Trong thời bình hãy chuẩn bị cho chiến tranh!
Là Sunners, đã bao giờ bạn tự hỏi vì sao Sun* lại chọn trở thành một Digital Creative Studio. Ký sinh trùng, Covid-19, và... Sun*, những cái tên này có liên quan như thế nào. Cùng đọc bài viết và để lại quan điểm của mình nhé.
Hàng chục năm trước khi Chúa Jesus ra đời, nhà thơ Tibullus của La Mã từng băn khoăn: “Who was the first that forged the deadly blade? Of rugged steel his savage soul was made.” (Ai là kẻ đầu tiên rèn nên lưỡi gươm chết chóc? - Hẳn linh hồn hoang dã của y được làm nên từ thứ sắt thép sần sù.). Có lẽ những cuộc chinh chiến liên miên của Đế quốc thần thánh La Mã đã khiến nhà thơ Tibullus gắn liền thanh kiếm với sự tàn bạo và độc ác của lòng người. Nhưng bản thân tôi, một người cha phải chăm lo và bảo vệ các con mình lại có kiến giải khác: Thanh kiếm là một tạo vật của sự sáng tạo và khát khao hoàn thiện bản thân của con người.
Ngày đầu tiên loài người xuất hiện trên Trái Đất, họ nhỏ yếu và thô sơ. Rồi một ngày kia, họ tìm ra lửa. Thứ ánh sáng thần kì đó đã thay đổi cuộc sống của họ rất nhiều. Nhưng bánh xe lịch sử đã không dừng ở đó, khi một người nào đó với sự ưu ái của vận mệnh, đã phát hiện ra sự biến đổi của kim loại sau khi tiếp xúc với lửa. Bằng sự sáng tạo, lòng kiên trì của chính mình, anh ta/ cô ta đã tạo ra thanh gươm đầu tiên, phục vụ cho sản xuất và bảo vệ gia đình nhỏ bé của mình. Thanh gươm ấy đã trở thành một trong những phát kiến thay đổi hoàn toàn vận mệnh của con người. Sau này, dù nó dần bị hủ bại bởi lòng tham lam của con người, thì cũng không ai có thể phủ nhận rằng: sự sáng tạo và khao khát vươn lên của con người đã giúp họ không ngừng tiến bước. Mỗi khi nhân loại đối diện khó khăn, sự sáng tạo của một người hay một nhóm người lại tỏa sáng, đưa họ đến đỉnh cao mới.
Do đó, loài người đã không ngừng nỗ lực để sáng tạo. Ngay khi nền công nghệ tưởng chừng như đã rất hiện đại, những người cầu tiến cũng không bị ru ngủ trong những thành tựu đã có hay hài lòng với 4 chữ : "làm đúng quy trình". Những ngày này, khi dịch Corona bùng phát, người ta lại chia sẻ những bài viết về kinh nghiệm chống dịch của Giáo sư Lê Đăng Hà, người chỉ huy chống dịch SARS năm xưa. Điều đáng nói là cách điều trị của ông có nhiều điểm "ngược đời", khác hoàn toàn với quy trình trên thế giới. Chẳng hạn như khác với hình ảnh phòng bệnh cách ly kín mít thường thấy trong các phim tài liệu, Giáo sư Hà lại cho mở toang cửa, mở quạt để đổi gió cho phòng bệnh, loại bỏ virus SARS.
Giờ đây, khi dịch Corona xuất hiện, Bộ Y tế vẫn áp dụng kinh nghiệm năm nào nhưng với biện pháp mới như phong tỏa biên giới, cho học sinh nghỉ để kiểm soát dịch bệnh. Trong đợt đầu tiên sau khi bệnh nhân thứ 16 âm tính với virus, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tuyên bố thắng trận đầu nhưng các bác sỹ vẫn tiếp tục làm việc để khắc chế virus nguy hiểm này.
Những ví dụ trên nghe có vẻ đao to búa lớn khi dùng những từ như "sống còn", "bánh xe lịch sử" v.v. nhưng thực tế đã cho thấy rằng ngay cả các doanh nghiệp cũng đang đứng trước thử thách to lớn và cần có sự nỗ lực sáng tạo, cải tiến từ những nhân viên của họ.
Và nếu bạn nghĩ rằng “Sun* to thế kia, lần nào gọi vốn cũng cả trăm tỉ, việc gì tôi phải nghĩ nhiều cho mệt?” thì xin thưa, bạn đang rơi vào cái bẫy của sự trì trệ và đào thải. Một ví dụ khá nổi bật của những người đi làm và rơi vào sự trì trệ đấy chính là câu chuyện của ông Kim trong bộ phim Parasite của Hàn Quốc. Trong bộ phim đoạt giải Oscar này, chúng ta thấy ông Kim có rất nhiều kĩ năng tốt và bằng khen. Nhưng tại sao ông lại phải sống chui nhủi trong tầng hầm cùng vợ và hai con? Bởi lẽ, ông Kim chính là hình ảnh tiêu biểu của những nhân viên văn phòng bị đào thải trong cơn khủng hoảng tài chính: Vốn đã quá quen với việc “Sáng cắp ô đi tối cắp về”, sau khi bị đuổi khỏi công ty vì khủng hoảng, ông Kim cùng hàng vạn lao động khác lặp lại cùng một việc: kinh doanh gà rán hay bánh Castella. Và vì không tạo ra được giá trị mới, ông Kim bị phá sản và phải sống trong tầng hầm nghèo nàn, nơi phải chứng kiến cảnh những gã say rượu “xả nước cứu thân” và ngập trong nước thải ngày mưa.
Khi đọc đến đây, bạn đã thấy rõ, hay thấy được phần nào tâm ý của ban lãnh đạo Sun* dành cho nhân viên khi chuyển đổi thành Digital Creative Studio hay chưa?
Với tôi, dụng ý đó rất rõ ràng: Thay vì nhẫn tâm vứt bỏ nhân viên khi họ trở nên ỷ lại, thụ động và mất đi khả năng sáng tạo, thì Sun* muốn đào tạo ra những con người chủ động tạo ra giá trị, chứng minh được thực lực của mình bất kể thời thế có xoay vần như nào đi nữa.
Trong ngành tài chính, kinh doanh, khủng hoảng kinh tế xảy ra sau một khoảng thời gian tạm gọi là dài (1997 rồi đền 2007), khiến cho hàng loạt người thất nghiệp. Nhưng với ngành IT, sự đào thải diễn ra hằng ngày.
Khi bạn đang ngủ, công nghệ cũng tiến bộ không ngừng. Những quy trình mà bạn cho là chỉ cần tuân theo là đủ, một giấc ngủ thôi cũng có thể trở thành 'lịch sử'.
Khi bạn vui vẻ sau những giờ làm việc căng thẳng, những lập trình viên ở các nước đang phát triển khác cũng trở nên giỏi hơn. Với đồng lương rẻ hơn bạn, họ là những đối thủ cạnh tranh trực tiếp giành những đơn hàng gia công outsource.
Khi các công ty IT Nhật tại Việt Nam vẫn phải dùng mô hình 1 comtor + 1 team dev để làm việc với khách Nhật, thì tại Trung Quốc đã có những công ty công nghệ Trung Quốc với 100% nhân viên sử dụng thành thạo tiếng Nhật để làm việc trực tiếp với khách hàng mà không cần thông/ phiên dịch. Chính những lập trình viên ưu tú này đã giúp ngành IT Trung Quốc ôm gọn những đơn hàng khổng lồ nhờ vào kỹ năng lập trình hiệu suất cao, khả năng giao tiếp nhanh gọn chính xác.
Trước những đòi hỏi đó, các công ty đều có chung một động thái là đào tạo kiến thức, nâng cao tay nghề chuyên môn. Chẳng thế mà Sun* cũng luôn tập trung nâng cao hệ sinh thái đào tạo với những chương trình từ VEU, GEU hay Awesome Academy rồi hàng loạt những hoạt động seminar tại khắp các bộ phận.
Trong mọi cuộc chiến, chúng ta phải đi trước một bước so với đối thủ. Vậy nước đi trước của Sun* là gì? Đó là một nước đi bất ngờ, và độc đáo đến mức dù có bắt chước thì đối thủ cũng chưa chắc thu lại được kết quả như Sun* đã có. Bạn có biết câu trả lời là gì không?
Đó chính là việc tập cho mọi người của Sun* có thói quen tư duy sáng tạo và nuôi dưỡng ý tưởng! Tôi đã vô cùng thích thú khi thấy ý kiến “Đem 7 core value vào làm câu hỏi chứng thực cho WSM” của chị Hằng Thúy được áp dụng. Nó cho thấy sự nỗ lực nâng cao bản thân của chị ấy cũng như chứng minh cho quyết tâm đổi mới của ban lãnh đạo.
Có thể bạn sẽ nghĩ “Một ý tưởng áp dụng vào hệ thống NỘI BỘ, nhằm tuyên truyền đến NỘI BỘ công ty thì làm sao có thể tạo ảnh hưởng đến thế giới BÊN NGOÀI, hay củng cố địa vị của công ty trong thị trường IT rộng mở này”?
MỘT ý tưởng đem 7 core values vào WSM có thể không thay đổi, nhưng nếu hơn 1 NGHÌN nhân viên của Sun*, mỗi người nảy ra MỘT ý tưởng một ngày, và quá trình đó kéo dài đủ 365 NGÀY trong MỘT NĂM thì sao? Với tôi, con số này đủ để mang đến sự khác biệt cho chính bạn lẫn toàn thể công ty.
Người chứng minh luận điểm của tôi chính là tỷ phú Masayoshi Son, chủ tịch của tập đoàn Softbank, Nhật Bản. Từ ngày khởi nghiệp trong văn phòng chỉ có vài nhân viên, ông đã luôn nói về một ngày mình sẽ thành công to lớn như thế nào. Từ cái ngày đó đến ngày ông trở thành đối tác của những Jack Ma, Tim Cook... có một thứ chưa từng thay đổi: thói quen nuôi dưỡng ý tưởng. Trong bài phỏng vấn với trang web Harvard Business Review, ông chia sẻ: “Tôi đã muốn bắt đầu công ty của riêng mình khi trở lại Nhật. Tôi nghĩ ra 40 kiểu doanh nghiệp mà mình có thể khởi sự. Việc đó giống như nghĩ ra một phát minh vậy. Khi tôi còn là sinh viên, tôi đã có sở thích nghĩ ra nhiều ý tưởng cho những sản phẩm khác nhau. Với tôi, nghĩ đến những mô hình kinh doanh mới cũng như nghĩ ra nhiều sản phẩm mới vậy." (Nguồn)
Có thể thấy, ban lãnh đạo Sun* và Masayoshi Son là những người “ý tưởng lớn gặp nhau” khi tin vào sức mạnh của ý tưởng. Vì thế, tại Sun*, có hẳn Awesome Idea Box để nhân viên đóng góp ý tưởng; hàng loạt cuộc thi, hoạt động về công nghệ, sách hay đơn thuần về cuộc sống được triển khai nhằm tạo không gian để Sunners cải thiện tư duy, nuôi dưỡng ý tưởng của mình
Đấy là những bước đệm cần thiết để mỗi nhân viên của Sun* trở nên sáng tạo. Chỉ khi có những nhân viên sáng tạo, Sun* mới có thể trở thành Digital Creative Studio đúng nghĩa.
Trong năm 2020, hành trình chuyển đổi thành Digital Creative Studio sẽ chính thức vào guồng với hàng loạt hoạt động training tần suất cao dành cho nhân viên. Thông qua hoạt động, ban lãnh đạo hy vọng sẽ giúp Sunners cải tiến tư duy, cách làm việc và dĩ nhiên là cả thói quen sáng tạo, nuôi dưỡng những ý tưởng trong cuộc sống.
Để kết lại câu chuyện về sáng tạo, tôi xin mượn 1 câu ngạn ngữ Hi Lạp: "Si vis pacem, para bellum". (Trong thời bình hãy chuẩn bị cho chiến tranh).
Ngày hôm nay có thể bạn đang "an toàn" với việc làm tốt nhiệm vụ được giao. Nhưng rất nhanh thôi cuộc chiến sống còn với sự trì trệ của chính bạn sẽ nổ ra.
Đồng hồ đang điểm, và liệu bạn đã sẵn sàng?