Vinh Nhổn: Flex hay "ẩn ức" của người Việt

“We hold these truths to be self-evident, that all men are created equal, that they are endowed by their Creator with certain unalienable Rights, that among these are Life, Liberty and the pursuit of Happiness.” Bản tuyên ngôn độc lập của Mỹ năm 1776 đã viết như vậy. Tuy nhiên theo một số nguồn tin chưa chứng thực thì vẫn còn một quyền nữa của con người: quyền được flexing!

Flex là gì?

Flex nghĩa gốc ban đầu là chỉ việc các vận động viên gồng lên để khoe cơ bắp (flex your muscle - siết cơ) trong các cuộc thi thể hình. Sau này được các rapper sử dụng Flex như một cách khoe vật chất, khoe đồ hiệu, đồng hồ, xe sang,… Đấy là lý do mà chúng ta thường nghe thấy các rapper gọi tên các thương hiệu sang trọng trong bài rap: Cartier, Lamborghini, Balenciaga, Jordan 1, Nike Low,... Khi du nhập vào Việt Nam chúng ta, Flex được sử dụng trong ngôn ngữ mạng để chỉ những hành động khoe khoang nói chung, chứ không chỉ là khoe của hay khoe vật chất nữa. Và trong khoảng 5-6 năm gần đây, có một nhân vật thường xuyên bị cộng đồng mạng chỉ trích, đùa cợt về thói Flex, người  được coi là “Ông tổ ngành flexing Việt Nam” chính là nhà báo Trương Anh Ngọc.

Ví dụ về Flex

Chỉ cần dạo qua 1 số page như https://www.facebook.com/dictionary.rabbit chúng ta có thể thấy được hết các cách flex: Bằng cách ngoặc đơn, bằng cách trả lời không liên quan, bằng cách trả lời về sách nhưng lại khoe giày,...

Vì sao chúng ta thích Flex?

Theo tôi, Flex dường như là một ''ẩn ức'' của người Việt nói riêng và người Á Đông nói chung. Vì văn hoá chúng ta đề cao sự khiêm tốn. Bởi vì chúng ta sợ “nói trước bước không qua”, chúng ta sợ “cười người hôm trước, hôm sau người cười”. 

Nhưng chúng ta cũng rất thích những thứ hào nhoáng, kỳ vĩ và kỷ lục. Vì thế mà bao nhiêu cuộc thi làm bánh chưng, bánh giầy khổng lồ, nón khổng lồ, đèn lồng khổng lồ,... ra đời. Rồi cách giật tít báo chí, trên các kênh social media, bài nào cũng phải ''tuyệt đỉnh'', ''đẳng cấp'', ''siêu việt'', ''siêu phẩm'', ''cực phẩm'',... toàn các mỹ từ để Flex và rất dễ thu hút độc giả. Hay gần đây là cụm từ “ngạo nghễ Việt Nam” khi nói về những chuyến bay giải cứu. Với các nước khác thì đó là việc làm khá bình thường, nhưng báo chí chúng ta lại tung hô nó lên tầm đẳng cấp thế giới, không đâu làm nổi... và kết quả thì mọi người biết rồi đấy.
Ấy thế nhưng chúng ta lại rất ghét người khác khoe mẽ. Điển hình chính là nhà báo Trương Anh Ngọc, chỉ cần search trên facebook, bạn có thể bắt gặp hàng chục fanpage anti và cực nhiều page khác thường sử dụng meme từ các bình luận của anh. Và khi gặp 1 ông khoe mà ''dưới cơ'' mình và lộ ra “sơ hở” thì sao ạ? Chúng ta khoe lại ngay. Chính ''ông tổ ngành Flexing Việt Nam'' cũng thường xuyên bị Flex ngược lại mỗi khi khoe điều gì đó.

Chúng ta được dạy khiêm tốn từ nhỏ, không nên khoe khoang, tự cao, tự đại, tự mãn,… Nhưng cái gì càng cấm thì con người ta lại càng muốn. Ví như chúng ta sẽ lập tức Flex khi thấy 1 ông ''dưới cơ'' mình Flex, để kiểu “tôi cũng không muốn đâu, chẳng qua là…”. Cú pháp này là một cú pháp cơ bản cho việc Flex. Còn gặp ông nào ''trên cơ'' Flex xem, lại chẳng lặn mất tăm. Việc Flex cũng cần phải có kiến tạo. Ví dụ cơ bản như “Cơ Thiếu Hoàng” đã trở thành 1 hệ tư tưởng chẳng hạn.

Vậy là Flex thì sẽ bị ghét (như anh Ngọc), hoặc cần phải có kiến tạo (như Nguyễn Hữu Quang Nhật). Thế nên, cùng với truyền thống lâu đời về khiêm tốn của dân tộc ta, chúng ta dù rất muốn Flex nhưng lại không dám làm. Chỉ cần sơ hở là sẽ bị phản công, bị ''pressing'' tới tấp ngay lập tức. Chúng ta cần một sân chơi để thỏa mãn sự giằng xé này.

Do đó, khi group Flex đến hơi thở cuối cùng ra đời, chúng ta như ''cá gặp nước''. Một sân chơi mà người ta được Flex thoải mái không sợ bị cười nhạo, thì còn gì vui sướng hơn. Số lượng thành viên lên tới 1.3 triệu chỉ trong vòng 1-2 tuần thành lập group. Quy tụ đủ cả các diễn viên, ca sĩ như Diễm My, Hoàng Dũng hay các nhãn hàng như: Lazada, Hảo Hảo, rồi thủ khoa, tiến sĩ, kỷ lục gia, vận động viên, thí sinh Olympia...  thì nhiều vô kể. 

Ở group này, chúng ta được thoả mãn cái tôi, được vuốt ve cái ''ẩn ức'' về việc phải khiêm tốn, được tự do thể hiện bản thân, được sống thật với suy nghĩ của mình. Ở group này chúng ta thoải mái “kiến tạo” để người khác ''ghi bàn'' mà không sợ bị hớ hênh. Tuy vậy cũng có nhiều người lại cảm thấy mình không còn ở đáy xã hội nữa mà chuyển xuống lõi trái đất khi vào group, vì không dám Flex, vì ''dưới cơ'' người khác nhiều quá. 

Chúng ta đã từng được dạy khi còn là thiếu niên nhi đồng rằng: “Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”. Thế nên có lẽ chúng ta quên mất khiêm tốn, chỉ còn thật thà và dũng cảm thôi: Chúng ta Flex.

#Flexing

#Flex

#Trào lưu Flex