Tháng 10, thả hồn vào những câu chuyện về Hà Nội
Hà Nội đang bước vào mùa được trông đợi nhất trong năm - mùa thu. Cả không gian trở nên mơ màng, đầy mê hoặc bởi sức hút mà tiết trời thu ban tặng. Gắn với mảnh đất ngàn năm văn hiến này, là những sự thật thú vị mà có thể không nhiều người biết. Chắc hẳn bạn cũng sẽ đồng tình nếu ai đó nói mùa thu Hà Nội đẹp lạ lùng, dễ khiến lòng người cảm thấy xao xuyến, nhớ thương. Nhân tiết trời sang thu, nhân dịp kỷ niệm 68 năm ngày Giải phóng Thủ đô, hãy ngồi xuống và Sun* News sẽ kể cho bạn nghe những câu chuyện nhỏ về Hà Nội nhé!
Hà Nội không còn "36 phố phường"
Chắc hẳn ai biết đến Hà Nội cũng đã từng nghe đến khái niệm “36 phố phường” như là một tên gọi không chính thức của khu vực phố cổ. Đây là khu vực đô thị có từ lâu đời của Hà Nội, nằm ngoài Hoàng Thành Thăng Long. Tại đây, tập trung dân cư buôn bán giao thương, hình thành nên những phố nghề đặc trưng và từ đó, các con phố có tên bắt đầu bằng chữ “Hàng”. Các tên gọi này đã đi sâu vào tiềm thức của người dân Kinh kỳ bởi nó mộc mạc, dễ hiểu, ví dụ như: Hàng Bạc là nơi bán bạc, Hàng Chiếu là nơi bán chiếu…
Tuy nhiên, khu phố cổ hiện nay đã được liệt kê vượt qua con số 36 phố phường. Các con đường có trong “36 phố phường” nằm cả ở bên trong và bên ngoài khu vực phố cổ. Do vậy, cái tên này chỉ là một cách gọi ước lệ về khu vực đô thị cổ.
Theo “Phố và đường Hà Nội” của nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc (xuất bản năm 2004), thủ đô hiện có 48 phố bắt đầu bằng chữ “Hàng”. Trừ một số tên mới xuất hiện gần đây (do gộp nhiều phố nhỏ), còn lại đều được hình thành từ thế kỷ 15 đến 19. Do nằm ở trung tâm của đô thị Hà Nội trong nhiều thế kỷ, các con phố gắn với chữ “Hàng” là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử, tập trung nhiều công trình có giá trị về lịch sử, văn hoá, tín ngưỡng của người Hà Nội.
Những con phố bắt đầu bằng chữ “Hàng” đã bị xoá sổ: Hàng Áo, Hàng Bông Thợ Nhuộm, Hàng Bừa, Hàng Cau, Hàng Chè, Hàng Cỏ, Hàng Cơm, Hàng Cuốc, Hàng Đàn, Hàng Đẫy, Hàng Đũa, Hàng Gạo, Hàng Giò, Hàng Kèn, Hàng Khoá, Hàng Lam, Hàng Lọng, Hàng Màn, Hàng Mây, Hàng Mụn, Hàng Nâu, Hàng Sắt, Hàng Sơn, Hàng Trứng. Những con phố không bắt đầu bằng chữ “Hàng” nằm trong khu phố cổ: Bát Đàn, Bát Sứ, Cầu Gỗ, Cầu Đông, Chả Cá, Chân Cầm, Chợ Gạo, Cửa Bắc, Cửa Đông, Đồng Xuân, Gầm Cầu, Gia Ngư, Hà Trung, Hài Tượng, Hồ Hoàn Kiếm, Lãn Ông, Lò Rèn, Lò Sũ, Mã Mây, Nhà Hoả, Ngõ Gạch, Ngõ Trạm, Ngõ Tạm Thương, Thuốc Bắc, Tố Tịch, Yên Thái, Cao Thắng, Đào Duy Từ, Đinh Liệt, Đông Thái, Lương Ngọc Quyến, Lương Văn Can, Nguyễn Siêu, Nguyễn Thiện Thuật, Phùng Hưng, Tạ Hiện, Trần Nhật Duật, Lê Văn Linh, Trần Quang Khải. Những con phố bắt đầu bằng chữ “Hàng” nhưng không nằm trong khu phố cổ: Hàng Bột, Hàng Bún, Hàng Cháo, Hàng Chuối. |
Ý nghĩa đằng sau những tên phố
Không nhiều người ngày nay thật sự hiểu Lò Sũ, Hàng Chĩnh, hay Mã Mây ngày xưa bán gì.
Lò Sũ nằm ở quận Hoàn Kiếm, thật sự ít người biết phố này ngày xưa là phố bán… quan tài. Chữ “sũ” trong tiếng Việt cổ, có nghĩa là “áo quan”. Và thú vị thay, phố Hàng Hòm, nhiều người vẫn nghĩ là bán hòm quan tài thì lại là nơi chuyên bán hòm đựng quần áo, đồ đạc, các loại tráp…
Hàng Chĩnh là nơi chuyên bán chĩnh. Chĩnh là một loại vật đựng bằng sành, miệng và đáy nhỏ, bụng phình to giống như cái chum nhưng kích thước nhỏ hơn. Chĩnh thường được dùng để đựng mắm, tương hoặc có thể dùng đựng gạo. Bởi thế tục ngữ có câu “chuột sa chĩnh gạo”.
Mã Mây là phố ghép từ tên Hàng Mã và Hàng Mây. Khu vực này, xưa kia, gần cửa sông Tô Lịch nối với sông Hồng, thuyền bè buôn bán tấp nập, lái buôn thường lên phố Hàng Mã và Hàng Mây giao thương.
Phố Hàng Bè lại không phải là nơi bán thuyền bè. Theo sử sách, xa xưa nơi đây vẫn là bờ sông Hồng, địa phận các phố Nguyễn Hữu Huân, Hàng Tre, Trần Quang Khải đều nằm dưới lòng sông. Khu vực này là nơi thuyền bè cập bờ để bán hàng nên trở thành tên như ngày nay.
Hà Nội và những con phố siêu ngắn
Dù sống lâu ở Hà Nội hay chưa từng ghé chân thì có lẽ không nhiều người biết thủ đô có những con phố chỉ dài chừng… 50m. Điển hình là những cái tên sau đây:
- Phố Hồ Hoàn Kiếm: dài 52m. Phố Hồ Hoàn Kiếm chạy từ phố Cầu Gỗ đến phố Đinh Tiên Hoàng, thuộc quận Hoàn Kiếm.
- Phố Nguyễn Xí: dài hơn 52m. Con phố này chạy từ phố Đinh Lễ đến phố Tràng Tiền.
- Phố Nguyễn Trung Ngạn: dài hơn 52m. Vị trí phố Nguyễn Trung Ngạn nằm cạnh số 18 Nguyễn Trung Trực rẽ vào, thuộc phường Phạm Đình Hổ - quận Hai Bà Trưng.
- Phố Đống Mác: dài 60m. Con phố này nằm ở cuối phố Lò Đúc, cạnh số nhà 238, thuộc phường Đống Mác, quận Hai Bà Trưng.
- Phố Lê Văn Linh: dài 65m. Lê Văn Linh là con phố kéo dài từ phố Phùng Hưng đến phố Lý Nam Đế, thuộc phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm.
- Phố Đông Thái: dài 70m. Phố Đông Thái chạy từ ngã ba Trần Nhật Duật - Chợ Gạo đến phố Mã Mây, đoạn nối với Hàng Buồm, thuộc phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm.
- Phố Chợ Gạo: dài 75m. Phố chạy từ Trần Nhật Duật đến phố Đào Duy Từ, thuộc phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm.
Sự thật về những ngôi "nhà ống" trong phố
Nói đến kiến trúc đặc trưng của Hà Nội xưa là những ngôi nhà ống, nhưng không nhiều người biết về sự hình thành của nó. Nhà ống là những ngôi nhà được xây dựng theo hình chữ nhật, diện tích chiều ngang nhỏ, hẹp hơn rất nhiều so với chiều dài. Theo một số giả thuyết, loại hình nhà ống được hình thành do giá đất đắt đỏ. Khi mật độ dân số ngày càng đông, khu vực phố cổ là nơi tập trung làm ăn, buôn bán nên chính phủ lâm thời buộc phải tiến hành thu thuế mặt tiền trên các con phố lớn.
Chính vì vậy, người dân đã cố gắng giảm kích thước mặt tiền của ngôi nhà. Nhưng khi số lượng thành viên trong gia đình tăng, họ cần không gian sinh hoạt nên bắt buộc phải xây cao lên. Do đó, những ngôi nhà ống dần hình thành. Luật đánh thuế này được người Pháp đưa ra vào cuối thế kỷ 19.
Hà Nội mùa thu, cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ
Nằm kề bên nhau phố xưa, nhà cổ, mái ngói thâm nâu
Hà Nội từ lâu đã là nguồn cảm hứng bất tận cho các nhà thơ, nhạc sĩ, nghệ sĩ tạo nên các tác phẩm nổi tiếng. Con phố thơ mộng hơn nhờ những ngôi nhà kiểu Pháp cổ kính với bức tường vàng đặc trưng. Khi tìm thấy vẻ đẹp ở từng con phố, bạn sẽ yêu Hà Nội lúc nào không hay.
Trong truyện ngắn "Một người Hà Nội", tác giả Nguyễn Khải đã viết về mảnh đất này: "Mỗi thế hệ đều có thời vàng son của họ. Hà Nội thì không thế. Thời nào nó cũng đẹp, vẻ đẹp riêng cho mỗi lứa tuổi…". Mỗi người trong chúng ta sẽ nhìn Hà Nội theo những cách khác nhau, còn đối với riêng tác giả, Hà Nội luôn thắp lên những cảm xúc đẹp đẽ mà không đâu có được. Trong không khí hân hoan kỷ niệm ngày Giải phóng Thủ đô 10/10, xin được gửi trọn niềm tin về một tương lai phát triển của mảnh đất ngàn năm văn hiến.