BrSE – Kĩ sư cầu nối: Sau ánh hào quang là những gì?
Bên cạnh những “hào quang” rực rỡ mà người đời nhìn thấy về nghề kĩ sư cầu nối, là rất nhiều gian nan trên hành trình trở thành một BrSE chuyên nghiệp.
Bạn hiểu thế nào về nghề BrSE?
Ai từng làm tại công ty Nhật chắc ít nhiều đã từng nghe tới vị trí Kỹ sư cầu nối – Bridge Software Engineer, gọi tắt là BrSE. Đúng như tên gọi của nó, BrSE là kĩ sư cầu nối, có nhiệm vụ kết nối “team nhà” với khách hàng, đảm bảo hai bên thông hiểu nhau và hợp tác suôn sẻ. Muốn làm được như vậy, người BrSE phải là người theo dự án từ đầu đến cuối, mọi việc luôn trong “tầm ngắm” để có thể ứng phó kịp thời. Nghề này chia làm nhiều nhánh, mỗi công việc cụ thể thay đổi theo từng giai đoạn, quy mô, tính chất dự án.
Nhìn từ bên ngoài thì một tên BrSE sẽ thế này: Nói tiếng Nhật như gió, ăn to nói lớn, lương không xoàng, và đặc biệt là đi Nhật như đi chợ! Không có BrSE thì Công ty khó mà nhận được thêm dự án mới. BrSE cũng thường đóng vai trò quản lý trong dự án, nên chất lượng của BrSE cũng ảnh hưởng rất nhiều tới sự thành bại của một dự án. Cơ hội phát triển bản thân của các BrSE rất lớn, với vị thế luôn ngẩng cao đầu chẳng sợ ai, lương nhiều nơi hét tới 2500$/tháng, chưa kể trợ cấp đủ thể loại…vv…
Nghe thì hoành tráng đấy nhưng tất cả chỉ là những lời đồn, nếu bạn muốn biết đằng sau công việc của chúng tôi là những gì, tôi sẽ kể bạn nghe.
“Làm dâu trăm họ”, lọ mọ vươn lên
Đối với mình, con đường trở thành BrSE không hề dễ dàng chút nào. Bởi những yếu tố mà BrSE cần có không phải chỉ một mà kết hợp rất nhiều như yếu tố ngoại ngữ, ngôn ngữ lập trình, giao tiếp và sự tự học, hay có thể cụ thể hóa nó hơn bằng công thức: BrSE = Developer + Business Anslyst + Tester + Project Manager. Cũng chính bởi vậy mà BrSE hay rơi vào cảnh “thập bát ban võ nghệ”, cái gì cũng biết nhưng lại chẳng hay một món nào!
“Tam sao thất bản” là điều không thể tránh khỏi khi làm nghề này. Tuy rằng mình thông thạo tiếng Nhật nhưng việc truyền đạt từ người này sang người kia cũng gặp phải rất nhiều vấn đề, mà thông thường là không hiểu hết ý nhau. Những người viết văn kém như mình thì việc dịch tài liệu trở thành cực hình. Khó khăn nhất là lúc gặp dự án có nhiều từ chuyên ngành, lúc ý phải tốn khá nhiều thời gian tra từ điển, rất dễ “tẩu hỏa nhập ma”.
Các cụ thường có câu “Thương nhau cau sáu bổ ba, ghét nhau cau sáu bổ ra làm mười”. Ai cũng hiểu khi mà các bác khách hàng thương mình rồi mọi việc sau này nó dễ dàng vô cùng, làm đúng thì được khen lấy khen để, mà sai nhỏ thì cũng… xí xóa cho qua. Để các bác ấy thương thì phải chiều, mà chiều sao cho đúng, thì đơn giản hãy coi “khách hàng là thượng đế”. Mặc dù nhiều lúc ghét cay ghét đắng nhưng vẫn phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”, cố gắng nhìn mọi việc trên view của khách để hiểu ra được “những mong muốn sâu xa mà các bác không nói ra”.
Trên bị khách hàng “giã” dưới bị team kêu gào là “chuyện thường ở huyện”. Ở thời điểm đầu tiên, có lẽ khó khăn nhất là mình phải làm việc trong team với những anh chị lớn hơn rất nhiều tuổi, trong khi mới ra trường và tập tọe làm BrSE. Tuổi trẻ với sự hiếu chiến và bảo thủ đã khiến cho mình gặp khá nhiều xung đột trong quá trình làm việc với những người trong team.
Vừa chiều khách hàng, giúp dự án chạy tốt, lại vừa phải làm anh em trong team cảm thấy hài lòng, vừa có thể tạo điều kiện cho các em “chim non BrSE” có thể tiến bộ là những việc tốn rất nhiều thời gian, mà phần lớn thời gian là dành cho việc… đau đầu. Đứng giữa một ngã tư đường không thể chọn bên nào thiệt hơn, nể khách hàng thì team chịu thiệt, nể anh em thì dự án dễ “lâm nguy”. Thi thoảng khách hàng yêu cầu team làm thêm nhưng không nằm trong kế hoạch, nhận thì không được với anh em, mà không nhận thì không được với khách hàng, mình không xử lý nổi đã kéo cả GL và DM của mình vào giải quyết, dù không muốn cũng đôi lần phải làm kinh động đến cả các bề trên.
Chính vì thế mà mình nhận thấy rằng, đội Dev không muốn làm thì nhất quyết không nên nhận, phải tôn trọng quyền lựa chọn của mọi người. Dù có bất kì yêu cầu gì từ khách hàng cũng nên đưa ra bàn bạc với anh em trước, nếu được anh em chấp thuận thì lý tưởng nhất, nếu không sẽ gợi ý cho khách hàng phương án khác hợp lý cho cả đôi bên.
Các bạn thấy đó, kinh nghiệm đàm phán hay nói hoa mĩ hơn là kĩ năng giao tiếp là “skill” khó vô cùng, nhưng cũng là “skill” mà BrSE phải tốt nhất trong nghề này.
Đôi lúc bạn còn phải phán đoán tình hình như những nhà tiên tri nữa. Để đoán được những nguy cơ dù là nhỏ nhất thì đòi hỏi bạn phải cực kì hiểu rõ về dự án của mình, không được lơ là dù chỉ một phút. Nếu không, việc đầu tiên mà bạn phải đối mặt là hàng loạt những cuộc tranh cãi nảy lửa không có hồi kết đến từ khách hàng và các đồng đội yêu dấu.
Trên đây là những kinh nghiệm thực chiến, không trường lớp nào có thể dạy bạn. Sẽ có những lúc bạn phải “đơn phương độc mã” giải quyết tất cả những “đống hổ lốn” ập vào một lúc, nhưng hãy cứ tự trải nghiệm đi, “sấp mặt” đôi lần rồi sẽ lớn!
“Have the guts to challenge”
Để trở thành BrSE là cả một hành trình dài và cần sự nỗ lực không ngừng nghỉ. Đừng chỉ đọc đến đây thôi đã nản rồi nhé!
Nếu bạn phấn đấu trở thành BrSE, cơ hội tích luỹ bản thân của bạn là rất lớn. Bạn thường xuyên được tiếp xúc với các cấp lãnh đạo, cơ hội học tập từ họ là rất lớn. Đặc biệt, nếu bạn yêu thích công việc thiên về quản lý thì BrSE là 1 bệ phóng tuyệt vời. Bạn phụ trách nhiều việc hơn đó là cơ hội để bạn thể hiện, là cơ hội để các sếp ghi nhận, đánh giá và cũng là cơ hội để bạn thăng tiến nhanh hơn.
Tại Framgia, có rất nhiều khóa học COMTOR TO BrSE trong vòng 4-6 tháng. Giáo trình do chính tay anh Ishida – Section Manager – Business Promotion Section – Human Development Division trực tiếp nghiên cứu và sưu tầm giảng dạy. Để tham gia được khóa này, các bạn sẽ phải trải qua vòng phỏng vấn của anh Ishida và tham gia vào khóa học của Junior BrSE group do Human Development Division tổ chức. Hai tháng sẽ học các kiến thức IT cơ bản, kiến thức về ngôn ngữ lập trình, code cơ bản hoàn toàn bằng tiếng Nhật. Đến tháng thứ ba sẽ được tham gia vào các dự án để training thực tế. Đây chính là cơ hội không thể nào bỏ qua cho những bạn comtors yêu thích trở thành BrSE nhưng còn đang còn lăn tăn về định hướng nghề nghiệp của chính mình.
Lớp học COMTOR TO BrSE của thầy Ishida
Con đường trở thành BrSE nhiều hoa hồng nhưng cũng rất nhiều chông gai, hãy kiên trì theo đuổi, tích lũy và cố gắng nhiều hơn, tôi không chắc bạn sẽ thành công, nhưng chắc chắn bạn sẽ rất “giàu” – giàu kinh nghiệm, giàu cả tình yêu với nghề. Have the guts to challenge nhé!
Đừng lùi bước, đừng bao giờ e ngại trước những khó khăn. Hãy để cho cả thế giới được thấy, bạn không sợ hãi và ngại ngần bất kỳ thử thách nào, đó cũng chính là một phẩm chất ghi dấu ấn của người Framgia. – Kobayashi Taihei