Thời gian để đọc: Hãy tìm cách đừng tìm lý do

Nếu bạn thực sự quan tâm đến bản thân và những điểm bất toàn của chính mình, thì bạn sẽ nhận ra việc đọc sách cần thiết cho chính mình như thế nào. Một khi đã có "nhu cầu" và "ý chí", bạn sẽ thấy "thiếu thời gian" chỉ là một lý do rất dễ vượt qua.

Nói về tầm quan trọng của việc đọc sách thì chắc là quá dư thừa. Nhân vật Đông Phương Sóc trong bộ phim Hán Vũ Đế từng nói : "Biết việc 500 năm trước là nhờ đọc sách. Biết việc 500 năm sau là nhờ không quên việc đời trước, ắt biết việc sau này".

 Hay như giảng viên Trịnh Tuấn, một nhà giáo dục học của Việt Nam rất tâm huyết với việc truyền bá văn hóa đọc từng nói : "Tại sao phải đọc sách trong khi đọc ipad, kindle cũng cho ta kiến thức? Đó là vì đọc sách giúp kích thích trí tưởng tưởng và phát huy cả sức mạnh tưởng tượng chứ không thuần túy là tiếp thu kiến thức". Thế nên, đọc sách chắc chắn là một hoạt động cần thiết cho mỗi người rồi.

Nhưng những người trưởng thành thì lại vướng phải một nan đề : Làm thế nào đọc sách được khi mà cuộc sống quá bận rộn?

Cũng phải, người trẻ thì có các hoạt động xã hội, người trung niên thì quay cuồng cùng con cái. Tâm trí rệu rã sau một ngày dài đầy những hoạt động ấy khiến cho chẳng mấy ai còn sức lực để mà đọc sách.

Nhưng cũng chính những người trưởng thành đã nói ra những câu cực kì chắc chắn: "Ở đâu có ý chí, ở đó có con đường" (George Herbert) hay "Nếu thực sự muốn làm thì sẽ tìm ra cách. Còn nếu không muốn thì chỉ tìm ra lý lẽ biện hộ" (Ngạn ngữ Nhật Bản). Vì thế, trong thời buổi 'nhà bao việc' anh Phan Duy Văn - một BrSE vô cùng bận rộn với dự án và thường phải quay cuồng với con cái đã chia sẻ cách duy trì niềm đam mê đọc sách của mình. 

1. Tôn trọng sở thích chính mình

Sách có thể chia ra 2 loại chính : giả tưởng (fiction) và phi giả tưởng ( non-fiction). Cả hai loại này đều có điểm đặc sắc riêng. Sách giả tưởng cung cấp những cảm xúc, phát huy trí tưởng tượng và đem đến sự giải trí sau những giờ làm việc căng thẳng. Ngoài ra, những cuốn sách giả tưởng được đầu tư về mặt kiến thức như The Da Vinci Code (Dan Brown), Tiệm đồ cổ Á Xá (Huyền Sắc)... còn đem đến một lượng lớn kiến thức cho người đọc. 

Dẫu những kiến thức này có thể bị sai lệch ít nhiều, nhưng cái hứng thú mà dòng sách viễn tưởng đem lại chính là sự khơi mở tình yêu dành cho văn hóa của người đọc, giúp họ bước chân vào nghiên cứu những cuốn sách phi giả tưởng. 

Nói đến sách phi giả tưởng, thì đây là những cuốn sách tổng kết kiến thức, kinh nghiệm, nghiên cứu thuộc đủ mọi ngành học. Nghe có vẻ khô khan, nhưng không ít cuốn sách phi giả tưởng đã trở thành best seller vì lối viết hấp dẫn, lập luận sắc bén.

Những cuốn sách phi giả tưởng này ngoài đem đến kiến thức còn giúp cho người đọc học tập được thêm về lý luận, hành văn. Một vài ví dụ là Súng, vi trùng và thép của Jared Diamond hay Sapiens: Lược sử về loài người (Sapiens: A Brief History of Humankind) của Yual Noah Harari.

Chính vì hai dòng sách này có những đặc điểm nhất định, mà cũng xảy ra một vài quan điểm rất ấu trĩ như : sách phi giả tưởng thì nhàm chán khô khan, sách giả tưởng thì không giúp ích cho việc học hỏi. Và một số người vì bị ảnh hưởng mà ép bản thân phải đọc những dòng sách hay những tựa sách mà mình không thích.

Đấy chính là đại kị trong việc đọc sách vậy. Nhà giáo dục Rita Pierson từng nói : "Đám trẻ sẽ không lắng nghe người mà chúng không thích". Tâm trí con người dẫu có cố gắng lý tính đến mấy, thì đôi khi vẫn có những rào cản nhất định. Cố gắng đọc một đầu sách mà bạn không thích trong khi thời gian đọc sách ngày một khan hiếm chỉ dẫn đến cảm giác bực bội và hạn chế trong tiếp thu mà thôi.

Nếu bạn thích một đầu sách nào đó, hãy đọc nó và chiêm nghiệm về nó. Đến khi bạn cảm thấy việc đọc và suy nghĩ về cuốn sách đã đủ và muốn thử nghiệm những cái mới, hãy tìm đến những cuốn sách khác. Chính sự thích thú ấy mới giúp bạn "lấy đà" và duy trì lâu dài, chứ không phải "đu trend".

2. Thời gian đọc sách có thể ngắn, nhưng hãy dành thời gian tương tác với nó nhiều hơn.

Đọc sách cũng như dùng binh : "Quý hồ tinh bất quý hồ đa" (Cần sự tinh luyện không cần số nhiều). Đặc biệt là với những danh tác bất hủ như Trung Hoa Tứ Đại Kì Thư (Tam Quốc Diễn Nghĩa, Tây Du Ký, Thủy Hử, Hồng Lâu Mộng), Chiến Tranh và Hòa Bình (Lev Tolstoy), Tội ác và hình phạt (Dostoyevsky)... Những tác phẩm này không chỉ tốn thời gian dài để đọc, mà có khi tốn cả đời người để hiểu được. Khi trưởng thành hơn, chúng ta lại hiểu được thêm một tầng ý nghĩa của những tác phẩm ấy. Thế nên việc đọc những tác phẩm ấy không cần nhanh, mà cần kỹ. Đừng quá chú trọng vào thời gian đọc, mà hãy xem xem bạn đã làm gì với những nội dung đọc được từ sách.

Hãy hình dung thế này: một người trưởng thành sẽ thức dậy vào 7g sáng, vệ sinh cá nhân rồi đi làm. 6g chiều ra khỏi chỗ làm, người đó có thể đi tập gym hay uống tí bia cùng bạn bè. Và anh ta về nhà vào tầm 8g tối đến 10g. Như vậy, thời gian để có thể đọc sách là thời gian giải lao trong giờ làm việc hoặc trước khi đi ngủ. Thời gian đó tầm 15-30 phút. Với những cuốn sách đã kể ở trên, thì 15-30 phút không đủ để bạn đi hết một chương sách. Nên điều quan trọng là hãy tương tác với những gì mình đã đọc. Chẳng hạn như:

- Viết một status bình luận về những gì mình đã đọc để trao đổi ý kiến cùng bạn bè.

- Dành thời gian suy nghĩ về những gì viết trong sách để vỡ ra chân lý mà tác giả gửi gắm trong từng câu chữ.

- Kể với người thân, bạn bè về cuốn sách để giao tiếp tốt hơn, cải thiện các mối quan hệ xã hội. (Đặc biệt hiệu quả trong việc tìm ra người yêu của đời bạn).

Khi đã có kết quả tương tác với sách, việc tiếp tục đọc sách sẽ được thúc đẩy để bạn có thể thu được nhiều điều thú vị hơn. Điều này cũng giống như việc bạn xem một series (Game of throne chẳng hạn) rồi bàn bạc cùng bạn bè và tham gia cộng đồng fan của phim vậy.

3. Hãy nhìn vào thực tại của chính mình

Tại sao ngay cả những người giàu có, tài giỏi nhất vẫn cắm cúi đọc sách khi rảnh?

Vì họ biết họ vẫn còn khiếm khuyết, như Socrates từng nói : "Tôi biết rằng mình chẳng biết gì cả". Tạm không nói về khía cạnh mâu thuẫn triết học trong câu nói này, thì Socrates đã nêu lên một vấn đề: ngay cả khi bạn được xem là "tổ ngành" Triết học, thì bạn vẫn còn phải học rất nhiều.

Một doanh nhân thành đạt sẽ phải học về giáo dục học để dạy dỗ con cái. Một quản lý doanh nghiệp IT sẽ phải học về tâm lý học và các xu hướng trong nhân sinh quan để điều hành hàng nghìn con người với tính cách khác nhau. Một bà cụ 70 tuổi vẫn học về mấy thứ công nghệ 4.0 để có thể tự hoàn thành chuyến du lịch mà mình ấp ủ cả đời.

Mỗi người đều cần phải học, và nguồn tri thức ổn nhất mà lại khơi gợi cả trí tò mò thì chính là sách!

Nếu bạn thực sự quan tâm đến bản thân và những điểm bất toàn của chính mình, thì bạn sẽ nhận ra việc đọc sách cần thiết cho chính mình như thế nào. Một khi đã có "nhu cầu" và "ý chí", bạn sẽ thấy "thiếu thời gian" chỉ là một lý do rất dễ vượt qua.

Mỗi quyển sách đã hàm chưa biết bao tinh hoa, tâm lực của người tác giả. Đọc một quyển sách tức là làm bạn với một người nữa vậy.

Xin chúc cho các bạn có một mối quan hệ tốt đẹp với sách, và không bị "thời gian" chen vào giữa.

Phan Duy Van

Chạn Vương 9x


32 Bài đăng

#toàn Sun* đọc sách