“Thất đại tội” - Kì 1: Lòng đố kỵ
Nếu những người cổ đại có thể chọn cách bưng tai bịt mắt trước thành công của kẻ khác, thì người hiện đại chúng ta khổ hơn thế nhiều. Chúng ta nghiện mạng xã hội và không thể tránh khỏi những hình ảnh gây ganh ghét của những người thành công. Sự đố kỵ được tích lũy trong tim chúng ta to dần theo năm tháng...
Lưu ý:
1. Bài viết là tổng hợp từ sự lý giải của cá nhân người viết.
2. Bài viết có nội dung 16+, vui lòng không share cho trẻ em dưới 16 tuổi đọc bài.
Đã bao giờ bạn nghe qua khái niệm Thất Đại Tội (Seven Deadly Sins) chưa? Và nếu đã nghe qua, bạn có bao giờ thắc mắc rằng, liệu mình có đang mắc phải một hoặc nhiều đại tội nào đó không? Còn nếu bạn đã nhận thức được mình đang mang tội, bạn có từng nghĩ đến cách thức để gột rửa tội lỗi ấy chăng? Loạt bài viết "Thất đại tội" dưới đây xin được bàn về những câu hỏi ấy giùm bạn.
Đa số các tôn giáo trên thế giới đều hướng đến việc xây dựng và hoàn thiện sự tốt đẹp trong con người. Chính vì thế, mà những tính cách tiêu cực có thể gây tổn hại cho chúng ta lẫn cho người khác, được liệt vào hàng ngũ những thứ cần bị loại trừ hoặc áp chế.
Trong triết lý nhà Phật, chúng ta có khái niệm "Tam Độc" (ba thứ độc hại): Tham (Lòng tham), Sân (Cơn phẫn hận), Si (Sự u tối trong đầu óc). Ba thứ độc hại này khiến chúng sanh trầm luân trong bể khổ. Do đó, họ phải tu tâm dưỡng tánh, nghiên cứu Phật pháp thì mới diệt được ba độc, đưa bản thân siêu thoát bể khổ.
Còn trong giáo lý Thiên Chúa giáo phương Tây, những tính cách xấu xa, những suy nghĩ đồi bại được cụ thể hóa và chia thành "Thất Đại Tội":
1. Envy (Đố kỵ)
2. Wrath (Phẫn nộ)
3. Greed (Tham lam của cải vật chất)
4. Slot (Lười nhác)
5. Pride (Ngạo mạn)
6. Gluttony (Tham ăn)
7. Lust (Dâm dục)
Khi đọc đến đây, hẳn không ít bạn đã lờ mờ nhớ ra mình từng nghe qua hay thấy qua khái niệm Thất Đại Tội này rồi đúng không? Bởi lẽ khái niệm này đã gợi cảm hứng cho rất nhiều tác phẩm nghệ thuật khác nhau: Trong văn học, chúng ta có cuốn Divine Comedy (Thần Khúc) của tác giả Dante Alighieri. Trong điện ảnh, chúng ta có bộ phim Se7en của đạo diễn David Fincher với Brad Pitt, Morgan Freeman và Kevin Spacey đóng vai chính. Còn các game thủ hẳn không lạ gì cái tên Dante's Inferno, một game phiêu lưu chặt chém khá thành công năm 2010 của hãng EA.
Tuy nhiên, tác phẩm có sức ảnh hưởng nhiều nhất liên quan đến chủ đề này có lẽ là cuốn Thần Khúc của Dante Alighieri. Thiên trường ca này mất đến 12 năm ( 1308-1320) để hoàn thành và được xem như là kiệt tác của văn học Ý nói riêng và văn học thế giới nói chung. Tác phẩm kể về chuyến đi của Dante xuống địa ngục với sự dẫn dắt của nhà thơ Ý Virgil và nàng Beatrice. Thông qua tác phẩm, Dante đã thể hiện cái nhìn về địa ngục của Thiên Chúa Giáo, cũng như những quan điểm chính trị, những sự kiện lịch sử mà bản thân ông quan tâm. Chính vì lẽ đó, Thần Khúc trở thành một tác phẩm đồ sộ, có tầm ảnh hưởng đến rất nhiều tác phẩm nghệ thuật sau này. Một trong số đó là cuốn tiểu thuyết Inferno của nhà văn Dan Brown (đã được dựng thành phim với Tom Hanks đóng vai chính).
Biết đến tầm ảnh hưởng của Thần Khúc, tôi đã mua bản tiếng Việt do dịch giả Nguyễn Văn Hoàn dịch. Bên cạnh việc đọc bản dịch tiếng Việt, tôi cũng tham khảo trên mạng Internet về những khái niệm, quan điểm trong tác phẩm. Đối với Thất Đại Tội, tôi không ngừng nghĩ về những biến thể của chúng trong xã hội hiện đại, cũng như những cách thức để đối phó với chúng. Và từ dòng suy nghĩ đó, mà tôi có được kết luận cho chính mình, được trình bày ở phần tiếp theo của bài.
Lòng đố kỵ và những đôi mắt bị khâu
Trong tầng địa ngục thứ hai, Dante trông thấy những con người bị đày ải vì lòng đố kỵ : họ "mặc áo khoác sợi lông dê thô ráp", bị "một sợi dây thép xuyên qua mi mắt rồi khâu lại". Trong số những linh hồn bị đày ải vì đố kỵ , có một người phụ nữ tên là Sapia, xứ Siena. Vì lòng đố kỵ mà Sapia đã tỏ ra hả hê khi đồng hương của mình rơi vào tay kẻ thù:
"Họ bị bẻ gãy và bị ném vào
Một cuộc tháo chạy đau đớn,
Nghe tin đó, tôi chưa bao giờ được vui sướng đến thế!"
Có đôi khi, những điều xấu xa nhất lại bắt đầu từ những điều đẹp đẽ. Từ thuở sơ khai, con người đã phải cạnh tranh với những giống loài khác, thậm chí là những cá thể cùng loài khác để có thể sinh tồn và sau đó là sống một cuộc sống tốt hơn. Ý thức cạnh tranh đó đã giúp xã hội loài người phát triển và trở nên tốt đẹp hơn.
Thế nhưng không phải ai cũng có được thứ mình muốn. Từ đó, hạt giống của đố kỵ nảy sinh trong lòng của mỗi chúng ta. Sự đố kỵ càng lớn, càng khiến chúng ta không muốn nhìn vào thực tế, nơi có những người thành công hơn ta, hạnh phúc hơn ta. Những linh hồn đố kỵ trong địa ngục bị "một sợi dây thép xuyên qua mi mắt rồi khâu lại" chính là hình ảnh cụ thể hóa của cảm giác này. Và rồi khi sự đố kỵ lên đến đỉnh điểm, chúng ta sẽ thấy mình trở thành một phiên bản khác của Sapia: hả hê, vui sướng khi thấy người khác thất bại.
Trong thời hiện đại này, lòng đố kỵ lại càng được nhân rộng hơn bao giờ hết với mạng xã hội: những người phải làm văn phòng thì đố kỵ với những người làm kinh doanh, làm freelancer... Những người cô đơn thì đố kỵ với những người có người yêu …
Nếu những người cổ đại có thể chọn cách bưng tai bịt mắt trước thành công của kẻ khác, thì người hiện đại chúng ta khổ hơn thế nhiều. Chúng ta nghiện mạng xã hội và không thể tránh khỏi những hình ảnh gây ganh ghét của những người thành công. Sự đố kỵ được mạng xã hội tích lũy trong tim chúng ta to dần theo năm tháng và khiến chúng ta làm ra những hành động cụ thể: những cú "bóc phốt", những vụ tung ảnh nóng, tin giả nhằm vu vạ cho người khác v.v. Có đôi khi người bị bóc phốt, bị tố cáo đúng là có lỗi, nhưng không khó để nhận ra sự đố kỵ trong mấy nghìn comment đầy hả hê và ác ý dày đặc trên mạng mỗi khi một scandal này đó xảy ra.
Vậy làm sao có thể xóa bỏ, hay áp chế sự đố kỵ đầy độc hại ấy?
Tạo ra một thế giới công bằng ư? Làm gì có công bằng trên thế giới này?
Dù cho cả 7 tỷ người trên trái đất này được sinh ra với một mức sống y hệt nhau thì vẫn sẽ có sự khác biệt: Có một số người sẽ khỏe hơn người khác, một số người ngoại hình ưa nhìn hơn người khác, một số người lại làm việc năng suất cao hơn người khác.... Và vì luôn có một số người vượt trội, nên sẽ luôn có sự Đố Kỵ sinh ra từ sự vượt trội ấy.
Nếu sự chênh lệch là không thể tránh thì thay vì cố gắng "cào bằng" hay ganh ghét nhau, sao chúng ta không thử cùng nhau đi lên?
Dân tộc Việt Nam từng chứng kiến chuyện Cự Đà mang tội với đất nước chỉ vì một quả xoài: Vua Trần Thái Tông ban xoài cho quần thần, nhưng Cự Đà lại không được ban xoài. Một trái xoài chẳng đáng là bao, nhưng trái xoài do vua ban cho lại hàm chứa vinh quang vô cùng. Một chuyện tưởng nhỏ mà chẳng hề nhỏ ấy dẫn phát lòng đố kỵ và bất mãn, khiến cho Cự Đà suýt nữa gây họa cho giang sơn:
Khi quân Nguyên xâm lược nước ta, đánh tới tận Đông Bộ Đầu, Cự Đà ngồi thuyền nhẹ chạy trốn. Đến Hoàng giang gặp hoàng thái tử đi thuyền ngược lên, Đà lánh sang bờ sông bên Kỵ a, thuyền chạy rất gấp. Quan quân gọi lớn: “Quân Nguyên ở đâu”.
Cự Đà trả lời: “Không biết, đi mà hỏi những người ăn xoài ấy”.
Ngày xưa có Cự Đà vị đố kỵ mà tỏ thái độ bất hợp tác với triều đình. Ngày nay, người Việt ta chứng kiến những vụ cãi nhau, ẩu đả chỉ vì "con gà tức nhau tiếng gáy" được đưa lên các trang tin giật gân. Thế nhưng một dân tộc có những "Cự Đà" đầy đố kỵ ấy cũng chính là dân tộc đã ba lần chống Mông Cổ xâm lược, đánh bật những đế quốc như Trung Quốc, Pháp, Nhật, Mỹ khỏi lãnh thổ của mình.
Bởi lẽ, dẫu có "bệnh" đố kỵ, nhưng dân tộc ấy lại biết dùng "thuốc giải" mang tên đoàn kết khi có ngoại địch xâm phạm. Đoàn kết, hay nói cách khác "Be A Team", chính là cách hiệu quả nhất để mỗi cá nhân dẹp bỏ sự khác biệt lẫn nhau sang một bên, mà cùng nhìn về một hướng. Trong hướng nhìn đó, không còn cái "Tôi" mà chỉ còn "Team", và thành công là câu nói "Chúng ta đã thắng" chứ không phải "Tôi đã thắng".
Áp dụng vào công việc, nếu chúng ta chuyển sang nhìn nhận mọi việc trên lập trường của tập thể (công ty/ group/team), thì hẳn sự đố kỵ sẽ được giảm xuống rất nhiều.
Một đồng nghiệp giỏi việc được tăng lương/thăng chức và bạn thấy cay cú? Vậy nếu người đồng nghiệp đó lỡ tay gây ra incident để rồi bị khiển trách hay thậm chí là đuổi việc thì bạn có được tăng lương/thăng chức không, hay chỉ được một sự hả hê đầy tiêu cực? Thay vì chìm đắm trong những cảm xúc tiêu cực đó, hãy thử nhìn sang lập trường của tập thể: Sự tưởng thưởng dành cho một cá nhân xuất sắc có nghĩa là tập thể (công ty/ team/ group) vẫn luôn theo dõi và trao cơ hội cho người biết phấn đấu. Đó là dấu hiệu của sự công bằng trong khen thưởng của một tập thể, điều mà có thể bạn sẽ không tìm thấy ở một tập thể khác.
Và khi nhìn nhận trên lập trường tập thể, bạn hoàn toàn có thể nghĩ đến những hoạt động hợp tác, trao đổi kinh nghiệm với những cá nhân xuất sắc ấy, để nâng cao năng lực toàn team, tăng cao cơ hội thành công cho các thành viên khác (trong đó có cả bạn).
Triết lý nhà Phật cho rằng "Nhất niệm thiên đường, nhất niệm địa ngục". Tức là thiên đường và địa ngục là những trạng thái được tạo ra trong tư tưởng con người và có thể bị thay đổi chỉ trong một suy nghĩ (nhất niệm). Thành công của người khác sẽ là "sợi dây thép xuyên qua mi mắt" hay là ngọn đèn dẫn lối cho bạn, tất cả nằm ở việc quán triệt tư tưởng "Be A Team" trong lòng bạn mà thôi.
Đón đọc kì sau: Phẫn nộ và tham lam