Một câu chuyện rất liên quan giữa hột vịt lộn, xóc đĩa và Viblo

Là sao nhỉ?

Trước khi giải thích sự liên quan, tôi xin phép được kể câu chuyện thế này. 

Khoảng cuối năm 2020, cộng đồng mạng Việt Nam xôn xao vì một tin tức:

"Một nhóm người Việt đang sống tại Nhật tổ chức sòng bạc cho cả người Việt lẫn người Nhật tham gia. Trò chơi cờ bạc mà nhóm người Việt tổ chức là trò xóc đĩa vốn rất quen thuộc tại Việt Nam. Nhưng vì đây là trò chơi lần đầu tiên xuất hiện trước mặt các phóng viên và cảnh sát Nhật Bản nên họ đã đặt cho nó cái tên 「ソック・ディア」(Sokku dia). Cái tên này là phiên âm tiếng Nhật của từ "xóc đĩa" trong tiếng Việt."

Nguồn tin: https://www3.nhk.or.jp/news/html/20201207/k10012749631000.html

Tạm bỏ qua cảm giác buồn và xấu hổ khi có những người Việt vi phạm pháp luật, chúng ta vẫn có thể học được điều gì đó từ người Nhật qua câu chuyện này.

Học từ đơn giản đến tận cùng sâu xa

Trước tiên, hãy để tôi giải thích về nguyên nhân ra đời của từ 「ソック・ディア」 phiên âm từ "Xóc đĩa" của Việt Nam.

Tiếng Nhật sử dụng hệ thống kí tự gồm: Hiragana, Katakana, Kanji, Romaji (chữ latin)

Trong đó, người Nhật sử dụng chủ yếu 3 hệ thống kí tự Hiragana, Katakana, Kanji.

Hiragana, Katakana là hệ thống kí âm (viết thế nào sẽ đọc như thế ấy), dùng để phiên âm các từ ngữ của tiếng Nhật (cả từ thuần Nhật lẫn từ mượn).

Còn Kanji là chữ tượng hình mượn từ tiếng Hán. Kanji và từ mượn từ ngoại quốc sẽ có nhiều cách đọc khác nhau và những cách đọc ấy sẽ được phiên âm bằng Hiragana hay Katakana.

Nhìn thoáng qua, việc đài truyền hình Nhật phiên âm từ "Xóc đĩa" sang Katakana 「ソック・ディア」tưởng chừng như chỉ để phát thanh viên và người xem tin tức có thể dễ dàng đọc tên một trò chơi chưa từng xuất hiện trong nước Nhật. Nhưng thực chất, nó xuất phát từ tinh thần hiếu học của người Nhật: Đặt tên trước, tìm hiểu bản chất sau!

Tôi tin chắc rằng nếu có người Nhật  nào hứng thú với môn Xóc đĩa này, thì chỉ vài năm sau, trên mạng Internet của Nhật sẽ có bài viết về trải nghiệm cũng như nghiên cứu bộ môn này. Và trên thị trường sách của Nhật sẽ có những cuốn sách viết về Xóc đĩa với những tựa đề kiểu:

- Nhập môn Xóc Đĩa: Cách chơi, tỉ lệ thắng thua, thủ thuật.

- Xóc đĩa luận.

- Sổ tay thực hành Xóc đĩa từ cơ bản đến nâng cao.

Nghe buồn cười nhưng vẫn có thể xảy ra đấy!

Không tin ư? Hãy thử điều này với một khái niệm được du nhập từ Việt Nam vào Nhật Bản khác: Hột vịt lộn.

Hột vịt lộn

Nếu bạn đã học tiếng Nhật từ những năm 2000, bạn sẽ được thầy cô dạy rằng, hột vịt lộn trong tiếng Nhật là ホビロン(Hobiron) hoặc オビロン (Obiron). Tuy nhiên giai đoạn ấy, hột vịt lộn chỉ được phiên âm thành Katakana chứ chưa được hiểu rõ và du nhập vào kho kiến thức của người Nhật.

Giờ đây, năm 2021, khi nhập từ khóa ベトナムのホビロンはなに (Hột vịt lộn của người Việt Nam là gì?) bạn sẽ thấy món hột vịt lộn của chúng ta đã được tìm hiểu kĩ càng và viết thành tiếng Nhật với cụm từ : アヒルの卵の孵りかけ (Trứng chứa vịt con đã thành hình). Không những thế, còn có người đã dày công nghiên cứu "sự khác biệt giữa món hột vịt lộn của Việt Nam và ballut của Phillipines".

http://tabieh.blog.jp/archives/hotvitlon.html

Trong chúng ta, những người Việt Nam đã từng ăn qua và thấy hột vịt lộn hằng ngày liệu có ai biết được món balut của Phillipines? Và có ai phân biệt được hai món ăn đều từ trứng vịt sắp nở này không? Thế mà người Nhật lại biết, và còn ghi chép lại!

Như vậy, có thể thấy, khi người Nhật tiếp cận với một khái niệm mới , họ sẽ tìm cách phiên âm nó bằng tiếng nước họ, sau đó nếu khái niệm đó đủ hấp dẫn với họ, họ sẽ nghiên cứu và hệ thống hóa nó, định danh, định nghĩa nó đầy đủ rồi viết sách về nó.

Ngoài hột vịt lộn, món bánh xèo của Việt Nam cũng từng xuất hiện trong bộ manga Shokugeki no Soma. Trong truyện, nhân vật Soma đã áp dụng cách gói bánh xèo bằng rau thơm để làm nên món Karaage siêu tiện lợi.

Học từ cơ bản để rồi biến thành kiến thức, kĩ năng của riêng mình, đấy mới là tinh thần học hỏi chuẩn Nhật!

Liên quan gì đến ta?

Câu chuyện "đặt tên- nghiên cứu" của người Nhật thực ra lại rất gần với ... ngành IT Việt Nam. Là một Communicator/BrSE đã làm việc từ Nam ra Bắc, đôi khi tôi gặp những tình huống sau:

Câu chuyện 1:

DEV:  Em ơi, em nói với khách hàng là cái phim sex họ code bị sai nha.

TÔI:  Phim sex? Sao lại có phim sex trong code?

DEV : Phim sex là cái... cái phần trong code không phải phim sex.

Đến khi tôi sang chỗ anh Dev để xem "phim sex" là gì thì mới hiểu ra anh ấy muốn nói về fieldset trong html. 

Câu chuyện 2:

TÔI: Chị ơi khách hàng muốn sửa text.

QA: Testcase bữa khách hàng duyệt rồi mà sửa gì nữa.
TÔI: Không, sửa text là dòng chữ trên màn hình ấy.

QA: À, sửa "tếch", mày cứ nói "téc xì" làm chị tưởng sửa "testcase".

Từ câu chuyện trên các bạn thấy được điều gì?

Tôi thì thấy rằng, do ngành IT xuất phát từ phương Tây, nên việc dùng từ mượn cho các khái niệm của nó là không thể tránh được. Việc chúng ta cần làm là thống nhất cách đọc, thống nhất khái niệm và cách sử dụng các thuật ngữ đó sao cho tránh sự sai lệch trong giao tiếp nhiều nhất có thể. Cao hơn nữa, là hệ thống hóa lượng kiến thức ấy, sắp xếp chúng từ cơ bản đến nâng cao để không bỏ sót bất kì khía cạnh nào.

Chỉ khi nào có thể hệ thống hóa kiến thức IT từ những điều vụn vặt nhất, chúng ta mới có thể mong đến một ngành IT thực sự ưu việt. Bởi lẽ có một sự thật là ngành IT cũng tuân theo quy luật chung của các ngành khác: Chỉ thực sự thành công khi tích lũy được lượng kiến thức đủ lớn để tiếp tục nghiên cứu lên cao hơn.

Trong khi đó, người lao động ngành IT Việt ít nhiều vẫn còn tính "sợ lý thuyết", coi thường việc tài liệu hóa kiến thức hệ thống/ kỹ thuật lập trình. Có thể bạn, một Dev lão làng đang đọc bài viết này sẽ không thấy khó khăn gì trước các thuật ngữ chuyên ngành. Nhưng những Comtor, Dev trẻ hẳn không ít lần bị bối rối khi gặp các khái niệm đó, để rồi khi hỏi lại thì phải nghe câu: "Ba cái khái niệm này đầy trên mạng/stackoverflow, tự nghiên cứu đi sao phải làm tài liệu làm gì?"

Những lãnh đạo có tầm nhìn đều đã từng hướng nhân viên mình giải quyết vấn đề này. Có công ty thì làm những file hướng dẫn bằng Excel, Word thật dài. Có công ty thì tổ chức seminar rồi cho nhân viên viết bài thu hoạch, trình bày lại những gì học được. 

Và rồi một ngày tháng 5 2019, khi đi phỏng vấn ở Sun*, cách giải quyết vấn đề đó lại nhảy ra ngay trước mặt tôi, trong chiếc tivi treo ở lối vào cty. Cách giải quyết ấy là cái tên vô cùng quen thuộc với Sunner: Viblo.

Đúng rồi! Làm tài liệu làm gì khi chỉ có nhân viên của công ty mình mới đọc được và những "cao thủ" từ các công ty khác không thể cùng bình luận, đánh giá... góp ý?
Seminar cũng hay đấy, nhưng trao đổi ý kiến giữa 10 người và giữa 1000 người, thì sự trao đổi nào sẽ thu được nhiều ý kiến đóng góp hơn?

Bản thân tôi cũng đã chứng thực được tầm quan trọng của Viblo khi bài viết về Kinh nghiệm làm comtor của tôi đăng trên Viblo từng đứng top 2 search Google vào năm ngoái 2020 (Hiện tại đã là top 1, xin cám ơn team Viblo).

Chẳng phải là nghịch lý sao, khi ở thời điểm 2020 mà chỉ có một vài bài viết về kinh nghiệm làm comtor trên mạng cho cộng đồng nghiên cứu còn những tập đoàn IT lớn đã có chương trình đào tạo riêng về kỹ năng làm comtor (có cả giáo trình riêng). Như vậy có thể thấy, còn rất nhiều kiến thức cần được Viblo nói riêng và ngành IT nói chung tổng hợp và hệ thống hóa lại.

Nếu hiện giờ bạn vẫn đang phân vân không biết nghiên cứu và chia sẻ về vấn đề gì, sao không bắt đầu bằng những khái niệm đơn giản nhất, căn bản nhất? Biết đâu bạn sẽ là người đầu tiên viết về nó bằng tiếng Việt thì sao?

Hãy tiếp tục cố gắng nhé, vì các thế hệ sau của ngành IT đang đợi bạn giảng giải ở Viblo đấy!

Phan Duy Van

Chạn Vương 9x


32 Bài đăng

#Viblo