Đọc Musashi, tìm ra "Code đạo"

Làm thế nào một kiếm khách sống ở thế kỉ 16 như Musashi lại có thể dạy cho chúng ta về "Code đạo"? Câu trả lời có ở bài viết dưới đây.

Musashi là ai?

Miyamoto Musashi (1584-1645) là một nhân vật khá quen thuộc với những ai yêu thích văn hóa Nhật Bản. Với các fan của manga, hẳn không ít người đã từng gặp qua nhân vật này trong các bộ truyện tranh về kiếm đạo. Có khi ông là nhân vật phụ, truyền dạy kiếm đạo cho thế hệ sau như hình tượng ông lão Musashi Miyamoto trong bộ truyện Yaiba của tác giả Aoyama Gosho (cũng là tác giả của bộ truyện Conan lừng danh).

Ảnh trích từ bộ truyện tranh Yaiba, Musashi là ông lão nhỏ thó tay cầm song kiếm

Cũng có khi, ông là nhân vật chính như trong bộ Vagabond (tựa Việt: Lãng khách) của tác giả Inoue Takahiko.

Ảnh trích từ manga Vagabond, khắc họa chân dung Musashi tuổi tráng niên

Dù xuất hiện trong bộ truyện nào đi nữa, thì Musashi đều có điểm chung là sự thấu hiểu về kiếm thuật và binh pháp. Bởi lẽ, ông là một nhân vật có thật vào thế kỉ 16 ở Nhật Bản. Không chỉ nổi tiếng với tài kiếm thuật chưa từng thua trận nào, Musashi còn là người hướng đạo của nhiều doanh nhân, chính khách trong thời hiện đại.

Làm thế nào một kiếm khách sống ở thế kỉ 16 lại có thể dạy cho những doanh nhân thế kỉ 20, 21 về kinh doanh, chiến lược? Câu trả lời rất đơn giản: Musashi đã trở thành một nhà tư tưởng chứ không còn là một kiếm khách đơn thuần. Và bằng chứng cho điều đó chính là cuốn sách Ngũ luân thư của ông. Cuốn sách mỏng không chỉ có những bài học về kiếm đạo, mà còn về tư tưởng của nhân loại, khiến cho những bài học trong đó có tính phổ biến cao dù cho là trong lĩnh vực nào đi nữa.

Vậy, Musashi đã trở thành một nhà tư tưởng như thế nào? Liệu chúng ta có thể học theo bậc thầy kiếm đạo này, biến những thủ thuật coding thành "Code đạo", đạt đến chân lý hay không?

Tác giả bài viết xin được dùng chút tài hèn để đóng góp kiến giải cho anh em Sunner thông qua bài viết này... 

Đi tìm sự khai sáng trong nhiều lĩnh vực khác nhau

Nhắc đến việc tìm kiếm sự khai sáng khi nghiên cứu nhiều lĩnh vực, có một câu chuyện đặc biệt ấn tượng với tôi, đó là câu chuyện về kiến trúc sư Mick Pearce, đã xây dựng khu trung tâm thương mại Eastgate giữa Châu Phi mà không dùng đến máy điều hòa! 

Ông đã dùng kiến thức sinh vật học có được khi quan sát tổ mối để áp dụng vào dự án này, tạo nên một công trình độc nhất vô nhị.

Hình ảnh tòa nhà Eastgate

Trái với những chiến binh bàn phím không học hành gì mà bàn về đủ mọi chủ đề như chính trị, quân sự v.v. trên mạng xã hội, Mick Pearce là một trong vô số người đã tìm thấy sự khai sáng khi học hỏi nhiều lĩnh vực khác nhau. Nghề nghiệp của Mick là kiến trúc sư, nhưng điều đó không có nghĩa là kiến thức của ông chỉ gói gọn trong ngành kiến trúc. Sự nghiên cứu tìm tòi có hệ thống về loài mối (bộ môn sinh vật học) đã được kết tinh thành kiến thức khoa học có nền tảng vững chắc, giúp ông áp dụng được vào tòa nhà Eastgate (bộ môn kiến trúc). 

Musashi cũng thế, để đạt được "kiếm đạo" của mình, Musashi đã tu tập cả thư pháp, vẽ tranh và Phật pháp.

Trong cuốn Ngũ luân thư bản tiếng Việt do Bùi Thế Cần dịch, nhà xuất bản đã đăng kèm những tác phẩm thư họa của Musashi. Qua những bức tranh thủy mặc cô đọng, những bức thư pháp với nét bút có đủ cương nhu, ta có thể thấy dù là cầm bút hay cầm kiếm, Musashi cũng đã đạt đến trình độ thượng thừa.

Thư họa của Miyamoto Musashi

Sự học hỏi đa ngành để thăng hoa trong chuyên môn đã được văn bản hóa thành phương châm của ông trong cuốn Ngũ Luân thư. 

1. Không suy nghĩ lệch lạc

2. Tập luyện là con đường ngộ đạo

3. Tinh thông bách nghệ

4. Biết cái Đạo của bách nghệ

5. Phân định sự được - mất trên thế gian

Chính vì lẽ đó, bạn sẽ bắt gặp trong cuốn Ngũ luân thư những ví dụ nói lên sự tương đồng giữa kiếm đạo và vũ đạo, hay thậm chí là sự tương đồng giữa tư tưởng Musashi và những nhà tư tưởng vĩ đại khác.

Đọc Ngũ luân thư có thể giúp Sunner biến coding thành "code đạo"?

Chúng ta biết là Musashi đã tu tập, trải nghiệm nhiều lĩnh vực trong cuộc sống để nâng kiếm thuật của mình lên thành kiếm đạo, và biến bản thân trở thành một nhà tư tưởng. Vậy thì một Sunner đọc cuốn Ngũ luân thư có thể đạt được những thành tựu như ông ta?

Tôi nghĩ rằng câu trả lời sẽ là "Có thể".

Xét trên thực tế, Sun* là công ty có hoạt động văn hóa tinh thần mạnh mẽ nhất mà tôi từng thấy. Ở Sun*, bạn sẽ thấy một cô nàng trong ban ISO biết khiêu vũ, một anh chàng dev biết rap và làm nhạc v.v. Tính đa sắc của mỗi cá nhân lại được ủng hộ bởi ban lãnh đạo khi hàng loạt những event "không đụng hàng" liên tục được mở ra để họ có thể "bung lụa", giao lưu và học hỏi từ nhau.

Ở thế kỷ 16, Musashi đã phải đi khắp nước Nhật để không ngừng giao lưu, thể nghiệm. Còn ở Sun*, chỉ cần nhìn vào người đồng nghiệp đầy cá tính bên cạnh mình, bạn đã có một bầu trời kiến thức và thể nghiệm để học hỏi, trao đổi.

Còn xét về tác dụng của cuốn Ngũ luân thư với việc tu dưỡng tâm hồn cho Sunner, tôi nghĩ rằng một Sunner biết liên tưởng giữa nội dung cuốn sách với thực tế của mình sẽ gặt hái được nhiều điều. Hãy thử xem qua đoạn trích sau trong "Hỏa chi quyển".

"Biến thành kẻ địch

Biến thành kẻ địch có nghĩa là đặt mình vào vị trí của đối thủ.

Trong binh pháp, thiên hạ thường bị ấn tượng là kẻ địch hùng mạnh nên có chiều hướng tỏ ra dè dặt, cẩn trọng. Nhưng nếu có trong tay những quân sĩ thiện chiến và ngươi hiểu được các nguyên lý về binh pháp, và ngươi biết làm cách nào để phá địch thì ngươi chẳng có gì để phải ưu tư cả.

Trong tương thủ (giao đấu) cũng vậy, ngươi hãy đặt mình vào vị trí của kẻ địch. Nếu ngươi nghĩ "Đây là một kẻ tinh thâm binh pháp, một bậc thầy", thì chắc chắn ngươi sẽ thua,"

Trước Musashi hơn một nghìn năm, Tôn Tử cũng từng viết trong binh pháp của mình: "Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng."

Có thể thấy, hai bậc thầy chiến tranh này đã trở thành những nhà tư tưởng, và tư tưởng của họ giao nhau ở chỗ "Muốn chiến thắng đối thủ, phải hiểu rõ đối thủ. Phải đặt mình vào vị trí đối thủ, để biết y sẽ hành động như thế nào mà đối phó lại."

Đọc đến đây, nếu chịu khó liên tưởng, hẳn không ít Sunner đã nhớ đến câu nhắc nhở của cấp trên: "Phải hiểu rõ nhu cầu khách hàng cũng như nghiệp vụ của họ đề đề xuất ra solution tốt nhất". 

Hoặc như "Phép sơn hải biến hóa" của Musashi có yêu cầu người kiếm sĩ không được lặp đi lặp lại một kiếm pháp, mà phải luôn chủ động ứng biến, thay đổi cho phù hợp với tình huống. Nếu nhìn vào thực tế, một dev/QA giỏi chính là người có thể nghĩ ra những cách tiếp cận khác nhau với một vấn đề mà dự án gặp phải, qua đó có thể tìm ra cách thức tiến hành tốt nhất cho mọi công việc trong dự án, từ lớn đến bé. Với những Sunner chưa cảm thụ được sự cần thiết của tính linh hoạt và khả năng biến hóa, Sun* có một hoạt động "bắt buộc" họ phải làm điều đó: hệ thống bài giảng và test qua Moodle. 

Tại sao tập thể Sun* gồm đủ mọi chuyên ngành khác nhau lại phải cùng học những nội dung đa dạng, trải dài từ doanh thu cho đến quản trị rủi ro của dự án? 

Đó chính là phép "Sơn hải biến hóa" của chính Sun*, với mong muốn đem đến cho Sunner những cái nhìn mới từ những vị trí khác nhau trong công ty!

Lời kết

Ngũ luân thư là kết tinh của cả một đời tu luyện và chiến đấu của Musashi. Thế nên nội dung của nó có thể "chung chung, thiếu chi tiết" nếu bạn chỉ đọc nó một lần. 

Tuy nhiên, cũng như trong sách luôn có câu "Ngươi phải nghiêm túc nghiền ngẫm vấn đề này", nếu bạn có thể không ngừng trải nghiệm và đối chiếu những trải nghiệm đó với nội dung trong sách, tôi tin rằng bạn sẽ có những tiến bộ vượt bậc trong tư tưởng. Và điều đó hẳn nhiên là sẽ mở đường cho những đổi thay tích cực khác trong bạn. 

Phan Duy Van

Chạn Vương 9x


32 Bài đăng