Cầm tiền còn sợ tiền rơi, cầm được 'thứ này' đời đời ấm no
Một phần mềm/chương trình máy tính hay bất kỳ sản phẩm nào khác do trí tuệ con người tạo ra cũng có thể mang lại giá trị vật chất, lợi nhuận và tiềm năng khai thác rất lớn. Bởi vậy, không quá khi cho rằng, cầm quyền sở hữu trí tuệ chính là cầm "vàng".
Hẳn các bạn còn nhớ nhân vật Thánh Code - siêu lập trình viên - đã quen thuộc với chúng ta trong các số trước. Vào một ngày đẹp trời, để 'lấy le' với em gái xinh đẹp mình đang theo đuổi, Thánh Code đã buột miệng “chém gió” rằng mình là một nhà thơ. Dù cũng cố gắng nặn ra một vài vần thơ con cóc, nhưng dường như Thánh Code vẫn thất bại trong việc thuyết phục crush rằng anh là một nhà thơ thực thụ. Thừa nhận mình nói điêu thì mất mặt nam nhi. Mà cố quá có khi thành quá cố, làm thơ mà để cóc nhái kêu ộp oạp thì còn mất mặt hơn.
"Có cách nào để Thánh Code không phải cố nặn thơ con cóc mà vẫn tự tin xưng danh nhà thơ trước mặt crush?"
Thật may Thánh Code có thú vui đọc Bản tin pháp luật của Sun* và bản tin mới nhất đã cho anh biết rằng: Trên cơ sở quy định của pháp luật, Thánh Code đường đường được công nhận là một “nhà thơ”.
Quả có vậy, Khoản 1 Điều 22 của Luật sở hữu trí tuệ có quy định: “Chương trình máy tính được bảo hộ như tác phẩm văn học, dù được thể hiện dưới dạng mã nguồn hay mã máy”.
Theo đó, pháp luật đã thừa nhận chương trình máy tính (phần mềm) được coi như một tác phẩm văn học thì việc Thánh Code nói rằng mình là một nhà thơ hẳn không có gì là sai.
Được pháp luật thừa nhận là nhà thơ và tránh được chuyện bẽ mặt với crush thì thích thật đấy, nhưng:
“Nỗi đời cay cực đang giơ vuốt
Cơm áo không đùa với khách thơ”
Nếu Thánh Code chỉ làm ra những vần thơ con cóc thì đói mốc mồm là đúng rồi. Nhưng nếu Thánh Code viết ra những vần “thơ code” hữu dụng thì câu chuyện lại hoàn toàn khác nhé. Một khi pháp luật đã thừa nhận Thánh Code là một nhà thơ thì cũng sẽ có cách biến những vần thơ của Thánh Code thành vàng.
“Thuật giả kim” biến code thành vàng
Về quyền tác giả đối với chương trình máy tính trong tay, chủ sở hữu quyền được pháp luật thừa nhận và bảo hộ các quyền sau:
1. Quyền chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ
Chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ là việc chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ chuyển giao quyền sở hữu đó cho tổ chức, cá nhân khác theo hợp đồng hoặc theo quy định của pháp luật có liên quan.
2. Quyền chuyển quyền sử dụng quyền sở hữu trí tuệ (hay còn gọi là cấp phép sử dụng - license)
Chuyển quyền sử dụng quyền sở hữu trí tuệ là việc chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng có thời hạn một, một số hoặc toàn bộ các quyền sở hữu trí tuệ của mình.
3. Quyền góp vốn vào công ty bằng quyền sở hữu trí tuệ
Pháp luật doanh nghiệp cho phép góp vốn bằng quyền sở hữu trí tuệ. Do đó, đối với phần mềm, chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ có thể sử dụng các quyền này để góp vốn vào doanh nghiệp. Giá trị góp vốn sẽ do hai bên thỏa thuận định giá hoặc thông qua một bên định giá thứ ba độc lập và được quy định trong Điều lệ, thỏa thuận góp vốn giữa các bên.
4. Quyền thế chấp/cầm cố quyền sở hữu trí tuệ
Pháp luật cũng cho phép sử dụng các quyền sở hữu trí tuệ liên quan phần mềm làm tài sản bảo đảm trong các giao dịch tín dụng, vay vốn.
Tất cả các quyền nêu trên đều cho phép Thánh Code biến những dòng code mình viết thành vàng (với điều kiện anh là chủ sở hữu quyền đối với những dòng code ấy - câu chuyện về chủ sở hữu/tác giả đã được bàn tới trong kỳ trước).
Vậy là Thánh Code đã nắm trong tay “thuật giả kim” để khai thác triệt để giá trị từ những tài sản trí tuệ, ở đây là những vần “thơ code”, những phần mềm/chương trình máy tính anh làm ra hoặc sở hữu. Công cuộc chinh phục crush cũng không còn quá xa vời vì một khi đã cầm quyền trí tuệ thì đời đời ấm no, không lo chết đói. (Tuy nhiên, cần lưu ý rằng khi thực hiện các quyền trên, Thánh Code nên nhận được tư vấn của luật sư để đảm bảo tốt nhất quyền lợi của mình.)
Cầm vàng đừng để vàng rơi!
Biết được cách biến code thành "vàng" rồi, giờ đây điều Thánh Code cần là bí quyết để giữ "vàng" sao cho thật chặt. Đây chính là lúc các công cụ bảo vệ quyền mà pháp luật trang bị cho chủ sở hữu phát huy tác dụng.
Hãy xem Thánh Code được cung cấp những công cụ nào để bảo vệ "vàng" - quyền sở hữu trí tuệ của mình đối với phần mềm/chương trình máy tính, hay nói cách khác, một phần mềm/chương trình máy tính có thể và nên được bảo hộ dưới những hình thức gì:
1. Quyền tác giả
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, quyền sở hữu trí tuệ đối với phần mềm được bảo hộ dưới hình thức quyền tác giả. Quyền tác giả được pháp luật mặc nhiên công nhận và bảo hộ nhưng việc đăng ký để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả cho phần mềm máy tính cũng là một việc nên cân nhắc để đảm bảo tốt hơn quyền lợi của mình, và tránh các tranh chấp có thể phát sinh trong tương lai.
Thời hạn bảo hộ quyền tài sản của quyền tác giả là suốt cuộc đời tác giả và 50 năm tiếp theo năm tác giả chết.
2. Bí mật kinh doanh
Bên cạnh việc bảo hộ theo quyền tác giả, nhiều cấu phần của phần mềm máy tính, ví dụ như các dòng code hoặc ý tưởng, có thể được bảo hộ theo hình thức bí mật kinh doanh.
Bí mật kinh doanh được bảo hộ vô thời hạn khi đáp ứng được các điều kiện sau:
- Không phải là hiểu biết thông thường và không dễ dàng có được
- Khi được sử dụng trong kinh doanh sẽ tạo cho người nắm giữ bí mật kinh doanh lợi thế so với người không nắm giữ hoặc không sử dụng bí mật kinh doanh đó
- Được chủ sở hữu bảo mật bằng các biện pháp cần thiết để bí mật kinh doanh đó không bị bộc lộ và không dễ dàng tiếp cận được.
Do đó, việc ký Thỏa thuận bảo mật thông tin và tuân thủ chặt chẽ quy trình bảo mật thông tin đối với các công ty phần mềm là vô cùng quan trọng.
3. Nhãn hiệu
Gắn liền với phần mềm khi được thương mại hóa thì tên của phần mềm (bao gồm cả biểu tượng, logo) cũng được pháp luật về sở hữu trí tuệ bảo hộ và tạo ra lợi thế cạnh tranh đáng kể cho chủ sở hữu phần mềm. Để được bảo hộ thì nhãn hiệu cần phải được đăng ký và được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.
Như vậy, chúng ta đã cùng với Thánh Code hiểu được giá trị của quyền sở hữu trí tuệ và tầm quan trọng của việc nắm được các công cụ bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Một phần mềm/chương trình máy tính hay bất kỳ sản phẩm nào khác do trí tuệ con người tạo ra cũng có thể mang lại giá trị vật chất, lợi nhuận và tiềm năng khai thác rất lớn. Theo đó, không quá khi cho rằng cầm quyền sở hữu trí tuệ chính là cầm "vàng". Và một khi đã cầm "vàng", hãy chắc chắn rằng bạn được trang bị đủ kiến thức để sử dụng "vàng" hợp pháp, đúng mục đích và thật hiệu quả.