Cao Thành: Đến công ty mà không có challenge thì 'tôi sẽ ở nhà trông con'
Trong suốt cuộc nói chuyện, 2 từ mà Cao Thành nhắc đến liên tục là ‘challenge’ và ‘improve’. 4 năm trước, Thành tìm kiếm thử thách để cải thiện kỹ năng của mình còn giờ đây, anh tập trung điều đó cho member trong team. Khuôn mặt Thành không giấu được niềm vui khi kể về thành công của member bởi anh tin rằng, một tổ chức chỉ có thể phát triển khi mỗi cá nhân phát triển mỗi ngày.
Cao Thành- Unit 2 là người ưa những thử thách. Những challenge khiến Thành yêu công việc hơn. Anh tin rằng, mỗi người sẽ trưởng thành và tạo ra nhiều giá trị hơn cho công ty khi vượt qua những thử thách. Anh chàng nửa đùa nửa thật nói với tôi: "Nếu đến công ty mà không có challenge nào thì tôi sẽ ở nhà trông con". Điều khiến Thành ví von như vậy là bởi, việc trông con với anh luôn là một challenge cực khó nhằn.
Người ưa thử thách
Cao Thành từng là key member trong một công ty startup, với không ít hứa hẹn thăng tiến. Nhưng Thành xin nghỉ, vì nhận ra, anh cần thêm thử thách cho chính mình. “Tôi luôn tự hỏi liệu kinh nghiệm của mình có thể áp dụng ở quy mô lớn hơn không?”. Vậy là Thành đến Sun* (khi ấy là Framgia), vào ngày 1/1/2016.
Ngày đầu tiên đi làm, Thành nhận được cái vỗ vai của anh Xuân Sơn - Manager Unit 2: “Anh có dự án này hay lắm, chú có hứng thú không?”. ZDC khi ấy là dự án khó nhằn bởi làm chuyên sâu về bản đồ, khách hàng sử dụng hệ thống dữ liệu riêng, không có spec rõ ràng. Nếu làm được, team sẽ nhận được nhiều dự án khác. Cả team hò nhau “quyết làm”.
Thừa nhận “có những lúc cả team code trong tuyệt vọng” nhưng không ai bỏ cuộc, sự quyết tâm hiện lên trong từng code. Khó khăn qua đi, ZDC chứng minh được thành công khi được đề cử Dự án của năm tại FAA 2016 và được khách hàng trao kỷ niệm chương tại FAA 2018. Còn Thành đã trưởng thành hơn nhiều nhờ ZDC.
Từ role dev, Thành trở thành team leader, quản lý nhiều dự án và thành viên hơn. Từ người chỉ nghĩ làm sao cho dự án chạy tốt, giờ đây, Thành chịu trách nhiệm phát triển team 17 người và 4-5 dự án.
Leader phải biết đặt thử thách cho member
Theo Cao Thành, người leader cần có đủ ‘nhạy cảm’ để tìm kiếm và đặt challenge cho member. Phải làm sao để thử thách khớp với khả năng và mong muốn phát triển của cá nhân. Challenge phải là cơ hội để mỗi người improve bản thân.
Giọng Thành sôi nổi: “Một thành viên trong team ‘mã đáo thành công’ với dự án dài 1 tháng. Là dev Android, bạn ấy chưa từng code iOS. Khối lượng công việc khá nhiều nhưng tôi đánh giá nó vừa sức với bạn ấy”.
Không dễ để một người vượt ra khỏi vùng an toàn, nên Thành phải liên tục động viên ‘Làm xong chú sẽ thay đổi mạnh về kinh nghiệm. Cứ yên tâm, anh sẽ theo chú”.
Dự án delivery thành công, nếu Thành mãn nguyện vì có member đa năng, có thể làm cả iOS và Android thì bạn member đã tự tin hơn vì vượt qua vùng an toàn.
“Challenge là cách tốt nhất để thay đổi về chất và lượng của một cá nhân. Chỉ trong thời gian ngắn, bạn ấy đã tự học và khám phá ra những khả năng mới của mình. ” - Thành hào hứng nói về cách anh đang áp dụng.
Luôn trong tâm thế thúc đẩy member phải trưởng thành, Thành bảo anh khá “lười” chia sẻ kinh nghiệm. Không phải vì ích kỷ mà bởi quan điểm “không nên chuyện gì cũng nói trước. Có khó khăn mới trưởng thành”. Việc của leader như Thành là tính toán thời điểm thích hợp để đưa ra chỉ dẫn.
Road to full stack
Là team mới, group của Thành chưa có tên nhưng box chung của cả team được đặt tên là Road to full stack. Đây không phải sự áp đặt, đúng hơn nó là nguồn cảm hứng anh muốn truyền cho các member, như mục tiêu cần đạt được với thử thách thay đổi khi Sun* trở thành Creative Studio.
“Tôi muốn các thành viên trong team chuẩn bị đầy đủ về mặt kiến thức và kỹ năng ở các mảng khác nhau, từ tech đến quản lý dự án. Vì thế, Full stack là điều tôi muốn cả team hướng đến. Việc tích lũy đủ kiến thức từ front-end đến back-end, giúp mỗi developer vận hành sản phẩm trơn tru. Khi đó, mỗi người sẽ tự tin và chủ động trở thành partner của khách hàng, có thể trao đổi, góp ý và đề xuất ý tưởng làm sản phẩm tốt hơn, góp phần vào những giá trị cho cộng đồng mà công ty đang hướng tới” – Thành nói.
Sau mỗi chặng đường, Thành sẽ cùng member nhìn lại và đánh giá. Thứ văn hóa ở Sun* mà Thành luôn trân quý là việc có thể góp ý thẳng thắn, stay focused vào vấn đề với sếp để đưa ra bước phát triển tiếp theo.
“Tôi sẽ duy trì điều này như điều bất di bất dịch trong team, vì một mục tiêu chung ‘phát triển và tạo ra những giá trị cho chính mình và công ty” - Thành nhìn tôi với anh mắt cương quyết.