Trên đời này, mỗi người có một tiết tấu riêng

Tôi là một người hướng nội hiểu được giá trị của bản thân mình, chưa bao giờ và cũng không bao giờ có tư tưởng sẽ sống giống một ai đó khác...

Hướng nội không có nghĩa là tôi thiếu tự tin...

Tôi không cần sự thông cảm, cũng không cần bạn phải ở bên cạnh. Nếu tôi phải chọn, tôi sẽ không chọn sự cảm thông, bởi việc có bạn ở bên đòi hỏi tôi phải từ bỏ một phần thời gian riêng tư quý giá của mình. Chỉ một người hướng nội mới có thể biết được việc đó khó chịu thế nào. Thôi, bạn đừng quá mất công tìm cách đẩy tôi vào một thế giới mà thường thì tôi thích ngắm nhìn từ xa hơn. Thật tình mà nói, đó là một thế giới có vẻ quá đông đúc, quá lạnh lùng, quá nông cạn và thiếu thành thật.

Khoan nào, bạn đừng hiểu sai ý tôi. Tôi không hề thù ghét thế giới. Tôi cũng không chối bỏ mọi thứ trong đó. Tôi yêu không gian mở và một bầu trời đêm. Tôi yêu cỏ cây, tiếng chim hót và cảm giác nguyên sơ của thiên nhiên. Tôi thậm chí cũng muốn có một vài người ở trong thế giới ấy. Nhưng chỉ một vài người thôi.

Tôi đã chấp nhận tính cách hướng nội của mình, và hướng nội không có nghĩa là tôi thiếu tự tin.

Hướng nội cũng không có nghĩa là tôi thiếu tài năng. Đơn giản là tôi thích ngắm nhìn những người xung quanh mình như là những con người vô danh không tên không tuổi, một phần của đám đông không rõ mặt. Những cuộc gặp mặt đối mặt lại làm tôi khó chịu. Theo kinh nghiệm cá nhân của tôi, những người mà tôi hầu như không quen biết, có thể sẽ không thích cách nhìn này, và buộc tôi phải tuân theo các quy tắc xã hội thông thường để lấy lòng và tạo quan hệ. Thực ra, tôi không muốn dùng chiêu trò để được lòng và tác động đến người khác, buộc họ làm theo ý mình. Đáng lẽ ra, tôi nên cho họ quyền tự lựa chọn quyết định cho mình mới đúng.

Người hướng nội hiếm khi cố gắng thay đổi cách người khác sống...

Tôi thích những người bạn mà tôi được quyền lựa chọn. Tôi thích người trí tuệ và ngưỡng mộ những người sâu sắc. Tôi kính trọng người dí dỏm và yêu mến người uyên bác. Còn lại những người khác thì tôi không chú ý, không nhận xét hay thừa nhận gì cả. Tâm trí tôi chỉ đơn giản đòi hỏi không gian riêng của nó. Tôi cần thời gian để nghiền ngẫm sự sâu xa mà tôi gặp phải, để hấp thụ kiến thức mà tôi tìm thấy, không thì nó trôi đi theo những phút giây phù du vô nghĩa mà mọi người thường kéo tôi vào.

Người hướng nội hiếm khi cố gắng thay đổi cách người khác sống. Họ chỉ đơn giản góp ý cho những người khác khi cần mà thôi. Người hướng nội thích quan sát hơn là tạo ảnh hưởng. Năng lực quan sát của chúng tôi đã trở nên sắc bén bởi vì chúng tôi quá rành với việc ngồi nhìn.

Người hướng nội thích quan sát hơn là tạo ảnh hưởng (Minh họa: Danny Osmn)

Và các bạn có biết tôi quan sát được những gì không? 

Tôi đã thấy một thế giới đầy rẫy những nghịch lý: 
... chúng ta có những con đường rộng hơn nhưng lối suy nghĩ lại hẹp đi.
... chúng ta có những toà nhà cao hơn nhưng sự bình tĩnh thì ngắn dần.
... chúng ta vung những đồng tiền chúng ta làm ra vào những thứ ta không cần để gây ấn tượng với những người chúng ta không thích.
... chúng ta đang cố gắng làm sạch không khí nhưng lại làm ô nhiễm tâm hồn. 

Sự nghịch lý của thời đại này còn là khi chúng ta nhiều bằng cấp hơn nhưng sự khôn ngoan lại ít đi, nhiều kiến thức hơn nhưng ít đi sự phán đoán, nhiều chuyên gia hơn nhưng ít đi những giải pháp, hay đơn giản hơn là khi mong muốn thu nhập cao hơn nhưng lại mất đi phẩm chất đạo đức của chính mình… 

Chẳng phải đây chính là những nghịch lý mà chúng ta đang cố làm cho chúng trở lên thú vị hơn trong cuộc sống thường ngày sao?

Người hướng nội không tầm thường đâu...

Tất cả những người biết tôi sẽ phán rằng, tôi là một người hướng ngoại, vì chúng ta thường xem hướng nội là tầm thường. Cái này sai! Đề cao tính hướng ngoại đòi hỏi tôi xem trọng Kim Kardashian hơn Steven Spielberg và Carl Sagan? Không, cảm ơn. Nó có nghĩa là đặt Steve Ballmer trên Bill Gates, Ted Nugent trên John Lennon và Ronald Reagan trên Abraham Lincoln? Nếu là thế thì tôi xin kiếu. Mahatma Gandhi, Albert Einstein, Isaac Newton, Mozart thì sao? Đúng vậy! Những đóng góp của người hướng nội mới thật sự là quá khủng, khiến bất kỳ ai trong chúng ta cũng chỉ là tôm tép. Nhưng... đó thực sự không có nghĩa là kiêu ngạo.

Người hướng nội học nhanh hơn bởi vì tâm trí chúng tôi hướng vào suy nghĩ bên trong một cách tự nhiên, chẳng quan tâm những thứ chúng tôi có thể bị mất ở thế giới bên ngoài. Thật vậy, đây là cách mà tôi có thể hoàn thành mọi việc tốt hơn những người hướng ngoại trên sân khấu và trong sự nghiệp của mình. Đơn giản tôi chỉ suy nghĩ sâu sắc hơn về mọi thứ. Tôi chuẩn bị công việc cẩn thận hơn và luyện tập với năng lượng tinh thần mãnh liệt mà chỉ có tâm trí tĩnh lặng của người hướng nội mới có thể triệu tập được. 

Cùng lúc đó, cũng không thể không nhắc tới cảm giác khớp trước đám đông. Nó giữ cho tôi tỉnh táo và tập trung; nó khiến tôi cảm thấy mình đang sống. Khi bạn thấy sự tự tin ở một người hướng nội, thì nó là sự tự tin thật sự, chứ không hề chỉ đơn giản là sản phẩm phụ của một tính cách quá năng động mà thôi.

Khi bạn thấy sự tự tin ở một người hướng nội, thì nó là sự tự tin thật sự (Minh họa: Danny Osmn)

Người hướng nội cũng có thể sáng tạo, sâu sắc, uyên bác và kỹ lưỡng hơn. Hướng nội có nghĩa là chào đón sự im lặng và sự tĩnh tâm mà chính sự im lặng ấy mang lại. Hướng nội có nghĩa là sự bình yên và suy tư - điều chỉ đến từ một tâm trí đầy tư tưởng. Đừng cố gắng thay đổi người hướng nội nữa. Bởi lẽ, không ai trong chúng tôi chịu đổi những gì mình có, để lấy một chục cuộc dã ngoại, một trăm bạn bè hoặc một ngàn buổi tiệc đâu. Nhưng chúng tôi vui mừng cầu chúc bạn khỏe mạnh bên tất cả những người đó, còn chúng tôi chỉ lặng lẽ thương bạn vì bạn sẽ phải chịu đựng bạn bè.

Người hướng nội cũng có thể sáng tạo, sâu sắc, uyên bác và kỹ lưỡng hơn (Minh họa: Danny Osmn)

Vậy nên, tôi muốn nói điều này:

Hỡi những người hướng nội, đừng bao giờ hối tiếc và trốn tránh chỉ vì xã hội khiến bạn phải làm như vậy. Nếu có thứ gì đó không ổn, thì thứ không ổn duy nhất chính là thái độ của bạn đối với chính mình.

#cô đơn