Tiền nhiều để làm gì khi chúng ta không hạnh phúc?

Tôi tin rằng nhiều tiền chưa chắc đã vui bằng đủ tiền. Và tôi sẽ chứng minh cho bạn thấy điều đó.

Dạo gần đây, mạng xã hội và anh em trong Division cứ thỉnh thoảng lại hỏi nhau câu nói đang thành trend: “Tiền nhiều để làm gì?”. Đây là câu nói bắt nguồn từ phiên tòa li hôn của gia đình sở hữu thương hiệu café lớn nhất Việt Nam ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo. Trong cuộc tranh cãi nảy lửa trước tòa, ông Vũ đã hỏi vợ: “Tiền nhiều để làm gì, để ngày hôm nay ngồi như thế này?”.

Trên mạng xã hội, người ta có nhiều cách để trả lời cho câu hỏi ấy. Nhưng hiểu nôm na ý nghĩa của câu hỏi này là chất vấn mỗi người, nếu gia đình tan vỡ, vợ chồng không hạnh phúc, tiền nhiều cũng chẳng để làm gì.

Dù tất cả chúng ta đang miệt mài làm việc ngày đêm vì tiền nhưng tôi cũng đồng tình với ông Vũ. Tôi tin rằng nhiều tiền chưa chắc đã vui bằng đủ tiền. Và tôi sẽ chứng minh điều đó.

Khi còn nhỏ, để được mẹ cho 5 nghìn mua kẹo, tôi phải góp hàng chục điểm mười trong cả tháng trời mới đủ. Lúc ấy, cầm tiền trong tay, tôi thấy mình như có thể mua cả thế giới. Sau này, khi đã có thể mua loại mọi kẹo mình thích, tôi đã không có cách nào tìm lại được vị ngon của cái kẹo mình ao ước lúc nhỏ.

Hồi sinh viên, vì mê chụp ảnh, tôi đã cố đi làm thêm ở nhiều nơi, tiết kiệm từng đồng, thậm chí ăn mỳ tôm nửa tháng để mua được một chiếc máy film trị giá 2 triệu đồng. Khi mang chiếc máy ảnh về, rủ cô bạn gái cùng lớp đi chụp quanh Hồ Tây, tôi cứ háo hức ngắm nhìn từng chiếc ảnh được rửa ra. Sau này đi làm, tôi đã mua được cho mình một chiếc máy kỹ thuật số khá xịn. Chẳng hiểu sao, vẫn cô gái ấy, vẫn địa điểm ấy nhưng những bức hình đã bớt trau truốt đi và đặc biệt, tôi chẳng con háo hức như chiếc máy ảnh đầu tiên.

Xa hơn nữa, quê tôi vốn nghèo, rồi trong làng có phong trào đi nước ngoài lao động. Nhiều gia đình quyết định tạm thời xa nhau, hi sinh nhiều thứ để một người đi làm xa, mong cuộc sống giàu có tốt đẹp hơn. Nhưng 8/10 gia đình đi lao động nước ngoài về thì đều đổ vỡ. Con cái không được bố mẹ chăm sóc, lêu lổng, hư hỏng. Vậy tiền nhiều lúc này chẳng phải là bất hạnh sao?

Tất nhiên, cũng có nhiều người khi đọc bài viết này sẽ hỏi ngược tôi rằng, “cứ nhiều tiền đi đã, chuyện khác tính sau”. Bởi những người ở tuổi 22 như tôi, sau khi ra trường sẽ đối mặt với hàng tỷ nỗi lo. Đến 30 tuổi sẽ phải trả lời câu hỏi “Mua được nhà chưa? Khi nào mua xe ô tô? Mỗi tháng cho bố mẹ bao nhiêu? Con cái học trường gì?”.

Thật ra, chúng ta chỉ nghĩ đến nhiều tiền mà quên mất khái niệm đủ tiền. Người ta hay nói tiền nhiều là giàu, tiền ít là nghèo nhưng tôi thích định nghĩa nhiều – ít, giàu – nghèo được tóm gọn lại trong chữ “đủ”. Cái cảm giác Đủ rõ ràng mang đến hạnh phúc và sự thảo mãn hơn rất nhiều so với cảm giác Nhiều. Khi đã được thỏa mãn về bất cứ điều gì, bạn sẽ chẳng còn hạnh phúc hay háo hức với nó nữa. Mà suy cho cùng, chúng ta làm mọi việc chỉ là để mong bản thân mình hạnh phúc. Vậy thì nếu phải chọn giữa nhiều tiền và đủ tiền, tôi sẽ chọn Đủ.

Một nghiên cứu của  về thế hệ Y (những người sinh từ năm 1981 đến năm 2000) cho thấy, 88% người trẻ chọn tình yêu và gia đình thay vì tiền bạc. Hóa ra không chỉ riêng tôi mà nhiều người khác cùng thế hệ không gắn hạnh phúc với tiền bạc. Đối với họ, việc sử dụng tiền một cách trách nhiệm và hiểu rõ tình hình tài chính của mình giúp cuộc sống thoải mái hơn.

Tất nhiên khi tôi đang chia sẻ những dòng trên, tôi chỉ là 1 chàng trai ngoài 20, cái tuổi mà chưa phải nghĩ đến việc vợ muốn mua cái váy nào, tháng này sữa bỉm của con đã hết chưa, tiền học của con khi nào phải nộp? Chưa phải lo cho bố mẹ vì bố mẹ vẫn kiếm được ra tiền nên tôi vẫn tự vỗ ngực và nói tiền nhiều để làm gì ? Tiền nhiều chắc gì đã hạnh phúc, tôi vẫn nghĩ thế đấy!

Biết đâu vài năm nữa suy nghĩ tôi sẽ khác đi nhưng tôi không bao giờ quên được câu nói của một ai đó đã tình cờ nghe đựợc: “Có tiền thì có thể làm được tất cả nhưng đừng làm tất cả vì đồng tiền”.