Ngô Gấm và bí quyết phát triển 'Tư duy hệ thống'

Là cô kỹ sư cầu nối thông tin (BrSE) cốt cán với hơn 5 năm gắn bó cùng Sun*, Ngô Gấm (CEV05) luôn mang đến cho mọi người nguồn cảm hứng dạt dào với những trải nghiệm thú vị mỗi lần gặp mặt. Trong lần tái ngộ này trên Sun* News, Gấm tiếp tục khai mở kiến thức và chia sẻ những khám phá mới về việc phát triển Tư duy hệ thống - bí kíp giúp bất cứ ai cũng có thể sắp xếp công việc và cuộc sống theo một cách thật thông minh, dễ dàng.

Bạn đọc ắt hẳn vẫn còn nhớ cô chủ nhỏ của sạp hàng thiện nguyện S-Nối từng xuất hiện trên Sun* News vào mùa hè năm 2020. Đó là Ngô Gấm - cô BrSE luôn toát ra nguồn năng lượng của sự nhiệt thành, tích cực, lạc quan, để tạo nên "những điều có ý nghĩa cho cuộc sống". Có lẽ đó chính là động lực thôi thúc Ngô Gấm luôn hăm hở tìm tòi, thực hành thêm thật nhiều kiến thức mới và trở thành tấm gương của tinh thần học tập và làm việc bền bỉ, không chỉ tại CEV05 nói riêng mà còn ở Sun* nói chung. 

Hiện tại, Gấm đang tham gia dự án Chatbot, một trong các dự án về nền tảng đi đầu trong công cuộc ứng dụng ChatGPT vào hỗ trợ hội thoại. Là một dự án có các luồng giao tiếp với khách hàng khá đa dạng và phong phú, Chatbot đòi hỏi Gấm phải liên tục làm mới mình để bắt kịp tiến độ và quản lý công việc hiệu quả. Đó cũng là lúc cô nàng kỹ sư cầu nối phát huy tối đa năng lực “tư duy hệ thống” - vốn được Gấm nghiên cứu và thực hành suốt thời gian qua. Hãy cùng trò chuyện với Ngô Gấm để lắng nghe bí kíp của cô bạn trong “bộ môn” mới này nhé!

Chào Gấm, không biết Gấm đã bén duyên với công việc BrSE như thế nào? Vì sao lại là BrSE nhỉ?

Bản chất mình là người rất thích giao tiếp giữa con người với con người, thích thử sức với những điều mới mẻ, và cũng là người có tư duy tổng quát và tính kỷ luật. Đó là lý do mình và BrSE “va vào nhau”, vì BrSE có tất cả những thứ mình càng làm càng say mê. Việc trở thành cầu nối truyền đạt quan điểm các bên và quản lý tổng thể, giúp dự án vận hành trơn tru, nạp cho mình nhiều năng lượng trong quá trình đi làm.

Mục tiêu của Gấm trong công việc này là gì?

Thông thường, mọi người hay đặt ra mục tiêu công việc như: đảm bảo các dự án được triển khai đúng tiến độ, đáp ứng được yêu cầu của khách hàng và các bên liên quan. Còn đối với riêng mình, mình tâm niệm đi làm mỗi ngày là một ngày có cơ hội để khẳng định:

+ Với khách hàng: thật tuyệt vời khi chọn Sun* làm đối tác.

+ Với team dự án: thật tuyệt vời khi từng người được lắng nghe, tôn trọng và tự bản thân phát triển mỗi ngày.

+ Với chính bản thân: thật tuyệt vời khi được chiêm nghiệm từng thử thách, từng trải nghiệm qua các thời kỳ, để thấy mình của ngày hôm nay tốt hơn hôm qua.

Gấm tâm đắc chia sẻ về mục tiêu và quan niệm của mình trong công việc

Bên cạnh tính cách vui vẻ, thích giao tiếp, Gấm có nhắc đến tư duy tổng quát khi làm nghề. Theo Gấm, tư duy tổng quát là gì và có ý nghĩa như thế nào với công việc?

Có thể hiểu tư duy tổng quát ở đây là tư duy hệ thống. Mình bắt đầu thực hành tư duy hệ thống trong vài năm gần đây. Theo mình, tư duy hệ thống là phương pháp hệ thống hóa dữ liệu, giúp người làm có khả năng nhìn nhận các vấn đề một cách toàn diện, đưa ra quyết định thông minh và tìm kiếm các giải pháp tối ưu. Đó là một kỹ năng quan trọng trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực kỹ thuật và quản lý dự án.

Với mình, tư duy hệ thống không chỉ phát huy tác dụng trong công việc, mà còn hữu hiệu trong quản trị chính cuộc đời mình. Nhìn tổng thể một bức tranh, mình là ai, mình muốn cuộc đời của mình như thế nào sẽ giúp ta lên từng kế hoạch nhỏ để hiện thực hóa mục tiêu lớn. Nếu không có tư duy hệ thống, ta cứ đi vào xử lý nhỏ lẻ từng thứ một thì mọi thứ sẽ rất chắp vá, hiệu quả không cao. Đôi khi có một việc mà cứ giải quyết tới lui hoài vẫn không xong, mệt mỏi và dễ mất định hướng lắm!

Gấm chia sẻ tầm quan trọng của tư duy hệ thống

Vậy Gấm đã thực hành xây dựng tư duy hệ thống như thế nào để quản lý công việc hiệu quả tại Sun*? 

Trước mỗi task, mỗi công việc ở giai đoạn bắt đầu, mình luôn tự đặt ra và trả lời cho các câu hỏi:

  • Trong công việc của mình có các thành phần chính là gì? 
  • Các thành phần này có liên quan với nhau như thế nào?
  • Làm thế nào để có thể tối ưu hóa quản lý các thành phần này?
  • Có đánh giá, đo đạc định lượng được không sau khi cải tiến?
4 câu hỏi then chốt được Gấm đặt ra trước khi bắt đầu bất kỳ công việc nào

Ví dụ như khi làm BrSE tại Sun*, tư duy hệ thống có thể dùng để phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến tiến độ dự án để đi đến giải pháp theo các bước:

  • Đầu tiên, BrSE có thể xác định thành phần chính của dự án, bao gồm yêu cầu khách hàng, các công việc của đội phát triển và thời hạn cần đáp ứng.
  • Tiếp theo, BrSE có thể phân tích các mối liên hệ giữa các thành phần này và đưa ra các giải pháp để giảm thiểu rủi ro và đảm bảo tiến độ dự án. Ví dụ, ta có thể tăng cường giao tiếp với đội phát triển để đảm bảo đúng tiến độ, hoặc đề xuất thay đổi phương pháp để giảm thiểu thời gian và tối ưu hoá chất lượng sản phẩm.
  • Tiếp theo, luôn tracking và quan sát dự án để tối ưu hoặc phát hiện các bất thường cần cải tiến.
  • Cuối cùng, không thể thiếu là quá trình review, nhìn lại định kỳ để rút ra các bài học kinh nghiệm.

Tư duy hệ thống có được áp dụng trong việc học tập và cuộc sống hàng ngày của Gấm không? 

Có chứ, mình luôn áp dụng tư duy này để khám phá xem bản thân thực sự mong muốn điều gì và lên lộ trình chi tiết để thực hiện nó. Đơn cử như gần đây, mình mong muốn xây dựng thói quen đọc sách bởi trước kia dù rất thích nhưng toàn viện cớ bận mà bỏ bê. 

Để tiến đến nghiền ngẫm về mục tiêu này, mình dùng tư duy hệ thống và vẽ ra mindmap với hàng loạt câu hỏi:

HỎI

ĐÁP

Để đọc sách thì cần những gì? 

Tất nhiên cần SÁCH + Tâm thế sẵn sàng đọc sách + THỜI GIAN

Từ trước đến giờ mình gặp khó khăn gì khi đọc sách?

Mình rất thích sách nên đã mua sẵn sách về, nhưng không dành thời gian đọc.

Vì sao mình lại không có thời gian đọc nhỉ?

Do mình thật sự bận, hay mình chưa dành sự ưu tiên?

Vậy làm thế nào để mỗi ngày có thời gian đọc sách?

Đặt độ ưu tiên cho việc đọc sách, để mỗi ngày có 1 khoảng ít nhất là 30 phút.

Vậy làm thế nào để mỗi ngày có 30 phút đọc sách nhỉ?

Dậy sớm lên, bớt SnS/Facebook/Zalo/, bớt shopping các thứ đi,...

Tiếp theo, làm thế nào để đọc sách thật sự hiệu quả nhỉ? (đọc là phải rút ra được gì đó và áp dụng vào cuộc sống, giúp mình tốt lên)

Tìm hiểu xem thế giới có các phương pháp đọc sách gì hay ho không và chọn cho mình 1 phương pháp. Ở thời điểm hiện tại cần vượt lười để khởi động, mình nghiên cứu và chọn phương pháp Đọc Sách Cộng Hưởng.

Vậy làm sao để duy trì thói quen đọc sách?

Phải đặt ra mục tiêu. Hiện tại, mình đặt mục tiêu đọc 20 cuốn sách/ tháng, sau mỗi cuốn sẽ vẽ mindmap những điều mình rút ra được để nhớ lâu, học kỹ hơn.

Từ từ trả lời những câu hỏi theo tư duy hệ thống, bạn sẽ dễ dàng phát triển những sở thích mới, hình thành lối sống và thói quen với mục tiêu của mình. 

Cô bạn bắt đầu khai phá tình yêu sách bằng lộ trình cụ thể theo tư duy hệ thống

Ồ hay quá! Gấm có thể chia sẻ các bước giúp chúng ta xây dựng tốt tư duy hệ thống được không?

Mình nghĩ tư duy hệ thống không phải là kỹ năng sẵn có mà cần được rèn luyện và thực hành trong cuộc sống hàng ngày. Để phát triển được tư duy này, các bạn có thể thực hành theo các bước sau:

Đầu tiên cần tìm hiểu tư duy hệ thống là gì.

Tiếp đó là tự chọn ra cho mình những vấn đề cụ thể của mình.

Tự đi phân tích vấn đề: sử dụng 5WHY.

Tự đưa ra giải pháp, và quan trọng là phải kiên trì thực hiện.
Đánh giá và chiêm nghiệm xem sao.

Hãy bắt đầu rèn luyện tư duy hệ thống bằng cách đặt câu hỏi "Tại sao" và "như thế nào" để phân tích các vấn đề. Sử dụng các công cụ như mind map (sơ đồ tư duy) sẽ giúp mình tổng hợp thông tin một cách trực quan và hiệu quả hơn nhiều đấy! 

"Tại sao" và "như thế nào" là hai câu hỏi luôn được Gấm đưa ra khi phân tích vấn đề

Bất kể bạn là ai, mình nghĩ luyện tập và thực hành luôn là điều cần thiết để giúp các bạn thuần thục một kỹ năng nào đó. Hãy luôn cố gắng phát triển và nâng cao kỹ năng tư duy hệ thống của mình để trở thành một người quản lý công việc, thời gian thông minh và dễ dàng hơn. Chúc các bạn thành công trong việc rèn luyện tư duy hệ thống và đạt được những thành tựu trong cuộc sống của mình nhé!

Cảm ơn cô gái tràn đầy năng lượng Ngô Gấm với những kiến thức hữu ích về tư duy hệ thống! Mong Gấm tiếp tục tinh thần học hỏi "non-stop" và chia sẻ cho chúng mình những trải nghiệm mới trong dịp gần nhất nhé!

#Corner of Sun*