Lời than phiền của một bà vợ khi chồng được gọi là “nam thần OT”

Nếu chồng bạn làm IT, bạn sẽ phải chấp nhận việc anh ấy OT như một phần của cuộc sống. Bạn nghĩ sao khi chồng bạn được gọi là “nam thần OT”? Đây là tâm sự của một người vợ có chồng thường xuyên OT.


Gần đây, đồng nghiệp của chồng tôi “kháo” với tôi về “nickname” mới này của chồng mình. “Nam thần” – nghe thì có vẻ hấp dẫn đấy. Cứ thử tưởng tượng mà xem, nam thần nào trong truyện bước ra chẳng mặc sơ mi trắng, tóc bay bay, nụ cười ngọt ngào, ánh mắt nhìn bạn như “xuyên thấu” tâm can. Có ai mà lại “không cảm nắng” một người đàn ông như thế cơ chứ.

Nhưng bạn hãy để ý chữ “OT” phía sau từ “nam thần” trong nickname của chồng tôi nhé. Vì OT có nghĩa là “overtime” – làm việc thêm giờ! Nghĩa là trong hoàn cảnh này, chúng ta nên tập trung nhiều hơn vào chữ OT.

Gia đình anh Dương Văn Báo, chị Nguyễn Minh Phương và con gái Aki.

Nghe đồn anh ấy được “khoác lên” hình ảnh “nam thần” vì thường xuyên OT. Thực ra, tôi cũng khá quen với việc anh ấy đi làm về muộn hoặc đi làm vào cuối tuần, ngày lễ rồi vì từ khi anh ấy vào Sun* (trước là Framgia), việc ấy diễn ra thường xuyên. Đến nỗi gần đây trong đầu tôi luôn mặc định là cuối tuần, các dịp lễ, anh ấy sẽ có 1 buổi nào đó phải đi làm. Và nếu như “bất chợt” anh được nghỉ cả 2 ngày cuối tuần, tôi lại thấy như có điều gì đó… sai sai.

Nhưng tất nhiên, tôi sẽ phải tận dụng ngay ngày nghỉ “bất chợt” để sắp xếp một vài hoạt động nào đó cho gia đình, chẳng hạn như về quê thăm bố mẹ hay đi picnic chứ không thể “ở nhà nhìn nhau” được.

OT nhiều, đồng nghĩa thời gian của chồng tôi dành cho gia đình hay các mối quan hệ khác như bạn bè sẽ bị giảm đi khá đáng kể. Đã khá lâu rồi chồng tôi không có một chuyến về thăm bố mẹ thư thả, mà thay vào đó là về nhanh nhanh chóng chóng rồi xuống Hà Nội từ sớm ngày Chủ nhật để kịp buổi làm việc ngoài giờ (vì team anh ấy hay làm OT vào Chủ nhật).

Có những lần gia đình đã lên kế hoạch đưa con đi chơi nhưng phải “cancel” vào phút chót vì có việc đột xuất và anh phải lên công ty xử lý gấp. Các ngày trong tuần, anh luôn ra khỏi nhà từ khi con gái tôi còn chưa ngủ dậy và nhiều hôm trở về khi con bé đã đi ngủ. Cũng có hôm dự án đỡ việc hơn và anh có thể nhà sớm (sớm ở đây là khoảng 18h, chứ ít khi nào anh về đúng giờ làm việc theo quy định của công ty). Ăn uống nhanh chóng, rồi hai vợ chồng lại cho con gái ra ngoài chơi một lúc, bát đũa để đó lát về rửa sau.

Những ngày cuối tuần, lễ tết mà chồng tôi có lịch OT, tôi thường tự sắp xếp đưa con về quê thăm ông bà, hoặc đi hẹn hò bạn bè, hoặc cho con đến điểm vui chơi nào đó. Cũng vẫn biết nếu có chồng bên cạnh thì sẽ đỡ mệt hơn, con cũng sẽ vui hơn vì có tận 2 người chăm sóc, chơi cùng nhưng “chờ thì biết chờ đến bao giờ”.

Chắc hẳn trong nay mai, OT vẫn là điều không thể tránh trong công việc của chồng tôi và lịch trình “ăn chơi tranh thủ” của gia đình tôi vẫn còn phải áp dụng dài dài. Tôi tin rằng, ở một mức phù hợp, OT là điều có thể chấp nhận được trong hành trình tuổi trẻ xây dựng sự nghiệp. Bởi những người cố gắng bao giờ cũng đạt được kết quả cao hơn trong công việc.

Thế nên, nếu những giờ OT của chồng tôi đồng nghĩa với việc công việc của anh ấy được hoàn thành, năng lực của anh ấy được cấp trên đánh giá tốt thì tôi cũng sẽ ủng hộ và tạo điều kiện để anh ấy có thể yên tâm làm việc. Tất nhiên, OT nhiều sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe nên tôi không mong muốn phải thấy chồng mình OT triền miên, liên tục. Mong rằng những ngày tháng ấy chỉ là “đột xuất” và trong một khoảng thời gian nhất định thôi.

Vậy đó, câu chuyện có vẻ “ngôn tình” của chúng tôi thực tế chẳng lãng mạn tẹo nào, “nam thần” thì suốt ngày cắm mặt vào máy tính nên rất ít khi có thời gian cạo râu tử tế và ăn mặc bảnh chọe như soái ca. Nếu có thì cũng phải đợi mấy dịp như gala cuối năm cơ.

“Ngoại truyện”: OT thì cũng phải có thời gian cho AOE

Chồng tôi ít thích cái gì, nhưng đã thích thì phải thuộc dạng “say đắm”. Trước cờ tướng, AOE đã trở thành “lẽ sống” của anh và “đồng bọn” – hội bạn thân. Đến giờ, khi công việc, gia đình và con cái đã chiếm gần hết thời gian thì anh vẫn phải có lúc nào đó (dù ít) dành cho AOE. Nếu không thể trực tiếp “xem” thì anh cũng phải bật điện thoại, hay tivi chế độ Youtube để “nghe”. Dù ghét tiếng “tạch tạch tạch” của cái game đó kinh lên được thì nhiều lúc tôi vẫn phải “nhẫn nhịn chịu đựng” để anh ấy “yên tâm” rửa bát hay lau nhà giúp mình.