khó chịu. Trong các mối quan hệ xã giao, bạn bè, đồng nghiệp, FOMO khiến mình cảm thấy sợ mất đi 1 mối quan hệ với người khác, mặc dù mối quan hệ đó có thể không tốt hoặc gây hại tới mình. Hay ví dụ đơn giản hơn nữa là khi săn sale, mình luôn có thao tác bỏ vào giỏ hàng nếu mặt hàng đó có sale hoặc voucher tốt, sợ sẽ đánh mất cơ hội mua được mặt hàng đó mặc dù chưa chắc đã quyết định mua chúng,... 

Để tránh FOMO nhiều nhất có thể thì mình cũng tìm hiểu và rút ra một số quan điểm của bản thân như sau: 

  • Không vội đồng ý: Hãy tỉnh táo và kiên định, thay vì ngay lập tức gật đầu với mọi lời mời mọc, hãy cho bản thân thời gian để suy nghĩ, xem liệu có thật sự thích hay điều này có thật sự cần thiết hay không.
  • Chắt lọc thông tin: Vì có quá nhiều thông tin xung quanh chúng ta nên việc lựa chọn những thông tin cần thiết và có lợi cho bản thân là điều rất quan trọng. Hạn chế tiếp xúc và để ý tới những nguồn thông tin không chính thống dễ bị đánh lừa.
  • Kiềm chế cảm xúc: Với FOMO, cảm xúc là vấn đề chi phối và gây ảnh hưởng rất nhiều. Vì vậy, cần học cách kiềm chế cảm xúc của bản thân để hạn chế tối đa hiệu ứng đám đông trong cuộc sống và công việc. Trong đầu tư, hãy tích lũy vốn hiểu biết về thị trường nhiều nhất có thể, xây dựng mục tiêu đầu tư rõ ràng. Quan trọng là xác định thời điểm cắt lỗ chính xác để kịp thời chuyển giai đoạn đầu tư và bảo toàn vốn.

Minh Hoàng - R&D

Mình cảm nhận được ba triệu chứng FOMO phổ biến nhất mà mình nghĩ mọi người thường gặp phải là: Tần suất sử dụng mạng xã hội cao, lập tức kiểm tra news feed khi dừng đèn đỏ, sống "vội" và bị bận tâm/chi phối lớn bởi ý kiến của người khác. Trước đây, mình đã bị FOMO khá nặng, điển hình là việc luôn say YES và làm rất nhiều việc cùng một lúc (ham hố) dẫn đến tình trạng rất nhiều việc đều ở trạng thái dang dở và hiệu suất công việc thấp hơn mình kỳ vọng, hoặc là khi sử dụng mạng xã hội và mình bị stress nặng, thực sự unhappy khi luôn đặt phép so sánh cuộc sống của mình với những thành tựu đáng nể của bạn bè người thân trên MXH đến mức mình đã phải chạy trốn khỏi mạng xã hội hơn hai tháng đế tìm lại sự cân bằng.

Để đối phó với FOMO, mình nghĩ chúng ta nên xác định những mục tiêu của riêng mình, tận dụng sức mạnh của OKRs, sẵn sàng say NO với những thứ không liên quan khiến bạn xao lãng, mất tập trung. Ngừng so sánh mình với thành tựu của người khác trên MXH: Ở ngoài đời có nhiều thứ thấy vậy mà không phải vậy rồi, huống gì là trên mạng xã hội, hay là việc xuất thân, hòan cảnh, điều kiện của mỗi người là khác nhau, bạn cũng có thể ngừng so sánh bản thân với mọi người trên mạng xã hội bằng việc giảm thời gian/tần suất sử dụng mạng XH. Sống chậm lại: Mình chọn thiền và chạy bộ để có điều kiện hít thở không khí trong lành, ngắm nhìn phong cảnh xung quanh và tận hưởng cuộc sống một cách ý nghĩa và trọn vẹn hơn. 

Hữu Nam - CEV05

Có thể thấy rằng, FOMO là một hội chứng tâm lý xã hội phổ biến và không của riêng ai. Nếu nhìn theo hướng tích cực, FOMO sẽ trở thành động lực để chúng ta trở thành phiên bản tốt hơn của mình mỗi ngày. Còn tiêu cực, hãy đối phó với FOMO như cách chúng ta đã đang đối phó với COVID-19, tận dụng sức mạnh, bản lĩnh vốn có của bản thân và tập trung vào những mục tiêu to lớn mà bạn đã đặt ra cho mình nhé! 

Stay Focused chính là liều vaccine hoàn hảo để mỗi Sunners chúng ta có thể tách FOMO ra khỏi cuộc sống và công việc của mình đó!

#FOMO