Lạm bàn về “giá trị người lớn” của truyện tranh

Giá trị người lớn của truyện tranh là gì? Nghe thì tưởng là cái gì to tát, nhưng mà thực ra…là to tát thật đấy!

Truyện tranh (manga, comic, manhwa,..) cùng với trò chơi điện tử có lẽ là những thứ bị cấm đoán nhiều nhất thời còn đi học. Bạn đã bao nhiêu lần bị cô giáo kỷ luật vì đọc truyện dưới gầm bàn? (Và sau này bạn quyết định chơi khăm lại cô giáo bằng cách đọc cả sách giáo khoa dưới gầm bàn luôn :D) Bạn đã bao nhiêu lần bị mẹ xé truyện vì đọc trộm? Và bạn đã bao nhiêu lần tống tiền bạn bè vì bố nó cấm đọc và bạn biết nó vẫn dấm dúi? Và khi đã lớn, đã bao lần các bạn bị “hỏi han”, “khuyên nhủ” hay thậm chí là “cười đểu” khi nhấc tay mua 1 quyển truyện tranh ở hiệu sách? Mà không chỉ có vậy, truyện tranh còn hay bị quy chụp là “vô giá trị” hoặc “nhảm nhí” và người đọc truyện tranh cũng hay bị cho là “còn đọc truyện tranh hoài sao lớn được?”. Trong Bản Tin Xôi Sáng số lần này, chúng ta hãy cùng nhìn nhận về “giá trị người lớn” của truyện tranh xem sao!

Truyện tranh đơn giản chỉ là phiên bản hình ảnh của truyện chữ và là phiên bản 2D của phim ảnh

Những người không đọc truyện tranh thì kiểu gì cũng khuyên ta nên đọc truyện chữ (tiểu thuyết, truyện ngắn,…). Nhưng có bao giờ bạn để ý: Truyện tranh đơn giản chỉ là phiên bản hình ảnh của truyện chữ và là phiên bản 2D của phim ảnh (thậm chí còn “siêu việt” hơn nữa)? Đọc 1 cuốn tiểu thuyết, bạn sẽ phải mất công nhớ đến bao nhiêu nhân vật cùng tích cách đặc điểm trang phục,… nhưng với truyện tranh, sự đời sẽ đơn giản hơn nhiều khi mọi thứ đã được thể hiện qua hình vẽ, màu sắc và biểu cảm đa dạng,… Bạn sẽ không phải mệt đầu khi đọc đến chương 30 lại phải quay về chương 1 xem cái nhân vật này được nhắc đến ở chỗ nào, tốt xấu ra làm sao, phe thiện hay phe ác… Và vì rất nhiều nội dung đã được thể hiện qua tranh vẽ nên truyện tranh vì thế đọc nhanh hơn và cũng dễ đọc hơn rất nhiều. Điều này đặc biệt phù hợp nếu bạn đang cần 1 thứ gì đó để đọc thư giãn!

Vậy truyện tranh còn ưu việt hơn phim ảnh ở chỗ nào? Rất đơn giản thôi, đó là vấn đề về con người. Một diễn viên dù có diễn xuất giỏi đến mấy, làm sao có thể cười ngoác mồm đến tận mang tai (theo đúng nghĩa đen luôn nhé) hay rơi cả hàm dưới xuống khi nhìn thấy gái hay vừa ngủ vừa ăn vừa cười như Luffy trong One Piece? Sự thể hiện của nhân vật truyện tranh vô cùng sáng tạo mà diễn viên không thể truyền tải hết được. Nói đến đây chắc bạn sẽ thắc mắc vậy thì xem phim hoạt hình đi, đúng không? Nếu bạn đã từng xem các Anime được chuyển thể từ Manga bạn sẽ thấy nó rất dài dòng và khá nhiều slow motion trong khi đó nội dung của hàng chục phút anime chỉ bằng nội dung của 1 chap độ mười mấy trang manga!

Nội dung “trái với thuần phong mỹ tục” chưa bao giờ là 1 vấn đề…
Nếu bạn nói với tôi rằng truyện tranh có rất nhiều truyện nội dung người lớn, bạo lực, bệnh hoạn,… mà lại để trẻ con đọc thì vô cùng tai hại thì bạn tôi ơi, bạn đã quên rồi chăng: Truyện chữ chúng ta có “cô giáo Thảo”, phim ảnh chúng ta có JAV. Vấn đề là người đọc, nhà quản lý chứ đâu phải là truyện tranh? Còn những truyện tranh “tốt” mà tôi hay xem như: One Piece, Naruto, Bleach, Gintama, One Punch Man,.. thì không giáo điều, không dạy đời và đôi lúc có phần nhảm nhí, nhưng cũng vì thế chúng đặc biệt dễ đọc, với bất cứ lứa tuổi nào, là 1 thứ giải trí vô cùng hữu hiệu!

… và đặc biệt, truyện tranh chưa bao giờ là “nhảm nhí” “vô giá trị”!
Hơn cả 1 phương tiện giải trí, truyện tranh còn có những giá trị riêng của nó. Trước hết nó mang đến cho người đọc 1 khối lượng kiến thức đa dạng và phong phú cùng những cốt truyện hợp lý và hấp dẫn. Truyện tranh không thể thay thế sách giáo khoa nhưng nó giúp cho những kiến thức chuyên môn trở nên gần gũi hơn và giúp người đọc có hứng thú hơn với việc tìm hiểu kiến thức. Văn hóa, lịch sử của 1 đất nước cũng được thể  hiện 1 cách sinh động, hài hước và gần gũi qua những trang truyện. Đặc biệt trong manga, văn hóa của Nhật được thể hiện rất phong phú và rõ nét. Rất nhiều thế hệ thanh niên đã tiếp xúc với văn hóa Nhật về phong tục ăn tết dương, về kimono, về những ngày lễ,.. thông qua những trang truyện Đô-rê-mon. Và cũng từ đó, họ ấp ủ nuôi dưỡng đam mê được đi học, đi làm, sinh sống ở đất nước mặt trời mọc. Bên cạnh đó là 1 khối lượng kiến thức khổng lồ khác như: khoa học và hình sự trong Conan; thể thao đặc biệt là bóng chày, boxing hay bơi lội qua những truyện của Adachi Mitsuru; bóng rổ trong cuốn Slam Dunk huyền thoại hay thông tin về y học qua “Bác sĩ quái dị” Black Jack.
Có rất nhiều bộ truyện tranh và phim hoạt hình mang đến những thông điệp sâu sắc qua những cách thể hiện tự nhiên gần gũi mà không hề giáo điều hay cứng nhắc như những bài giảng đạo đức thông thường. Nô-bi-ta là 1 cậu nhóc có đầy đủ (thậm chí là thừa thãi) những khuyết điểm của 1 đứa trẻ bình thường. Cậu lười học, mải chơi, ỷ lại và vòi vĩnh. Nhưng thỉnh thoảng người đọc vẫn thấy cậu nhận ra mình đang dựa dẫm vào Đô-rê-mon như thế nào, đang quậy phá bố mẹ ra làm sao và đôi khi cậu còn bất chợt trở nên thật “anh hùng” khi bạn bè cậu gặp nguy! Qua đó, những đứa trẻ được tự mình nhận ra điều gì đúng, điều gì sai 1 cách rất tự nhiên, hài hước và thú vị.

Truyện tranh, cũng giống như phim ảnh và truyện chữ, có những giá trị của riêng mình!

Lớn hơn 1 chút, ta còn gặp rất nhiều thông điệp cảm động khác xuất hiện rất nhẹ nhàng và tự nhiên qua những trang truyện. Đó là những câu chuyện y đức kỳ lạ của bác sĩ Black Jack, là cuộc đời và tư cách một võ sĩ – một con người ngay thẳng của Rurouni Kenshin, là tình yêu và sự trưởng thành trong Only Yesterday, là tình anh em sâu sắc của Katchan và Tatchan (Touch), là tình đồng đội cây khế dù có hơi cù nhầy nhưng thỉnh thoảng cũng kha khá cảm động trong những câu chuyện của Gin, của Shin và của Kagura.

Nakata Hidetoshi (cầu thủ bóng đá Nhật Bản) từng nói tình yêu bóng đá của anh xuất phát từ bộ truyện tranh “Captain Tsubasa”.

Nhiều bộ truyện tranh hay phim hoạt hình khác cũng là cảm hứng cho các cậu bé, cô bé tuổi teen định hướng tương lai của mình hoặc phát huy trí tưởng tượng của họ. Và đặc biệt, không 1 bộ truyện tranh cũng như 1 tác giả nào tôi từng đọc nói rằng ước mơ của họ là giúp giới trẻ hoàn thiện nhân cách, nhưng họ có kỳ vọng rằng trang truyện của họ mang đến cho người ta tiếng cười và thỉnh thoảng có thể khiến người đọc dừng lại suy nghĩ chun chút.

Hãy thử đọc 1 cuốn truyện tranh đi, biết đâu bạn lại thấy nó hay bất ngờ!

Truyện tranh, cũng như phim ảnh và sách truyện, có bộ hay bộ dở, cũng những mặt tối (ngôn ngữ và hình ảnh của truyện tranh ở 1 vài độ tuổi nhất định) cần hạn chế, nhưng đừng vì thế mà cấm đoán hay quy chụp cho người đọc truyện tranh.  Đó là 1 sở thích lành mạnh và hoàn toàn không hề trái pháp luật. Vì thế hãy có cái nhìn công bằng về truyện tranh, bởi đối với 1 số (không nhỏ) người, đó là 1 sở thích không thể từ bỏ, thú vị và cuồng nhiệt như fan K-pop với thần tượng, như Sky với Sơn Tùng, như fan bóng đá với Ronaldo vậy thôi!

Vinh Nguyen The

Ve.


26 Bài đăng