Chúng ta đang bị Google và Facebook theo dõi như thế nào?
"If you are not paying for it, you are the product" - Nếu bạn không phải trả tiền, thì thực tế bạn chính là sản phẩm. Điều đã và đang xảy ra khi chúng ta sử dụng những dịch vụ "miễn phí" của Google, Facebook.
Tin chắc rằng, ai trong chúng ta cùng từng giật mình khi thấy món đồ vừa tìm kiếm vu vơ trên Google, Tiki, Shopee... chỉ vài phút sau đã được quảng cáo ngập tràn trên news feed Facebook với đủ các thương hiệu, mức giá. Hay vừa vui miệng rủ bạn đi du lịch, thì vào Facebook đã “vô tình” thấy hàng loạt gói tour, vé máy bay…được đề xuất. Vậy tại sao Facebook và Google lại hiểu chúng ta đến vậy?
Trong cuốn sách "The Art Of Invisibility - Nghệ thuật ẩn mình" của tác giả Kenvin Mitnick đề cập tới rất nhiều khía cạnh khác nhau liên quan đến vấn đề thông tin của chúng ta bị theo dõi như thế nào, liệu có thể bị bán và sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau, thương mại hoặc phi thương mại. Bạn có thể bị theo dõi bởi nhà cầm quyền, bởi các đơn vị cung cấp dịch vụ, các công ty quảng cáo, các công ty dịch vụ bán hàng... thông qua các cuộc điện thoại, tin nhắn, cú click chuột hay những từ khóa tìm kiếm... Vấn đề này phát sinh và ngày càng nở rộ trong bối cảnh ngành truyền thông và công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ. Ngày nay những ông lớn như Facebook hay Google đã đưa nó lên tầm cao mới, kín kẽ, tinh vi hơn và thông minh hơn.
Muốn biết cách “tự vệ”, bảo mật thông tin cá nhân, trước hết hãy tìm hiểu rõ cách Facebook hay Google nắm bắt từng hành vi, xu hướng của người dùng.
Kỹ thuật để google và facebook có thể "theo dõi" chúng ta
Về cơ bản, cả 2 “ông lớn” đều dùng các kĩ thuật tương tự nhau. Nổi bật như sau:
1. Retargeting
Retargeting (hay chiến lược đeo bám quảng cáo) là thuật ngữ được sử dụng thường xuyên nhất để mô tả việc đặt quảng cáo trực tuyến và hiển thị quảng cáo dựa trên hoạt động của một người dùng trên site của bạn. Một người dùng ghé thăm trang, dữ liệu của họ sẽ được lưu lại trên cookie và giờ đây, bạn có thể thấy các quảng cáo tới họ trên các site khác mà họ truy cập.
Có 2 hình thức retargeting chính là Onsite Retargeting (nhắm mục tiêu những cá nhân đã truy cập trang web của bạn) & Offsite Retargeting (nhắm mục tiêu dựa trên những gì người dùng đã làm trên nền tảng vì nó liên quan đến trang).
Retargeting trên Google là một kỹ thuật quảng cáo trực tuyến rất mạnh vì nó cho phép bạn giữ kết nối với khách hàng mục tiêu (target audience), ngay cả sau khi họ rời trang của bạn. Như bạn có thể thấy, các visitor từng ghé thăm trang trước đây sẽ click vào quảng cáo nhiều gấp 2 đến 3 lần so với khách hàng mới.
Họ sử dụng Pixel - một đoạn mã Javascript mà Facebook cung cấp cho các nhà quảng cáo để chèn vào website với các mục đích:
- Theo dõi hành vi
- Đo lường hiệu suất
- Tạo tệp đối tượng tùy chỉnh cụ thể phù hợp cho các chiến dịch quảng cáo
Dựa vào các phân tích hành vi này, Facebook sẽ hiển thị lại quảng cáo của đúng món hàng bạn định mua.
2. Behavioral Targeting
Đây là kỹ thuật mà Google và Facebook sẽ dựa vào hành vi người dùng làm khi truy cập vào website để đưa ra những quảng cáo phù hợp.
Ví dụ: Khi bạn xem các video review về một chiếc điện thoại Iphone X, sau đó bạn truy cập vào một số bài viết đánh giá về Iphone X, lúc này Facebook và Google sẽ thu thập và phân tích, từ đó có thể dự đoán được dự định của bạn để cho hiển thị quảng cáo về chiếc điện thoại Iphone X. Quảng cáo này có thể sẽ khiến bạn hài lòng vì nó chạm đúng nhu cầu của bạn.
Kỹ thuật này ngày nay còn được ứng dụng tích hợp thêm trí tuệ nhân tạo để tổng hợp và phân tích hành vi người dùng, từ đó đưa ra những quảng cáo phù hợp và đạt hiệu quả cao hơn.
3. Kỹ thuật nghe âm thanh, xem nội dung tin nhắn
Khi chúng ta sử dụng các ứng dụng của Facebook, Google, họ sẽ yêu cầu quyền truy cập và camera, thư viện ảnh, micro để phục vụ một số chức năng. Và dĩ nhiên khi người dùng đồng ý, họ hoàn toàn có thể sử dụng chúng như một phương tiện để lắng nghe và theo dõi người dùng thông qua các cuộc nói chuyện, các tin nhắn, các bức ảnh chụp.
Facebook nhiều lần bị phạt vì bị cáo buộc là vi phạm quyền riêng tư người dùng: Vụ Cambridge Analytica: 'Facebook bị phạt 5 tỷ đô la', hay những cáo buộc về thông tin Facebook bán thông tin cuộc trò chuyện của người dùng cho đối tác. Việc có hay không nghe lén từ Facebook và Google đang là vấn đề gây tranh cãi lâu nay. Tuy nhiên chúng ta có thể tự bảo vệ bản thân mình bằng nhiều cách khác nhau.
Người dùng cần làm gì để bảo vệ bản thân
Có nhiều cách để bảo vệ bản thân tránh khỏi việc bị nghe lén cũng như làm phiền bởi các quảng cáo. Tuy nhiên cũng có người rất thoải mái nhận quảng cáo. Vì vậy quyết định là tùy thuộc vào bạn. Dưới đây là gợi ý một số cách để ngăn chặn việc nghe trộm và thu thập thông tin:
- Đọc kỹ các yêu cầu cấp quyền truy cập vào micro, camera từ các ứng dụng, chỉ cung cấp khi thực sự cần thiết và cho các ứng dụng tin tưởng.
- Tắt quyền truy cập vị trí, camera, micro trên các app khi không cần thiết.
- Sử dụng trình duyệt ẩn danh, logout khỏi các tài khoản khi cần tìm kiếm mà không muốn quảng cáo.
- Thận trọng khi chia sẻ các thông tin lên mạng xã hội, nhất là các thông tin cá nhân nhạy cảm.
- Bật tính năng Tracking Protection trên Firefox hoặc EDGE để chặn tracking từ các trang khác.
- Hạn chế đăng nhập tài khoản cá nhân ở máy công cộng.
- Sử dụng các chương trình chặn quảng cáo để tránh bị làm phiền.
Hi vọng bài viết đã mang đến góc nhìn rõ ràng hơn cho tất cả mọi người về vấn đề này. Để tìm hiểu chi tiết về mặt technic của các kĩ thuật mà Google và Facebook đã sử dụng để theo dõi thông tin của chúng ta, hãy truy cập bài viết gốc trên trang Viblo TẠI ĐÂY.