Bất ngờ trước quá khứ của nhiều Sunner, trước khi theo đuổi nghiệp IT tại Sun*
Ai bảo học IT thì mới theo được nghề IT? Có những Sunner 'tay ngang', lựa chọn IT một cách rất dũng cảm để theo đuổi và gặt hái được những thành công nhất định trên con đường sự nghiệp của mình. Hãy cùng theo dõi những câu chuyện thú vị của các Sunner trái ngành trái nghề này ở gia đình nhà Sun* nhé!
Sẽ chẳng có gì để bàn ở đây nếu bạn học đúng ngành IT và đang là một lập trình viên. Nhưng có những người, mặc dù biết IT là một ngành học rất khó, nhưng vẫn quyết tâm "chuyển ngạch" chỉ vì đam mê. Phần lớn họ đều là những người thích các con số, thích tư duy logic và sáng tạo, cộng thêm việc gặp được những "dấu hiệu" tốt của nghề trong đời, chỉ bấy nhiêu thôi, cũng đủ để họ quyết tâm theo đuổi IT.
Ở Sun*, nhiều Sunners có một bước khởi đầu rất khác và hầu như chẳng liên quan đến nghề này. Ấy vậy mà giờ đây, họ đều là những gương mặt sáng giá của công ty và đồng hành cùng Sun* tạo ra những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng.
Hãy cùng Sun* News tìm hiểu về câu chuyện của họ nhé!
Tuấn Thịnh - Từ sinh viên Kinh tế trở thành một Lập trình viên iOS
Trước đây mình là sinh viên Kinh tế đối ngoại - Đại học Ngoại thương Hà Nội. Hồi mới vào học đại học, rất nhanh thôi mình đã nhận ra bản thân không phù hợp với ngành này, tất nhiên không phải vì ngành học không hay, hay thiếu tính thử thách, mà chỉ đơn giản là cảm giác của mình như thế.
Mình đã từng thử qua nhiều ngành nghề suốt thời đại học và cả khi ra trường, nhưng mãi không tìm thấy nghề nào thật sự cho mình cảm giác mà bản thân mong muốn. Trong giai đoạn chán nản nhất, mình lại nhớ về ngày xưa. Hồi cấp 3, khi được học lập trình Pascal ở trường, mình thấy rất vui. Đó là môn học duy nhất mà khi về nhà mình lại muốn đọc sách và tự mình mày mò tìm hiểu thêm.
Mình tìm trên mạng các tài liệu dạy lập trình và bắt đầu thử. Sau một thời gian, tự mình đã nhận thấy sự hứng thú của bản thân với IT. Mình thích cảm giác ngồi code, thích cảm giác thoả mãn sau khi code xong một chức năng hay khi giải quyết xong một vấn đề khó. Mình cảm thấy mình có thể dành cả ngày cho công việc này mà không thấy nhàm chán. Và cuối cùng, mình quyết định nghỉ công việc cũ và chuyển sang làm lập trình viên.
Khó khăn với những người tay ngang như mình, có lẽ ở khoản tìm việc. Nhu cầu nhân lực ngành IT nhiều, nhưng do trái ngành nên mình không biết cách đo lường trình độ của bản thân. Cứ khi nào học xong một loại công nghệ mới và nghĩ mình đã sẵn sàng làm việc, thì khi đó, kiến thức của mình vẫn thiếu với những nhà tuyển dụng IT ngoài thị trường. Mặc dù lao đầu vào học rất nhiều thứ, nhưng mình vẫn cảm thấy bản thân chỉ loanh quanh trong vòng tròn do chính mình tạo ra.
Và khi kiếm được 1 công việc với mức lương đủ sống, thời gian ban đầu tất nhiên cũng lạ lẫm, nhưng đối với mình, lại cho một cảm giác rất say mê. Khi có công việc cụ thể rồi thì bản thân có thể tập trung vào một vấn đề mà không bị lan man như trước. Qua thời gian, mình cũng dần hiểu ngành hơn, từ đó sự tự tin cũng tăng lên.
Vì vậy, nếu bạn cũng đang có ý định tay ngang sang IT, hãy cố gắng tìm kiếm công việc đầu tiên càng sớm càng tốt. Bởi mình tin, khi thực sự đi làm, chúng ta mới có thể được coi là đã thực sự nhập ngành. Nhập ngành rồi các bạn có thể cũng giống mình, có cái nhìn hoàn toàn khác so với lúc còn đang học, giúp cho định hướng cá nhân rõ ràng hơn rất nhiều. Và nếu các bạn quyết định chuyển sang ngành IT, hãy chuyển khi các bạn thực sự thích code, thích máy tính, thích làm ra sản phẩm, chứ không phải vì nghĩ ngành này nhiều tiền, việc nhẹ lương cao.
Thành Đạt - Từ sinh viên Tài chính trở thành một Lập trình viên Backend
Trước đây mình tốt nghiệp Học viện Tài chính - Khoa Tài chính ngân hàng, thậm chí đã từng đi làm kế toán 2 năm cho một vài công ty.
Sau khi đi làm một thời gian, mình hiểu bản thân nhiều hơn và thấy cần nghiêm túc nhìn nhận lại xem bản thân phù hợp với ngành nghề nào. Mình tìm hiểu nhiều ngành nghề bằng việc đọc sách và tham khảo ý kiến của những người đi trước. Trong các ngành nghề đó, có ngành IT, bởi từ nhỏ mình đã thích lập trình và toán học, từng tự học Pascal hồi lớp 7 như một trò tiêu khiển trong dịp nghỉ hè. Cho đến khi mình thấy 3 vòng tròn của "con nhím" trong cuốn sách “Good to Great” - Jim Collins, mình biết đó là cơ sở lý thuyết vững chắc để ra quyết định: sự giao thoa giữa vòng tròn năng lực, đam mê và yếu tố kinh tế. Với bản thân mình, câu trả lời cuối cùng, đơn giản là Software Developer.
Lựa chọn chuyển hướng sang IT, đối với mình, không phải là không gặp khó khăn. Từ kiến thức chuyên môn, độ nhạy của nghề rồi những kỹ năng cần có trong công việc, mình đều từng bước học hỏi và trau dồi cho bản thân. Bởi mình cho rằng, sau khi mình đã quyết định chuyển nghề, khó khăn là điều không tránh khỏi và đó là những vấn đề mình phải vượt qua, chỉ khác là bản thân cần nhiều thời gian và nguồn lực hơn.
Nên nhớ, việc chuyển ngành là 1 việc quan trọng, tiêu tốn của chúng ta nhiều nguồn lực về thời gian và tài chính. Hãy nghiêm túc nhìn nhận và có kế hoạch chuẩn bị cho nó. Ngành nghề nào cũng có người thành công và thất bại. Ngành nghề cơ bản không phải thứ quyết định mà là sự kết hợp giữa bạn và ngành nghề đó. Bạn cần đủ hiểu về cả ngành nghề đó và chính bản thân mình. Và để hiểu hơn về bản thân, bạn cần có trải nghiệm. Hãy thử trước khi đưa ra quyết định cuối cùng cũng như tìm nhiều cách để cọ sát tối đa với vị trí công việc mà bạn mong muốn.
Ngoài ra, bạn hãy nói chuyện và tham khảo ý kiến của nhiều người, kể cả những người đang ở trong ngành IT và những người đã bỏ ngành IT. Hãy đặt câu hỏi: "Tại sao họ lại bỏ ngành IT?" - "Bản thân mình có thể 1 ngày nào đó giống họ không?"
Và nếu như đã sẵn sàng với IT, hãy tìm cách để Go Fast - đi nhanh hơn trong lĩnh vực này bằng việc học hỏi từ mentor, điều này sẽ giúp bạn tiếp cận nhanh hơn đến kiến thức cũng như quy trình làm việc, văn hóa của một công ty mà bạn ứng tuyển. Ngoài ra, hãy bắt đầu từ những mục tiêu nhỏ trước. Nếu thấy kiến thức mới khó thì hãy đọc tài liệu tiếng Việt trước, sau đó hãy đọc tài liệu chính thức bằng Tiếng Anh. Tài liệu tiếng Việt sẽ giúp bạn tiếp cận nhanh chóng và dễ dàng hơn, tài liệu tiếng Anh cho bạn cái nhìn sâu sắc và toàn diện hơn.
Huyền My - Từ sinh viên Tài chính doanh nghiệp đến một QA
Mình học Tài chính doanh nghiệp, nhưng lại bắt đầu tại Sun* với vị trí Data Input (nhập liệu). Tuy nhiên sau 1 thời gian thì khách hàng tạm dừng việc Data Input này tại Sun*. Thế là, sau 2 năm gắn bó, mình phải đối mặt với sự thay đổi công việc. Lúc đấy lo lắng lắm, kiểu mình đang có 1 công việc ổn định, vừa sức, tự nhiên lại phải thay đổi vậy. Và mình chọn trở thành 1 QA.
Hồi đó phải làm nhiều dự án nhưng mình lại không có base vững nên lúc nào cũng cảm thấy hoang mang, đến nỗi stress chỉ muốn nghỉ việc. Thực tế thì cũng định nghỉ rồi, nhưng đúng lúc đấy thì lại có dịch COVID, nhiều thứ bất lợi nên quyết định ở lại. Và không còn lựa chọn nào khác, mình bắt buộc phải thay đổi suy nghĩ sợ hãi để thích ứng với công việc mới, dần dần tiếp cận với kiến thức mới, bản thân cũng thấy không quá khó như mình nghĩ. Lại được leader nhiệt tình chỉ bảo, "mắng mỏ" thường xuyên nên dần quen và làm tốt công việc mới. Đến giờ tuy vẫn còn nhiều thiếu sót lắm, nhưng đã cảm thấy QA là 1 công việc rất hay ho, khiến mình trở nên cẩn thận, đa chiều hơn nhiều, đặc biệt là có định hướng phát triển rất rõ ràng nữa.
Nghĩ lại thì thấy sự thay đổi hồi ấy tuy hơi "khiên cưỡng", nhưng thực sự có giá trị với mình. Hơi tiếc là mình không đón nhận sự thay đổi ấy sớm hơn. Đúng là trong một thế giới mọi thứ đang liên tục biến chuyển, cách duy nhất để có được sự ổn định chính là không ngừng thay đổi.
Ngọc Mẫn - Từ sinh viên Xây dựng công trình thủy lợi trở thành một Lập trình viên Backend
Trước đây mình là sinh viên thuộc ngành Xây dựng công trình thủy lợi - Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng.
Với mình, không phải do cơ duyên nào mà tự nhiên một ngày đẹp trời, mình cảm thấy không còn yêu thích và đam mê ngành xây dựng nữa nên lên plan để chuyển ngành. Mới đầu khi rẽ hướng sang ngành này, mình hơi ngợp vì mọi thứ đều mới lạ. Điều khó khăn nhất là sự kiên trì để theo đuổi đến cùng với ngành, vì lúc đó mình vừa làm việc bên xây dựng và vừa đi học thêm IT. Khó khăn và bỡ ngỡ là điều không thể tránh khỏi. Lúc đi xin việc cũng khó khăn hơn vì cũng lớn tuổi hơn các bạn học IT vừa ra trường, thiếu kiến thức, kĩ năng và xuất phát điểm không phải là 1 sinh viên chính chuyên.
Thay vì khó quá bỏ cuộc với sự lựa chọn của mình, nếu bạn cũng tay ngang đến với IT như mình, hãy đặt mục tiêu và thực sự quyết tâm đến cùng. Đừng chuyển ngành theo trend hoặc là ý thích nhất thời, bạn nhé!
Bạn thấy đấy, không khó để lựa chọn ở lại với ngành IT dù trước đây, xuất phát điểm của bạn không phải thuộc về ngành nghề này. Nếu bạn đủ đam mê và tình yêu với nghề, chắc chắn, lựa chọn của bạn là đúng đắn. Hãy kiên trì với quyết định của mình, học tập trau dồi bản thân để ngày một phát triển hơn với lĩnh vực này nhé!