Dành cho nữ giới Sun*: "Chúng tôi tự hào vì có các bạn!"

Ngày phụ nữ, hãy cho phép đàn ông chúng tôi được giãi bày...

Câu chuyện xa xôi một chút...

Tôi còn nhớ vào năm 2018, khi tấm ảnh của người mẫu Lyndsey Scott cùng caption: “Cô người mẫu này của Victoria Secret biết lập trình đấy!” xuất hiện trên mạng xã hội Twitter. Ngay lập tức, hàng loạt bình luận khiêu khích, mỉa mai được đăng lên như: "Cô ấy chỉ biết code dòng "Hello world" thôi!".

Thay vì cố gắng trả đũa từng bình luận ác ý, Lyndsey Scott chỉ viết đúng MỘT comment như sau:

Tạm dịch lời bình luận: "Tôi có 27481 điểm trên Stack Overflow; tôi tham gia team huấn luyện iOS cho RayWendelich.com; tôi là lập trình viên iOS cấp độ leader của Rally Bound, doanh nghiệp phát triển nhanh thứ 841 ở Mỹ theo thống kê của incmagazine. Tôi có bằng cử nhân ở Amherst khi tôi học cả hai văn bằng là Khoa học máy tính và Sân khấu. Tôi có thể sống và làm mọi điều mình muốn. Đọc những comment này, tôi (không lấy làm) thắc mắc tại sao 41% phụ nữ trong ngành kĩ thuật lại phải bỏ nghề chỉ vì một môi trường làm việc đầy thù địch như thế". (Nguồn ảnh: Internet)

Rõ ràng những kẻ trêu chọc Lyndsey đã “không chịu nổi” khi một người không chỉ đẹp hơn họ (người mẫu nội y) mà còn giỏi giang hơn họ (biết lập trình). Tuy nhiên, bình luận của Lyndsey cũng làm sáng tỏ một sự thật xấu xí rằng: 

Bất kể nhan sắc thế nào, các cô gái làm việc trong ngành kỹ thuật phải đối mặt với thái độ kì thị và gây hấn (hostile) của nam giới gần như mỗi ngày. (Xem thêm tại đây).

Ở Mỹ, một đất nước nổi tiếng về dân chủ và tự do như vậy, tình trạng bất bình đẳng giới như trên vẫn là một vấn đề chưa thể giải quyết triệt để, dẫn đến nhiều hệ lụy khác nhau, thậm chí là sự lên ngôi của những feminazi (nữ quyền cực đoan).

Ở Nhật Bản, một đất nước đã vươn lên thành siêu cường quốc ở Châu Á, nổi tiếng với sự lịch thiệp và các giá trị đạo đức, lễ nghi, quan niệm trọng nam khinh nữ không những vẫn tồn tại, mà còn đặt gánh nặng lớn lên người phụ nữ. Quan niệm này bắt họ không chỉ hoàn thành xuất sắc công việc ở cơ quan mà còn phải chăm sóc và phục tùng người chồng, con cái, gia đình chồng,... 

Sự phân biệt giới tính ấy còn tạo nên những hành động khó hiểu như việc Đảng Tự Do Dân Chủ (đảng cầm quyền hiện tại của Nhật) "cho phép" 5 thành viên nữ tham gia cuộc họp quan trọng, miễn là họ không nói gì suốt buổi họp. Đáng nói hơn, Đảng này còn xem đây là "một sự cải thiện bất bình đẳng giới" so với trước đây. (Nguồn tham khảo)

Hệ quả là những người phụ nữ hiện đại chọn sự nghiệp thay vì lập gia đình, khiến tỷ lệ sinh tại Nhật giảm mạnh, đưa nước Nhật vào một cuộc khủng hoảng có tên 高齢少子 (Già nhiều trẻ ít). 

Một bức ảnh cho thấy tình hình về "giới" trong giới chính trị Nhật Bản (Nguồn ảnh: Thông tin Nhật Bản)

Có thể thấy, sự áp đặt dành cho nữ giới không phải là chuyện hiếm trên thế giới ngay cả trong thời điểm hiện tại. 

Quay về với mảnh đất chữ S thân thương của chúng ta và ngược dòng về 1000 năm trước, tôi muốn kể bạn nghe câu chuyện Ỷ Lan nhiếp chính như sau:

Tháng 2 năm Kỷ Dậu (1069), Lý Thánh Tông thân chinh đi đánh Chiêm Thành. Tin cậy, trước khi đi nhà vua trao quyền điều khiển chính sự ở triều đình cho Nguyên phi,... Ra trận, Thánh Tông đánh mãi không được, bèn lui binh. Khi đem quân về đến châu Cư Liên (Tiên Lữ, Hưng Yên) thì nghe tin Nguyên phi đã làm rất tốt việc nội trị, lòng dân cảm hóa hòa hợp, trong cõi vững vàng... Thánh Tông nói (lược): "Nguyên phi là đàn bà còn làm được như thế, ta là nam nhi lại chẳng được việc gì hay sao!". Sau đó, Thánh Tông bèn quay lại đánh tiếp, bắt được vua nước ấy là Chế Củ và 5 vạn người.

Thời cổ đại đã thế, thời hiện đại, trong Hiệp định Paris 1972, có chữ ký của một người phụ nữ Việt Nam - bà Nguyễn Thị Bình. Nếu bạn xem clip sau, bạn sẽ thấy rõ sự tài ba, tự tin của người phụ nữ này trong lúc "khiêu vũ giữa bầy sói" gồm phóng viên, chính trị gia của các nước phương Tây như thế nào:

 

Hai câu chuyện trên chỉ là hai trong số rất nhiều những ví dụ khác, để cho thấy: 

Phụ nữ Việt Nam không chỉ tài giỏi mà còn luôn tỏa sáng và ghi danh vào lịch sử bất cứ khi nào được trao cơ hội ấy.

Bà Naomi Kitahara (Trưởng đại diện Quỹ dân số thế giới Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam) cũng phải nhìn nhận: “Trong suốt 10 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đạt được nhiều tiến bộ. Chúng tôi đã nhìn thấy những thành tựu đáng kể về thúc đẩy quyền và sự lãnh đạo của phụ nữ, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế, giáo dục và thông qua việc đẩy mạnh khung pháp lý và thể chế”. (Tham khảo)

Tuy công cuộc bình đẳng giới ở Việt Nam được đánh giá cao, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta có quyền tự kiêu hãnh mà quên phấn đấu hơn nữa. Ngoài kia vẫn còn nhiều "con sâu làm rầu nồi canh", sự bất bình đẳng vẫn đem đến nhiều nước mắt. Chúng tôi, đàn ông Việt Nam cũng đang nỗ lực từng ngày chỉ mong phụ nữ được trao nhiều cơ hội hơn, được "bình đẳng hạnh phúc".

Quay trở lại với giới nữ ở Sun*...

Ngày nay, chúng ta không chỉ thấy những "bóng hồng" tài ba trong các công việc lớn lao của đất nước, mà còn ghi nhận những "người đàn bà thép", thành công trong rất nhiều lĩnh vực, ngành nghề, trong đó phải kể tới công nghệ thông tin - một ngành nghề vốn dĩ thường được "hiểu nhầm" là chỉ dành cho đàn ông. Quả thật, chị em trong ngành IT, giống như một mảnh ghép hoàn hảo để bù đắp những thiếu sót cho những người đàn ông "lắm tài nhiều tật" chúng tôi.

Với tôi, từ những gì mà tôi trải qua, thái độ thận trọng, chú ý tiểu tiết của các bạn nữ (thường là QA) sẽ là sự bổ sung hoàn hảo cho tư duy nhanh nhưng... hơi ẩu của các anh em trong team. Có lẽ cũng bởi vậy, Sun* chúng ta đã đặc biệt đưa ra những phúc lợi dành riêng cho nhân viên nữ như phúc lợi làm đẹp, chính sách Women Only (2.5 giờ nghỉ ngơi không cần làm bù hàng tháng), chính sách giờ làm ưu tiên cho các chị em có con nhỏ dưới một tuổi,... Đặc biệt nhân viên nữ tại Sun* có tỷ lệ quay lại công ty làm việc rất cao sau khi nghỉ chế độ thai sản. Khi được nói chuyện với các đồng nghiệp nữ lâu năm, họ đều thừa nhận rằng, những chế độ đãi ngộ của Sun* chính là điều giúp họ gắn bó lâu dài với công ty. 

Đi kèm với các chính sách ưu tiên nữ giới của Sun*, đó còn là những hoạt động của từng group, team để tôn vinh những bóng hồng ngành IT trong các ngày 8/3, 20/10,... 

Hoặc bạn có thể chiêm ngưỡng bộ ảnh mừng ngày Quốc tế phụ nữ mới nhất từ Sun* để thấy chị em phụ nữ công ty mình đang hạnh phúc và tỏa sáng nhường nào nhé!

>>> "Bóng hồng" nhà Sun*: Xinh đẹp, tài năng và sở hữu những em bé thiên thần

Với cánh đàn ông chúng tôi, việc được nhìn thấy nụ cười rạng rỡ của chị em trong những ngày này cũng giống như một món quà tuyệt vời, thưởng cho công sức bao ngày trằn trọc làm "project" để rồi "release" thành công.

Ngày 8/3 năm 2020 tại Sun* 3 miền

Như trong một gia đình, có đàn ông, thì không thể thiếu phụ nữ. Nếu người cha nghiêm khắc duy lý, người mẹ sẽ dịu dàng và cảm tình (cũng có thể ngược lại, giống như một sự bù trừ đã sắp đặt) để góp phần xây dựng hạnh phúc gia đình. Điều chúng tôi mong muốn hơn tất thảy, vẫn là các chị em nhà mình sẽ luôn vui vẻ, hạnh phúc mỗi ngày, như thể ngày nào cũng là ngày Phụ nữ vậy. Bởi vì một người phụ nữ hạnh phúc sẽ lan tỏa rất nhiều tinh thần tích cực, động viên anh em hoàn thành những dự án dù khó nhằn đến đâu.

Happy Women's Day! 

Phan Duy Van

Chạn Vương 9x


32 Bài đăng

#Ngày Quốc tế phụ nữ

#phụ nữ sun*

#Chúc mừng ngày 8/3