Học trái ngành, làm trái nghề và câu chuyện thực tế của Sunner

"Học xong đi làm trái ngành, 4 năm đại học coi như bỏ phí" là nhận định đã từng gây tranh cãi suốt một thời gian dài. "Làm trái ngành, trái nghề" là chủ đề luôn xuất hiện ở bất kỳ nhóm ngành nào, và công nghệ thông tin cũng không ngoại lệ. Tại Sun*, những Sunners đã từng “rẽ nhánh” suy nghĩ sao về vấn đề này? Cùng Sun* News khám phá nhé!

Ai cũng hiểu đó là điều rất khó khăn

Đã bao giờ bạn nghĩ: "Từ Công an trở thành Dev" sẽ như thế nào chưa? Không đâu xa, ngay tại Sun*, chúng tôi đã “bắt cóc” được chú công an biết code Văn Phát (CEV13). Trải qua những năm tháng huấn luyện khắt khe trong môi trường công an chuyên nghiệp, khi tốt nghiệp và làm việc 1 năm, Phát quyết định chuyển ngành và tập tành những dòng code đầu tiên ở vai trò lập trình viên. “Khoảng thời gian đầu thực sự rất khó khăn, mình phải tự học, tiếng anh lại 'gà mờ' nên việc tìm tòi và hiểu vấn đề chậm lắm. Mình đã muốn bỏ cuộc không biết bao nhiêu lần" - Phát cho hay.

Không khác gì Phát, Vĩ Tuấn (CEV14) cũng lâm vào trạng thái tương tự khi quyết định chuyển đổi từ chuyên môn sư phạm Toán sang lập trình viên iOS và Python. Tuấn chia sẻ, trong những tháng đầu tiên, bạn gặp vô vàn khó khăn với các thuật ngữ chuyên ngành dù đã có nền tảng toán học từ trước đó. “Các tài liệu đa số đều được viết bằng từ ngữ chuyên ngành, đôi lúc mình nhìn nó như một mê cung khó hiểu. Trong khái niệm A có nhắc tới khái niệm B, mình tìm B lại nó lại lòi ra các khái niệm C, D... Toán học thì một định lí đã chứng minh 100 năm sau vẫn đúng, còn lập trình thì đôi khi hôm nay áp dụng vào hệ thống chạy đúng nhưng mai mình update thì nó lại không đúng nữa dù không hiểu tại sao”, Tuấn cười chia sẻ.

Cứ như vậy, kiến thức chuyên ngành và nền tảng kỹ thuật trở thành rào cản lớn nhất cho những Sunners “trái ngành, trái nghề” trên hành trình tiếp cận lĩnh vực công nghệ thông tin. 

Nhưng… học chưa bao giờ uổng phí cả!

Bằng Tâm lý học tại Đại học Harvard không phải là lý do đưa Natalie Portman đến với nghiệp diễn xuất, nhưng chắc chắn là chất xúc tác tuyệt vời để cô nhập vai xuất thần trong tác phẩm để đời “Black Swan”. Những kiến thức chuyên sâu, kỹ năng bạn đã học trên giảng đường có thể không hiện hữu cụ thể trong công việc trái ngành, nhưng không nghĩa nó hoàn toàn vô nghĩa.

Chia sẻ cùng Sun* News, đại đa số các Sunners chuyển ngành đều khẳng định họ chưa bao giờ hối hận vì đã chọn đi con đường như vậy trong thời điểm đó. Vĩ Tuấn (CEV14) cho rằng chính những năm tháng miệt mài cùng sư phạm Toán là chất liệu tuyệt vời để bồi đắp tư duy logic, để luôn tìm kiếm cách hiểu cốt lõi vấn đề và giải quyết những bài toán khó khi lấn sân sang IT. “Mình nhớ là để có thể tham gia đc dự án iOS đầu tiên với vai trò lập trình viên, ngoài việc phải biết về ngôn ngữ swift, mình còn cần tìm hiểu các công nghệ khác như: mô hình MVC, MVVM, clean architecture, Rx swift, Unit test, API, token… Chính tư duy logic là nguyên liệu giúp mình vượt qua 2 tháng đầu khó khăn đó!”. 

Còn với Văn Phát (CEV13), những năm tháng huấn luyện khắt khe trong ngành công an đã rèn luyện cho bạn tính tự lập và kỉ luật “ăn sâu trong máu”, cũng như tinh thần kiên trì và quyết tâm theo đuổi mục tiêu. "Khi đến với IT, mình đã học được thêm rất nhiều điều mới, về kiến thức, về cách nhìn nhận vấn đề và cả cuộc sống nữa! Lập trình thực ra rất gần gũi với cuộc sống, nên khi học được cách giải quyết bài toán lập trình, mình cũng áp dụng được phần nào trong cuộc sống, cộng hưởng cùng những trải nghiệm trong quá trình làm việc trước đó đã giúp mình phát triển về tư duy và cả cách sống hơn", Phát chia sẻ.

Chuyển ngành từ du lịch sang lập trình viên Ruby, Hoàng Long (CEV14) khẳng định những năm tháng mài dũa tại trường là điều bạn chưa bao giờ hối hận. 

“Mình thu hoạch được nhiều nhất là khả năng tự học và quản lý thời gian. Kỹ năng mềm trong giảng đường là điều quan trọng, vì từ tinh thần ấy mình có thể tự thích nghi với bất kỳ kiến thức mới nào.” - Long cho biết. 

“Theo mình, không có việc học nào là vô ích, kiến thức chúng ta tiếp thu trong quá khứ hay hiện tại đều sẽ đem lại lợi ích không thể ngờ trong tương lai” - Quỳnh Như (CEV12) - QA rẽ nhánh từ nghiệp vụ Kinh doanh thương mại chia sẻ. Như cho biết, những năm tháng học Kinh tế trước đó giúp bạn khá nhiều trong công việc hiện tại. 

“Các kiến thức mình đã học trong 4 năm Đại học đó giúp mình phân tích nghiệp vụ, tài liệu nhanh và logic hơn, dễ tiếp cận các luồng business của dự án và có thêm những quan điểm test rộng và bao quát hơn. Lợi ích lớn nhất mình thu hoạch được là về các nghiệp vụ liên quan đến kinh tế, được tiếp cận với nhiều web/app thương mại điện tử, được học thêm nhiều kỹ năng mềm và đặc biệt dễ hòa nhập thích nghi với môi trường làm việc hơn” - Như chia sẻ.

Còn đối với Ý Uyên (CEV11), phát triển phần mềm là ngành đòi hỏi cần phải có nhiều kiến thức không chỉ về IT mà còn về nghiệp vụ khách hàng như: bất động sản, bảo hiểm, logistic… Và tất cả những kiến thức đó đều có thể được bạn trau dồi trong thời gian học tập chuyên ngành tài chính ngân hàng và kinh doanh quốc tế. Lấn sân sang vị trí Comtor từ con số 0, Uyên cho biết thời đi học cô dành thời gian lớn để trau dồi ngoại ngữ, tham gia hoạt động ngoại khóa hay thậm chí là đi làm thêm. Chính những trải nghiệm phong phú từ thời Đại học là nền tảng để bạn tiếp nhận yêu cầu từ khách hàng dễ dàng hơn và luôn trong tâm thế đồng cảm cùng trăn trở của họ.  

Hãy nghĩ xem, trong số những gì bạn được dạy và trải nghiệm, từ chuyên môn đến những kỹ năng như nói trước đám đông, tổ chức hoạt động, kể cả đàn hát, vẽ vời - kỹ năng nào không thực sự phát huy công dụng trong suốt cuộc đời bạn. Nhờ học truyền thông, Nguyễn Trang (FCOV) chia sẻ bản thân bạn đã được giúp sức rất nhiều từ những bài học giao tiếp - kỹ năng thiết yếu trong công việc hiện tại ở Phòng Hành chính thuộc Ban Vận hành hoạt động nền tảng doanh nghiệp của Sun*. 

“Công việc hành chính đòi hỏi mình cần phải làm việc với rất nhiều đối tượng khác nhau, từ nhân viên tới cấp quản lý, từ các khách hàng mới đến các đối tác quen thuộc của công ty. Những lúc đó mình cảm thấy rất may mắn khi theo học ngành truyền thông bởi nơi này đã trau dồi cho mình thật nhiều kỹ năng, cơ chế vận hành và cách thức giao tiếp hiệu quả. Ngoài ra, khi làm việc tại Phòng Hành chính đòi hỏi bạn phải có rất nhiều kỹ năng như lập kế hoạch, báo cáo, thuyết trình..., đặc biệt là những công việc yêu cầu bao quát và chi tiết tỉ mỉ, đối ứng nhanh. Tất cả kỹ năng này mình cũng đã từng được học khi theo học ngành truyền thông. Và vì vậy, nhờ việc được trang bị hiểu biết về mặt bản chất của các kỹ năng nên mình đã có thể vận dụng vào trong công việc hằng ngày dù cho giữa ngành học và việc làm có vẻ không liên quan lắm”. Trang cho biết thêm.

Đôi khi bạn nghĩ, những thứ bạn học cần được đặt trong đúng môi trường thì mới có thể phát huy, có lẽ điều này chưa hoàn toàn đúng. Bởi một khi bạn đã trang bị được cho mình một hành trang kiến thức, kỹ năng vững chắc thì ở bất cứ môi trường nào bạn cũng có thể áp dụng được.

Dù bạn học ngành nào, làm ở vị trí gì đi chăng nữa, mỗi trang mới trong cuộc sống đều sẽ mang đến cho bạn những trải nghiệm. Trải nghiệm càng khác nhau, ứng dụng vào các hoàn cảnh càng khác nhau sẽ càng khiến bạn thêm vững vàng để chinh phục và để chiến thắng chính bản thân mình. Xin được phép trích dẫn chia sẻ của Nguyễn Trang (FCOV) để khép lại bài viết ngày hôm nay: 

Chỉ cần có sự nỗ lực và tinh thần cầu thị, mọi khó khăn đều có thể giải quyết. Đam mê là của bạn, cơ hội cũng là của bạn. Mỗi một bước đi đều là một viên gạch cấu thành nấc thang đưa bạn tới đam mê của mình dù bạn khởi đầu khác mọi người như thế nào chăng nữa! Vì vậy đừng sợ hãi, học ngành này, làm ngành khác thì sao nào, quan trọng là trải nghiệm của mình thôi. Còn trẻ, sợ gì!

#Làm Nghề

#Sunners