Lòng đố kỵ thường xuất phát từ những kẻ đứng dưới
Trong truyện Tam Quốc, Chu Du vì ghen tị với tài năng của Khổng Minh mà hộc máu chết. Vì đố kỵ mà chết? Chắc bạn sẽ cười khẩy bảo thật vớ vẩn. Nhưng nếu quá ganh tỵ với đứa giỏi hơn mình, giàu hơn mình, không tìm được hội để cùng nhau sỉ vả, có lẽ sẽ có người chẳng chóng thì chày cũng “sinh bệnh mà chết”.
Ấy ấy, đấy là tôi đùa thế. Thật ra, ai chẳng có lúc từng đố kỵ. Lần gần đây nhất của tôi là khi nghe thằng bạn nối khố từng cùng mình từ Edu lên Div, cùng vào sinh ra từ vài ba dự án tiết lộ về mức lương của nó. Thú thật, tôi cũng suýt nổ mắt mà mù. Trời ạ, cao hơn tôi bội phần. Cảm giác lúc đó của tôi là vừa xao xuyến bồi hồi, vừa ấm ức khó chịu không yên. Làm gì cũng thấy bực dọc, ăn ngủ chẳng ngon, chẳng có tinh thần làm việc gì. Tất nhiên, đấy chỉ là cảm giác trong lòng, chứ tôi vẫn vui vẻ cười với nó:
– “Uầy cao vờ lờ (ngon)”
Nhưng phía sau cái icon chảy dãi kute kia là cả một ngàn câu hỏi vì sao trên trời. Ví dụ: “Sao nó lương cao hơn mình? Sao cùng thời gian ấy mà có sự chênh lệch thế? Nó xin xỏ nịnh nọt GL kiểu gì? Mình có vẹo gì không bằng nó chứ?”.
Và rồi tôi tự an ủi, trấn tĩnh bản thân theo kiểu: “Chắc nó gặp thời, được sếp quan tâm hơn, làm đúng task ngon, lại biết bon chen. Mình nhẹ nhàng làm task dễ hơn thì đương nhiên lương thấp là phải. Dù gì các sếp cũng review mình là thông minh, tiếp thu tốt. Mình không thích bon chen thôi, kệ!”.
Câu chuyện này có quen thuộc với bạn không? Nhìn vào người bạn cùng công ty, hay từng học cùng cấp 3, lớp đại học, tức là xuất phát điểm cùng mình mà giờ đứa sắm xe ô tô, đứa chuẩn bị mua nhà, tôi có thể mảy may không xúc động sao? Trong đầu tôi nảy lên đủ thắc mắc: “Chắc là nhà nó có điều kiện chứ thằng ấy tài giỏi gì? Ui dào, nó chắc làm ăn bất chính, ăn lãi dày nên mới phất nhanh đấy chứ!”.
Có ai đó nói với tôi rằng, nguyên nhân sâu sa của lòng đố kỵ là nỗi sợ hãi khi thấy người khác hơn mình. Nó khiến người ta luôn chăm chăm cái suy nghĩ như nhà văn Somerset Maugham đúc kết: “Sự thành công của ta không thôi không đủ, người khác phải thất bại nữa cơ.”
Đố kỵ chút chút người ta giữ trong lòng, rủa thầm, nhưng rồi, khi bùng lên nó sẽ nảy sinh thành muôn vàn chuyện, dễ nhất là nói xấu sau lưng, khó hơn là tìm cách hãm hại. Tôi luôn nghĩ nó như kiểu giải tỏa cho những “đau đớn trong lòng” để thỏa mãn suy nghĩ “nó có gì bằng mình mà lại hơn mình”.
Và rồi bạn tìm cách nói xấu cái đứa khiến bạn ngứa mắt. Nói một mình không vui, phải có dăm ba người anh em trên bến dưới thuyền, cùng chung chí hướng mới hoàn hảo. Trước lạ sau quen, câu chuyện làm quà, mồi nhậu đã có sẵn, anh em chỉ việc xào nấu sao cho chuyện thật hay thật hot.
– Mày nghe gì chưa, thằng ý nghe bảo lấy vợ giàu lắm, bố vợ cho nhà cho xe chứ ngữ nó tự lực cánh sinh như anh em mình thì…
– Thằng đấy dốt bỏ m… Hồi đại học thi lại như cơm bữa, chẳng qua gặp thời nên mới phất vậy thôi.
– Con đấy dạo này phất thật, chắc cặp với đại gia mới thế chứ ngữ nó làm ăn gì. Nhìn qua qua thì xinh thôi chứ xấu vờ lờ ra. Được cái kéo mồm hót hay nên các anh thích.
– Giỏi giang gì loại đấy, chỉ giỏi nịnh sếp, chém gió thôi chứ làm ăn như shit…
….
Có một sự thật là người ta luôn cảm thấy sợ hãi khi thấy ai đó đang nhiều tiền hơn mình, giỏi hơn mình, thành đạt hơn mình… mà chẳng biết làm sao. Vì thế, họ chọn việc nói xấu người khác để cảm thấy nỗi đau được xoa dịu. Sự hèn nhát và tự ti khiến họ không dám đối đầu với người hơn mình theo kiểu “face to face” mà tìm cách hạ bệ. Nói cách khác, khi cái tôi yếu ớt đang bị lòng đố kỵ hành hạ, họ chẳng có cách nào ngoài việc bôi xấu người kia bằng đủ thứ lí lẽ.
Sự đố kị thường chỉ xuất phát từ những kẻ đứng dưới. Bởi vì người có vị trí đang bận rộn, chẳng ai đủ rảnh để bới lông tìm vết, bôi nhọ người khác. Chỉ những kẻ không có tiếng nói, không có năng lực, không có việc gì để làm mới dùng đến cách này để hạ bệ, “dìm hàng” người khác.
Nhưng tiếc rằng đố kỵ và nói xấu sau lưng chẳng giúp người ta trở nên khá hơn mà chỉ kéo họ xuống vũng lầy chật hẹp và hủy hoại người ta bằng cách này hay cách khác. Như tôi trong câu chuyện với anh bạn cùng công ty trên, những suy nghĩ đó khiến tôi thêm phần mệt mỏi và chán nản. Xét cho cùng, tôi thừa nhận, anh ta đã làm được task khó hơn mình, vì anh ấy chăm chỉ học hỏi kiến thức. Anh ta không hề bon chen xu nịnh mà có kỹ năng giao tiếp tốt hơn tôi, mọi đồng nghiệp đều yêu mến và giúp đỡ. Anh ta được công nhận vì biết thể hiện khéo léo khả năng bản thân.
Sau này tôi mới hiểu rằng, cũng ngần ấy thời gian, trong khi anh ta cải thiện bản thân không ngừng thì tôi ngồi soi mói, tức giận.
Đố kỵ cũng được nhưng hãy lấy đấy làm động lực mà phấn đấu, biết đặt câu hỏi “sao cùng xuất phát điểm mà người ta hơn mình” để làm động lực. Đừng để thói đối kỵ biến tướng thành những hành động rẻ tiền. Bởi vì, “người có tính ganh tỵ khổ sở hơn bất cứ một người bất hạnh nào. Bởi vì hạnh phúc của người khác càng lớn bao nhiêu thì nỗi bất hạnh trong anh ta sẽ nhân lên bấy nhiêu lần” – De Bazal.
Nhớ rằng, trong lúc bạn ngồi lê đôi mách làm những chuyện vô bổ thì người hơn bạn vẫn đang chăm chỉ làm việc, nỗ lực hết mình để trở nên hạnh phúc, giàu có, thành đạt hơn bạn.