Thất tình thì lạc quan kiểu gì?

Sự lạc quan vốn dĩ tốt đẹp bỗng trở nên “độc hại” khi nó được sử dụng để che đậy hoặc lãng quên trải nghiệm, cảm xúc thực tế như tức giận, xấu hổ, thất vọng… Điều này vô hình chung đã tạo nên một loại áp lực đè nặng lên tâm lý của chúng ta - những con người khi ấy vốn đã, đang rất rối ren rồi.

Tôi hỏi bạn câu này, khi bạn đang thất tình, bạn đã bao giờ nghe câu “Không có người này thì có người khác tốt hơn”? từ những anh bạn chí cốt của mình chưa? Không biết các bạn thấy thế nào, nhưng tôi lúc đó chỉ muốn đấm cho thằng bạn của tôi mấy phát (tất nhiên tôi đã không làm thế). Nếu bạn không hiểu vì sao tôi cảm thấy bực dọc với người bạn nói câu đó, thì lý do ở dưới đây!

Khi trải qua một điều tồi tệ, tôi chắc chắn ai cũng sẽ lắng nghe lời khuyên “Hãy lạc quan lên!”, nhưng sau đó nhiều người trong chúng ta vẫn cảm thấy rối ren. Tuy nhiên, cũng có những người, sự lạc quan giữa tâm “bão” của họ lại khiến tình hình tệ hơn trước, thậm chí ảnh hưởng không chỉ đến bản thân họ mà còn tới nhiều người xung quanh. 

Nhất là khi một trong bảy Core Values của Sun* chính là “Be optimistic!”, thì những lời động viên, nhắc nhớ nhau về sự lạc quan dường như đã ăn sâu vào tính cách, hành động của mỗi Sunners. Thế nhưng, không phải lúc nào lạc quan cũng tốt, vì nếu như không đúng cách, nó sẽ trở thành một sự 'lạc quan độc hại' - thứ mà tôi cho rằng, rất nhiều người đang mắc phải nhưng chẳng hề hay biết hoặc cố tình lờ đi. 

Lời khuyên “Hãy lạc quan lên!” đôi khi làm ta rối hơn tơ vò... (Nguồn ảnh: Medium)

Có một cái bẫy mang tên “lạc quan độc hại”?

Lạc quan là tốt. Đúng vậy! Chúng ta không thể phủ nhận tầm quan trọng của nó trong cuộc sống của mỗi người. Nếu thiếu đi lạc quan, chắc có lẽ tôi sẽ không ngồi đây để chia sẻ những dòng này với đồng nghiệp tại Sun*, bởi lẽ tôi đã có thể bỏ cuộc ngay lúc nghe tin trượt Đại học lần thứ hai. 

Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể phủ nhận được sự tồn tại của cái bẫy mang tên “lạc quan độc hại”, nó xuất hiện nhiều và thường xuyên hơn ta vẫn nghĩ. Bạn có thể bắt gặp sự lạc quan độc hại trong mọi tình huống. 

Hãy hình dung nếu bạn gây ra một incident nhưng lại suy nghĩ lạc quan rằng “Đen thôi đỏ quên đi! Đó không phải lỗi do mình”, và không nỗ lực tìm cách khắc phục nó, học tập từ sai lầm, thì bạn nghĩ hậu quả sẽ là gì? Hay nếu như bạn sai, được anh em góp ý, nghiêm trọng hơn là bị sếp trách mắng, nhưng bạn lại lạc quan cho rằng “ông ấy mắng thì ông ấy nghe, ông ấy nói chán rồi thôi ấy mà!” thì điều bạn sẽ đánh mất là gì?

Tất nhiên, hậu quả về mặt vật chất của Incidents hoặc lỗi sai trong công việc có thể dễ dàng nhìn thấy, dù lớn hay nhỏ, nhưng điều tồi tệ hơn đó chính là bạn sẽ không thể tiến bộ vì đã không nghiêm túc tự mình tìm ra cách giải quyết, cải thiện tình hình. Và bạn hoàn toàn có thể mắc lỗi vào lần tiếp theo. Cái mất lớn nhất có thể là niềm tin của anh em đồng nghiệp, cấp trên đối với bạn. Khi đó, bạn thậm chí sẽ gặp những áp lực lớn hơn rất nhiều lần so với việc fix một bugs nào đấy hoặc OT thêm chút để tìm bằng được cách giải quyết cho lỗi sai mình đã gây ra.

Và bạn có thể thấy nó rõ nhất khi bản thân đang tự thuyết phục chính mình rằng "Mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi", nhưng thực tế lại chẳng biết làm thế nào để “ổn”.

Vì thế, đừng dùng sự lạc quan sai cách, nếu bạn không muốn rơi tự do vào chiếc bẫy chính mình tạo ra.

Vì thế, đừng dùng sự lạc quan sai cách, nếu bạn không muốn rơi tự do vào chiếc bẫy chính mình tạo ra (Nguồn ảnh: Aboutselflove)

Tóm lại, sự lạc quan vốn dĩ tốt đẹp bỗng trở nên “độc hại” khi nó được sử dụng để che đậy hoặc lãng quên trải nghiệm, cảm xúc thực tế như tức giận, xấu hổ, thất vọng… Điều này vô hình chung đã tạo nên một loại áp lực đè nặng lên tâm lý của chúng ta - những con người khi ấy vốn đã đang rất rối ren rồi.

Trong cuốn sách “Nghệ thuật tinh tế của việc đếch quan tâm”, tác giả Mark Manson có viết thế này, 

“Mọi thứ đáng giá trong cuộc sống đều có được bằng cách vượt qua trải nghiệm tiêu cực liên quan. Bất kỳ nỗ lực nào để thoát khỏi sự tiêu cực, để tránh né nó hoặc dập tắt nó hoặc khiến nó im lặng, đều chỉ gây phản tác dụng. Việc trốn tránh đau khổ là một hình thức của đau khổ. Tránh đấu tranh là một sự đấu tranh. Từ chối thất bại là thất bại. Che giấu những gì đáng xấu hổ tự nó đã là một dạng xấu hổ.”

Lạc quan đúng cách chính là tạo ra giá trị tốt đẹp

Trong một dịp tham gia Lê La Quán ở công ty, tôi có cơ hội được gặp anh Trung X (à, tôi thấy cả công ty hay gọi anh vậy). Tôi có được nghe anh kể câu chuyện thế này:

“Một lần Gandhi đi công tác bằng tàu hỏa. Tàu bắt đầu chuyển bánh, Gandhi nhảy vội lên tàu, một chiếc giày của ông không may rơi xuống. Gandhi không thể nào nhảy xuống để nhặt nó được, bởi tàu chạy càng lúc càng nhanh. Có người an ủi ông rằng may mắn ông đã không làm sao. Bất ngờ, ông liền cởi bỏ và ném ngay chiếc giày còn lại ra ngoài cửa sổ. Hành động này của Gandhi khiến mọi người vô cùng sửng sốt… "Một đôi dép mà mất đi một chiếc thì sẽ chẳng làm gì được cả. Tôi có giữ lại cũng vô ích, thà rằng tôi ném nó về phía chiếc còn lại kia, để lỡ có người nghèo nào nhặt được chiếc thứ nhất, họ có thể tìm thấy chiếc thứ hai và dùng được đôi giày của tôi".

Lúc này mọi người đã hiểu ra và cảm phục ông, chỉ trong một giây rất ngắn ngủi, một con người điềm đạm như Gandhi lại có thể nhanh chóng hiểu ra được điều đó và hành động rất nhanh.”

Trong câu chuyện trên, rõ ràng khi đó, nếu Gandhi khi mất giày chỉ nghĩ lạc quan rằng dẫu sao vẫn còn một chiếc để đi nốt, có thể cầm về tận dụng làm thứ gì đó khác và mua đôi giày mới để đi, chẳng làm điều tiếp theo sau đó, thì ông sẽ không thể tạo ra giá trị cho “người nhặt được cả đôi giày”. Hoặc nếu như ông cứ luôn an ủi mình rằng “thôi của đi thay người”, rằng bản thân may mắn đã không bị thương, thì với ông, lần mất giày đó sẽ chỉ luôn là một lần “thoát chết”, một lần không may gặp một chút xui xẻo được Chúa cứu giúp. Trong khi đó, việc thừa nhận sự mất mát sau đó suy nghĩ có thể giúp đỡ người nghèo và hành động ném nốt chiếc giày còn lại có thể tạo nên điều may mắn, niềm vui thực sự cho ai đó. 

Thế nên, hãy cho cảm xúc một cơ hội được là chính nó, thừa nhận chúng thay vì cố gắng tỏ ra “lạc quan một cách giả tạo” để trốn tránh. 

Tóm lại, lúc bạn của bạn đang thất tình, bạn nên nói gì?

Thay vì khuyên họ rằng “Không có người này thì có người khác tốt hơn”?, hãy để anh bạn mình bình tĩnh hơn, cố gắng kiên nhẫn lắng nghe anh bạn mình tâm sự, đặt những câu hỏi thật thẳng thắn, và giúp bạn tìm ra nguyên nhân. Và tôi nói thật, ngã ở đâu thì đứng lên ở đó, nếu nguyên nhân “bị đá” là việc anh bạn của bạn thường đi dép lỗ trong các cuộc hẹn hò khiến bạn gái kia xấu hổ nên chia tay, thì đừng coi nhẹ cho rằng “chỉ là đôi dép, không nói lên được con người”. 

Hãy hiểu rằng, việc không chăm chút vẻ ngoài của bản thân khi gặp gỡ người khác, nhất là người yêu, cũng là một thái độ thiếu tôn trọng người khác và không nghiêm túc trong một mối quan hệ.  
Vậy nhé, giờ thì bạn đã hiểu vì sao người lạc quan như bạn lại có thể bị “đá” chưa? 
 

#Be Optimistic