Giờ này còn trắng tay thì lạc quan kiểu gì?

Khi tôi chưa có gì trong tay: nhà ở, công việc, bạn bè, các mối quan hệ xã hội, sự chia sẻ và thấu hiểu… tôi chán nản vô cùng và gần như tuyệt vọng đến mức chẳng làm nổi bất cứ điều gì. Bố tôi biết chuyện và chỉ nói đúng một câu: “Khó khăn nhỉ, nhưng thế thì đã làm sao?”. Tôi đón nhận câu nói của bố với tất cả nghĩa đen của chính nó và bất giác cũng tự hỏi lại bản thân mình: “Ừ, thế thì đã làm sao?”

Đừng hiểu lầm, tôi không hề có ý mặc kệ đời mình trôi đi trong vô định. Tôi chỉ muốn thử nhìn mọi thứ dưới một lăng kính khác.

Giống như cách Nick Vujicic không tay, không chân nhưng vẫn có thể chơi golf, lướt ván và đi du lịch vòng quanh thế giới. Giống như cách Stephen Hawking trở thành nhà khoa học đại tài dù phải sống chung với căn bệnh xơ cứng teo cơ từ năm 21 tuổi. Hoặc chỉ đơn giản là giống như bố tôi, tự nói với chính bản thân mình: “Thế thì đã sao?”.

Nick Vujicic không tay, không chân nhưng vẫn có thể chơi golf, lướt ván và đi du lịch vòng quanh thế giới

Còn nhớ mới tháng 2 đầu năm nay, nước Mỹ đã trải qua mùa đông lạnh kỷ lục khiến ít nhất 21 người thiệt mạng và hơn 55 triệu người bị ảnh hưởng. Nhiệt độ thấp đến mức vải vóc hay quần áo nhúng qua nước sôi rồi đem ném ra ngoài trời thì chỉ vài giây sau là lập tức đông cứng như đá. Thay vì trốn trong nhà và than phiền về lối sống phóng túng của loài người khiến thời tiết biến đổi, những người Mỹ lạc quan lại tạo ra một trào lưu hài hước được cả đất nước hưởng ứng, đó là trào lưu “chiếc quần đông đá” (frozen pants).

Trào lưu frozen pants giúp người Mỹ trải qua mùa đông khắc nghiệt một cách nhẹ nhàng và đầy tiếng cười

Hàng loạt người dân hào hứng chia sẻ những bộ quần áo đông đá của mình khắp các trang mạng xã hội. Tiếng cười ở khắp mọi nơi, thậm chí nhiều tờ báo còn đăng tải các bài viết hướng dẫn cách chơi và cách đăng hashtag để tăng tương tác. 

Hay mới hồi tháng 9 rồi, khi cả thế giới lo lắng cho người dân ở các tỉnh phía nam Trung Quốc vì sự đổ bộ của siêu bão Mangkhut, thì chính những người dân sống trong tâm bão lại tỏ ra vô cùng lạc quan. Khi các thiết bị điện đều bị ngắt, người dân liên lạc với nhau bằng cách viết chữ qua các ô cửa kính trong suốt để hàng xóm đối diện từ xa có thể đọc được. Nội dung chỉ xoay quanh những chủ đề rủ rê hài hước như: "Có ai chơi mạt chược không? Đang có 1 người rồi, thiếu 3 nữa".

“Có ai chơi mạt chược không? Đang có 1 người rồi, thiếu 3 người nữa”

Tôi tự hỏi điều gì khiến bọn họ có thể đối diện với thực tại khốc liệt bằng sự hài hước đáng yêu đến thế nếu không phải nhờ vào tinh thần lạc quan? Sự lạc quan là chốt chặn khởi đầu, vì nếu mất đi nó, con người sẽ mất tất cả: niềm hy vọng, sự hài hước, sự tin tưởng, ý chí chiến đấu…

Lạc quan là một trạng thái tích cực, nhưng tôi nghĩ nó chỉ có ý nghĩa lớn nhất khi con người rơi vào hoàn cảnh bi đát nhất. 

Có một phân đoạn trong bộ phim The Pursuit of Happyness lừng danh khắp các phòng vé năm 2006 mà tôi cực kỳ ấn tượng, khi nhân vật chính Chris Gardner lao đến buổi phỏng vấn giúp ông đổi đời trong bộ dạng thảm hại đến không thể nào thảm hại hơn. 

Giữa các quý ông lịch lãm với bộ vest chỉnh tề và những chiếc cà vạt đắt tiền, Chris xuất hiện nhếch nhác với chiếc áo gió quê mùa, quần jeans bạc màu, toàn thân hôi hám, tóc và da mặt dính đầy các vết sơn tường trắng xóa. 

Giám đốc của Dean Witter khi đó là Frohm đã cau mày hỏi Chris rằng: “Chris, anh sẽ nói gì khi một anh chàng tới xin việc mà tới áo sơ mi cũng không mặc mà tôi lại nhận anh ta?”. Chris chỉ ngập ngừng 1s và thoải mái đáp lại: “Vậy có lẽ chiếc quần anh ta đang mặc hẳn là phải đẹp lắm”. Frohm và ban giám đốc sau đó phá ra cười và đồng ý nhận Chris vào làm vì sự dí dỏm và lạc quan bất chấp hoàn cảnh của anh.

Sự lạc quan bất chấp hoàn cảnh của Chris giúp ông nhanh chóng đổi đời

Có lẽ nhiều người nghĩ rằng những câu chuyện thế này chỉ diễn ra trên phim? Nhưng không, Chris Gardner là nhân vật có thực, và bộ phim The Pursuit of Happyness dựa trên cuốn hồi ký về hơn 1 năm sống trôi nổi vô gia cư của ông, cũng như quá trình ông trở thành một triệu phú chứng khoán. 

Dù có nhiều tài năng và sự thông minh đến đâu, Chris chắc chắn không thể đi tiếp nếu như ông thiếu đi thứ quan trọng nhất trong những năm tháng tối tăm của cuộc đời mình: sự lạc quan.

Tôi cho rằng sự lạc quan của Chris cũng giống như sự lạc quan của Nick Vujicic, của Stephen Hawking, của bố tôi, hay của bất cứ ai khác ngoài kia vẫn đang không ngừng đấu tranh, không ngừng phấn đấu. Họ lạc quan không phải vì họ từ chối nhìn thẳng vào sự thực. Ngược lại, họ hiểu rõ hơn ai hết hoàn cảnh éo le của bản thân mình, hiểu rõ cái khả năng mình có thể thất bại, có thể ê chề… nhưng họ chọn cách đón nhận nó bằng sự bình thản, ung dung, thậm chí là hài hước, trào phúng. Họ là những người lạc quan, với khả năng chuyển hóa nhẹ nhàng những tình huống xấu. 

Có rất nhiều tính cách của một người khiến người đó có thể vươn lên đỉnh thành công. Nhưng có lẽ, để thực sự hạnh phúc, người ta cần lạc quan và học được cách duy trì sự lạc quan của chính mình.

Tôi biết sẽ rất khó để làm được điều này, nhưng tin tốt là không điều gì ngăn cản tôi trên con đường lạc quan của bản thân mình cả. Việc của tôi chỉ là nhìn rõ mọi thứ, chấp nhận thực tại và coi đó là một phần động lực cho cuộc sống của tôi. Có đúng không?

#lạc quan

#trắng tay