'Thuận vợ thuận chồng, tát biển Đông cũng cạn' và phương pháp chăm con đúng chuẩn Be A Team

Đây là đôi dòng tâm sự và kinh nghiệm chân thực từ một BrSE, một người cha của hai cô bé sinh đôi về việc chăm sóc con trẻ của những bậc làm cha làm mẹ hiện nay. Có lẽ câu chuyện này cũng sẽ có phần nào đó tương đồng đến câu chuyện của những ông bố bà mẹ ở Sun*.

Xuất phát từ những diễn đàn lâu đời như Voz hay Gamevn, từ "Chạn Vương" đang dùng để chỉ những chàng trai may mắn thu được lợi ích từ gia đình vợ. Nhân ngày 8-3, hãy cùng nghe qua lời chia sẻ của một Chạn Vương nhé.

Tôi là thành viên lão làng trên gamevn - diễn đàn về game lâu đời nhất nhì Việt Nam. Thỉnh thoảng tôi lại vào box Thư Giãn của diễn đàn để lướt tin tức, nghe anh em tán chuyện với nhau. Trong số các member còn đang hoạt động thì có một nickname là L*ps*t*t. Anh ta khoe rằng được gia đình vợ cho tiền tỉ để khởi nghiệp. Thế là ngay lập tức, 1 số người gọi anh ta là Chạn Vương (xuất phát từ câu thành ngữ "Chó chui gầm chạn", chỉ những chàng trai phải nhờ nhà vợ). Một vài ngày sau, trong những bài báo có liên quan đến ca sĩ T**n H**g, danh hài C** T***g, từ "chạn vương" lại được dùng để chỉ những người này vì họ cũng có những người vợ có xuất thân từ gia đình giàu có. Khi so sánh bản thân và những người đó, tôi chợt nhận ra mình cũng là một Chạn Vương, dù rằng gia đình vợ tôi không thuộc hàng khá giả. Bởi lẽ, tôi học được từ mẹ vợ rất nhiều bài học về quản lý và làm việc nhóm, do bà từng là một quản lý cho một doanh nghiệp nhỏ.

Mẹ vợ tôi năm nay 60 tuổi nhưng vẫn rất năng động và khỏe mạnh so với những người cùng tuổi. Nhờ thế, bà vừa có thể giúp chúng tôi chăm sóc con cái, vừa làm việc nhà một cách gọn gàng, nhanh chóng.

Do vợ chồng tôi có một cặp sinh đôi, nên việc chăm sóc hai cháu luôn đầy khó khăn: có khi phải đem con đi viện lúc nửa đêm vì viêm phế quản, hai cháu khóc liên tục mấy tiếng đồng hồ dù đã uống đủ sữa, thay bỉm mới và vỗ về liên tục... Trước một "dự án" có nhiều khó khăn như thế, gia đình chúng tôi đã cùng nhau vượt qua nhờ tinh thần đồng đội Be A Team mà mẹ tôi truyền đến mỗi người.

Sự tận tụy của mọi thành viên

Nếu xem những người chăm cháu là 1 team, thì ở cương vị Team Leader, mẹ tôi luôn đảm nhận tất cả mọi việc bà có thể làm, nói không với việc đùn đẩy cho ai khác.

Hình ảnh tận tụy của mẹ làm tôi nhớ đến một đồng nghiệp ở công ty cũ: Là PM nhưng anh lại "ngại" làm việc, thường đùn đẩy cho người khác và estimate thời gian phát triển dài quá mức so với đề xuất của các thành viên trong team. Sự lười nhác và thiếu trách nhiệm đó đã dẫn đến sự bất mãn cho cả khách hàng lẫn team member, khiến dự án suýt nữa bị hủy hợp đồng. Kết quả là vị PM lười nhác đó bị sa thải và một PM biết xông pha, tận tụy hơn được đưa vào nhằm vực dậy niềm tin của khách hàng. Chỉ nửa năm sau, dự án đã có thành quả, quy mô tăng đi lên cùng với sự tín nhiệm của khách hàng dành cho cả tập thể.

Quay lại với câu chuyện của gia đình tôi, việc chăm cháu tuy là trách nhiệm không thể chối bỏ của bậc làm ông bà, cha mẹ. Nhưng tinh thần quên mình của mẹ đã khiến cho vợ chồng tôi lẫn những người giúp việc cảm thấy được động viên và tiếp thêm sức mạnh. Mỗi người lại cố gắng thêm 1 chút để san sẻ gánh nặng cho mẹ. Dần dần áp lực của công việc được chia đều cho các thành viên trong gia đình, không lo xảy ra việc một người phải gánh vác quá nhiều trong khi những người khác chỉ ngồi chơi.

Với vai trò là BrSE ở Sun*, tôi cũng học theo tinh thần Be A Team của mẹ và luôn cố gắng tham gia vào tất cả các khâu trong dự án. Nhờ thế, tôi hiểu hơn về dự án để có thể hỗ trợ các thành viên khác vận hành trơn tru hơn. Vì thế, các thành viên trong team có thể cùng tôi OT, "nhai" những bảng số liệu dài dằng dặc từ specs của khách hàng để kịp hoàn thành sản phẩm đúng tiến độ với chất lượng tốt nhất.

Hạn chế để cái tôi cá nhân và cảm xúc tiêu cực quấy nhiễu team

Một lẽ dĩ nhiên là trong cái nóng gần 40 độ của Hà Nội kèm với việc hai đứa bé khóc suốt mấy tiếng đồng hồ thì hiếm một ai có thể giữ nổi bình tĩnh. Đôi khi vợ chồng tôi cũng vì những bức xúc ấy mà trở nên gắt gỏng với nhau. Khi đó, mẹ thường xuất hiện với vai trò "người giảng hòa". Mẹ sẽ chăm cháu để chúng tôi có thể nghỉ ngơi và lấy lại sự bình tĩnh của mình. Ngay cả khi chúng tôi, những đồng đội đắc lực của mẹ trong công cuộc chăm cháu, phạm lỗi, bà cũng ít khi la mắng hay gắt gỏng mà chỉ nhắc nhở nhẹ nhàng hết mức có thể. Có lẽ hàng chục năm làm công tác quản lý đã giúp mẹ có sự bình tĩnh trước những cảm xúc tiêu cực của bản thân lẫn người khác.

Khi ngồi ngẫm lại và so sánh với công việc mà mình đang làm, tôi chợt nhận ra rằng cảm xúc (đặc biệt là cảm xúc tiêu cực) chính là thứ có thể ngáng đường cả team và những con người hùng mạnh nhất. Một ví dụ khác về việc áp chế cảm xúc tiêu cực đó chính là cách Mr M. một Phó giám đốc doanh nghiệp IT mà tôi từng làm việc xử lý những incident trong công ty.

Mr M. là mẫu quản lý người Nhật điển hình: Khi có incident xảy ra, việc đầu tiên ông ta làm không phải là la mắng hay chỉ trích nhân viên, mà dùng thái độ bình tĩnh nhất để đưa ra phương án đối phó, phân công nhân sự phụ trách từng đầu việc và thúc đẩy tinh thần họ hoàn thành kịp thời gian để ngăn chặn những tổn thất lớn hơn. Nếu chưa tìm ra cách đối phó, Mr M. sẽ cùng team ngồi lại và tìm hiểu nguyên nhân. Cuộc họp tìm hiểu nguyên nhân cũng chỉ xoay quanh các báo cáo, kết quả phân tích chứ tuyệt đối không có những lời nói hay cử chỉ tiêu cực. Chính nhờ cách xử lý đầy lý tính đó, những team "lỡ tay" để xảy ra incident đã kịp thời khắc phục hậu quả và cuối cùng tìm ra được nguyên nhân thực sự xảy ra sai sót. Đôi khi bản chất của incident không đến từ con người, mà đến từ chính những quy trình làm việc còn nhiều lỗ hổng. Nếu Mr. M tập trung vào việc đổ lỗi, chỉ trích cấp dưới, ông ta đã không có cơ hội lắng nghe họ, tìm ra những nguyên nhân sâu xa hơn dẫn đến sai sót của họ.

Từ bài học của mẹ và Mr M., tôi dần hoàn thiện bản thân để trở thành một thành viên có thể đem lại sự thoải mái và yên tâm tối đa cho các thành viên trong team khi họ muốn lên tiếng phát biểu ý kiến. Bầu không khí thoải mái trong 1 tập thể giúp cho mọi người, từ bạn fresher mới lên làm junior dev hay dev leader, có thể lên tiếng phát biểu ý kiến. Nếu có ai đó tỏ ra dè dặt hay lo ngại, tôi đều chủ động hỏi ý họ, để họ có thêm tự tin phát biểu. Thành quả thu được vô cùng khả quan: team chúng tôi có thêm những ý tưởng hay để đề xuất và tư vấn cho khách hàng.

Sự cảm thông dành cho những thành viên trong team

Trong đội ngũ chăm cháu của gia đình tôi, ngoài mẹ vợ và hai vợ chồng tôi, còn có 2 người giúp việc quê ở miền Trung. Năm con người với những nhu cầu, khó khăn riêng dẫn đến việc thỉnh thoảng sẽ có người không thể tham gia công việc được. Đó có thể là vợ tôi với những lần sốt cao vì áp lực chăm con, hay bản thân tôi phải OT sấp mặt cuối tuần. Khi những việc ấy xảy ra, mẹ thường bố trí lịch làm việc mới để mọi người cùng nhau gánh vác những trở ngại do thiếu hụt nhân lực mang lại. Nhờ thế, khi thiếu một thành viên nào đó, thậm chí là ngay cả khi thiếu đi mẹ, chúng tôi vẫn có thể hoàn thành đầy đủ các task mà không cảm thấy khó chịu do sự thiếu hụt đó. Từ đó, những thành viên trong tập thể có sự cảm thông dành cho vấn đề mang tính cá nhân của nhau.

Khi nhìn vào thực tế công việc, tôi nhận ra rằng sự cảm thông dành cho nhau từ mỗi cá nhân trong một tập thể cũng là yếu tố không thể thiếu khi Be A Team. Một quản lý giỏi cần biết cách giúp nhân viên giải quyết vấn đề cá nhân mà không ảnh hưởng đến tiến độ công việc và ngược lại, một nhân viên giỏi sẽ cần phải hiểu những gánh nặng nhà quản lý phải chịu để hành động phù hợp.

Thời gian thấm thoắt trôi, tôi đã làm việc ở Sun* được gần một năm, và dự án mà tôi phụ trách cũng đã xuôi chèo mát mái qua hết 2 phase. Thành công đó đến từ sự đóng góp của các anh chị em trong team, và cả những bài học bổ ích mà mẹ vợ đã dạy tôi trong quá trình chăm sóc hai cháu.

Qua đây, nhân ngày Quốc tế Phụ Nữ 8-3, xin được chúc mẹ và tất cả chị em luôn hạnh phúc, tìm được đồng đội thích hợp trên tất cả mọi mặt trận!

Phan Duy Van

Chạn Vương 9x


32 Bài đăng

#be a team

#chuyện vợ chồng

#Mùng 8/3

#chuyện con cái