Đằng sau một "người hiểu biết"
Theo bạn, một người giàu có, có phải là một người hiểu biết không? Câu trả lời là chưa chắc. Một người có nhiều bằng cấp có phải là một người hiểu biết không? Câu trả lời là chưa chắc. Người có quyền cao chức trọng, địa vị xã hội có phải là người hiểu biết không? Câu trả lời là chưa chắc. Vậy "người hiểu biết" là người như thế nào?
Muốn biết một người có phải là "người hiểu biết" hay không? Hay chính mình có phải "người hiểu biết" hay không, 3 câu hỏi dưới đây sẽ giúp bạn.
Họ có biết chấp nhận ý tưởng mới không?
Một người hiểu biết là một người biết chấp nhận ý tưởng mới.
Thông thường, trong công việc hay cuộc sống của bạn, bạn nói chuyện, tương tác với ai đó mà người ta nói cho bạn một thông tin, một câu chuyện, một kiến thưc nào đó, trong não của bạn sẽ bật lên câu hỏi: "Đúng hay sai?", "Phải hay trái?", và bạn sẽ áp dụng tất cả những kinh nghiệm, kiến thức, trải nghiệm, những gì có trong trí nhớ bạn từ trước đến nay để trả lời cho câu hỏi "Đúng hay sai" ấy. Nếu như thông tin đó hợp với kiến thức, những gì bạn đã trải nghiệm thì bạn sẽ dễ dàng chấp nhận nó. Nhưng nếu như nó lệch với những suy nghĩ, hiểu biết, kiến thức của bạn, thì lập tức bạn sẽ tìm mọi cách để phản biện.
"Thế giới này được vận hành bởi những điều đúng hay là những điều được cho là đúng?"
Câu trả lời là "Được cho là đúng".
Có rất nhiều điều từ trước đến nay đúng, nhưng sau đó người ta chứng minh được rằng nó không còn đúng nữa. Có rất nhiều điều từ trước đến nay được cho là không đúng, nhưng sau đó người ta lại chứng mình bằng thực tế khoa học là đúng. Vậy nên, đúng hay không đúng chỉ ở một góc nhìn, một thời điểm, một hoàn cảnh, một vấn đề ai quyết định nó mà thôi!
Trong thực tế, chẳng có gì là tuyệt đối cả.
Một người hiểu biết là một người biết chấp nhận ý tưởng mới. Chấp nhận một ý tưởng mới là biết chấp nhận nó khác với góc nhìn, suy nghĩ của mình.
Người hiểu biết không vội bình luận, phán xét đúng - sai với bất kì quan điểm, ý kiến trái chiều nào. Người hiểu biết không bao giờ bình phẩm, đánh giá những ý kiến khác biệt, họ luôn tìm ra được những giá trị từ những khác biệt đó, móc nối với ý kiến của bản thân, hướng đến mục tiêu chung để có phản hồi hợp lý.
Họ có biết chấp nhận người khác không?
Người hiểu biết là một người biết chấp nhận những người khác mình.
"Chấp nhận người khác có khó không?" - "Có!"
"Vì sao vậy?"
Bởi vì những người khác, khác mình. Bởi vì chấp nhận người khác là chấp nhận sự khác biệt, chấp nhận sự khác biệt khó bởi vì tâm lý con người thường có xu hướng thích những người có đặc điểm (tính cách, lối sống, suy nghĩ, kiến thức, trình độ..) giống như mình. Những người có đặc điểm khác mình thì chúng ta thường không thích, và đối nghịch với nhau đôi khi còn tạo thành xung đột.
Trong cuộc sống này, có bao nhiêu người giống mình? Những người giống mình hay những người khác mình nhiều hơn?
Có thể bạn đã từng được nghe câu: "Tính tôi thế đấy, chơi được thì chơi, không chơi được thì thôi". Bạn thấy rất rõ một điều là, con người ta hay bị rơi vào hình huống coi mình là trung tâm và cái vị kỉ cá nhân này làm cho chúng ta dễ dàng bị cô lập hoặc không được đánh giá cao. Chưa kể những kiểu người này còn gặp phải những tình huống như: những người sẵn sàng điều chỉnh để chạy theo bạn là bởi vì bạn có một "cái gì đó", nhưng nếu bạn không có gì đó cho họ thì người ta sẽ chạy theo người khác.
Nếu bạn không chấp nhận sự khác biệt thì bạn sẽ bỏ rơi rất nhiều cơ hội đến từ những người khác mình. Nếu bạn không chấp nhận sự khác biệt thì bạn sẽ luôn nhìn thấy khoảng cách với người vợ của mình, có xung đột với sếp của mình hay thấy chồng hoặc sếp người khác "ngon" hơn.
Tại sao mình lại khó có tiếng nói chung với đồng nghiệp? Tại sao sếp không hiểu mình, không ghi nhận mình? Bởi vì bạn luôn tạo ra một khoảng cách, bởi vì bạn không chấp nhận sự khác biệt của họ. Nếu như bạn chấp nhận sự khác biệt thì bạn sẽ điều chỉnh bản thân để tiếp nhận cơ hội từ sự khác biệt đó.
Người hiểu biết là người luôn tìm kiếm và tiếp nhận những điều tốt đẹp từ những người khác biệt trong cuộc sống của mình.
Họ có biết chấp nhận bản thân không?
Người hiểu biết là người biết chấp nhận bản thân
Người hiểu biết là người biết được mình là ai, điểm mạnh, điểm yếu của mình là gì để từ đó có những phương án, kế hoạch hợp lý cho bản thân, nhằm gặt hái được thành quả tốt. Chẳng có ai trên đời này là hoàn hảo cả. Mỗi người đều có thế mạnh riêng của mình. Thành công trên cuộc đời này có 13 dạng năng lực. Nếu bạn không có năng lực này, bạn có thể sẽ sở hữu những năng lực khác.
Bởi vì biết mình là ai, nên người hiểu biết cũng sẽ không tham gia vào những câu chuyện không phải của mình, không tranh luận những điều mà bản thân mình không nắm rõ, khiêm tốn ở mọi lúc, mọi nơi, đó cũng chính là biểu hiện của việc chấp nhận bản thân, hiểu rõ bản thân như thế nào!
Có một điểm nữa mà người hiểu biết sở hữu, đó là họ có chỉ số AQ (Adversity Quotient), gọi tắt là chỉ số vượt khó cao. AQ đo khả năng đối xử/quản lý nghịch cảnh, khó khăn, stress của con người. Bên cạnh những đại lượng quen thuộc như IQ (chỉ số thông minh) hay EQ (chỉ số cảm xúc), AQ hiện được coi là một trong những chỉ số định lượng các phẩm chất tạo nên thành công của con người.
Người hiểu biết chấp nhận bản thân trong những nghịch cảnh và luôn chủ động tìm lối thoát. Họ sẽ tìm ra phương án để xử lý mọi tình huống, bất kể nguyên nhân, thay vì trốn tránh trách nhiệm và đổ thừa cho người khác, yếu tố khác.
Tóm lại, đằng sau một "người hiểu biết" là sự tích cực đón nhận những khác biệt, biết được mình là ai trong tất cả các vấn đề của cuộc sống, chủ động tìm ra những giá trị tốt đẹp cho bản thân và cộng đồng.