#KPTDM: Tại sao mọi người quan tâm đến chuyện kết hôn của bạn thế?

Chắc hẳn các thanh niên Sunner đều đã từng một lần thắc mắc, không hiểu vì sao các bác hàng xóm hoặc một số "người quen" thích quan tâm chuyện tình yêu, kết hôn, sinh con,... của mình đến thế phải không? Hóa ra, chuyện gì xảy ra cũng có lý do của nó!

Chắc hẳn nhiều "thanh niên Sunner" đương ở độ tuổi "dựng vợ gả chồng", Tết này vẫn không thể tránh khỏi màn chào hỏi “kinh điển” của mấy bác hàng xóm hay một số "người quen". Dù biết chỉ là câu hỏi xã giao, thế nhưng, cũng "đau" phết chứ đùa! Thế nhưng, đâu chỉ có Tết, mà bất cứ khi nào có dịp gặp mặt, họ đều "quan tâm" những vẫn đề rất chi là tế nhị này.

Nguồn: Kênh 14

Thật ra thì, đây chính là một hiện tượng xã hội, mà ta có thể tạm gọi tên là "quan tâm quá mức đến cuộc sống của người khác". Không phải tự dưng mà họ như vậy, nhưng nguyên nhân là do đâu?

Việc quan tâm đến chuyện của người khác là một tập tính xã hội

Như mọi người đã biết, con người là động vật cao cấp, có sự tương tác cao giữa các thành viên, sống theo "bầy đàn" tức là có tính xã hội. Sự tương tác, mối quan hệ và giao tiếp này tạo ra một mạng lưới tổ chức xã hội. Sự thành công của một cá thể phụ thuộc rất nhiều vào sự gắn kết với đàn. 

Vì vậy, điều cần thiết là biết người khác đang nghĩ gì, nói gì hoặc làm gì để cập nhật bản thân cũng như dõi theo người khác trong trường hợp có lợi. Đôi khi, họ có thể dựa vào sự quan sát, hỏi thăm của mình để có những hành động giúp đỡ. Vì thế, chúng ta mới có từ "tình làng nghĩa xóm". Và cũng bởi vậy, việc quan tâm đến chuyện của người khác (cho dù không ảnh hưởng đến bản thân) cũng chính là một tập tính xã hội, là bản năng của con người. Những câu hỏi của bác hàng xóm có thể chỉ đơn giản là thể hiện sự quan tâm, mong muốn được chia sẻ thông tin với nhau giữa những người "bạn" thân thiết mà thôi!

Trải qua sự giáo dục và ảnh hưởng bởi văn hóa xung quanh, mà mức độ và cách quan tâm của mỗi người là khác nhau. Những người sống trong bầu không khí văn hóa làng xã, thường sẽ có mức độ thân thiết cao hơn. Họ thường quen với những lời ăn tiếng nói thật thà, cũng bởi vậy đôi khi làm mất lòng những người hay nghĩ sâu xa. 

Vì con người có tập tính xã hội, nên việc quan tâm lẫn nhau là chuyện đương nhiên. (Nguồn ảnh: Internet)

Vì bản tính thích "tò mò" và hay "so sánh"...

Phần trên chính là cơ sở khoa học giải thích dễ hiểu nhất về sự quan tâm đôi lúc hơi thái quá của các bác hàng xóm hay những "người quen" ấy. Nhưng đôi khi, có thể giải thích chúng bởi bản tính thích "tò mò" và hay "so sánh" ở con người. Ngay từ khi sống như "cộng đồng", loài người đã có bản tính này, từ đó sinh ra sự cạnh tranh lẫn nhau. Họ quan tâm đôi khi là để nắm bắt thông tin, và so sánh với bản thân, vô hình chung biến thành "động lực để bản thân tốt hơn". Điều này có thể dẫn đến sự tiêu cực khi tò mò và so sánh thái quá, bởi vậy nên chúng ta thường có cảm xúc tiêu cực khi được hỏi những câu hỏi đề cập bên trên.

Nhưng, đó là cuộc sống. Không ai có thể sống cô độc trong một hòn đảo của riêng mình. Vì vậy, người ta phải làm quen với điều này và chấp nhận bản thân để đối mặt với những tình huống như vậy một cách bình tĩnh và tế nhị.

Chẳng hạn như trang bị cho mình những cách đối đáp thanh lịch với sự “quan tâm” này: Mách nhỏ Sunner công thức đối đáp "không thể thanh lịch hơn" khi bị giục yêu, hối cưới

Cuộc sống là vậy đó. Đừng để bất cứ điều gì khiến niềm vui của chúng ta bị ảnh hưởng nhé. Quan trọng là chúng ta làm thế nào để các "bác hàng xóm" quan tâm ta đúng cách hơn, vừa giữ tình làng nghĩa xóm, vừa không bị ảnh hưởng bởi cảm xúc tiêu cực khi bị quan tâm quá đà. 

Chúc các Sunner một năm mới hạnh phúc với mọi điều trong cuộc sống nhé!

#Khôngphảitựdưngmà (#KPTDM) là một series tìm kiếm lời giải đáp cho bất cứ thắc mắc nào của bạn trong cuộc sống.

Bạn cũng có thể gửi bài cho Sun* News TẠI ĐÂY

#KPTDM

#Khôngphảitựdưngmà