Đã bao giờ bạn tự hỏi, rốt cuộc ta đang sống vì điều gì?

"Không có người lười - Chỉ có người không có mục tiêu rõ ràng". Liệu rằng bạn đã sẵn sàng để hoàn thành việc định hướng cho những mục tiêu của bản thân và biến nó trở thành hiện thực chưa?

Năm 10 tuổi, tôi ước mơ trở thành diễn viên múa nên phần lớn thời gian trong tuổi thanh xuân của mình, tôi đều dành để tập luyện và biểu diễn.

Năm 18 tuổi, khi đứng trước sự lựa chọn quan trọng đầu tiên trong cuộc đời, tôi đã từ bỏ giấc mơ diễn viên múa để theo đuổi con đường phóng viên báo chí, thi đậu chuyên ngành và nỗ lực hết mình để chạm đến mục tiêu.

Năm 22 tuổi, tôi tốt nghiệp Đại học, quyết định làm việc tại quê nhà và "mưu sinh" bằng một công việc khác không phải là phóng viên. Mục tiêu của tôi lúc ấy luôn là: ở cạnh gia đình và bạn bè thân thiết, tự do phát triển bản thân ở một ngành nghề mới.

Ở mỗi giai đoạn/độ tuổi nhất định, tôi lại có những ước mơ và mục tiêu riêng biệt. Thế nhưng chẳng phải chỉ cần tôi đã từng nỗ lực để đạt được những mục tiêu và hoàn thành được ở thời điểm đó thì đã tôi phần nào hiện thực hóa "giấc mơ" của mình rồi, phải không?

Nguồn ảnh: Internet

Thời sinh viên, mỗi lần đến tiết học Mác - Lênin, tôi đều mệt mỏi rũ rượi, cầm quyển sách đọc thôi cũng đủ khiến đầu óc mông lung quay cuồng, ngồi nghe thầy cô giảng bài mà tâm hồn như trên mây, lại hay ngáp ngắn ngáp dài và cảm thấy hết sức buồn ngủ. Ấy thế mà, tôi lại rất hào hứng khi xem phim, thậm chí có thể cày 1 bộ phim hơn 40 tập chỉ trong một đêm mà vẫn phấn khích tột độ. Tại sao như thế? 

Trước đây, tôi nghĩ sự khác biệt này chỉ vì sở thích cá nhân, giờ ngẫm lại mới thấy: đúng nhưng chưa đủ! Khi xem một bộ phim hay, tôi đã đặt mục tiêu rõ ràng, đó là phải xem hết toàn bộ các tập phim, không bỏ sót một chi tiết hấp dẫn nào. Chính điều này đã tiếp thêm nguồn năng lực và động lực để tôi có thể "cày" bộ phim hàng giờ liền không biết mệt. 

Ấy thế mà với Mác - Lênin, tôi lại cho rằng môn học này không thể mang lại kiến thức và kinh nghiệm thực tế cho mình. Bản thân tôi cũng không có mục tiêu trở thành "bà trùm" Triết học hay dựa vào môn học này để đứng top sinh viên giỏi, vậy nên não bộ tôi lúc đó rơi vào trạng thái ngừng hoạt động và gây mất hứng thú với môn học này.

Vậy chung quy lại, xác định rõ những mục tiêu hào hứng sẽ tạo tiền đề hình thành nguồn năng lượng tích cực để thúc đẩy chúng ta vượt qua sự lười biếng và đạt được sự thành công như mong muốn.

Cuốn sách "gối đầu giường" mỗi người cần nên có! (Nguồn ảnh: Internet)

Chắc hẳn rằng trong chúng ta, rất nhiều Sunner đã đọc qua cuốn sách "Tôi tài giỏi, bạn cũng thế!" của tác giả Adam Khoo rồi, đúng không? Tôi vô cùng tâm đắc chương 12 "Dám mơ ước: Sức mạnh của mục tiêu" trong quyển sách bán chạy nhất của doanh nhân người Singapore này. Bởi lẽ, tôi luôn tin rằng việc xác định mục tiêu và hành động chính là chìa khóa để mở cánh cửa thành công.

Chương 12 có nhắc đến 3 nhân vật là Tiger Woods, Steven Spielberg và Bill Clinton - Những người lựa chọn đi theo con đường của riêng mình nhưng tựu chung một điểm duy nhất: họ đều xác định rõ mục tiêu và dùng toàn bộ 200% sức lực để hoàn thành mục tiêu đó.

Với Tiger Woods, từ nhỏ anh đã đặt mục tiêu trở thành vận động viên đánh golf số một thế giới. Năm 24 tuổi, với những nỗ lực của mình, anh đã đạt được những thành tích đáng tự hào và cho đến hiện tại, anh đã xuất sắc đưa tên tuổi của mình vững vàng ở danh sách những vận động viên hàng đầu thế giới trong lịch sử bộ môn đánh golf.

Năm 12 tuổi, Steven Spielberg xác định mục tiêu trở thành nhà đạo diễn phim giỏi nhất. Năm 36 tuổi, ông trở thành một trong những nhà làm phim thành công nhất trong lịch sử thế giới, sở hữu gia tài phim đạt doanh thu cao nhất thế giới và thu về nhiều giải thưởng điện ảnh nhất.

Hay như Cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton, xuất thân từ gia cảnh cơ hàn ở một nông trại nhỏ nhưng từ bé ông đã tham vọng trở thành tổng thống Mỹ. Dù bị mọi người xung quanh chê cười, bảo ông đang nuôi một giấc mộng viễn vong nhưng ông đã vượt lên dư luận và dũng cảm chạm đến ước mơ của mình.

Nguồn ảnh: Tổng hợp từ Internet

Nói đâu xa, ngay tại Sun* cũng có rất nhiều gương mặt hiểu rõ được sức mạnh của mục tiêu, dám vạch ra tương lai và biến ước mơ thành hiện thực. Chẳng hạn như một cô gái Sunner bé nhỏ mà tôi quen biết, vì mục tiêu của mình, chị đã quyết định đến Đà Nẵng để sinh sống và chuyển hướng công việc từ Logistic sang IT comtor. Một quyết định không hề dễ dàng nhưng chị đã làm được, còn làm rất tốt!

Hay như một anh chàng xuất phát điểm là Comtor, nhưng với mục tiêu trở thành BrSE, anh đã nỗ lực rèn luyện và đặt mục tiêu trau dồi năng lực bản thân, đặc biệt là về Kỹ thuật (Technical). Đến thời điểm hiện tại, anh đã thành công khi chính thức trở thành một BrSE tài năng của Sun*. 

Vậy theo bạn, nhờ đâu mà họ có thể đạt được những mục tiêu, kế hoạch mà mình đề ra? Chỉ khi chúng ta xác định rõ mục tiêu của bản thân mình là gì, cần phải làm gì để đạt được những mục tiêu đó và trên hết, mục tiêu này có khiến bạn khát khao chinh phục hay không thì cuộc sống mới thực sự có ý nghĩa. Đừng mãi sống trong sự lười biếng, cứ mãi lênh đênh trên biển mà không xác định được mục tiêu đích đến của mình, lãng phí thời gian và phí phạm cuộc đời lắm đấy!

Nếu bạn vẫn còn đang hoang mang, không biết làm thế nào để xác định mục tiêu hiệu quả thì có thể tham khảo 6 bước được đúc kết từ chương 12 của cuốn sách "Tôi tài giỏi, bạn cũng thế!" nhé! 
1. Viết ra những gì bạn muốn một cách cụ thể, càng chi tiết càng tốt. 
2. Nhiều người không quyết tâm để đạt mục tiêu là vì họ không có những lý do rõ ràng tại sao họ muốn đạt mục tiêu đó. Vậy nên, hãy liệt kê tất cả những lợi ích và những lý do cho việc đạt mục tiêu. 
3. Vạch ra kế hoạch chi tiết và những hành động cụ thể để tiến gần đến mục tiêu đề ra. 
4. Xác định thời hạn cụ thể để đạt mục tiêu của bạn. Nếu không có thời hạn cụ thể, chúng ta sẽ có khuynh hướng trì hoãn cho đến khi mục tiêu bị lãng quên. 
5. Tiếp thêm cảm xúc cho mục tiêu của mình bằng cách tưởng tượng cảnh chúng ta đạt được mục tiêu đề ra và tận hưởng cảm giác vui sướng, thỏa mãn, cũng như những lợi ích do việc đạt được mục tiêu mang lại. 
6. Ngay sau khi xác định mục tiêu, lên kế hoạch hành động thì cần lấy đà bằng việc hành động ngay tức khắc. Điều này có sức mạnh phi thường giúp chúng ta tiến dần về phía mục tiêu của mình. 
Ngoài ra, có thể sử dụng OKRs như một cách thức đặt mục tiêu và theo dõi mục tiêu hiệu quả nhé Sunners! 

Chúng ta có quyền đặt nhiều mục tiêu cho mình, thậm chí ở mỗi thời điểm nhất định, mục tiêu đó không đồng nhất với mục tiêu ban đầu nhưng không sao cả, chỉ cần nỗ lực thì cho dù kết quả có ra sao, chí ít chúng ta cũng đã sống trọn vẹn rồi.