'Cướp biển, xã hội đen, núi Phú Sĩ" và câu chuyện phá bỏ giới hạn của một “người tuân lệnh” để trở thành “nhà quản lý”
Đã bao giờ bạn thử làm 1 bài test hay đặt ra một câu hỏi nào đó để đánh giá tư duy của bản thân chưa? Theo bạn, đâu là đường đi lối bước dễ dàng nhất giúp bạn làm chủ tư duy và tiến tới thành công? Hãy thử đặt mình vào những nhân vật trong hai câu chuyện dưới đây và đưa ra câu trả lời cho bản thân.
Câu chuyện 1: Một chàng trai trẻ đến phỏng vấn tại tập đoàn Fog Creek Software (nay đã đổi tên thành Glitch và là nhà sản xuất của Stack Overflow).
Anh ta nhận được câu hỏi như sau từ nhà tuyển dụng:
“Năm tên cướp biển bị mắc kẹt trên một hòn đảo và chúng có 100 đồng tiền để chia nhau. Chúng dùng quy tắc như sau: Tên cầm đầu sẽ đưa ra quy tắc chia rồi những tên còn lại biểu quyết. Nếu như ít nhất một nửa đồng ý thì chúng sẽ chia tiền theo cách đó, còn nếu ngược lại, chúng sẽ giết tên cầm đầu và tất cả lại bắt đầu lại từ đầu. Tên có uy tín nhất trong số những tên còn lại đã đưa ra cách chia tiền mới và chúng lại biểu quyết là dùng cách mới hay giết tên cầm đầu. Quy trình này cứ tiếp tục cho đến khi có cách chia nào đó được thông qua.
Đố bạn: Giả sử bạn là tên cướp cầm đầu, bạn sẽ đề nghị như thế nào để bảo toàn tính mạng của bản thân? (Chú ý: Tất cả cướp biển đều cực kỳ tham lam, có lối suy nghĩ logic rất tốt và đều muốn sống).
Câu chuyện 2: Trong bộ truyện tranh “Người trong giang hồ”, khi nói về băng đảng Hồng Hưng ở Hong Kong, tác giả có đề cập đến một chức vụ mang tên Chưởng Đà Nhân. Theo như mô hình tổ chức Hồng Hưng, ông trùm đứng đầu sẽ được gọi là Long Đầu. Sau đó là 12 Chưởng Đà Nhân cai quản 12 khu vực kiếm ăn của băng đảng này. Công việc của các Chưởng Đà Nhân là điều hành những hoạt động phi pháp như buôn hàng trắng, thu tiền bảo kê, đánh nhau giành địa bàn, v.v...
Đại Thiên Nhị là một tay giang hồ mới nổi. Hắn muốn trở thành một Chưởng Đà Nhân của khu vực Đồn Môn nên đã đánh tiếng đến đại ca mình là Trần Hạo Nam (nhân vật chính của bộ truyện) về việc này. Sau khi được đề cử, Đại Thiên Nhị bước vào cuộc thi tuyển chọn Chưởng Đà Nhân cùng những ứng cử viên khác. Hãy đọc kỹ nội dung của hai bài thi dưới đây nhé!
Bài thi đầu nhất: Ứng đối bằng thơ cổ
Xã hội đen Hong Kong vốn xuất thân từ những tổ chức kháng chiến nông dân, nên thường dùng thơ cổ như một loại mật mã để giao tiếp. Trải qua hàng trăm năm thay đổi, thơ cổ không còn được dùng trong giao tiếp giữa các thành viên bang hội, mà sẽ chủ yếu được dùng như một hình thức kiểm tra kiến thức về văn hóa bang hội. Và các ứng cử viên buộc phải vượt qua bài thi này thì mới có thể tiến đến bài thi thứ hai.
Bài thi thứ hai: Trả lời câu hỏi tình huống
Đại Thiên Nhị đã nhận được câu hỏi như này: "Nếu một ngày ngươi phát hiện cha của mình chính là kẻ thù không đội trời chung của cả bang hội mà mình đang phục tùng, thì ngươi sẽ phản ứng như thế nào?"
Đố bạn: Nếu là Đại Thiên Nhị, bạn sẽ xử lý tình huống trên như thế nào?
Rối não với hai câu chuyện trên, bạn sẽ tự hỏi rằng liệu câu chuyện của chàng ứng viên trẻ đi phỏng vấn cho một tập đoàn lớn và câu chuyện của Đại Thiên Nhị có liên quan gì đến nhau?
Đơn giản, câu trả lời chính là: Đó đều là ví dụ về sự cần thiết của việc mở rộng tư duy và kiến thức nền của bản thân trong cuộc sống!
Câu chuyện về những tên cướp biển chính là một trong những câu chuyện có trong cuốn sách "Làm thế nào dịch chuyển núi Phú Sĩ" của tác giả William Poundstone. Nếu bạn đọc cuốn sách này và tìm lời giải cho câu đố về lũ hải tặc, hẳn bạn sẽ vô cùng ngạc nhiên khi phát hiện ra: cách chia 20 đồng cho 5 tên, vốn là cách công bằng và rõ ràng nhất, lại có thể bị lũ hải tặc từ chối, khiến bạn bị chúng xử tử ngay lập tức!
Thật bất ngờ, cách chia đúng đắn trong câu chuyện của 5 tên cướp biển lại là: bạn lấy 98 đồng, tên cướp số 1 và số 3 được 1 đồng mỗi tên trong khi tên cướp số 2 và số 4 không được đồng nào! Bởi lẽ mấu chốt ở đây không phải là chia đều tiền, mà là chia tiền theo cách nào để nhận được đủ phiếu bầu của 2 tên cướp (để số phiếu thuận vượt quá 1/2 số tên cướp)!
Bên cạnh câu đố về lũ hải tặc, cuốn sách còn tập hợp những câu hỏi hack não nhất mà các nhà tuyển dụng (đặc biệt là những doanh nghiệp IT) ưa thích sử dụng trong quá trình tuyển dụng nhân tài. Bởi lẽ, trong một ngành mà sự thay đổi diễn ra từng giây, thứ mà các doanh nghiệp IT cần nhất ở những kỹ sư chính là tư duy sắc bén và luôn Think outside the box để có thể thích nghi và tạo nên sự đổi thay cần thiết. Những kinh nghiệm mà một kỹ sư tích lũy được có thể trở nên lỗi thời vào ngày mai, nhưng tư duy linh hoạt sẽ khiến anh ta rút ngắn quá trình "dọn dẹp bộ nhớ" của mình, cập nhật và nâng cấp nó bằng những kiến thức mới nhất để áp dụng cho công việc.
Cũng tương tự như vậy, hai bài thi mà Đại Thiên Nhị phải trải qua khi muốn lên chức Chưởng Đà Nhân cũng là những thử thách về tư duy mà băng đảng tội phạm Hồng Hưng dành cho những nhà quản lý tương lai của họ.
Trong bộ truyện “Người trong giang hồ” còn có một chi tiết thú vị khác: Trong các thí sinh dự thi, có một người đứng lên và nói : "Thơ cổ, nghi thức các kiểu thì tôi không biết, nhưng thu tiền, chém người thì có ai bằng tôi?". Rõ ràng, vị thí sinh này đang thể hiện sự bất mãn khi bị hỏi những thứ "tào lao" và “không liên quan đến công việc" mà anh ta nào đâu biết mình đang tự đạp đổ tư cách dự thi của bản thân khi coi thường những giá trị cốt lõi của cả một tập thể lớn như băng đảng Hồng Hưng.
Quả vậy, bài kiểm tra thứ nhất về thơ cổ, quy tắc giang hồ có thể xem như một bài kiểm tra về văn hóa doanh nghiệp. Nếu bạn đã từng học qua quản trị kinh doanh hoặc nghe các diễn giả startup trao đổi, thì hẳn không ít lần được nghe về tầm quan trọng của việc tạo nên những giá trị khác biệt, độc đáo cho doanh nghiệp. Giá trị khác biệt, độc đáo có thể tìm ở đâu nếu không phải là văn hóa doanh nghiệp? Chẳng hạn như các công ty Nhật coi trọng sự tôn ti trật tự còn các công ty Israel thích văn hóa tranh luận. Mỗi loại văn hóa có những ưu - nhược điểm riêng, nhưng điểm chung là việc chúng sẽ định hình nên hướng đi sau này của doanh nghiệp. Một người không có tư duy coi trọng văn hóa doanh nghiệp, thì dù hoàn thành nhiệm vụ giỏi đến đâu cũng chỉ có thể làm một "người lính kỳ cựu" chứ chẳng thể thăng cấp lên "tướng chỉ tay năm ngón” doanh nghiệp ấy được.
Còn bài kiểm tra thứ hai, không nghi ngờ gì nữa chính là một phiên bản khác của câu hỏi về lũ hải tặc của Fog Creek Software. Thông qua bài kiểm tra này, cấp cao của Hồng Hưng muốn tìm ra một người có tư duy đủ sắc bén để giải quyết những tình huống khó khăn mà tập đoàn sẽ phải đối mặt trong tương lai. Nếu như trong truyện tranh, Đại Thiên Nhị đã phải đối mặt với một tình huống y hệt như câu hỏi trong kì thi Chưởng Đà Nhân, thì tôi tin rằng trong thực tế, không ít nhà quản lý đã gặp phải những tình huống oái ăm không kém gì kì thi sát hạch mà họ phải vượt qua để ngồi vào ghế quản lý.
Với những bạn nào đã đi làm lâu năm ở Sun*, tôi tin rằng bạn đã chứng kiến được không ít những trường hợp "làm ít lương cao", nơi có những người ít khi nào phải cắm mặt OT mà vẫn làm tốt công việc của mình để rồi được đề bạt lên vị trí cao hơn. Yếu tố làm nên thành công đó ắt hẳn không thể thiếu một thứ: TƯ DUY.
Vậy, làm sao để xây dựng tư duy, vượt qua giới hạn của một “người tuân lệnh” để trở thành một “nhà quản lý”?
Câu trả lời lại càng đơn giản: SÁCH!
Trong những ngày này, khi được leader gọi vào tâm sự cuối năm, tôi có nêu ra lý do mình thích Sun*: đó là sự tích cực trong công tác xây dựng tư duy, phát triển con người của tập đoàn, mà cụ thể nhất chính là hoạt động xây dựng thói quen đọc sách ở nhân viên. Thật vậy, trong 6 năm làm việc ở những doanh nghiệp IT Nhật Bản khác nhau, Sun* là một trong những doanh nghiệp hiếm hoi đầu tư thời gian và công sức để xây dựng thói quen đọc sách cho nhân viên. Dĩ nhiên, đây chỉ là một trong vô số những hoạt động khác nhau mà công ty tổ chức để nhân viên của mình có thể tiếp xúc, trao đổi và phát triển tư duy.
Ngoài ra, nếu bạn có theo dõi Facebook của những diễn giả trong ngành giáo dục như Trình Tuấn hay Nguyễn Quốc Vương, bạn cũng có thể thấy rằng các diễn giả này luôn đau đáu về việc xây dựng văn hóa đọc cho toàn dân. Bởi lẽ họ, cũng như ban lãnh đạo của Sun*, đều có chung một nhận thức: Một tập thể chỉ có thể tốt lên khi có những con người mang tư duy tiến bộ. Còn cách nào xây dựng tư duy tốt hơn những cuốn sách, vốn là tinh hoa của tư duy vượt bậc?
Năm mới đã đến, và nếu những năm trước bạn đã thất bại trong việc tạo nên một hình tượng mới cho chính mình khi không thể giảm cân, có người yêu, tiết kiệm tiền v.v. thì sao không thử một phương án khác: thay đổi phần gốc (tư duy) của bạn bằng những cuốn sách, thay vì cố thay đổi phần ngọn (ngoại hình, tài sản) để thành công?
Khi đó, sự thay đổi mà bạn mong chờ ắt sẽ đến. Và để tôi tặng bạn một câu của Descartes: Tôi tư duy nên tôi tồn tại!