Suy ngẫm: Bạn có đang mắc kẹt trong tiêu chuẩn chất lượng cuộc sống của người khác?

Đứng giữa những biến động không ngừng của thế giới và vạn vật quanh ta, đâu mới là cuộc sống thực sự chất lượng của chính mình?

Trước tiên, hãy thử định hình cách mà chúng ta nhìn nhận cuộc sống xung quanh!

Cùng khởi động bằng cách kiểm tra lại những khái niệm trong đầu mình, mỗi câu hỏi chỉ được trả lời trong vòng 5s thôi nhé!

Gia đình là gì?

Hạnh phúc là gì? 

Bạn bè được định nghĩa ra sao? 

Lạc quan là gì?

Chất lượng là gì?

Có lẽ sẽ có nhiều người giật mình và bối rối với những câu hỏi này. Trong thoáng chốc, bạn sẽ không thể xác định được những danh từ hết sức gần gũi ấy thực sự được định nghĩa như thế nào, phải không? Và thử tra từ điển, bạn sẽ lại giật mình một lần nữa khi nhận ra rằng, khái niệm tưởng chừng luôn nằm trong đầu bạn, giống nhau với tất cả mọi người lại có định nghĩa rất khác so với cách chúng ta nghĩ.

Thế nào là một định nghĩa đúng? Minh họa: Pinterest

Có người gọi công ty, tổ chức của mình là “gia đình”, có người gọi nhóm bạn chơi thân của mình là “gia đình”. Những người chiến sĩ gọi đơn vị của mình là “gia đình"...vv.. Nhưng định nghĩa thực sự của gia đình lại là: “Gia đình là tập hợp người cùng sống chung thành một đơn vị nhỏ nhất trong xã hội, gắn bó với nhau bằng quan hệ hôn nhân và dòng máu, thường gồm có vợ chồng, cha mẹ và con cái” 

Bạn thấy đấy, chỉ riêng với khái niệm gia đình thôi cũng đã có rất nhiều cách sử dụng rồi! 

Giờ đến với thứ mà tất cả mọi người trên thế giới đang ngày ngày theo đuổi: 

Thành công là gì? Hạnh phúc là gì?

Có người coi giàu có, thật giàu có, vợ đẹp, con xinh...vv mới là thành công. Có người chỉ hy vọng làm được một điều gì đó khác biệt, ghi dấu ấn cho đời. Có người nghĩ luôn sung sướng, thoải mái, được tôn trọng...vv mới là hạnh phúc. Có người thì chỉ cần ngày mai còn tỉnh dậy, còn được sống đã là hạnh phúc lắm rồi!

Với mỗi một danh từ cụ thể lại có định nghĩa rất khác nhau, phụ thuộc vào văn hoá, giáo dục, môi trường xung quanh và cách chúng ta phản ứng lại với môi trường ấy. Nó âm thầm ngấm sâu vào tiềm thức, chuyển thành định nghĩa và định hình cách chúng ta nhìn và sống. Nó giống như một cặp kính lọc màu.

Thế còn chất lượng là gì? 

Một cuộc sống chất lượng là như thế nào? 

Một mối quan hệ chất lượng thì sẽ ra sao? 

Bạn có thấy rằng chúng thực sự mơ hồ không? 

Chúng ta cần định nghĩa khái niệm chất lượng như thế nào đây?

Bây giờ, hãy xem, rút cuộc định nghĩa chất lượng là gì nhé? 

Chắc hẳn, chúng ta ai cũng ít nhiều biết tới học thuyết tháp nhu cầu của Maslow. Trong học thuyết này, ông sắp xếp các nhu cầu của con người trong một hệ thống trật tự dưới dạng hình kim tự tháp. Các nhu cầu căn bản ở nền, các nhu cầu cấp cao hơn muốn xuất hiện thì các nhu cầu cơ bản phải được thỏa mãn trước.

Khi không có đủ kiến thức và thiếu tầm nhìn, con người sẽ bị mắc kẹt trong những tầng nhu cầu rất thấp. Chúng chế ngự, thúc giục và sai khiến ta phải hành động để đạt được cũng như giữ chặt chúng. Vì thế người ta luôn lo lắng kiếm tiền, bi luỵ vì tình, co cụm trong vòng tròn khả năng mà không dám Get Risky để thoát khỏi "vùng an toàn" của bản thân. 

Thậm chí, ngày nay sự “mắc kẹt" trong tầng nhu cầu thấp ngày càng nghiêm trọng hơn bởi truyền thông mạng xã hội - thế giới ảo. Ai cũng muốn mình phải thật đẹp trên instagram, khoe một cuộc sống thật viên mãn trên Facebook..vv.. Nhưng để đạt được những điều ấy, người ta đã không ít lần phải bực dọc, cáu bẳn và mệt mỏi khi phải căn chỉnh từng chi tiết cho mọi thứ “trông-thật-hoàn-hảo".

Con người ta lấy những thứ như tiền tài, xe cộ, nhà cửa, ngoại hình...để làm thước đo đánh giá người khác, và cũng vô tình tự dựng lên tiêu chuẩn chất lượng cuộc sống cho chính mình bằng những thứ đó.

Dù đã thoả mãn với những nhu cầu cơ bản, nhưng thay vì đầu tư cho các mối quan hệ và cống hiến để bản thân được quý trọng; người ta vẫn phải căng thẳng từng ngày để kiếm nhiều tiền hơn, đi nhiều nơi hơn và ăn những món sang chảnh hơn...; thậm chí chịu cảnh nợ nần để mua những thứ mình thích.

Phải chăng người ta đang mắc kẹt trong tiêu chuẩn chất lượng cuộc sống của người khác, chứ không phải của chính mình?

Chất lượng cuộc sống của bạn nằm ở chính bạn. Minh họa: Pinterest

“Ngày xưa bọn tao còn ăn cơm trộn ngô đi học!”

Những câu này mọi người nghe quen không? Có người còn táo bạo so sánh chất lượng cuộc sống của chúng ta với những bậc vua chúa từ đời kiếp trước. 

“Thời nay chúng ta có điện khí hoá, y học, công nghệ cao; những món ăn và chăm sóc sức khoẻ của chúng ta tốt gấp trăm ngàn lần vua chúa đời trước. Chất lượng cuộc sống của bạn tốt hơn vua chúa, ấy vậy mà bạn kêu ca nhiều hơn thay vì lạc quan sung sướng thì thật vô lý!”

Bạn có bao giờ lạc quan nổi quá 1 ngày với cách tư duy và xoa dịu ấy không? Ở vị trí một vị vua, người ta đã ở đỉnh của tháp nhu cầu Maslow. Nhu cầu được quý trọng lên tới đỉnh điểm, khả năng cống hiến và thể hiện bản thân cũng theo đó mà lớn vô cùng. Còn bạn và tôi, dù có công nghệ hiện đại, nhưng rốt cuộc mới chỉ ở tầng 1, tầng 2 của tháp nhu cầu mà thôi. 

Thay vì những định nghĩa mơ hồ về chất lượng như là “cái tạo nên phẩm chất, giá trị của một sự vật, sự việc”, “đạt tiêu chuẩn cao", “sự tốt hay xấu của sự vật, sự việc". Viện quản lý dự án (Project Management Institute - PMI) và Tổ chức tiêu chuẩn hoá quốc tế ((International Organization for Standardization - ISO) đưa ra cho chúng ta một định nghĩa rõ ràng về chất lượng như sau:

Chất lượng là mức độ thỏa mãn của một tập hợp các đặc tính vốn có của một sản phẩm hoặc dịch vụ đối với các yêu cầu nêu ra hoặc tiềm ẩn

Ở đây, chúng ta thấy có sự xuất hiện của requirement (yêu cầu, nhu cầu) - thước đo đánh giá cho chất lượng sản phẩm. Một sản phẩm/cuộc sống chất lượng, đơn giản là một sản phẩm/cuộc sống thỏa mãn tất cả các yêu cầu của người dùng. 

Bằng cách thấu hiểu bản thân, xác định rõ nhu cầu - yêu cầu của mình cho mỗi tầng của Tháp nhu cầu Maslow ta có thể:

Xác định rõ vạch đích cho mỗi tầng tháp nhu cầu của mình 

Ví dụ với tầng 1, requirement của tôi chỉ là mức thu nhập 50 triệu/tháng sẽ đủ cho các nhu cầu sinh hoạt. Ở một công ty luôn trả lương đúng hạn khiến tôi cảm thấy an toàn về mặt kinh tế...vv

Không bị ảnh hưởng bởi tiêu chuẩn của người khác

Khi đã có requirement rõ ràng, ta thường có xu hướng không bị áp lực hay cuốn theo những thứ hào nhoáng quá mức mà người khác bày ra trên mạng xã hội. Đơn giản là, ta vốn chẳng cần hơn mức đó.

Định vị được bản thân

Biết bản thân đang đạt được thoả mãn ở tầng nào của tháp nhu cầu để không "ảo tưởng sức mạnh", cũng không tiêu cực hay bi quan một cách vô lý. Đơn giản là chấp nhận bản thân và chấp nhận hiện thực như bản chất vốn có của nó.

Chủ động định hướng phát triển bản thân để vươn tới tầng tháp nhu cầu cao hơn

Khi đã vượt qua vạch đích ở tầng dưới, ta sẽ biết rằng mình nên đầu tư nhiều hơn cho việc vươn lên tầng trên. Ví dụ như khi đã có được một công việc an toàn, ta cần tập trung vào các nhu cầu xã hội, và cống hiến để được quý trọng như ở tầng 4 và tầng 5.

Thay đổi được định nghĩa, nghĩa là bạn đã thay đổi được cả khái niệm hằn sâu trong tiềm thức của mình 

Ảnh hưởng của sự đổi thay này là cái nhìn và cách tư duy của bạn sẽ thay đổi. Tất các lợi ích đó giúp chúng ta xoá bỏ nguyên nhân của tiêu cực, có thái độ tích cực trước những vấn đề ở hiện tại và luôn lạc quan hướng tới tương lai. Hãy sử dụng định nghĩa này thay cho định nghĩa “chất lượng" mơ hồ trước kia nhé!

Thay đổi được định nghĩa, nghĩa là bạn đã thay đổi được cả khái niệm hằn sâu trong tiềm thức của mình. Minh họa: Pinterest

Áp dụng vào cuộc sống của chúng ta như thế nào?

Có bao giờ bạn thấy, cùng một dự án mà có thành viên nhận xét rằng nó thật tồi tệ, đồng nghiệp không được tốt, process thì rườm rà, công việc quá căng thẳng...; ngược lại, có người lại cảm thấy tâm đắc vì môi trường rất tốt, có cơ hội được thử thách, thể hiện bản thân...?

Vì định nghĩa một dự án “chất lượng" của 2 người đang rất khác nhau. Vì mỗi người lại có tiêu chuẩn và yêu cầu của cá nhân, được ngầm định trong tiềm thức từ rất rất lâu trước đó do ảnh hưởng của hoàn cảnh, của môi trường, của những trải nghiệm... 

Chính vì thế, cùng nhau xác định rõ requirement của tất cả các Stakeholder, từ khách hàng cho tới từng thành viên trong team; trao đổi và chia sẻ minh bạch với nhau để đi tới thống nhất chính là cách tốt nhất. Khi tất cả đã có một định nghĩa chung thế nào là một “dự án chất lượng" thì cả team sẽ đồng lòng và lạc quan hướng tới tương lai, sẵn sàng hỗ trợ nhau để từng người đạt được mong muốn của mình. Và, khi đó cả dự án sẽ trở nên thực sự CHẤT LƯỢNG!

#Be Optimistic