Tình yêu mà thiếu tinh thần này bảo sao “Không thể cùng nhau suốt kiếp”?!
Đó chính là tinh thần Digital Creative Studio (gọi tắt là DCS). Nghe thì có vẻ không liên quan, nhưng tinh thần DCS không chỉ đem lại hiệu quả cho công việc mà còn giúp bạn “yêu bền vững”. Sunner thử áp dụng xem sao!
Làm việc tại Sun* - một Digital Creative Studio, có lẽ Sunner nào cũng quen thuộc với thuật ngữ "Digital Creative Studio". Thế nhưng, đã bao giờ bạn nghĩ rằng mình có thể áp dụng tư duy DCS để duy trì và xây đắp tình yêu của mình? Vì thế, hôm nay, Sun* News sẽ phân tích một chút để các bạn thử áp dụng xem sao nhé! Nhất là các bác chưa có “nửa kia” mà cứ thích làm “trung tâm tư vấn tình yêu” thì càng phải đọc nha.
Tinh thần Digital Creative Studio là gì thế nhỉ?
Ở Sun*, chúng ta có vẻ như đã quen với cụm từ "Tinh thần Digital Creative Studio". Có thể hiểu đơn giản đây là tư duy làm sản phẩm hướng đến người dùng, với mục tiêu lấy người dùng làm trung tâm phát triển các sản phẩm, tiến hành áp dụng Design Thinking, Lean Startup, và Agile; thay vì chỉ tập trung tạo ra sản phẩm mà đối tác hài lòng. Hay nói cách khác, tinh thần DCS cũng giống như product mindset - thứ được coi là cốt lõi cho sự thành công của các công ty công nghệ.
Để hiểu rõ hơn những khái niệm này, các bạn có thể tìm hiểu các bài viết:
>>> Sự khác biệt giữa thói quen tư duy Outsourcing và Digital Creative Studio
Như vậy, trong một Digital Creative Studio như Sun*, bất kì ai trong công ty cũng cần phải có tinh thần DCS, không chỉ là project manager, team leader,… mà mỗi developer, designer, tester, … hay đến những thành viên không làm về kỹ thuật cũng cần phải có. Khi đó mọi người mới có thể cùng nhau làm nên sản phẩm thực sự tốt và có ích đối với người dùng, xã hội, hay nói đúng hơn là mang giá trị AWESOME.
Nhiều ý kiến cho rằng, tư duy sản phẩm thì project manager lo, developer chỉ cần code là đủ. Thế nhưng, một developer thực sự rất cần phải có tinh thần DCS. Tại sao vậy? Đó là bởi khi một lập trình viên có tư duy sản phẩm, hướng đến người dùng, người đó sẽ luôn tìm tòi, học hỏi thêm, cùng với kiến thức sẵn có để tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu người dùng một cách tối ưu nhất có thể. Chính điều này đã khiến cho không chỉ sản phẩm tốt hơn, mà còn giúp lập trình viên phát triển năng lực của bản thân nhiều hơn qua mỗi sản phẩm, dự án. Chúng ta gọi đấy là “lợi cả đôi đường”.
Tôi nghĩ rằng lập trình viên chính là những anh hùng sẽ tạo ra các giá trị mới” - CEO Kobayashi đã từng phát biểu tại CNET Japan Live 2020
Viết dài thế… cuối cùng thì vận dụng “Tinh thần Digital Creative Studio” trong tình yêu thế nào nhỉ?
Deliver value, not feature - Yêu là phải thấu hiểu!
“Deliver value, not feature” có thể hiểu là sản phẩm cuối cùng phải đem lại giá trị cho người dùng, chứ không chỉ tập trung vào tính năng. Tính năng có siêu việt đến mấy nhưng không hữu ích với người dùng thì sản phẩm đó cũng không thể đem lại giá trị thực tiễn. Chính vì thế, toàn team phải cùng nhau kết hợp để tìm ra giá trị thực của sản phẩm đối với người dùng, từ đó hiểu được vấn đề cần giải quyết ở sản phẩm này là gì? Khách hàng lúc này phải trở thành đối tác, cùng nhau tham gia thảo luận, làm rõ spec, điều chỉnh spec nếu cần.
Xét trong tình yêu, hãy thử tưởng tượng một tình huống thế này: Anh bảo anh thích những buổi tối hẹn hò tại gia yên tĩnh, cùng nhau nằm lười bên sofa, cùng xem một bộ phim cả hai cùng thích. Em lại bảo em thích hò hẹn rạp chiếu phim náo nhiệt, vừa thưởng thức những bộ phim trending vừa ăn bỏng ngô thơm ngậy bông xốp. Chỉ một khác biệt nho nhỏ cũng khiến đôi bên khó chịu, cãi nhau, để rồi chẳng có thêm một buổi hẹn hò nào nữa.
Thế đấy, nếu như mỗi bạn chỉ một mực tinh rằng bản thân làm đúng, và không chịu cùng nhau ngồi xuống, thảo luận và điều chỉnh, chúng ta sẽ không bao giờ có thể dung hòa với nhau. Và mãi mãi chỉ là hai đường thẳng song song.
Data-Driven Development - Đừng cả giận mất khôn!
Trong tinh thần DCS, dữ liệu luôn đóng vai trò quan trọng trong việc đưa ra quyết định. Việc đo đạc số liệu nên được thực hiện trong hầu hết các bước và nó phải là nền tảng của việc ra quyết định. Ví dụ, cả team sau phát triển một sản phẩm cần có các khảo sát để đo lường trải nghiệm người dùng, xem có bao nhiêu người cảm thấy hài lòng hoặc không hài lòng về bất cứ điểm nào. Từ đó, team có quyết định điều chỉnh phần đó hay không.
Trong tình yêu, ai cũng sẽ mắc phải những sai lầm khiến đối phương buồn lòng và thường thì trong lúc giận dữ, người ta hay "cả giận mất khôn". Điển hình nhất đó là nói lời chia tay, để rồi sau này, họ có thể sẽ nuối tiếc mãi về một mảnh tình đã bỏ lỡ. Như trong ví dụ ở trên, nếu như chàng trai khoan một chút, hiểu được rằng cô gái sợ sự tĩnh lặng; còn cô gái gượm vài giây, hiểu rằng chàng trai cần không gian nghỉ ngơi sau thời gian mệt mỏi tại văn phòng ồn ã... thì biết đâu họ có thể thông cảm cho nhau và chọn ra một giải pháp cả hai cùng thỏa mãn?
Bạn hoàn toàn có thể cho nhau một khoảng thời gian để suy xét, để nghĩ về những gì đã xảy ra, và cân nhắc về hiện tại,... rồi mới đưa ra quyết định.
Focus on the Product, Not the Code - Đừng chỉ biết yêu điên cuồng!
Tinh thần DCS yêu cầu mỗi thành viên trong team đều là một người làm sản phẩm, quan tâm đến trải nghiệm người dùng cuối, thay vì chỉ hoàn thành các hạng mục tính năng đề ra. Thông thường , developer hay bị chú tâm quá nhiều vào công nghệ, họ có thể điên cuồng với một công nghệ mới nhưng thực sự đó không phải là thứ ta nên quan tâm đầu tiên.
Điều này bạn có thể thấy rất rõ khi bạn yêu một ai đó chỉ bởi họ quá... tốt: một background tốt, một ngoại hình nổi trội, hay một người mà bất cứ ai cũng ao ước được sánh vai. Thế nhưng, một tình yêu bền lâu đâu chỉ phụ thuộc vào việc bạn hay người đó có ... tốt hay không, mà phải là hai người có PHÙ HỢP với nhau hay không.
Tình yêu sẽ bền bỉ hơn nếu như hai bạn luôn cố gắng dung hòa những khác biệt, bên cạnh đó có nhiều điểm tương đồng để có thể hiểu và thông cảm cho nhau.
Balance between creativity and practicality - Đừng yêu ở trên mây!
Làm ở một DCS đòi hỏi các bạn phải suy nghĩ sáng tạo, đôi khi vượt qua khỏi kiến thức mà các bạn có để có thể định hình nên một sản phẩm tốt. Tuy nhiên, đôi khi các bạn suy nghĩ đến những cái mà các bạn không thể làm được, đó cũng là một điểm nên tránh. Để có thể phát huy tốt tinh thần DCS, các bạn cần phải vừa sáng tạo vừa không ngừng học hỏi để có thể biến sản phẩm của các bạn trở thành ứng dụng hữu ích đối với người dùng.
Vậy trong tình yêu thì sao? Có những người đòi hỏi rất nhiều yêu cầu và kỳ vọng cho tình yêu của mình, nhưng nào biết rằng đôi khi những điều đó sẽ tạo ra áp lực cho chính nửa kia của mình. Thử nghĩ mà xem, một cô nàng ít nói, sống nội tâm, liệu sẽ thích một buổi cầu hôn công khai giữa hàng chục con người? Hay một anh chàng mới khởi nghiệp, liệu có thể đáp ứng một bộ ảnh cưới vòng quanh thế giới đầy lãng mạn và xa xỉ cho bạn không?
Hãy thực tế, bởi bạn không thể so sánh hậu trường tình yêu của mình với trailer trong tình yêu của người khác!
Minimum Viable Product - Đừng chờ mãi một tình yêu hoàn hảo!
MVP là cách thức xây dựng sản phẩm đơn giản nhất có thể nhưng vẫn đảm bảo những tính năng cơ bản cần thiết và có thể giúp ta đánh giá được kết quả, từ đó đưa ra phương án tiếp theo là gì. Thực tế thị trường thường biến đổi rất nhanh, nếu ta chọn cách làm phân tích, thiết kế, triển khai theo mô hình thông thường thì sau khi sản phẩm được đưa ra thị trường nó đã lỗi thời. Do vậy cần một phương án có thể nhanh chóng kiểm chứng được những gì ta đang làm và MVP là một trong những cách thức kiểm chứng như vậy.
Trong tình yêu cũng thế, chúng ta không thể cứ chờ mãi một tình yêu trong mơ, một anh chàng thực sự giống như hình mẫu lý tưởng của mình.
Chọn người yêu, vốn dĩ giống như chuyện đi mua giày vậy. Một chiếc giày có thể đẹp, chắc gì đã vừa. Một chiếc giày vừa, liệu rằng có phải chiếc đẹp nhất? Đừng cố chọn cho mình một đôi giày đẹp, nhưng không đem lại cảm giác thoải mái.
...Cũng giống như những người không thuộc về nhau, nhất định sẽ đem lại cho đối phương toàn là khổ đau, và chắc chắn tình yêu ấy sẽ không thể bền lâu được.
Lời kết
Nếu coi tình yêu là một dự án, hai người yêu nhau chính là một "team", và tình yêu bền lâu chính là sản phẩm, bạn hẳn là sẽ biết mình cần làm gì rồi phải không?
Nếu như trong công việc ở một DCS, mỗi một người khi bắt tay vào công việc của mình cần phải nắm rõ được: "Mình làm sản phẩm cho ai?", "Mình giúp họ giải quyết vấn đề gì?", "Hiện tại họ đang phải giải quyết vấn đề đó như thế nào?", "Sản phẩm của mình sẽ mang tới giá trị nào cho họ?"...; thì trong tình yêu, hãy luôn biết "ai là người phù hợp?", "vấn đề trong mối quan hệ của bạn là gì?", "chúng ta có thể giải quyết những vấn đề đó cùng nhau như thế nào?"...
Chỉ nhiêu đó thôi, hi vọng rằng, bạn sẽ tìm được và gìn giữ được tình yêu của mình theo thời gian. Có thể không phải là "mãi mãi", nhưng chắc chắn sẽ không ai phải nuối tiếc vì bỏ lỡ định mệnh của mình bằng những lý do không đáng.